Mạc Yên

Văn hóa bình luận: Suy đồi, ích kỷ, bầy đàn?

Đăng 7 năm trước

Hỏi: Người ích kỷ lợi dụng tự do ngôn luận làm gì? Đáp: Cắn vào cổ đối phương.

Động cơ tôi viết bài này là gì?

Khi chương trình 60 phút mở trở thành tâm điểm, nhà báo Tạ Bích Loan, nhà thơ Hồng Thanh Quang bị hàng trăm ngàn chiếc miệng bâu vào cấu xé. Người người hô hào việc đăng bài lên Facebook là quyền của họ, chẳng việc gì phải khúm núm làm vừa lòng người khác. “Bộ đăng một cái status trên tường nhà để thể hiện quan điểm cũng phải đi hỏi ý kiến? Thể hiện cảm xúc tức thời cũng không được?”

Động cơ của tôi là yêu cầu các bạn ngậm miệng lại! A, tôi hi vọng có một đợt công kích vào tôi khi phát ngôn như thế. Nhưng tôi chưa nói hết: Hãy ngậm miệng lại khi những gì sắp thoát khỏi mồm là lời lẽ vô văn hóa!

Con dao phẫu thuật là để cứu người, nhưng con dao cũng dùng để phá thai. Xe cứu thương là để chở người bệnh, nhưng chiếc xe đó đã từng tông chết người. Quyền hạn là một công cụ, và không có công cụ nào là xấu xa. Chỉ người sử dụng nó cho mục đích xấu xa. Nếu nhìn bao quát hơn ta sẽ thấy "60 phút mở" đang đưa ra hai mặt của vấn đề để người ta tự điều chỉnh hành vi. Những kẻ ích kỷ đội lốt một nhà nhân quyền, và những kẻ ích kỷ thiếu suy nghĩ giả danh nhà thông thái đã ập vào đòi bóp cổ Tạ Bích Loan. Tôi đang xúc phạm người khác? Không. Tôi nói đến những người sống theo bầy, thấy người ta bảo chương trình đụng chạm đến quyền tự do ngôn luận thì đăng đàn chửi rủa. Trong khi họ chưa hề xem, xem một vài đoạn clip tóm tắt, hay không xem hết toàn bộ chương trình đó. Hoặc đã xem toàn bộ, nhưng trước khi xem đã ở trong trạng thái thù hằn chương trình. 

Và tôi nghi ngờ số lượng người này rất đông. Những kẻ ích kỷ đội lốt nhà nhân quyền đang bành trướng thế lực và lôi kéo những người sống vội thở gấp. Bằng chứng là vô số người đã bắt đầu công kích một người nêu chính kiến trên Facebook của mình: Cô Trần Thị Mỹ Hà.

"Giống cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh đại học. Ku Tây không thích điều này."

 

Tôi cho đây là phát ngôn chính kiến còn nhẹ nhàng. Khi tin tức được phát lên tivi, cả gia đình tôi đều sửng sốt. “Không thèm nhận luôn.” “Làm cái trò tào lao bắt xế.” Đó là lời nguyên văn của một cặp vợ chồng về hưu, ba mẹ tôi. Cô Trần Thị Hà là thạc sĩ Sinh học, dạy hợp đồng ở trường. Vậy bao lâu nay làm thạc sĩ rồi mà cô không có năng lực để vào biên chế ư? Nếu nói không cho vào vì biên chế đã đủ người, tại sao bao lâu nay cô còn được dạy hợp đồng?

Mẹ tôi nói cô nên từ chối, vì như vậy là sỉ nhục năng lực của cô, chà đạp lên cái chết của người chồng. Ba tôi nói nhục quốc thể. Có thể ba tôi hơi đao to búa lớn. Nhưng đây đúng là một sự sỉ nhục. Nếu cô có năng lực, thương tình vợ góa con côi, sao nhà trường không âm thầm đưa cô vào biên chế? Theo tôi, nếu cô từ chối thì cô là một anh hùng, còn nếu cô nhận thì cô sẽ là một bà mẹ vô cùng vĩ đại. Nhưng tôi giật mình, cần cái quyết định rầm rộ lên tivi nhà đài thế à? Thời nay tính nhân đạo xuống cấp tới mức phải có quyết định từ cấp trên mới chịu nhân đạo? Nhà trường vô nhân đạo tới mức phải nhắc mới nhớ ra? Xin lỗi, trò hề gì đây? Nó là một trò hề của truyền thông! Không khéo léo, thiếu tế nhị, màu mè và tiềm tàng nhiều hệ lụy về mặt nhận thức. 

Một đứa học sinh có thể học được bài học như sau: "Thế ra cô ấy vào dạy chính thức là vì chồng cô rớt máy bay chết, chứ chuyên môn của cô, khả năng của cô thì dưới tầm. Tấm bằng thạc sĩ là đồ bỏ, chắc là mua lại hay sao đó. Vậy chúng ta có thể không quá tài giỏi, có quá nhiều cách để đạt được thành công mà. Một trong số đó chính là dùng sự thương hại." Quá khủng khiếp! Một đứa nhóc biết lõm bõm vài thông tin và rút kết luận lạnh người.


Vậy thì bản chất của câu ca thán của cô Trần Thị Mỹ Hà là gì? Cho rằng cô Trần Thị Hà bất tài không xứng đáng nhận vào biên chế sao? Không, chúng ta phải nhìn bao quát hơn. Cô ấy bất bình vì vấn nạn ưu tiên tồn tại suốt từng đó năm. Sự bực mình đó gián tiếp liên hệ tới cô Trần Thị Hà, trong khi đối tượng công kích thật sự của cô Mỹ Hà không phải là cô Trần Thị Hà! Là cái tư tưởng ưu tiên. Sự chỉ trích tư tưởng giáo dục trong thời điểm này là phi nhân đạo, là vô cảm với tang gia hay sao? Không, chỉ trích đến từ tư duy logic, còn sự cảm thông đến từ trí thông minh cảm xúc. Đánh đồng là một kiểu tư duy phản biện sai lầm thường thấy của người Việt. Và, nếu không nhân đây mà nói thì còn lúc nào cô Mỹ Hà mới được thể hiện chính kiến của mình?


Nhưng ôi, những kẻ ích kỷ đã đánh hơi và xuất hiện.

Trong khi Phan Anh hoàn toàn vô trách nhiệm khi đăng tải, thì cô này nêu một chính kiến. Nhưng phản ứng của các bạn không giống nhau. Một bên bảo vệ quyền tự do ngôn luận, một bên chà đạp quyền tự do ngôn luận: “Chồng mày chết đi rồi mày biết”, “cô giáo dạy văn vô nhân đạo” (?!). Mâu thuẫn chưa? Chúng ta bô bô ba ba về quyền tự do ngôn luận, để rồi các bạn vác vào sự vô văn hóa, sự mất khả năng nhận thức văn minh, không tôn trọng người xem.

Bảo vệ quyền tự do ngôn luận để rồi chửi bới sự tự do ngôn luận của người khác? Vậy sự thật là bảo vệ ai? Không phải bảo vệ nhân quyền. Là đang bảo vệ cho sự ích kỷ cá nhân của chính mình thì đúng hơn. Bảo vệ quyền được nói thoải mái đến mức vô văn hóa. Tôi đang sống giữa một cộng đồng quá đáng sợ ư?!

Không chịu nhìn đến sự đa diện của vấn đề, tính bầy đàn lấn át khả năng tư duy, lập trường yếu kém, nóng vội và hời hợt. Quen thói sống ảo giúp những kẻ vô văn hóa, anh hùng bàn phím núp trốn đằng sau màn hình, thoải mái hả hê cho thói ích kỷ của mình. Vâng, đừng trách đất nước này nghèo yếu, nhưng con người rất đoàn kết chứ chẳng chơi đâu. Họ đoàn kết tới mức tự vả vào mặt nhau để làm vui!

Và tôi nghi ngờ khi đọc đến đây, chắc sẽ có nhiều người nghĩ rằng bài này chừa mình ra. Vì họ tự thấy họ đâu có như thế, nên thôi kệ bọn người được cho là “trẻ trâu” đi. Chúc mừng, bạn không còn là con lừa của truyền thông tạo ra, bạn là Chí Phèo thế kỉ 21.


Mạc Yên

Chủ đề chính: #Văn_hóa

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn