Form Your Soul Tải ebook mới nhất của mình Content Writing for Everyone tại đây nhé: https://bit.ly/37b1P4c

Tuổi trẻ phải “cày cuốc” thật “trâu” để tương lai nhàn hạ? Đừng mơ nữa!

Đăng 7 năm trước

Nếu hiện tại bạn đang vùi đầu làm việc 80 giờ mỗi tuần với hy vọng tương lai chỉ phải dành 40 giờ ở văn phòng và thời gian còn lại để nghỉ ngơi thì bạn đã sai lầm. Suy nghĩ “khổ trước sướng sau” chẳng bao giờ đúng cả.

Bài viết được chia sẻ bởi Jason Fried – nhà sáng lập và CEO của Basecamp – một phần mềm quản lý dự án rất nổi tiếng.

Khi nói 40 giờ là khoảng thời gian khá nhiều để hoàn thành một công việc tuyệt vời nào đó thì tôi thường sẽ nhận được một “lời đáp trả” từ những người mới khởi nghiệp kiểu thế này:

“40 giờ có lẽ là ổn khi bạn đã kinh doanh được 10 năm, nhưng khi mới bắt đầu làm một thứ bất kỳ thì bạn phải nỗ lực hết sức có thể. Nếu mất 80 giờ mỗi tuần thì khi đó bạn cũng phải làm 80 giờ mỗi tuần”.

Tôi gọi đó là điều nhảm nhí.

Đầu tiên, lời phản kháng này đến từ những người mà trước đó chưa hề điều hành một công ty nào trong khoảng 10 năm cả. Thế nên, họ chẳng biết mình đang nói cái gì cả.

Họ tưởng tượng ra một tương lai nhàn hạ - rằng một khi công ty đã “dong buồm” rồi thì nó chỉ việc tiếp tục “sải cánh” tiến về phía trước. Mọi thứ cứ thế sẽ dễ dàng hơn, có phải vậy không?

Thực sự là nó sẽ trở nên khó khăn hơn. Duy trì kinh doanh khó hơn so với bắt đầu kinh doanh. Nếu không thì có cả đống công ty mọc lên ở ngoài kia. Thêm nữa, phần lớn rõ ràng cũng chỉ tồn tại được một vài năm ít ỏi.

Lời tranh luận thứ hai đó là đơn giản sẽ có nhiều việc phải làm hơn khi bạn mới chỉ bắt đầu. Không chính xác. Thực sự, thời gian đầu không có nhiều thứ phải giải quyết như bạn vẫn nghĩ. Đó chỉ là một công việc khác với trước mà thôi. Công việc thay đổi chứ nó không biến mất.

Một công ty đã phát triển cũng phải làm tất cả mọi thứ mà một công ty khởi nghiệp (startup) phải làm, nhưng đồng thời họ cũng phải tiếp tục làm hài lòng nhiều khách hàng hơn, có nhiều nhân viên hơn để quản lý (điều này có nghĩa là phải quản lý nhiều tính cách hơn), nhiều khoản chi phí phải trang trải hơn, nhiều cuộc cạnh tranh phải chống đỡ hơn, nhiều khoản tài sản phải cân bằng và luân chuyển.

Nhiều cái miệng chờ được ăn sẽ luôn khó khăn hơn rất nhiều!

Hãy hỏi bất kỳ ai đang sở hữu một công ty lớn liệu rằng họ có thích trở nên lớn hơn nữa, hoặc liệu rằng họ có mong chờ những ngày khi công ty của họ bé hơn một chút. Đa phần đều sẽ lựa chọn nhỏ hơn. Ít nhu cầu, linh hoạt hơn, dễ dàng ra quyết định và cơ cấu tổ chức ít phức tạp.

Thế nên, những người đã quen làm việc 80 giờ mỗi tuần thì sẽ không cắt giảm được, trừ khi khi chính cuộc sống của họ tự động “cắt giảm”. Các mối quan hệ đổ vỡ, mất liên lạc với bạn bè, gia đình chỉ là một nụ hôn nhanh trước khi họ lao ra khỏi cửa để đến văn phòng và cuộc sống dường như vô cùng khắc nghiệt.

Các thói quen bạn hình thành từ sớm sẽ ở bên bạn. Nếu bạn nghĩ thành công đòi hỏi 80 giờ làm việc mỗi tuần khi vừa bắt đầu thì bạn sẽ giữ chặt suy nghĩ đó. Bạn sẽ không quen làm việc 40 giờ khi bạn quy thành công của mình cần tới 80 giờ.

Đó không phải là cách mà các thói quen hoạt động. Chúng ta vẫn tiếp tục làm thứ mà chúng ta đã quen làm.

Khi bạn nói “làm bất cứ điều gì có thể”, bạn có thể sẽ luôn nghĩ ra đủ thứ việc để làm để lấp đầy khoảng thời gian mà bạn đã định dành cho nó.

Không khó để “tiêu xài” 80 giờ và tự thuyết phục bản thân rằng đó là tất cả thời gian cần thiết. Giống như một quy tắc của Parkinson đã khẳng định rất rõ: “Công việc sẽ mở rộng ra để lấp đầy khoảng thời gian có sẵn”.

Thay vì làm bất cứ điều gì có thể, đã đến lúc nghĩ về điều gì không làm. Có quá nhiều thứ bận rộn được tạo ra trong khoảng 80 giờ đó mà kết quả thực sự lại xuất phát từ việc loại bỏ một vài thứ chứ không phải là thêm vào.

Hãy hỏi những người trong độ tuổi 30 hoặc 40 – những người mà vẫn đang phải làm việc hàng giờ đồng hồ rằng tại sao họ không thể cắt giảm thời gian làm việc. Hãy xem họ nói gì. Hãy hỏi họ tại sao không phải là ít thời gian hơn và tự bạn sẽ tìm được căn nguyên của vấn đề. 

Đa phần các thói quen chúng ta xây dựng được hình thành từ khi chúng ta còn bé, khi chúng ta không có cơ hội phản chiếu điều chúng ta đang làm và thiết lập ra một tiến trình phù hợp. Đến tuổi trưởng thành và bắt đầu kinh doanh, chúng ta có khả năng để cân nhắc các hậu quả. Chúng ta nên biết rõ hơn. Chúng ta có thể làm tốt hơn.

Đừng tin vào bí ẩn của việc làm thật nhiều ở hiện tại nên bạn có thể giảm thời gian làm trong tương lai. Chẳng bao giờ có chuyện đó cả.

Theo Medium

Chủ đề chính: #thành_công

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn