Nấm
Phiên dịch tự do tại Hà Nội

Trong thái độ làm việc cất giấu tương lai của bạn! Bài học ý nghĩa bạn nên đọc một lần trong đời!

Đăng 6 năm trước

Những câu chuyện sâu sắc về công việc, về cuộc sống đáng để mỗi chúng ta đọc ít nhất một lần trong đời.

Mấy ngày trước, tôi có tham gia một buổi liên hoan cuối năm của ngành. Những người trong nghề tụ họp lại với nhau, chủ đề trò chuyện riêng tự nhiên cũng không tách khỏi công việc. Trong số chúng tôi, Lý Lượng được tính là người hay nói, mỗi lần nhắc tới công việc là lý lẽ hùng hồn. Nhưng chẳng mấy chốc, tôi nhận ra, anh ta rất thích gắn hai chữ "đại khái" lên miệng. Lý Lượng nói với chúng tôi, anh ta đã làm việc ở vị trí này được sáu năm rồi. "Bao nhiêu năm nay, quan niệm làm việc của tôi là cái gì có thể đại khái được thì đại khái, mỗi ngày chỉ cần hoàn thành nhiệm vụ là được." "Việc nhỏ thì có thể đại khái được, những vấn đề mang tiếng nguyên tắc thì vẫn phải làm nghiêm chỉnh." Một người đồng nghiệp bên cạnh cười đáp. Anh ta xua tay ra chiều phản đối: "Đó là vì anh quá cứng nhắc rồi, anh xem tôi đây này, không phải vẫn ứng phó rất ổn sao."  Tiếp đó, anh ta lại thuận miệng chê trách lãnh đạo của mình, nói lãnh đạo thích ra vẻ, lại xa cách, bản thân làm việc ở đơn vị bao nhiêu năm, không có công thì cũng góp sức, thế nhưng từ trước tới nay không có lấy một cơ hội thăng chức tăng lương. "Thế nên tôi mới bảo đại khái là được rồi, đừng làm việc quá tích cực, vô ích thôi!" 

Nói đến đây, thấy những đồng nghiệp bên cạnh không đáp lời, Lý Lượng mới thấy nhàm chán mà im lặng. Nghe xong những lời này, tôi không khỏi cẩn thận đánh giá con người này. Tuổi ngoài ba mươi, nhưng tóc đã rụng rất nhiều, trên khuôn mặt đầy vẻ mệt mỏi như viết rõ dòng chữ "không muốn phấn đấu". Tuy nói con người không thể trông mặt mà bắt hình dong, nhưng có thể tưởng tượng ra được sự "đại khái" của anh ta đối với công việc suốt bao năm nay, trông như có vẻ anh ta đã giảm được áp lực, nhưng trên thực tế, anh ta đã đánh mất cuộc đời mình trong vô thức.

Một người luôn làm việc với thái độ "đại khái", đời người nhất định sẽ "đại khái" mà sống qua ngày. Sự xuất hiện của anh chàng "đại khái", khiến tôi nhớ đến câu chuyện của một cô nàng Anh Tử "tạm đi". Anh Tử là đồng nghiệp cũ của tôi. Ở công ty, Anh Tử đảm nhiệm công việc trợ lý hành chính, câu cửa miệng của cô luôn là: Dùng tạm đi. Mỗi ngày, Anh Tử luôn căn đúng giờ tan làm, đi làm muộn lại như cơm bữa, nguyên nhân là bận yêu đương. Bàn làm việc của cô bao giờ cũng lộn xộn nhất văn phòng, đủ loại giấy tờ văn kiện chất vào một chỗ, mỗi lần cần giấy tờ gì, cũng phải tốn công lật tìm. Bởi điều này, tôi đã từng nhắc cô, hãy phân loại ra trước, nhưng lần nào cô nàng cũng chỉ cười cười mà cho qua, rồi lại như cũ hết giờ thì trang điểm, gõ giầy cao gót đi ra khỏi văn phòng. Lần nào cũng vậy, chưa nghe xong chữ tạm biệt, đã chẳng thấy bóng dáng đâu. Thế nhưng dù có như vậy, tình yêu của Anh Tử cũng vẫn thất bại. Không những vậy, vì chìm trong nỗi đau thất tình, trong công việc càng ngày càng xuất hiện nhiều nhầm lẫn sơ xuất, cho đến một ngày, không cẩn thận ném tài liệu gốc của khách hàng vào máy nghiền giấy.


Trong lúc hốt hoảng, Anh Tử nghĩ đến việc kéo tôi đi cùng để lấy can đảm, cùng đi tìm giám đốc bộ phận giải thích. Giám đốc là một người phụ nữ cực kỳ giỏi giang, nghe xong chị không tỏ ý phẫn nộ, mà thở dài một tiếng, rồi nói: "Em phải hiểu rằng, không phải mọi hy sinh trong tình yêu đều có kết quả, nhưng chỉ cần em đủ cố gắng, công việc sẽ không bao giờ phụ em". Sự kiện "máy nghiền giấy" sau vài rắc rồi, cuối cùng cũng được giải quyết, không lâu sau đó, Anh Tử bị điều đến một bộ phận khác. Về sau, cô ấy nói với tôi, cô rất biết ơn lời dạy bảo của giám đốc, giúp cô kịp thời hiểu ra rằng công việc mới là đạo lý làm người quan trọng. Một người ngay cả công việc cũng làm không tốt, thì lấy đâu ra khả năng và tư cách để theo đuổi hạnh phúc? 

Những người luôn làm việc theo kiểu ứng phó đều có tâm trạng thế này: cảm thấy thời gian lâu rồi, mỗi ngày đều lặp lại những công việc có tính chất giống nhau, vừa không tìm thấy niềm vui lại không thấy được đền đáp. So với chuyện vất vả, không bằng cứ ứng phó được ngày nào hay ngày đó. Nhưng lại không biết rằng, có thể làm tốt những công việc bình thường, vốn là một khả năng rất cừ. Bởi kéo xa chênh lệch giữa người với người, không phải là những việc bạn làm, mà là thái độ khi bạn làm những việc ấy.

Không lâu trước đây, trong một lần giao hàng, cậu shipper phụ trách khu vực nhà tôi đã chào tạm biệt tôi, nói rằng bắt đầu từ tuần sau, cậu ấy sẽ vào làm ở một công ty giao hàng khác có quy mô lớn, làm người phụ trách khu vực. Nghe được tin này, đầu tiên tôi thấy bất ngờ, nhưng ngẫm lại, cảm thấy rất hợp lý. Tuy chỉ là một công việc giao hàng bình thường, nhưng cậu ấy chưa từng làm việc với thái độ ứng phó. Mỗi lần giao hàng, luôn tươi cười xác nhận thân phận người nhận hàng, sau đó đợi khách hàng mở hàng, xác nhận hàng không có sai sót gì rồi mới đi. Bởi làm việc nghiêm túc yêu nghề, thái độ thân thiện hòa nhã, khi có đồ gì cần gửi, khách hàng luôn nghĩ tới cậu ấy đầu tiên, cậu ấy cũng trở thành nhân viên giao hàng được yêu mến nhất khu vực. Tôi cười hỏi cậu ấy có phải được công ty khác trả lương cao kéo đi không, cậu ấy ngại ngùng gật đầu, thì ra là bởi công ty ấy đã nghe thấy những lời khen ngợi về cậu ấy trong ngành.


Bạn xem, thật ra cuộc sống rất công bằng. Từng công sức, từng cố gắng bạn bỏ vào công việc, không những tích lũy uy tín cho bản thân, hơn nữa là tạo nên giá trị cho bản thân mình. Những điều này tổng hợp lại, chính là tương lai mà người ấy có thể đạt được. 

Trên mạng từng lưu hành một câu nói thế này: Thời gian ngoài 8 giờ đồng hồ, quyết định thành tựu của một con người. Nói thật rằng, tôi cảm thấy lời này nếu muốn có tác dụng, cần phải thêm một điều kiện tiền đề: Trước tiên hãy làm tốt công việc của 8 giờ đồng hồ. Nếu không, bạn nói xem một người luôn làm việc với thái độ ứng phó đại khái qua loa trong thời gian 8 tiếng đồng hồ, ngoài 8 tiếng ấy, còn có được thành tựu gì cơ chứ? Tiền đề của sống hết mình, nói đến cùng chính là làm việc hết mình. Inamori Kazuo từng nói rằng: Con người cần gì phải xa cách thế tục? Môi trường làm việc chính là nơi bồi dưỡng tinh thần, bản thân công việc chính là một kiểu tu hành. Lời này thực sự có lý. Trên thực tế, không có việc gì dễ dàng cả, cũng không có bất kỳ một công việc nào khi bạn vừa bắt đầu đã có tiền đồ rộng mở cả. Bất kỳ một thành tựu nào cũng đòi hỏi bạn phải nỗ lực cố gắng, từng bước một tiến xa dần. Mà chênh lệch giữa người với người càng kéo càng xa là bởi vì có người ngay từ đầu đã hiểu được ý nghĩa của việc làm việc tận tâm, có người lại luôn coi ứng phó là thông minh, kết quả là đánh mất tương lai rộng mở. Bacon có một câu danh ngôn: Đời người giống như đường đi, đường tắt gần nhất luôn là đường xấu nhất. Đừng bao giờ làm việc qua loa. Bạn làm việc với thái độ thế nào, thì sẽ thu hoạch lại một cuộc đời như thế.

(Inamori Kazuo được biết đến là một huyền thoại kinh doanh ở Nhật Bản. Không chỉ là người sáng lập và dẫn dắt hãng Kyocera trở thành một công ty công nghệ cao đa quốc gia với hơn 66.000 nhân viên. Mà còn là người đã cứu Japan Airlines trên bờ vực phá sản. )

Xem thêm

-Nấm dịch-

Chủ đề chính: #thái_độ_làm_việc

Bình luận về bài viết này
1 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn