Phong VJ

Từ bỏ mạng xã hội không giải quyết được vấn đề của người trẻ

Đăng 4 năm trước

Bỏ mạng xã hội không phải giải pháp tối ưu. Bỏ mạng xã hội cũng khó thực hiện vì một phần to lớn của cuộc sống–giao tiếp, dựa vào nền tảng này. Bài trừ thay đổi không giúp người trẻ thích nghi trong thời đại công nghệ đầy biến động. Thay vì bỏ, có lẽ chúng ta nên học cách xây dựng một sức đề kháng tốt hơn với môi trường mạng.

Là một người trẻ, tôi từng kỳ vọng rất nhiều ở bản thân. Nếu ai hỏi phiên bản tốt nhất của mình sẽ trông ra sao, tôi của vài năm trước khi mới bước chân vào giảng đường có thể ngay lập tức đưa ra một danh sách. Xinh đẹp. Có một công việc tốt. Kiếm đủ tiền đi du lịch hai lần một năm. Có một anh bạn trai đáp ứng đầy đủ yêu cầu của mình.

Tuy nhiên, tôi của bây giờ sẽ đắn đo nhiều hơn khi trả lời. Tôi đã bị thực tế gây thất vọng nhiều. Tôi không thể đưa cho họ một hình ảnh cụ thể về tôi của tương lai, vì thực tế tôi không thể biết trước được tương lai đó có những ngã rẽ nào. Tôi chỉ có thể cho họ thấy tôi hiện tại là phiên bản cải thiện hơn của tôi quá khứ. Một phiên bản không hoàn hảo nhưng vẫn cố gắng từng ngày.

Tôi không phải người duy nhất gặp khó khăn khi đặt kỳ vọng cho bản thân. Khi thấy xung quanh có rất nhiều bạn trẻ vướng mắc như mình, tôi chợt dừng lại và hỏi những kỳ vọng đó đã hình thành như thế nào.

Bội thực mạng xã hội và văn hóa ganh đua khắc nghiệt

Đầu năm 2019, số người dùng Facebook tại Việt Nam cán mốc 62 triệu, với thời lượng sử dụng trung bình 2,32 giờ/ngày (Hootsuite & We Are Social). Một phần lớn dân số nước ta dành nhiều thời gian chỉnh ảnh, đăng status, đếm like, theo dõi người khác hơn thời gian ăn uống mỗi ngày.

Mạng xã hội là thứ vô cùng quyền năng. Nó mang mọi người đến gần nhau hơn, nhưng cũng dựng xây một văn hoá so sánh, ganh đua khắc nghiệt.

Mỗi ngày bạn đối diện với hàng trăm nội dung về người nổi tiếng, tin quảng cáo, và các bài đăng từ danh sách bạn bè. Tất cả đều theo những mô típ cũ mèm nhưng gây nghiện. Những cô cậu mới năm hai Đại học đã được các tập đoàn đa quốc gia mời thực tập. Một cô gái xinh đẹp ăn mừng vì cuốn sách đầu tiên xuất bản khi mới 21 tuổi. Một cặp đôi đăng ảnh đi du lịch châu Âu như mộng. Những bộ cánh đẹp, những làn da không tì vết, những bữa ăn thịnh soạn.

Bạn bắt đầu nhận ra ai cũng trẻ, đẹp, giàu có, thành công, huy hoàng – trừ bạn. Tất cả những thứ bạn có – thời gian, sức khỏe, bạn bè, tiềm năng – mãi không sánh bằng một đám đông gào thét khoe khoang. Ảo ảnh về sự thành công của người khác khiến bạn đặt kỳ vọng cao cho cuộc sống của mình.

Rất ít người đủ dũng cảm chia sẻ những lỗi lầm tủn mủn điển hình của một lớp trẻ thiếu kinh nghiệm sống và làm việc. Anh bạn thực tập không lương, bị tiền bối ức hiếp không đăng lên Facebook. Cô gái xinh đẹp bỏ tiền túi bù lỗ sách cho nhà xuất bản, không ai hay. Cặp đôi liên tục cãi vã về lịch trình, chẳng ảnh nào chụp lại. Những làn da mụn bên dưới lớp phấn, những cuộc đời rất thật không ở trên newsfeed. Vì chúng không gây sự chú ý.

Mạng xã hội không miễn phí. Bạn trả cho mạng xã hội bằng thời gian và sự chú ý của mình. Những công ty như Facebook, Instagram cần sự chú ý, tương tác của bạn để tạo nên một nền tảng quảng cáo rồi bán cho các doanh nghiệp. Họ có những bộ phận nghiên cứu tâm lý làm việc hằng giờ để tìm ra cách thao túng hành vi người dùng, khiến người dùng “cống nạp” nhiều thời gian hơn.

Các nhãn hàng liên tục chỉ ra những thiếu sót trong cuộc sống của khách hàng trong quảng cáo. Từ đó, sản phẩm/dịch vụ của họ bước vào cuộc đời bạn như một giải pháp tối ưu. Đã bao giờ bạn mua một màu son mới, hay một chiếc điện thoại, và cảm thấy cuộc đời mình sang trang?

Người trẻ và sức đề kháng tâm lý

Bỏ mạng xã hội không phải giải pháp tối ưu. Bỏ mạng xã hội cũng khó thực hiện vì một phần to lớn của cuộc sống–giao tiếp, dựa vào nền tảng này. Bài trừ thay đổi không giúp người trẻ thích nghi trong thời đại công nghệ đầy biến động. Thay vì bỏ, có lẽ chúng ta nên học cách xây dựng một sức đề kháng tốt hơn với môi trường mạng.

Nhiều người trẻ chưa đủ sức đề kháng với những tác động tâm lý từ bên ngoài. Chúng ta lao vào cuộc đua của những cái “hơn” để tìm kiếm sự an toàn giữa hàng loạt hình ảnh đáng mơ ước của người xung quanh. Nhưng càng tập trung vào những ước muốn tích cực, chúng ta càng nhẩm đi nhẩm lại sự thiếu sót của bản thân. Càng gồng mình trở thành phiên bản hoàn hảo trong mắt mọi người, chúng ta càng ý thức sâu sắc những gì mình không có.

Đây là những dấu hiệu bạn chưa có một sức đề kháng tâm lý tốt:

  • Bạn hay so đo và ganh tị với người khác;
  • Bạn không bao giờ cảm thấy hạnh phúc hay hài lòng với những nỗ lực và thành quả của mình, bạn không thấy mình “đủ”;
  • Bạn thường xuyên cảm thấy thất vọng ê chề;
  • Những kỳ vọng của bạn được định hình bởi những gì người khác có (và khoe), chứ không hình thành trên tìm hiểu thực tế;
  • Dù tin tức và mạng xã hội khiến bạn cảm thấy cực kỳ tồi tệ, hoang mang, lạc lối, bạn vẫn tìm đến chúng thường xuyên vì sợ mình bỏ lỡ thế giới ngoài kia;
  • Bạn gặp khó khăn quản lý cảm xúc, sự chú ý và thời gian của mình.

Hiếm ai đủ điềm tĩnh để nhận ra mình đang so sánh hậu trường của bản thân với sân khấu của người khác. Hiếm ai dừng lại để tìm ra gốc rễ bộn bề cảm xúc tiêu cực của mình. Và điều đó không có gì đáng ngạc nhiên: không trường lớp nào dạy chúng ta bình tâm khi sự chú ý của con người trở thành một loại hàng hóa. Nhiều kỹ năng cần thiết trong cuộc sống, như xây dựng một sức đề kháng tâm lý với những tác động bên ngoài, buộc người trẻ phải tự học.

Sức đề kháng tâm lý tốt là kết quả của quá trình cân chỉnh cảm xúc với thực tế cuộc sống. Chúng ta học cách chấp nhận thực tế và điều chỉnh những kỳ vọng qua trải nghiệm và thời gian. Điều gì tốn thời gian và công sức cũng cần sự kiên nhẫn, thứ vốn càng quý giá khi xã hội ngày một tiện lợi, nhanh chóng.

Tác giả: Ky Tho / vietcetera

Chủ đề chính: #người_trẻ

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn