Hoàng văn Ái

Truyền thuyết trên cột cở Lũng Cú

Đăng 8 năm trước

Có thể nói rằng ở Lũng Cú, mối mảnh đất, ngọn núi, hồ nước, hang động,… tất cả những gì liên quan đến di sản địa chất đều đã được người dân đặt tên và giải thíc

Có thể nói rằng ở Lũng Cú, mối mảnh đất, ngọn núi, hồ nước, hang động,… tất cả những gì liên quan đến di sản địa chất đều đã được người dân đặt tên và giải thích sự thành tạo của chúng một cách rất thú vị qua các truyền thuyết. Với một quan niệm rất nguyên sơ, trong trẻo, coi “vạn vật hữu linh”, nghĩa là tất cả mọi vật đều có linh hồn, các cư dân bản địa đã khoác lên mảnh đất này những tấm màn thần bí qua những câu chuyện huyền thoại đầy sức lôi cuốn.

Núi Rồng – nơi lưu giữ những truyền thuyết.

Núi Rồng – nơi lưu giữ những truyền thuyết.

Người dân bản địa vẫn gọi mảnh đất Lũng Cú là Cun Tà (Cun có nghĩa là núi, Tà có nghĩa là bằng). Từ trên cao nhìn xuống cánh đồng Thèn Pả bằng phẳng rộng chừng 50ha được bao bọc bằng những dải núi với địa hình cuesta (đơn nghiêng) hùng vĩ. Núi Rồng còn được gọi là núi Com Pỉ (núi vai ngựa theo tiếng Lô Lô) vì nếu đứng từ phía làng Lô Lô Chải nhìn lên thì núi Com Pỉ trông giống hệt đầu một chú ngựa đang vươn lên in bóng vào nền trời xanh biếc và phía trên cao là lá cờ đỏ sao vàng đang bay phấp phới. Dưới chân Núi Rồng, hay núi Com pỉ là 2 hồ nước mà tiếng Lô Lô Chổ Tà (Chổ có nghĩa là hồ, tà có nghĩa là nước) liên quan đến truyền thuyết về đôi rồng thiêng cho phép thần thông biến hoá.

Sự tích về sự hình thành núi Rồng và 2 hồ nước đã được kể lại như sau: Ngày xửa, ngày xưa đã từ lâu lắm rồi có một con rồng từ trên trời bay xuống

đậu trên ngọn núi cao đầu làng Lô Lô. Rồng ngắm nhìn và thấy rằng tuy nơi đây phong cảnh núi non hùng vĩ, nhưng đời sống của những người dân lại vô cùng khổ cực do thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất. Động lòng trắc ẩn nên trước khi bay về trời, rồng đã để lại đôi mắt quý cho dân làng. Từ đôi mắt của rồng để lại đã biến thành hai hồ nước trong xanh và quanh năm không bao giờ cạn. Một hồ thuộc làng Lô Lô, hồ kia thuộc làng Thèn Ván. Ngọn núi nơi xưa kia rồng đậu nay được gọi là núi Rồng, nơi đặt cột cờ Lũng Cú.

Hồ mắt rồng trên Công viên địa chất

Hồ mắt rồng trên Công viên địa chất

Người Lô Lô ở đây vẫn tin rằng trong hồ nước của làng Lô Lô có một đôi rồng linh thiêng, có phép biến hoá. Mỗi khi trời mưa, nước dâng cao thì đôi rồng biến hoá thành đôi trâu trắng hiện ra nô đùa bên hồ nước. Người già vẫn thường hay kể cho các em nhỏ nghe câu truyện về đôi rồng và dặn các em không được chơi đùa bên hồ nước nếu không sẽ bị rồng bắt mất hồn và sẽ bị ốm và phải làm lễ cúng tạ. Lễ vật có thể là 4 con gà hoặc một con lợn được mang ra bày cúng ngay tại bờ hồ… Vào mùa khô, khi nước trong hồ rút xuống thì đôi rồng lại ẩn mình vào sâu trong lòng núi. Người dân ở đây tin rằng trong lòng núi nơi rồng ở là một biển cả chứa nước rộng mênh mông. Trước đây, chỉ mới có một hồ nước của làng Lô Lô Chải ở phía Tây, chưa có hồ nước ở phía Đông của làng Thèn Ván. Khoảng 20 năm trở lại đây, bỗng nhiên xuất hiện một hồ nước nữa ở phía Đông và dân làng cho rằng rồng đã chuyển sang bên đó ở.

Từ những truyền thuyết vừa được kể trên đây và thậm chí còn có rất nhiều những truyền thuyết khác nữa, chúng ta đều nhận thấy luôn xuát hiện 2 hình ảnh quen thuộc: đó là RỒNG và NƯỚC. Điều này phản ánh những nhận thức cơ bản của người dân địa phương về sự hình thành nên địa hình khu vực. Đôi mắt rồng chính là những phễu karst cổ được hình thành do sự vận động của trái đất và được bịt kín bởi sét – sản phẩm của phong hoá đá vôi. Sự xuất hiện về sau của hồ nước phía Đông chứng tỏ trước đây các sản phẩm sét chưa đủ bề dày để bịt kín đáy hồ nên nước vẫn bị thẩm thấu, sau đó khi tầng sét đã đủ dày để tạo thành một lớp cách nước thì hồ nước đã xuất hiện. Còn “những biển nước mênh mông” “nơi ở của rồng trong núi” được hiểu chính là những tầng nước karst trong các hang động đá vôi. Như vậy, có thể nói rằng ngay từ thời xa xưa, người dân nơi đây có một kiến thức rất khá tinh tê về địa chất, thuỷ văn karst mà thậm chí nhiều người trong chúng ta có thể còn chưa biết đến.

Chủ đề chính: #đồng_văn

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn