Damien

Trung Quốc thành công trong việc nhân bản vô tính khỉ - tiếp theo là nhân bản người?

Đăng 6 năm trước

Các nhà khoa học Trung Quốc đã nhân bản vô tính thành công hai chú khỉ bằng cùng kỹ thuật tạo ra cô cừu Dolly 2 thập kỷ trước, phá vỡ rào cản kỹ thuật để mở ra cánh cửa nhân bản vô tính người.

Zhong Zhong và Hua Hua là hai chú khỉ đuôi dài giống hệt nhau được sinh ra lần lượt 6 và 8 tuần trước, chúng là những con linh trưởng đầu tiên được nhân bản từ tế bào gốc trên thế giới.

Điều này đã được thực hiện bằng quá trình chuyển nhân tế bào soma (SCNT), bằng cách chuyển DNA từ nhân của một tế bào vào một tế bào trứng khác đã tách nhân. 

Các nhà nghiên cứu tại Học viện khoa học thần kinh ở Thượng Hải cho biết nghiên cứu của họ đóng góp cho y học bằng cách cho phép nghiên cứu bệnh trong quần thế khỉ đồng nhất gen. 

Nhưng điều này cũng biến việc nhân bản con người thành một điều khả thi. “Con người cũng là động vật linh trưởng. Vì vậy việc nhân bản thành công khỉ, cũng là một động vật linh trưởng khác đã phá vỡ rào cản kỹ thuật cho việc nhân bản người.” Muming Poo, giám sát viên của chương trình tại viện nghiên cứu, tiết lộ với phóng viên. 

Động vật giống hệt nhau về mặt di truyền rất hữu ích cho quá trình nghiên cứu bởi vì chúng không có các yếu tố gây nhiễu do biến đối di truyền ở các động vật khác. Chúng có thể được sử dụng để thử thuốc cho nhiều loại bệnh trước khi đưa ra sử dụng lâm sàng.

Hai chú khỉ mới sinh hiện tại đang được nuôi bằng sữa bình và vẫn phát triển một cách bình thường. Các nhà nghiên cứu cho biết họ đang mong đợi sẽ có thêm những chú khỉ nhân bản được ra đời trong những tháng tới. 

Từ khi cừu Dolly được sinh ra tại Scotland năm 1996, các nhà khoa học đã sử dụng thành công kỹ thuật SCNT để nhân bản hơn 20 loài khác, bao gồm bò, lợn, chó, thỏ và chuột.

Tuy nhiên, các nghiên cứu tương tự ở các loài linh trưởng luôn gặp thất bại, khiến một số chuyên gia nghi ngờ các loài linh trưởng có khả năng chống lại quá trình này. 

Nghiên cứu mới được công bố vào thứ Tư trên tạp chí Cell cho thấy điều này là không chính xác. Nhóm nghiên cứu Trung Quốc đã thành công sau nhiều lần tiến hành bằng cách sử dụng các bộ điều chế để chuyển đổi hoặc tắt hẳn các gen gây ức chế sự phát triển phôi. 

Mặc dù vậy, tỉ lệ thành công của họ còn rất thấp và kỹ thuật này chỉ hiệu quả với nhân tế bào lấy từ tế bào thai nhi chứ không phải tế bào trưởng thành như trường hợp của cừu Dolly. Trong số 127 trứng tiến hành thử nghiệm, chỉ có 2 trường hợp của Zhong Zhong và Hua Hua là thành công.

Robin Lovell-Badge, chuyên gia nhân bản tại Viện Francis Crick, người không tham gia vào quá trình thử nghiệm nói: "Đây vẫn là một phương pháp quá nguy hiểm và thiếu hiệu quả. Công trình nghiên cứu này không phải là một bước tiến để thiết lập các phương pháp nhân bản vô tính con người. Sẽ thật là ngu ngốc nếu cứ tiếp tục điều này.” 

Nghiên cứu này nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của Trung Quốc trong lĩnh vực khoa học sinh học, nơi mà các nhà khoa học của họ đôi lúc đã chạm vào ranh giới đạo đức. Ba năm trước, các nhà nghiên cứu tại Đại học Sun Yat-sen ở Quảng Châu đã gây phẫn nộ khi họ báo cáo việc thực hiện thí nghiệm đầu tiên để chỉnh sửa DNA của phôi người, mặc dù những nghiên cứu tương tự giờ cũng được thực hiện ở Hoa Kỳ. 

Mặc dù các nhà khoa học tại Học viện Thượng Hải cho biết họ đã làm theo những hướng dẫn quốc tế về nghiên cứu động vật do Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ đặt ra, nhưng vẫn vấp phải tranh luận về việc nên hay không cho phép thực hành nhân bản các loài linh trưởng. 

Theo Reuters

Chủ đề chính: #nhân_bản_vô_tính

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn