Kokoro Vì gió vẫn thổi và ta phải tiếp tục sống và mơ ước dù biết ngọn gió cuộc đời không lặng bao giờ

Vài lời khuyên hữu ích về việc nuôi dạy con dành cho các bậc cha mẹ hiện đại ngày nay

Đăng 4 năm trước

Sinh con ra đã khó, nuôi dạy con nên người còn vất vả hơn gấp bội. Đặc biệt trong thời kỳ xã hội phát triển hiện đại và thay đổi chóng mặt như hiện nay, các bậc cha mẹ cần tự trang bị cho mình vài mẹo vặt hữu ích.

Trẻ con không được sinh ra kèm theo một cuốn sổ tay hướng dẫn cách nuôi dạy. Mỗi đứa trẻ đều khác nhau và do đó không có một cách thức nào hoàn hảo để nuôi dạy tất cả mọi đứa trẻ. Tuy nhiên có một vài cách thực hành tốt nhất trong việc nuôi dạy con cái. Dưới đây là 12 lời khuyên thiết thực về việc nuôi dạy con dành cho mọi bậc cha mẹ.

1. Hãy tin tưởng con bạn

Cha mẹ cần phải là nguồn động viên và cổ vũ cho con mình trong cuộc sống. Nếu cha mẹ không làm việc đó thì ai sẽ làm đây? 

Sức mạnh đến từ niềm tin của cha mẹ rằng con mình có đủ khả năng đạt được thành tựu có thể giúp đứa trẻ cảm thấy mình có thể làm được mọi thứ. Điều này tiếp thêm động lực để đứa trẻ cố gắng hơn nữa và làm hết sức mình khi có cha mẹ luôn tin vào khả năng của mình. 

Khi tin tưởng con mình nghĩa là cha mẹ cũng đang giúp đứa trẻ tự tin vào bản thân hơn. Những đứa trẻ sẽ học được rằng mình là con người có đủ năng lực để đạt được mục tiêu khi có cha mẹ tin tưởng vào khả năng của mình. 

Niềm tin vào bản thân bắt nguồn từ niềm tin của ai đó dành cho mình trước. Đó nên là cha hoặc mẹ, người thể hiện sự tin tưởng dành cho con mình và năng lực của chúng ngay từ lứa tuổi rất nhỏ. 

Trẻ con có thể rất khó chịu khi đối xử với nhau. Chúng đay nghiến về ngoại hình của nhau, khả năng chơi thể thao, và nhiều chuyện khác nữa. Những điều chúng nói về nhau có thể rất tai hại và làm nản chí. 

Tuy vậy, việc có cha mẹ tin tưởng vào mình và năng lực của mình có thể trung hòa hiệu ứng tiêu cực đó từ bạn bè đồng trang lứa. 

Ví dụ như, con bạn đang chuẩn bị sẵn sàng cho ngày thi đấu ở trường và nó cảm thấy xuống tinh thần vì một bạn trong lớp bảo rằng nó sẽ thua trong cuộc chạy nước rút 100 mét. Bạn biết rằng con đã luyện tập hàng tuần liền và đã đánh bại tất cả những đứa trẻ khác trong lớp trước đây. 

Tất cả những gì cần làm là một lời nhắc nhở về những chiến thắng trước đó và một cuộc nói chuyện động viên tinh thần về việc chăm chỉ tập luyện sẽ được đền đáp như thế nào để tiếp thêm động lực cho con bạn. Bạn bảo với con rằng con có thể chiến thắng và rằng bạn tin vào năng lực của con. Thái độ của con sẽ chuyển từ một kẻ thua cuộc sang một người tràn đầy động lực, năng lượng và tinh thần tích cực. Giờ thì con bạn đã sẵn sàng cho cuộc đua ngày mai và cố gắng hết mình vì đã có bạn tin tưởng.

2. Hãy để con lấm bẩn

Hãy để con bạn có cơ hội lấm bẩn. Khi trẻ con chơi đùa với bụi bặm, bùn lầy và thế giới tự nhiên là chúng đang huy động tất cả năm giác quan của mình. Đừng bỏ lỡ cơ hội phát triển tối đa tính sáng tạo khi con bạn chơi đùa với thiên nhiên. 

Thiên nhiên thì bẩn, nhưng không sao cả. Chúng sẽ có vô khối thời gian trong đời để sạch sẽ tinh tươm. Chúng cần được bừa bãi bẩn thỉu vì lợi ích của sự phát triển. 

Chẳng hạn như, khi chúng chơi đùa ngoài trời trong một bãi cát nhân tạo với đầy những bùn đắp trên tay và mặt, cùng đồ chơi vung vãi khắp nơi, đối với bạn sẽ trông giống như một bãi chiến trường. Nhưng với đứa trẻ, có thể đó là một bàn ăn kiệt tác làm bằng cát và bùn. 

Đứa trẻ đang dùng tới tính sáng tạo, huy động các giác quan, và đang hoàn thành một dự án là sản phẩm của riêng mình. Đừng tước bỏ cơ hội được khôn lớn và phát triển của chúng chỉ vì bạn muốn giữ chúng sạch sẽ. Hãy cho phép chúng lớn khôn thông qua bụi bặm, bùn lầy và thiên nhiên.

3. Nuôi dạy con cái không phải là một cuộc thi

Một số bậc cha mẹ đua nhau làm tiệc sinh nhật cho con hoành tráng nhất, một số cho con ăn mặc đẹp nhất, và số khác nấu những bữa ăn hữu cơ lành mạnh ba lần một ngày. Mỗi bậc cha mẹ có niềm đam mê và vốn kĩ năng khác nhau, cũng hệt như mỗi đứa trẻ đều khác nhau vậy. 

Hãy làm những gì đúng đắn cho con bạn. Đừng làm chỉ vì những cha mẹ khác cũng làm như vậy. Một câu tục ngữ xưa có nói "Việc mình mình làm.” Việc làm cha mẹ cũng giống như vậy. Con mình mình chăm. Hãy làm những gì đúng đắn cho con mình và đừng lo lắng về những việc mà người khác làm. 

Câu thần chú tương tự cũng đúng với các cột mốc trong cuộc đời đứa trẻ. Một số đứa biết đi lúc 9 tháng tuổi trong khi những đứa khác bắt đầu đi lúc 15 tháng. Điều đó không có nghĩa nó sẽ chạy ở giải marathon Boston khi lớn lên còn những đứa khác thì không. 

Việc trẻ con đạt được những dấu mốc ở những độ tuổi khác nhau là bình thường. Mỗi đứa trẻ đều khác biệt bởi chúng không được làm ra giống như robot. Nếu bạn đang quan tâm đến việc con mình đạt được những cột mốc theo đúng tiến độ, hãy lắng nghe những chuyên gia chứ không chỉ là những bậc cha mẹ khác. Bạn sẽ nhận thấy có một độ sai lệch đáng kể trong việc đạt được các cột mốc. 

Ví dụ, bạn có một người bạn mà đứa con 24 tháng tuổi mới chập chững biết đi của họ có thể nói cả câu và có vốn từ vựng hơn 100 từ. Đứa con 24 tháng tuổi của bạn chỉ biết 40 từ. Bạn bắt đầu cảm thấy có gì đó không ổn với con mình hoặc là nó không được thông minh. 

Tuy nhiên, nếu bạn biết rằng tiêu chuẩn của quá trình phát triển ngôn ngữ đối với một đứa trẻ 24 tháng tuổi là nói được 40-50 từ, bạn sẽ có thể yên tâm phần nào. Bạn sẽ có những bạn bè mà con cái họ xuất sắc trong nhiều lĩnh vực. Một vài người sẽ có con thành thạo song ngữ từ rất sớm, và số khác sẽ có con biết đọc lúc ba hay bốn tuổi. 

Những đứa trẻ này là cá biệt. Một số người có phước khi có những đứa con tài năng. Còn hầu hết chúng ta có phước khi có con bình bình theo chuẩn thông thường, đó là lí do chúng được gọi là "bình thường". 

Hãy ăn mừng và yêu thương những đứa con bình thường của bạn như chúng vốn vậy, bởi có những người chỉ ước có được một đứa con "bình thường". Mỗi đứa trẻ đều khác nhau với những năng khiếu và năng lực riêng. Hãy tập trung vào năng khiếu của chính con bạn. Làm cha mẹ không phải một cuộc thi. Chỉ cần làm hết sức mình, nuôi dạy đứa con mà bạn đang có.

4. An toàn trên hết

Mục tiêu của bạn trong ba năm đầu đời của đứa trẻ là giữ nó sống sót. Mẹ tôi từng nói với tôi điều này và tôi nhận ra đúng là như vậy. 

Đã vượt qua ba năm đầu đời của ba đứa con, tôi biết rằng giữ con mình sống sót là ưu tiên đầu tiên và trên hết. Điều này nghĩa là việc giữ cho chúng an toàn trong những năm đầu đời là yếu tố quan trọng nhất của quá trình chăm sóc chúng. 

Tất nhiên bạn cần đáp ứng những nhu cầu cơ bản của con. Hãy cho con ăn, thay quần áo, yêu thương con, nhưng hãy đảm bảo chúng được an toàn trước đã, nếu không mọi sự chăm lo sẽ trở nên vô nghĩa. 

Chẳng hạn như, nếu bạn đang đút cho đứa con mới chập chững tập đi ăn trên một chiếc ghế cao, hãy chắc chắn rằng con được thắt dây an toàn chặt vào ghế, để nó không thể trèo ra và té đập đầu xuống đất. Cho ăn là việc quan trọng, nhưng đầu tiên hãy đảm bảo chúng được an toàn và ở yên trên chiếc ghế cao đó trước đã. An toàn luôn là trên hết.

5. Hãy tham gia một khóa học hồi sức tuần hoàn hô hấp (CPR) và sơ cứu ban đầu

Hãy tham gia một khóa CPR và sơ cứu ban đầu. Tin tôi đi, bạn không thể biết trước khi nào sẽ cần đến những kỹ năng đã được học này đâu. Khi tình huống khẩn cấp xảy ra, bạn sẽ biết cách xoay xở mọi việc. 

Đừng nghĩ rằng bạn có thể chạy ngay đến bên chiếc điện thoại và lên YouTube tìm hiểu cách thực hiện CPR khi bạn cần áp dụng nó cho con mình. Sự hoảng loạn sẽ ăn vào tâm trí khi bạn không có kiến thức. Hãy tự chuẩn bị bản thân mình trước những tình huống khẩn cấp tiềm tàng bằng cách học những việc phải làm khi một cơn khủng hoảng phát sinh. 

Ví dụ, vào một tối nọ đứa con trai đầu của tôi rơi vào tình trạng ngưng tim. Chồng tôi bắt đầu làm CPR. Anh ấy đã học CPR nhiều năm trước còn tôi mới học gần đây. Tôi chỉ dẫn chồng phải làm những gì trong lúc anh ấy thực hiện. Chúng tôi phối hợp cùng nhau để làm CPR trong lúc chờ xe cứu thương tới. Theo lời các bác sĩ tại bệnh viện, những thao tác CPR mà chồng tôi thực hiện đã giữ lại mạng sống cho con trai chúng tôi. 

Chúng ta không biết trước được liệu có khi nào phải làm CPR với chính con mình hay không. Tuy nhiên việc chúng tôi được đào tạo CPR để nó trở thành hành trang cá nhân của mình đã giúp cứu sống con trai tôi trong đêm đó. Đã có những thời điểm khác mà tôi phải dùng đến Thủ thuật Heimlich với các con mình và vì thế tôi biết ơn việc mình đã tham gia khóa học CPR và sơ cứu ban đầu. 

Đừng trì hoãn việc đăng ký một lớp học như vậy chỉ vì chưa có tình huống khẩn cấp nào xảy ra trong nhà mình. Có khả năng là một loại tình huống cấp cứu nào đó sẽ phát sinh, bất kể là ngạt thở, vết thương hở, gãy xương, chấn thương đầu, hay một đợt bệnh nào đó đòi hỏi đầu óc bình tĩnh cùng những kỹ năng để giúp con bạn vượt qua. 

Hãy chuẩn bị cho những tình huống đó bằng việc tham gia một khóa học CPR và sơ cứu ban đầu. Hội Chữ thập Đỏ cung cấp một công cụ tìm kiếm trên trang web của họ, qua đó bạn có thể tìm ra những lớp học như vậy ở gần chỗ mình.

6. Tập ngồi bồn cầu khi trẻ đã sẵn sàng

Trẻ con sẽ bắt đầu sử dụng bồn cầu khi chúng sẵn sàng. Nếu bạn tạo áp lực quá đáng để tập cho con ngồi bồn cầu, nhiều khả năng việc đó sẽ không đem lại kết quả tốt. Chúng cần phải ở trong trạng thái sẵn sàng và muốn dùng bồn cầu thì việc tập ngồi mới thành công được. 

Đừng bỏ qua những dấu hiệu gợi ý khi chúng đã sẵn sàng. Có vài việc bạn có thể làm để chuẩn bị cho chúng tập ngồi bồn cầu, nhưng đừng thúc ép. 

Ví dụ, bạn có thể mua cho con một chiếc bồn cầu chuyên dùng cho việc tập luyện này để con thực hành ngồi lên, bạn có thể đọc cho chúng nghe những cuốn sách dành cho trẻ em viết về việc tập ngồi bồn cầu, và bạn có thể để con tự chọn quần lót cho mình tại cửa hiệu. Những việc này sẽ giúp chúng chuẩn bị cho việc tập ngồi bồn cầu và đến một ngày kia chúng sẽ quyết định rằng mình đã sẵn sàng. 

Khi nào chúng sẵn sàng bạn sẽ biết ngay thôi. Một ngày nọ chúng sẽ tự nguyện tham gia vào quá trình đó, muốn mặc loại quần lót dành cho trẻ lớn và đi vào nhà vệ sinh. Cho đến trước khi chúng thể hiện sự quan tâm hay mong muốn, nhiều khả năng là bạn chỉ đang phí thời gian mà thôi. 

Trong vài trường hợp, cha mẹ phải kéo dài thêm thời gian cho việc tập ngồi bồn cầu vì việc đó trở thành một trải nghiệm đau thương cho họ với những phương pháp tập mạnh tay. Đừng ép buộc con bạn ngồi lên bồn cầu. Sẽ không ích gì cho cả bạn và con cả. 

Hãy làm ơn cho chính bạn và con, và chờ đợi đến khi chúng tỏ ra sẵn sàng. Khi con đã tỏ ra sẵn sàng, hãy giúp chúng có thêm động lực để thành công bằng những bảng đánh dấu (sticker chart), những phần thưởng, hay những phương pháp khác đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc tập cho trẻ ngồi bồn cầu.

7. Trẻ con luôn muốn có tổ chức quy củ rõ ràng

Trẻ con có một ham muốn bẩm sinh đối với các quy luật, cấu trúc, và ranh giới. Chúng cũng sẽ làm mọi việc tốt hơn khi các thói quen hằng ngày được thiết lập. Điều đó không có nghĩa là chúng muốn cha mẹ trở thành những nhà độc tài cứng nhắc thiếu linh hoạt. Thay vào đó, chúng cần những ranh giới với những quy tắc được giải thích rõ ràng, nhằm giúp chúng trưởng thành và lớn khôn thành một con người tốt nhất có thể. 

Kiên định với các quy tắc cũng là điều thiết yếu. Chẳng hạn như, một đứa trẻ không có giờ giấc đi ngủ đều đặn và vào một đêm nọ bị la mắng vì thức quá khuya, trong khi đêm tiếp theo thức còn khuya hơn mà không nhận hậu quả nào, sẽ làm đứa trẻ bối rối về vấn đề giờ đi ngủ. Việc cho đứa trẻ biết rằng phải đi ngủ lúc 8 giờ tối vào các ngày đi học, để có được giấc ngủ cần thiết, sẽ đặt ra một quy tắc và ranh giới cụ thể giúp chúng học tập tốt hơn. 

Việc đặt ra khung giờ cụ thể làm cho quy tắc trở nên rõ ràng và giờ đi ngủ sẽ không còn là trò đoán mò nữa. Trẻ con muốn biết mọi người trông đợi gì ở mình. Chúng cũng muốn có những lề thói thường nhật để có thể dựa vào và làm theo. Lề thói làm chúng cảm thấy yên tâm. Việc có quy tắc và trật tự cũng giúp chuẩn bị cho chúng khi trở thành người lớn và tiếp xúc với đời thực. 

Khi trẻ con không có được trật tự, chúng cảm thấy mất kiểm soát. Điều đó có thể dẫn tới cảm giác lo lắng. Lứa tuổi thanh thiếu niên đặc biệt cần đến trật tự, nhưng nhiều cha mẹ lại nghĩ lứa tuổi nhỏ hơn này cần tính linh động và dễ dãi nhiều hơn. Tuy nhiên sự dễ dãi này có thể dẫn tới việc đứa trẻ khi đến tuổi thanh thiếu niên cảm thấy cuộc sống của mình mất kiểm soát. 

Chúng cần các quy tắc và trật tự, song cũng cần hiểu rằng các quy tắc này hướng đến lợi ích của chúng vì bạn yêu thương chúng. Đây là lí do tại sao sẽ rất có ích nếu cha mẹ giải thích cho đứa con nhỏ hoặc cô cậu thanh thiếu niên của mình về lí do tồn tại những quy tắc mà chúng đang phải làm theo. 

Ví dụ, bạn đặt ra giờ giới nghiêm là nửa đêm cho đứa con tuổi thanh thiếu niên của mình và chúng hỏi tại sao, bạn trả lời "Bởi mẹ là mẹ nên mẹ đặt ra giờ giới nghiêm, và con phải vâng lời." Nhiều khả năng chúng sẽ chống đối lại câu trả lời kiểu bề trên đó. Thay vì vậy, việc nói rằng "Mẹ đặt giờ giới nghiêm bởi vì mẹ muốn biết con sẽ về nhà trước giờ đó và được an toàn, bởi vì mẹ yêu con" sẽ dễ giúp chúng hiểu rằng bạn đang đặt ra một lệnh giới nghiêm xuất phát từ tình thương và sự chăm lo dành cho chúng.

8. Phát triển nhân cách thông qua những tấm gương

Những việc bạn làm sẽ quan trọng đấy. Con bạn đang dõi theo bạn. Bạn chính là hình mẫu cho con mình noi theo, dù muốn hay không. Nhân cách và đạo đức của chúng sẽ được phát triển trước tiên là từ trong nhà. Chúng đang dõi theo bạn và những hành xử của bạn. 

Hãy cư xử theo đúng hình mẫu mà bạn muốn con mình trở thành khi lớn lên. Hãy luyện tập việc ra quyết định đúng đắn liên quan đến nhân cách và đạo đức nếu bạn muốn chúng trở thành những con người tốt đẹp và lịch thiệp. 

Ví dụ, nếu bạn đang chơi một môn cờ với con, thì đừng gian lận. Nếu bạn gian lận chúng sẽ học được rằng gian lận là bình thường khi chơi cờ. Gian lận có thể trở thành một con đường dẫn đến sa ngã. Nó có thể tiến dần từ chơi cờ sang gian lận ở trường lớp hoặc thi cử. 

Đừng chuẩn bị sẵn cho con những rắc rối sau này bằng việc làm mẫu về cách thức gian lận. Thay vào đó, hãy là một tấm gương về nhân cách mạnh mẽ và đứng đắn bằng việc chơi trung thực, kể cả khi việc đó đồng nghĩa với thua cuộc.

9. Hãy cứ để con là một đứa trẻ

Đừng khiến con mình trưởng thành quá sớm. Hãy để chúng trải nghiệm cuộc sống đúng với tuổi của mình, bởi chúng chỉ được làm trẻ con có một lần mà thôi. 

Đừng kỳ vọng chúng cư xử như những người lớn nhỏ con. Trẻ con khác người lớn. Chúng có xu hướng hiếu động về thể chất hơn người lớn, cần ngủ nhiều hơn, và cực kỳ tò mò một cách tự nhiên. 

Hãy cho phép chúng được làm trẻ con, bằng việc giữ những kỳ vọng của bạn song hành với thực tế rằng chúng là những đứa trẻ chứ không phải người lớn. Cứ để chúng chạy nhảy và chơi đùa. Việc đòi hỏi một đứa trẻ hai tuổi phải ngồi yên một chỗ và im lặng liên tục hàng giờ liền là phi thực tế. 

Ví dụ, bạn muốn đứa con mới biết đi của mình tiếp xúc với văn hóa và nghệ thuật, thế là bạn mua vé xem nhạc giao hưởng. Tối đó bạn đưa đứa con hai tuổi của mình tới buổi hòa nhạc dài ba tiếng đồng hồ và thất vọng toàn tập bởi nó không chịu ngồi yên. Tệ hơn nữa là nó còn làm ồn và làm những khán giả khác mất hứng. Bạn đã có ý định tốt, nhưng có lẽ sẽ là tốt hơn nếu cả bạn và con tham gia vào một lớp học âm nhạc Mẹ và Bé chuyên về nhạc cổ điển. 

Như vậy bạn sẽ giúp con tiếp xúc với văn hóa và nghệ thuật trong bầu không khí vui vẻ, lấy đứa trẻ làm trung tâm và cho phép trẻ con được làm trẻ con thật sự. Thế nên, hãy cứ chuẩn bị nhận lấy thất bại cho chính bạn và con mình nếu kỳ vọng chúng hành xử già trước tuổi trong bất kì tình huống nào.

10. Dùng quyền trợ giúp

Những người trông trẻ có thể giúp bạn giữ đầu óc mình nhẹ nhõm bớt. Nếu việc thuê người giữ trẻ hoặc vú em không phù hợp với túi tiền của bạn thì hãy tìm một người bạn có thể trao đổi việc chăm con qua lại với bạn. Bạn trông con của họ và họ trông con của bạn, cũng là cách tạo ra một buổi chơi chung cho con bạn. Đây là một tình huống hai bên cùng có lợi. 

Cha mẹ cần có thời gian nghỉ. Nếu bạn dành toàn bộ thời gian cho việc chăm con, hãy đảm bảo mình có những khoảng nghỉ giải lao lúc này hay lúc khác. Bạn sẽ chăm sóc trẻ tốt hơn nếu bạn dành thời gian cho cả bản thân mình. 

Đừng nghĩ rằng vì là cha mẹ nên mình phải tự làm hết tất cả. Phải cần đến cả một làng người để nuôi dạy một đứa trẻ. Hãy nắm lấy những người đó và để họ giúp đỡ bạn. 

Hãy nghỉ giải lao, tạm rời xa con và dành thời gian cho bản thân mình để tự nạp lại năng lượng. Bạn sẽ trở lại với trạng thái tốt hơn, sẵn sàng làm cha mẹ và đương đầu tốt hơn với những thách thức của việc làm cha mẹ nhờ khoảng thời gian nghỉ ngơi đó.

11. Hãy để con trải nghiệm thất bại

Đừng giải cứu con mình mỗi khi chúng sắp sửa thất bại. Hãy cho phép con thất bại. Nhất là khi chúng còn nhỏ. Hãy để chúng sớm học được cảm giác thất bại là thế nào và cách đứng lên sau vấp ngã. Hãy ở bên dẫn dắt chúng đi qua những trải nghiệm, song đừng giải cứu chúng khỏi những thất bại. 

Ví dụ, con bạn đang thực hiện một đề án ở trường liên quan đến việc xây một tòa tháp, và bạn có thể nhận thấy kết quả cuối cùng sẽ là sụp đổ hoàn toàn bởi con đã không làm nền móng đủ chắc. Bạn bảo con rằng con nên làm nền chắc hơn. Và chúng không muốn làm theo ý bạn. Chúng khăng khăng làm theo ý mình. 

Đừng lén sửa lại đề án của con sau khi chúng đi ngủ. Ngày hôm sau khi chúng tới trường và cả công trình sụp đổ tan tành sau khi được mang vào lớp, chúng sẽ cố gắng hết sức để tự mình sửa chữa nó. Bạn hướng dẫn chúng trong suốt quá trình đó và chúng sẽ cúi đầu nghe theo. 

Đừng vội vã lao vào nhằm ngăn chúng thất bại. Hãy cho phép chúng vấp ngã bởi chúng cần phải trải nghiệm cảm giác thất bại là như thế nào và làm sao để đứng dậy. Con bạn sẽ suy sụp, tan vỡ, và khóc lóc hay sẽ nhặt lại những mảnh vụn và sửa chữa tòa tháp nhanh chóng và hiệu quả hết mức có thể? Bạn có thể giúp huấn luyện cho chúng bằng cách hỏi “Nếu tòa tháp bị lật nghiêng khi con mang tới trường, theo con có thể sửa lại nó như thế nào?”. 

Bạn không làm hộ chúng. Bạn đang giúp chúng chuẩn bị tinh thần cho những thất bại tiềm tàng trước khi nó xảy ra. Sẽ có những thời điểm bạn có thể giúp chúng bằng các giải pháp để giải quyết vấn đề. Như vậy luôn tốt hơn là chen ngang vào giải cứu chúng. 

Một ngày nào đó bạn sẽ không thể ở bên để giúp đỡ và giải cứu con mình. Bạn muốn giúp chúng bằng cách truyền đạt những kỹ năng như tính kiên cường, nhờ đó chúng có thể tự cứu lấy mình khi thực sự đối mặt với thất bại.

12. Đừng bỏ lỡ thời thơ ấu của con

Chúng chỉ làm trẻ con có một lần. Thời thơ ấu không thể quay lại. Đừng bỏ lỡ thời thơ ấu của con do làm việc quá nhiều. Con bạn muốn có bạn hơn mọi thứ trên đời. 

Hãy cân bằng thật tốt giữa công việc và thời gian cho con, để bạn trở thành một phần ký ức sinh động và mãi ngân vang trong thời thơ ấu của con.

Tổng kết

Trẻ con vẫn sẽ lớn lên dù cha mẹ có như thế nào. Bởi vậy đừng quá khắt khe với bản thân mình. 

Chúng ta đều sẽ mắc lỗi trong vai trò làm cha mẹ. Không có ai là người cha hay người mẹ hoàn hảo cả. Những đứa trẻ vẫn sẽ lớn lên bất chấp những sai lầm chúng ta phạm phải. 

Hãy học hỏi và trưởng thành từ sai lầm của mình. Những đứa trẻ lớn lên và chúng ta cũng trưởng thành hơn cùng với chúng, chính nhờ việc học hỏi để làm cha mẹ ngày càng giỏi hơn. Cứ làm hết sức mình và điều đó sẽ mang về lại cho bạn lòng khoan dung vô bờ từ những đứa con yêu quý.

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn