Nguyễn Minh Ngọc Hà Dream as if you'll live forever. Live as if you'll die today. - James Dean -

Vén màn bí mật vũ trụ thần bí

Đăng 8 năm trước

Từ xưa đến nay, loài người luôn hiếu kỳ và muốn khám phá vũ trụ bao la. Hãy cùng Ohay bước vào hành trình vén chiếc màn bí mật của vũ trụ thần bí. Bạn đã sẵn sàng chưa?

1. Vũ trụ bao nhiêu tuổi?

Theo tính toán của các nhà khoa học thì tuổi của vũ trụ là 15 tỉ năm. Đây là một quá trình rất dài, loài người của chúng ta chỉ mới xuất hiện cách đây khoảng hai triệu năm. Nếu so với 15 tỉ năm của vũ trụ thì đó chỉ là một khoảng thời gian quá ngắn ngủi.

2. Điểm đen của mặt trời có phải là màu đen không?

Điểm đen của mặt trời chính là lỗ xoáy khí lưu khổng lồ trên tầng cầu ánh sáng của mặt trời. Đây chính là những tiêu chí rõ nét nhất về sự hoạt động của mặt trời. Điểm đen của mặt trời nhìn vào thì rõ ràng là màu đen, nhưng thực ra, đây chỉ là kết quả của sự phản xạ ánh sáng cầu quang. Một điểm đen có thể phát ra lượng ánh sáng như trăng ngày rằm. Do đó, cho dù trên cầu quang của mặt trời có lấp đầy những điểm đen thì mặt trời của chúng ta vẫn chiếu sáng như thường.

3. Vì sao có "Gió mặt trời"?

Mặt trời cũng có lúc nổi gió, chúng ta gọi đó là "gió mặt trời". Lớp ngoài cùng của mặt trời là một khối khí rất nóng, ở lớp này có các hạt luôn muốn thoát khỏi sức hút của mặt trời để bắn ra tứ phía. Việc các hạt này thoát khỏi sức hút của mặt trời tạo nên "gió mặt trời". Gió mặt trời có thể "thổi" tới ngoài quỹ đạo của sao Diêm vương. Những hiện tượng cực quang trên Trái đất cũng có liên quan tới hiện tượng gió mặt trời.

4. Hành tinh và vệ tinh có phát sáng không?

Hành tinh và vệ tinh đều là tinh thể di động trong vũ trụ. Bản thân chúng không phát sáng. Khi bề mặt của chúng được ánh sáng mặt trời chiếu sáng, thứ ánh sáng đó sẽ phản xạ. Ở Trái đất, ta nhìn thấy thứ ánh sáng phản xạ và cho rằng tinh thể đó phát sáng. Nhưng thực tế, chúng không tự phát sáng.

5. Sao Ngưu Lang và sao Chức Nữ hằng năm có gặp nhau không?

Khoảng cách giữa sao Ngưu Lang và sao Chức Nữ là 16,4 năm ánh sáng. Với khoảng cách xa như vậy, nếu có dùng điện thoại để liên lạc thì cũng phải mất khoảng thời gian là 32,8 năm mới nghe thấy tiếng nhau. Việc sao Ngưu Lang gặp sao Chức Nữ vào đêm Thất tịch (mùng 7 tháng 7 âm lịch hằng năm) chỉ là một câu chuyện truyền thuyết mà thôi.

Sao Ngưu Lang cách Trái đất của chúng ta 16 năm ánh sáng còn sao Chức Nữ cách chúng ta 26,3 năm ánh sáng.

6. Những sinh vật nào có thể sinh sống ở trên sao Hỏa?

Trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học đã mô phỏng điều kiện môi trường giống như trên sao Hỏa và cho các sinh vật vào đó "sống thử". Kết quả cho thấy chuột sống được vài giây, rùa sống được 6 giờ, ếch sống được 25 giờ, một số loài côn trùng sống được vài tuần, còn một số loài như nấm, địa y, rêu thì có thể sống mãi ở môi trường sao Hỏa.

7. Vì sao nói sao Hải vương là ngôi sao được phát hiện ở trên giấy tờ?

Khi quan sát sao Thiên vương, người ta phát hiện ra rằng ngôi sao này không chuyển động theo quỹ đạo được tính toán bằng định luật Vạn vật hấp dẫn mà thường xuyên có hành vi "vượt" quỹ đạo. Vào năm 1843, nhà toán học người Anh John Couch Adams và năm 1846, nhà toán học người Pháp Urbain Le Verrier đã tính toán và chỉ ra rằng phía ngoài của sao Thiên vương vẫn còn một hành tinh khác nữa. Chính lực hút của hành tinh này đã ảnh hưởng đến quỹ đạo của sao Thiên vương. Cuối cùng vào năm 1846, nhà thiên văn học người Đức Heinrich d'Arrest đã căn cứ vào kết quả tính toán trước đó của hai nhà toán học và chỉ sau không đầy một tiếng đồng hồ ông đã tìm ra hành tinh mới, đó chính là sao Hải vương.

8. Sao chổi Halley được phát hiện như thế nào?

Mặc dù từ rất lâu đã có những tài liệu ghi chép lại sự xuất hiện của thiên thể nổi tiếng này, nhưng nhà thiên văn học người Anh Edmond Halley (1656 - 1742) là người đầu tiên tính toán ra chu kì vòng quay của sao chổi này là 76 năm và đã dự đoán chính xác vào năm 1758 sao chổi này xuất hiện trở lại. Để ghi nhớ những cống hiến của nhà thiên văn học này, mọi người đã đặt tên thiên thể đó là sao chổi Halley.

Với sự tiến bộ của khoa học công nghệ ngày nay, các nhà thiên văn học có thể dự đoán được "lộ trình" của sao chổi, nhưng ở nền văn hóa cổ đại, sự xuất hiện của sao chổi được coi là dấu hiệu về "Tận thế". 

Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Mỹ cho thấy, những người sống khoảng 1.500 trước đây có lý do chính đáng để sợ các đối tượng thiên thể. Họ cho rằng, chính sự xuất hiện của sao chổi Halley đã gây ra một nạn đói khủng khiếp vào năm 536.

Sự xuất hiện của sao chổi Halley đã "ném" vào khí quyển một lượng bụi khổng lồ khiến cho Trái đất phải hứng chịu hạn hán, mất mùa, đói kém với diện rộng trong một thời gian dài.

Nghiên cứu kĩ hơn, các nhà khoa học tin rằng, sự kiện này đã gây ra "bệnh dịch Justinian" vào năm 541 - 542. Đây là vụ dịch hạch đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử. Nó bắt đầu ở Ai Cập và dần lan tới Constantinople. 

9. Vì sao cơ thể của các phi hành gia cao lên khi ở ngoài vũ trụ?

Khi sinh sống trên vũ trụ các phi hành gia đều cao lên. Số liệu thống kê cho thấy người cao lên nhiều nhất là 5,5 cm, người nào ít là 2 cm hoặc 3 cm. Vì sao vậy? Nguyên nhân là do khi sinh sống ở môi trường không trọng lượng, xương sống con người không phải gánh trọng lượng của cơ thể nên phát triển dài ra, các khớp nối cũng lỏng và to ra, từ đó cơ thể sẽ cao lên rõ rệt. Tuy nhiên khi trở về Trái đất vài giờ, cơ thể của họ lại trở lại đúng chiều cao ban đầu.

Nếu bài viết hữu ích với bạn, hãy chia sẻ với mọi người nhé.

Tổng hợp: Ngọc Hà - Ohay TV

Xem thêm:


Chủ đề chính: #vũ_trụ_thần_bí

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn