Lê Anh Tuấn Là kỹ sư xây dựng thế hệ 8x đời đầu, có niềm đam mê đặc biệt với các vấn đề về xe cộ.

Văn hóa giao thông - Sử dụng còi

Đăng 5 năm trước

Trong phần trước, chúng ta đã đề cập đến Văn hóa giao thông – Sử dụng đèn. Cũng như đèn, còi là một trong những thiết bị bắt buộc phải lắp trên phương tiện giao thông để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, không phải cứ cái gì lắp trên xe thì chúng ta đều có thể tùy tiện sử dụng. Vậy với tiếng còi, chúng ta nên sử dụng như thế nào để trở thành một người tham gia giao thông có văn hóa?

Phần 2: Sử dụng còi có văn hóa

Phần 1: Sử dụng đèn có văn hóa

Mấy năm trước, họa sỹ Nguyễn Thành Phong vì quá bất bình trước văn hóa sử dụng còi mà đã có cảm hứng để sáng tác một bộ tranh biếm họa về vấn đề này. Bộ tranh của họa sỹ đã thể hiện phần lớn thực trạng sử dụng còi xe vô tội vạ của người tham gia giao thông trên những con đường đông đúc ở các thành phố lớn.

Chúng ta bóp còi inh ỏi ở mọi lúc, mọi nơi. Dừng chờ đèn đỏ còn 3-5 giây: còi để giục người phía trước vượt đèn; Đường tắc, mọi người hầu như đứng im một chỗ hoặc nối đuôi nhau đi chầm chậm theo xe phía trước: còi để thúc giục, để tìm chỗ trống mà len lỏi; Thậm chí đường vắng, một mình một đường cũng phải bấm còi liên tục như xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ, … Còi nguyên bản của xe chưa đủ độ ồn cần thiết, nhiều người còn phải mua còi hơi hoặc còi điện giả tiếng còi hơi về lắp cho nó kêu. Thậm chí đến một hãng sản xuất xe máy có tiếng ở Việt Nam còn phải nghiên cứu đổi vị trí lắp công tắc đèn xi nhan và công tắc còi cho nhau để người Việt thuận tiện hơn trong việc bấm còi!?

Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định, đối với ô tô và các loại xe tương tự ô tô, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi bấm còi trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 5h ngày hôm sau, phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với người điều khiển xe bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi; phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy có hành vi bấm còi trong thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 5h ngày hôm sau…

Còi là một thiết bị an toàn không thể thiếu khi tham gia giao thông. Nhưng hãy học cách sử dụng để nó không trở thành một thứ âm thanh đáng sợ với những người sống tại các đô thị lớn. Trước khi bấm còi,hãy nghĩ xem có thực sự cần thiết phải còi, việc bấm còi vào tình huống này có giải quyết được vấn đề không. Tiếng còi không đúng lúc, đúng chỗ sẽ gây khó chịu cho người khác; tiếng còi quá lớn còn có thể gây điếc; thậm chí có những người đã bị giật mình vì tiếng còi mà xảy ra những tai nạn đáng tiếc. Bạn không nên bấm còi mọi lúc, mọi nơi, trong mọi tình huống như một số bạn vẫn nói vui “tay nhanh hơn não”.

(Còn tiếp Phần 3: Văn hóa nhường đường)

Chủ đề chính: #văn_hóa_giao_thông

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn