Da Cheetah My full name is Trinh Lien Phuong, you can call me Cheetah or Da. I want to be a professional writter who can bring a lot of interesting things for everyone. I'm into reading love stories or watching romantic films so that I will share you guys whatever I know. Hope you guys will support me. Thanks!

[ Truyện ngắn ] Nếu còn một ngày để sống

Đăng 6 năm trước

Truyện ngắn by Cheetah

Tôi 18, bốn năm trước…

Ngày hôm đó trời mưa tầm tã, tôi cùng nhỏ bạn thân ba năm cả gan nói dối ba mẹ, nắm tay nhau thách thức mọi giới hạn, vượt qua một quãng đường vạn dặm, để đặt chân tới Sài Gòn. 

Năm đó chúng tôi học lớp tám, tức là mười bốn tuổi.

Nghe thì có vẻ quá hư cấu. Hai đứa con nít thì làm sao có thể qua mặt ba mẹ mà qua đêm ở một nơi khác, lại còn là một nơi rất xa Cần Thơ, rất xa đối với lứa tuổi của chúng tôi. Thật ra bọn trẻ con rất thông minh,mười bốn tuổi là cái tuổi đủ lém lỉnh để khiến ba mẹ có thể tin tưởng tuyệt đối vào những câu chuyện do chúng đặt ra, lại còn ra vẻ ngây thơ vô số tội thì kiểu gì họ cũng mềm lòng.

Trước đó một ngày, tôi và nhỏ Mộng bàn bạc hết kế hoạch. Mỗi đứa xin gia đình cho về quê đứa kia chơi và ngủ lại một đêm, nói thêm là ba mẹ của nó mời. Rõ ràng có thêm một lí do thì thêm một niềm tin, mà niềm tin lại càng nhân đôi khi có sự xuất hiện của những người quản giáo đáng tin cậy. Ba mẹ bọn tôi tin răm rắp, còn chủ động sắp xếp đồ đạc, cho thêm vài gói bánh, mấy gói kẹo dẻo để dành ở bếp, mọi thứ thật chu đáo. Bước cuối cùng để rời khỏi nhà một cách an toàn, thì trăm sự nhờ Mộng, nhỏ này tính tình tuy không thực tế hay mơ mộng đủ kiểu, nhưng được cái lanh lợi, nó là người ra khỏi nhà trước rồi bắt taxi để qua rước tôi.

Mưa càng lúc càng nặng hạt, những hạt mưa tựa như mấy viên đá viên trong tủ lạnh mà mẹ tôi hay để vào khuôn, càng lúc càng lớn dần tạo nên một thứ âm thanh chói tai. Tôi ghét mưa, cực kì ghét, vì ba tôi bị cận. Mỗi lần đi học về mà trời mưa, tôi ngồi phía sau luôn được ba che chở, mặc dù vậy nhưng tôi vẫn cảm nhận được từng hạt mưa như đang dùng sức để quật vào người tôi, nó đau như bị đánh đòn vậy. Ấy thế mà ba tôi ngồi phía trước lại hứng hết những trận đòn đó, không những thế chúng còn làm mờ lớp kính cận cũ kĩ. Và một lần nọ, tôi và ba va chạm phải chiếc xe máy khác trong lúc trời mưa dữ dội, ba vì đỡ tôi mà chân bị bong gân, phải băng bó hai tháng trời.

Ngồi trong chiếc xe khách đông người, nhỏ Mộng thì cắm tai nghe vừa nghe nhạc vừa lướt Facebook, còn tôi vẫn đang trong tình trạng thơ thẩn nghĩ về mưa. Sáu tiếng đồng hồ trôi qua, tôi không chợp mắt tí nào, rõ ràng tiếng mưa quấy rầy không cho tôi ngủ, tôi lại càng ghét mưa hơn. Nhìn sang Mộng, tôi thấy nó ngủ ngon lành không biết trời trăng gì, thầm thở dài tại sao mình lại có con bạn có thể ngủ được trong mọi mặt trận như vậy. Nhìn thấy tai nó còn lơ lửng cái tai nghe Iphone, tôi vừa định lấy xuống thì chiếc xe khách dừnglại, máy cũng ngừng nổ, ghế ngồi cũng không còn rung lắc nữa. Vậy là đã đến Sài Gòn.

“Ái chà! Thành phố bé đến thế thôi, mà tìm hoài chẳng được.Tìm hoài sao chẳng thấy nhau giữa chốn đông người.” Nhỏ Mộng đeo ba lô trước ngực, xuất khẩu thành thơ.

“Đó là bài hát chứ không phải bài thơ.” 

Vẻ mặt của Mộng sau câu đó kiểu như đang nói chuyện với bà cụ non khó tính, nó đánh trống lãng rồi nhanh chân chạy đi bắt xe ôm. Tôi và Mộng cũng chỉ là mấy đứa con nít, tiền để dành không nhiều đến nỗi có thể sang chảnh mà đi taxi, cho nên chúng tôi đành đi xe ôm. Hồi đó đâu có Grab như bây giờ, toàn phải tự đi tìm xe ôm mà đi. Tính ra thời buổi hiện đại phát triển gớm, mấy anh chạy Grab công nhận được tuyển chọn rất kĩ về nhan sắc. Sau khi tìm được mấy chú xe ôm,chúng tôi nhờ họ đưa đến khách sạn quận Phú Nhuận, cũng may đây là khách sạn mà ba mẹ thường đưa tôi đi lúc nhỏ, nên cũng có thể coi là đáng tin cậy.

“Cuối cùng cũng được nằm giường ấm nệm êm, ngồi trên xe mà tao cứ tưởng đi tàu lượn siêu tốc.” Mộng Mộng vừa vào được phòng đã bò, lếch,chà, nằm lì trên giường.

“Thế mà có đứa vẫn ngủ ngon lành.” Tôi sắp xếp đồ đạc,bĩu môi.

Nhỏ Mộng lại đánh trống lãng “Ê mà lúc nãy, cô Tư không nhận ra bọn mình.”

“Nhìn kĩ đi, tụi mình đã lớn rồi.”

Tôi và Mộng xoay đầu lại nhìn vào chiếc gương trên cánh cửa tủ quần áo. Quả thật chúng tôi khác xưa nhiều rồi. Chúng tôi cao hơn,chững chạc hơn, vẻ ngây thơ lúc nhỏ của chúng tôi cũng dần mờ nhạt đi, kể cả suy nghĩ táo bạo lúc này nữa.

Lúc ở Cần Thơ chúng tôi đã sắp xếp hết lịch trình là đi những nơi nào. Nhưng không hiểu sao khi đặt chân đến đây, tôi lại muốn thay đổi. Tôi không muốn đi ăn uống những nơi sang trọng, cũng không muốn vui chơi trong trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí. Khi tôi đề xuất việc này, Mộng cho rằng đây là ý nghĩ điên rồ. Thay vì cứ mãi năn nỉ, tôi trao đổi điều kiện với nó, rằng tôi chỉ làm việc này trong hai tiếng đồng hồ, thời gian còn lại để nó toàn quyền quyết định. Nó đồng ý ngay.

Đề nghị của tôi chính là đi bộ từ quận Phú Nhuận đến trung tâm thành phố, quận nhất. 

Trong lúc di chuyển về khách sạn, tôi nhìn thấy nhiều thứ lắm. Hàng quán, cửa tiệm, câu lạc bộ, chỗ ăn uống vui chơi, và có cả những cảnh ngộ nữa. Đi xe máy, tôi lướt qua họ nhanh như chớp, tôi chưa kịp nhìn kĩ.Nếu đi bộ, tôi sẽ có cái nhìn trực diện, rõ ràng hơn. Mộng nó là đứa lười biếng,nó chịu khó đi bộ ngoài điều kiện trên tôi còn phải dâng tặng hết bánh kẹo cho nó, còn cả việc chấp nhận làm con sen trong suốt chuyến đi hai ngày một đêm này. Và thế là chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình.

Sau khi đi được một quãng đường khá dài, tôi nhận ra một điều, tôi cần phải đi bộ nhiều hơn. Trước đây tôi luôn được di chuyển bằng xe máy, xe hơi mà chẳng biết rằng mình bỏ lỡ quá nhiều thứ. Để đến bây giờ, sự phát hiện của tôi cũng giống như sự phát hiện của Phùng trong câu chuyện “Chiếc thuyền ngoài xa” vậy. Lúc nãy đang đi tham quan chợ Phú Nhuận, nhỏ Mộng la đói,tôi phải dừng chân để nó ăn bát bún riêu của một bà lão bán gánh đơn độc giữa chợ. Vì giờ đó đã hơn sáu giờ tối, phiên chợ thưa dần, người người ai nấy đều hối hã dọn hàng cho kịp bữa cơm gia đình. Chỉ có bà là vẫn nhẹ nhàng, ngồi lau từng cái bát, từng đôi đũa, dường như bà không để tâm đến thời gian sớm hay muộn.Trong lúc Mộng ăn, tôi trò chuyện với bà.

“Bà ơi, bà bán ở đây lâu chưa.”“Cũng hơn ba mươi năm rồi con, bà bán từ hồi còn trẻ măng, giờ thì già mấy thứ tóc rồi.” Nói xong bà nở nụ cười, mấy chiếc răng bà rụng gần hết, giống như tôi lúc nhỏ.

“Mà sao bà bán trễ vậy ạ? Bà không về ăn cơm gia đình sao?” Mộng Mộng đang ăn cũng góp chuyện.

"Bà ở có một mình à. Con cháu bà đi làm ăn xa, định cư ở Hà Nội, lâu lâu chúng nó cũng về thăm bà vài lần.” Bà lão vẫn mỉm cười, cứ cặm cụi lau bát.

Tôi xoay mặt nhìn Mộng, nó cũng ngừng ăn, nhìn tôi.Tôi không có bất cứ thắc mắc nào về việc con cháu bà có về thăm bà hay không,nhưng tôi thắc mắc tại sao họ không đưa bà đi cùng, bởi vì ở tuổi của bà, bà cần được chăm sóc. Thế rồi tôi và Mộng lại tiếp tục trò chuyện với bà, Mộng nó tính tình hài hước, nói câu nào là mắc cười câu nấy, làm tôi và bà cười không ngớt.Chúng tôi còn mời mấy cô chú, anh chị đi ngang ghé hàng bún bà ăn, rửa mấy cái bát giúp bà. Có lẽ đây đúng là những việc làm lần đầu tiên trong đời của tôi và Mộng, thực chất ở đây, tôi và Mộng càng cảm nhận chúng tôi đã và đang trưởng thành như thế nào.

Lại tiếp tục đi, chúng tôi cứ thế mà tiến về phía trước mặc dù trời không còn xanh nữa, màn đêm đang bao trùm. Nhưng Sài Gòn vẫn tấp nập.Viễn cảnh nơi đấy lồ lộ ra như thế đấy, nhưng những cảnh ngộ thì thấp thoáng ở một góc mà thôi. 

Lần này tôi và Mộng gặp mấy anh bán kẹo kéo. Mấy anh đó mặc đồng phục thể dục, tôi rất bất ngờ. Nếu tôi còn đang đi học thì chắc chắn ba mẹ của tôi sẽ không cho tôi đi bán kẹo kéo thế này, tôi cũng không đủ can đảm để làm việc này. Mộng sau khi ăn xong thì khát nước, thế là tôi và nó kéo nhau vào quán trà chanh vỉa hè, đối diện là một loạt quán nhậu, thì đó, tôi nhìn thấy mấy xe kẹo kéo. 

“Thích thật, vừa uống nước vừa được nghe hát.” Mộng nó huýt cùi trỏ vào tay tôi.

“Tụi mình phải mua vài cây kẹo, người ta hát là để bán kẹo mà.”

“Được đó, mua nhiều vào.” Nhỏ Mộng vui như mở hội.

Tôi băng qua bên đường, đến gần anh đang đứng hát rất nhiệt tình, nắm vạt áo anh kéo kéo.

“Gì đó em?” Anh ngừng hát, bên trong quán nhậu nhiều người quay ra mắng mỏ, hỏi sao anh không hát nữa.

Nhìn thấy cảnh tượng ấy, tai tôi nghe rất rõ những câu chửi bới. Hình như tôi vừa làm cho anh bán kẹo bị mắng, tôi liền lo lắng, kêu anh hát tiếp đi. Anh đó cũng nhấc micro lên, tiếp tục hát. Sau khi hát xong,anh ngồi xuống trước mặt tôi, đưa cho tôi hai cây kẹo kéo trong tay.

“Em muốn ăn kẹo phải không? Anh cho em nè.”

Lúc đó tôi cứ thắc mắc, không phải những người bán kẹo kéo họ cần bán được kẹo hay sao, tôi đã nghe hát thì phải mua kẹo của họ mới đúng, đằng này họ lại cho tôi kẹo. Tôi cứ đứng như trời tròng, mãi một lúc mới trả lời lại được.

“Sao anh lại cho em kẹo,anh không sợ lỗ vốn ạ?”

“Công việc bán kẹo này cũng lận đận lắm em, hôm nào mà không mời được nhiều khách mua thì chuyện lỗ vốn là bình thường thôi. Tụi anh là sinh viên nghèo, phải kiếm tiền để đóng họcphí, nên cũng chạy đi chạy lại tìm việc dữ lắm. Mấy công việc tốt thì không cần tới đám sinh viên tụi anh. Nên anh cũng quen rồi. Với lại em là con nít thì làm gì có tiền mà mua kẹo, anh thấy em muốn ăn nên cho em đấy.” Nói rồi, anh cũng mỉm cười, nụ cười của anh giống bà lão lúc nãy, tuy là cười, nhưng tôi không cảm thấy anh vui.

Tôi đem hai cây kẹo về quán trà chanh đưa cho Mộng, nó chụp lấy mà thất vọng, nhai đi nhai lại chuyện bảo mua nhiều mà tôi mua có hai cây. Tôi thì không còn tâm trí đâu để quan tâm nó, tôi quan tâm đến những lời nói của anh bán kẹo kéo hơn.

Gần khuya, cuối cùng cũng ra đến trung tâm quận nhất. May mắn là tôi và Mộng trên đường đi có ghé tạt qua một vài nơi nghỉ chân, nếu không thì giờ cũng chỉ biết lếch mà thôi. Như lời hứa,tôi để cho Mông quyết định chỗ để vui chơi, ăn uống. Mộng nó háo ăn lắm, ăn mãi không no, tôi cũng hết cách. Gần chín giờ, tôi muốn về khách sạn vì đã trễ rồi,với độ tuổi của chúng tôi đi đến giờ này là quá khuya. Tôi cố hết sức lôi Mộng ra khỏi mấy cuộc vui, tìm một chú xe ôm để về lại Phú Nhuận.Ở gần phố đi bộ Nguyễn Huệ có rất nhiều người lái xe ôm, nhưng tôi quyết định chọn một chú cũng tầm sáu mươi tuổi, vì tôi tin tưởng người lớn tuổi. Tôi đến nhờ chú chở hai chúng tôi về khách sạn, vì tôi và Mộng cũng không quá lớn nên có thể đi trên một chiếc xe được,mà chúng tôi vừa lại tiệt kiệm được một mớ.

“Chú ơi, tụi con muốn về quận Phú Nhuận.” Tôi nói với chú xe ôm.

“Chậc, tối thế này rồi mà hai đứa vẫn còn lang thang ngoài đường sao? Ba mẹ hai đứa đâu?” Chú xe ôm khá bất ngờ khi nhìn thấy chúng tôi.

Tôi không biết phải giải thích sao với chú, trong lúc đang bối rối thì Mộng lên tiếng “Tụi con lên Sài Gòn có một mình à.”

Nhỏ Mộng vừa nói xong tôi hận không thể xé xác nó ra, tôi vội bịt miệng nó, cười đau khổ với chú xe ôm.Còn chú thì có chút ngây người, sau đó nén một tiếng thở dài, nhìn chúng tôi rất nghiêm túc.

“Sao hai đứa to gan thế?Nếu để ba mẹ biết được thì họ sẽ lo lắm đó. Chú bảo này, chú biết tuổi trẻ ai cũng muốn thử thách, tự lập hết, nhưng dù sao đi nữa cũng phải nghĩ đến gia đình. Nhỡ hai đứa xảy ra chuyện gì thì người khổ nhất là ba mẹ, có biết không?”

“Con cũng chỉ muốn tự mình trải nghiệm thôi, với lại tụi con đã trưởng thành rồi.” Tôi giải thích với chú.

“Đúng là hai đứa ngày một lớn rồi, nhưng đối với ba mẹ, hai đứa mãi vẫn là những đứa trẻ ngây thơ mà thôi. Chú cũng có một thằng con trai tầm tuổi hai đứa, nó cũng biết tự lập,nhưng chưa bao giờ làm chú và mẹ nó lo lắng cả. Cô chú không có học thức gì,nhà thì nghèo, chú chạy xe ôm còn cô ngày nào cũng đi thu mua ve chai, kiếm được bữa nào hay bữa nấy. Chú mong sao gáng nuôi cho thằng con ăn học đến nơi đến chốn,để nó không khổ như cô chú bây giờ. Mấy đứa còn nhỏ, chưa nhìn nhận được tốt xấu,người xấu càng nhiều thì người tốt càng hiếm đi, đến cả chú còn không tránh khỏi những lần gặp kẻ xấu.”

“Chú ơi, vậy còn câu ‘Dám ước mơ, dám thực hiện’ thì sao ạ? Con xem trên Htv3 nghe hoài à?” Mộng Mộng bất ngờ hỏi câu đó.

“Còn phải đúng thời điểm nữa con. Hai đứa hiện tại vẫn chưa thể hiểu hết những gì chú nói đâu, nhưng đến một lúc nào đó, hai đứa sẽ nhận thức được.”Dứt lời, chú xe ôm giục tôi và Mộng lên xe để về kẻo trễ.

 Trên đường đi, chú chạy vừa phải, đủ để tôi có thể ngắm nhìn toàn cảnh màn đêm, cả trong những góc tối nhỏ hẹp mà cô đơn ấy.Tôi kể lại cho chú về những người tôi đã gặp được, về bà lão bán bún riêu, về mấy anh sinh viên bán kẹo kéo, về những người vô gia cư nằm ngủ ở một góc đường.Tôi cùng Mộng đã có một đêm hành trình lắng đọng như thế

.-----

“Này Mộng, nếu chỉ còn một ngày để sống, mày sẽ làm gì?” Tôi nằm trên giường không ngủ được, xoay người phát hiện Mộng nó vẫn còn cầm điện thoại lướt mạng. 

“Đổi ngược lại, nếu chỉ còn một ngày để sống, mày sẽ làm gì?”Nói rồi Mộng đưa điện thoại cho tôi xem, thì ra nó đang tìm đọc những cuốn sách online về ý nghĩa cuộc sống.

Một đứa như nhỏ Mộng suốt ngày chỉ biết ăn uống, vui chơi, lại còn cái tật lười biếng, trước giờ không thèm cầm một quyển sách để đọc, thì bây giờ, nó lại bỏ cả giấc ngủ mà nó luôn tôn thờ để đọc sách. 

Tôi nhìn Mộng mỉm cười, nó cũng cười lại với tôi, hai đứa ngước mắt lên trần nhà, suy nghĩ xa xăm.

Nếu ba mẹ hai đứa chỉ còn một ngày để sống, thì hai đứa sẽ làm gì?”  

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn