Nguyễn Hữu Cảnh

TƯ DUY TÀI CHÍNH: Bạn mua tài sản hay tiêu sản?

Đăng 6 năm trước

Khi nói về vấn đề tài chính, mọi người thường quan tâm đến việc bạn kiếm được bao nhiêu tiền. Nhưng thực tế vấn đề không nằm ở đó, bạn kiếm được bao nhiêu tiền không quan trọng, cách bạn quản lý và sử dụng số tiền mình kiếm được sẽ giúp bạn tạo nên sự khác biệt về tài chính.

Giống như việc trồng cây. Thời gian đầu bạn cần phải bỏ ra nhiều công sức để chăm sóc nó, nhưng đến một thời điểm nào đó, cái cây có thể tự nó phát triển thì bạn không cần phải tốn thời gian chăm sóc nó nữa, công việc của bạn lúc đó chỉ là thu hoạch những quả ngọt mà thôi.

Trong cuộc sống tài chính cũng vậy, bạn cần phải có nhiều kiến thức về tài chính để giúp bạn kiểm soát tiền bạn kiếm được, như thế tiền của bạn sẽ ngày càng phát triển và mang thêm thu nhập về cho bạn.

Trong tác phẩm Cha Giàu, Cha Nghèo tác giả RobertKiyosaki có nói rằng “Người giàu kiếm được tài sản. Người nghèo và người trung lưu chỉ thu được tiêu sản, nhưng họ lại nghĩ rằng mình đã kiếm được tài sản”. Hiểu đúng về tài sản và tiêu sản sẽ giúp cho tài sản của bạn ngày càng không ngừng gia tăng và bạn sẽ nhanh chóng trở nên giàu có hơn.

Để có được sự thành công về tài chính bạn phải biết sự khác nhau giữa tài sản và tiêu sản. Và để giàu có, bạn phải mua tài sản. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng hầu hết mọi người không biết được sự khác nhau giữa tài sản và tiêu sản nằm ở đâu.

Tài sản là bất cứ thứ gì có khả năng sinh lời, có thể tạo ra thu nhập và có khả năng tăng giá trong tương lai. Tiêu sản là bất cứ thứ gì làm tăng chi phí và giảm thu nhập của bạn. Tài sản mang tiền đến cho bạn trong khi tiêu sản sẽ lấy tiền ra khỏi túi của bạn.

Nếu muốn trở nên giàu có, hãy mua tài sản. Nếu muốn trở nên nghèo đi, hãy mua tiêu sản. Chính vì không phân biệt được sự khác nhau này mà rất nhiều người gặp các vấn đề rắc rối về tài chính.

Nếu bạn được một người bạn rủ đi mua sắm vì đang có đợt khuyến mãi, và bạn tự nhủ: “Tôi sẽ không mua gì cả, tôi chỉ đi xem thôi.” Nhưng khi nhìn thấy một vật gì đó, bạn lại lấy ví ra, và rồi bạn tiêu sản. Nói như thế không phải tôi bảo rằng bạn không nên mua sắm bất cứ thứ gì cả, vì để phục vụ cuộc sống con người có rất nhiều nhu cầu khác nhau. Nhưng tôi xin nhấn mạnh một điều, bạn phải tự cam kết với bản thân rằng, bạn sẽ chỉ mua thứ gì đó khi biết chắc rằng tiền bạn mang về từ chính tài sản của mình phải lớn hơn số tiền bạn bỏ ra để sở hữu một thứ gì đó. Chỉ có như thế bạn mới không gặp phải những khó khăn tài chính trong cuộc sống.

Đa số sinh viên hiện nay không được đào tạo bất kỳ kỹ năng tài chính nào. Thường thì nhà trường chỉ tạo nên những người lao động giỏi,họ không thể tạo nên một ông chủ giỏi. Chính vì thế hiện nay hầu hết mọi người thường chỉ kiếm tiền bằng kỹ năng nghề nghiệp của mình, họ theo đuổi nghề nghiệp của mình một cách thành công nhưng vẫn gặp phải rất nhiều khó khăn tài chính. Họ làm việc chăm chỉ và đầy cố gắng những vẫn không giàu được. Điều thiếu sót trong vốn học của họ không phải là làm thế nào để kiếm tiền, mà là làm thế nào để sử dụng tiền, kiếm được tiền rồi thì phải làm gì với chúng. Nếu bạn là người có tư duy về tài chính bạn phải biết làm gì với tiền bạc sau khi đã kiếm ra chúng, làm sao để giữ cho kẻ khác không lấy đi mất, bạn sẽ giữ chúng được bao lâu và chúng sẽ làm việc cho bạn như thế nào?

Hầu hết những khó khăn tài chính mọi người thường gặp là do họ không có kỹ năng tài chính, họ không hiểu được sức mạnh thật sự của đồng tiền. Một người có học vấn cao, thành công trong sự nghiệp nhưng vẫn có thể không hiểu gì về tài chính. Những người này thường phải làm việc nhiều hơn cần thiết để kiếm tiền, vì họ đã học được cách làm việc chăm chỉ, nhưng không học được cách buộc tiền bạc làm việc cho mình.

Nếu bạn muốn đạt được sự thành công trong tài chính bạn phải nắm được quy luật quan trọng nhất đó là biết được sự khác nhau giữa tài sản và tiêu sản. Nếu bạn là người có tư duy tài chính, bạn muốn mình có suy nghĩ như những triệu phú, bạn hãy tập trung mọi nỗ lực để mua những tài sản có khả năng phát sinh thu nhập. Đó là cách tốt nhất để bắt đầu con đường làm giàu. Cứ tiếp tục như thế tài sản của bạn sẽ ngày càng gia tăng. Cố gắng hạn chế tiêu sản để giảm chi phí, bạn sẽ có nhiều tiền hơn để đổ vào tài sản của mình. Chẳng mấy chốc nền tảng tài sản của bạn sẽ vững vàng đến mức bạn có thể nghĩ đến việc đầu tư.

Mọi người thường gọi việc đầu tư là hành động mạo hiểm.Thật ra bản chất của sự đầu tư không hề mạo hiểm. Chính sự thiếu thông minh,nhanh nhạy về tài chính và thiếu những kiến thức tài chính đơn giản mới là nguyên nhân gây ra sự mạo hiểm trong đầu tư.

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn