Nguyen Mai Này cô gái, cười lên đi, cuộc đời này đẹp lắm...

Ứng dụng 4 quy tắc của trò chơi điện tử trong dạy dỗ con cái

Đăng 5 năm trước

Mọi người thường thích cho bạn lời khuyên về cách dạy con, và có hàng trăm nghìn cuốn sách cũng như các trang web viết về bí quyết dạy con, nhưng có một cách mà ít ai nghĩ đến, đó là xem việc dạy con như một trò chơi điện tử, bạn cần đặt ra quy tắc và nhất quán trong cách thực thi chúng, rồi bạn sẽ nhìn thấy hiệu quả. Nếu đọc đến đây bạn vẫn đang tò mò thì hãy cùng khám phá một số quy tắc có thể sẽ là ý tưởng không tồi cho bạn đấy:

1. Đặt ra quy tắc rõ ràng

Khi chơi game, bạn biết rằng bấm nút A thì nhân vật sẽ đánh, chạm vào kẻ xấu thì bạn sẽ mất mạng, và bạn cần một lượng điểm nhất định để lên cấp. Biết được những quy tắc này sẽ giúp bạn chơi game một cách tự tin. 

 Tương tự, hãy đảm bảo con bạn biết rõ những quy tắc ứng xử trong gia đình bằng cách đặt ra quy tắc rõ ràng, đơn giản và dễ nhớ, như trong trò chơi điện tử: Làm việc A thì được B - trăm lần như một. Đặt cho con giới hạn, phần thưởng và hình phạt nhất quán là điều quan trọng để con phát triển “sự tự tin về khả năng kiểm soát bên trong”. Những người tự tin về khả năng kiểm soát bên trong tin rằng khi họ làm việc A, họ có thể nhận B – họ nhìn thấy một mối tương quan giữa hành động và kết quả thay vì phó mặc cho may rủi hoặc cho rằng cả thế giới đang chống lại mình. Hãy cho con thấy hành vi tốt sẽ được thưởng, còn hành vi xấu sẽ bị phạt. 

 Hãy hứa thưởng cho con nếu con làm được một điều gì đó xứng đáng, và chỉ thưởng khi con thực sự làm được điều đó. Hãy đặt ra quy tắc và hình phạt, nếu con vi phạm thì phải phạt như quy tắc đặt ra ban đầu. Dạy con một cách nhất quán sẽ giúp con ghi nhớ những mối quan hệ này, đồng thời củng cố sự tự tin và tính kiên cường của con. 

 Khi con vi phạm quy tắc, hãy cho con biết con đã làm sai điều gì và bắt đầu hình phạt. 

2. Đặt ra hình phạt ngắn và nhất quán với hành vi xấu

Khi con hành xử không phù hợp, bạn phải xử lý một cách nhất quán, thản nhiên và nhanh gọn. Nếu bạn nổi nóng và cố răn dạy con, điều bạn đang làm là “thưởng” cho con sự chú ý và năng lượng của bạn – chính là 2 điều mà trẻ em mong muốn từ cha mẹ. Chúng không thực sự quan tâm đến lý do cha mẹ chú ý đến mình, miễn sao chúng gây được sự chú ý. 

 Thay vào đó, khi con vi phạm quy tắc, bạn phải phạt con ngay lập tức, không nói nhiều, không đàm phán và cũng không nóng giận. Đừng đưa ra lời cảnh báo và cũng đừng thương lượng với con. Cứ đưa ra hình phạt như đã nói, dù đó là phạt con ngồi yên một mình, cấm xem ti-vi hay làm thêm một việc nhà…Bất cứ hình phạt nào tạm thời lấy đi quyền lựa chọn của trẻ và không cho trẻ sự chú ý của cha mẹ đều sẽ hiệu quả. 

 Khi phạt con, hãy giữ thái độ thản nhiên. Đừng nổi giận, lên giọng răn dạy hay hỏi tại sao con làm như vậy. Và đừng bao giờ chỉ trích con (“con hư quá”), mà chỉ nhắc đến hành vi (“Con không được ném đồ trong nhà”). Khi lên tiếng chỉ trích con, bạn chỉ khiến trẻ cảm thấy thụ động và vô vọng thôi. Trong khi đó, hành vi không phù hợp của con chỉ là tạm thời và con sẽ học cách sửa chữa. 

Hãy giữ bình tĩnh và tỏ ra thản nhiên và nói “Con đã vi phạm quy tắc không được mè nheo. Con về phòng bình tĩnh lại đi, rồi ở đó đến khi nào cha cho phép con ra ngoài”. 

 Một điều cũng quan trọng không kém là hình phạt nên ngắn, giống như trò chơi điện tử vậy. Đừng “nhốt” con trong phòng đến 20 phút, vì rất có thể con sẽ ném sách lung tung trong đó hoặc liên tục gào thét. Mục đích của hình phạt là để con ngừng hành vi không tốt và để con hiểu mình nên hành xử ngoan ngoãn. Nhưng việc phạt con không được chơi đùa trong thời gian ngắn sẽ không hiệu quả nếu bình thường con đã không có môi trường để chơi đùa vui vẻ, vì vậy bạn phải: Tạo ra môi trường vui chơi đa dạng và thú vị. 

3. Tạo ra môi trường vui chơi đa dạng và thú vị.

 Trong trò chơi điện tử, dù bạn chết bao nhiêu lần và bị bắt chơi lại từ đầu bao nhiêu lần, bạn vẫn muốnchơi tiếp vì trò chơi quá thú vị. Bạn liên tục nhận được phản hồi và phần thưởng vì hoàn thành nhiệm vụ. Trò chơi điện tử luôn mong đợi bạn hoàn thành nhiệm vụ để thuwỏng cho bạn tiền vàng, điểm kinh nghiệm hoặc vũ khí mới.  

Bất cứ khi nào bạn nhận được phần thưởng trong game, não bạn sẽ được “bơm” một chút dopamine, làm bạn thấy vui vẻ và khích lệ bạn tiếp tục điều mình đang làm. Việc trò chơi điện tử kích thích sản sinh ra dopamine là một phần lý do khiến chúng rất dễ gây nghiện. 

 Vì vậy khi bạn dạy con, điều quan trọng để giữ cho hình phạt hiệu quả là bạn phải làm cho “thời gian chơi đùa” hoặc “môi trường vui chơi” thú vị bằng cách thưởng cho con sự chú ý và năng lượng tích cực vì điều tốt mà con đang làm. Còn nếu con bạn cho rằng bình thường cũng chẳng có gì vui để chơi thì tại sao con phải ngoan để được chơi chứ? 

 Khó khăn của việc tạo ra môi trường vui chơi thú vị cho con là đưa ra lời khen, nhất là khi bạn đang cố khen con vì con đã không thực hiện hành vi xấu. Não ta vốn có khuynh hướng chú ý nhiều hơn đến sự tiêu cực, vì vậy nó dễ dàng ghi nhớ “hành vi hư”, và thường tự bỏ qua “hành vi ngoan”. Vì vậy, các bậc phụ huynh phải chú tâm ghi nhớ, chỉ ra điều tốt và khen ngợi con khi con không mè nheo. 

4. Tập trung vào hiện tại

 Trò chơi điện tử tập trung vào hiện tại, mỗi màn chơi là một khởi đầu mới với các chướng ngại y hệt lần trước và người chơi có cùng cơ hội nhận được phần thưởng như những lần chơi khác. Do đó, đừng nhắc đi nhắc lại những lần con bạn không ngoan. Hãy tập trung vào việc đưa ra hình phạt thản nhiên khi con làm sai và khen thưởng nhất quán khi con làm đúng. 

Áp dụng quy tắc rõ ràng và hình phạt nhất quán sẽ giúp nuôi dưỡng tính kiên cường của trẻ vì trẻ biết chính xác mình phải làm gì. Làm việc A thì sẽ luôn nhận B. Và phương pháp tăng cường hành vi tích cực sẽ khích lệ trẻ chọn thực hiện hành vi tốt nhiều hơn hành vi xấu. 

 Nói như vậy không có nghĩa là con bạn sẽ trở thành đứa trẻ ngoan hoàn hảo. Có lúc con vẫn phá phách nhưng hầu hết thời gian thì con rất ngoan ngoãn. Dĩ nhiên, con hiện đang ngoan không có nghĩa là con lớn lên cũng sẽ ngoan  

 Nhưng ít nhất hiện tại thì phương pháp này rất hiệu quả trong việc dạy con cách hành xử đúng đắn. Do đó, khi nuôi dạy con, thay vì quá nghiêm túc và cứng nhắc, hãy xem đây là một trò chơi lớn, đầy niềm vui và hào hứng rồi bạn sẽ nhận ra mình đang dạy con hiệu quả đến mức nào…

Nguồn: Brett McKay/Nguyễn Phan Bảo Ngân/Ubrand

Chủ đề chính: #nuôi_dạy_con_cái

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn