Ho Hoanganh Đi, nghe, nhìn, đọc và viết.

Vì sao Đoàn Thị Hương không được thả?

Đăng 5 năm trước

Liên quan đến vụ án ám sát ông Kim Jong Nam, anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un , ở sân bay Kuala Lumpur đã dẫn đến một cuộc điều tra lớn của cảnh sát và cuộc tranh cã ngoại giao liên quan tới ngày càng nhiều nhân vật. Trong đó, Đoàn Thị Hương là một trong 2 nghi can. Tuy nhiên, Siti Aisyah, 25 tuổi, người Indonesia đã được trả tự do còn Đoàn Thị Hương vẫn chưa được tại ngoại.

Có sự đối xử bất công với công dân người Việt ?

Việc nghi can Indonesia được tha bổng, trong khi Đoàn Thị Hương vẫn bị truy tố là điều “không bình thường” - Chủ tịch Hội Luật sư Malaysia Abdul Fareed Abdul Gafoor.

Đó là câu hỏi do Chủ tịch Hội Luật sư Malaysia đặt ra để yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp nước ông giải thích lý do vì sao tha bổng cho nghi can người Indonesia, Siti Aisyah, trong khi vẫn giam giữ nghi can người Việt Đoàn Thị Hương, và bắt cô ra hầu tòa. 

Hai nghi can, Siti Aisyah, và Đoàn Thị Hương bị cáo buộc là đã sát hại ông Kim Jong Nam, người anh cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un, tại phi trường quốc tế Kuala Lumpur hồi năm 2017.Cả hai đối mặt với cáo trạng giết người vì đã trét chất độc VX lên mặt và vào mắt của nạn nhân, gây tử vong. 

Cả hai khai là không hề biết mình tham gia một vụ ám sát mà bị tình báo Triều Tiên lường gạt và lầm tưởng họ tham gia một trò chơi cho một chương trình truyền hình thực tế của nước ngoài.

Bị cáo buộc về cùng một tội trạng, trong cùng hoàn cảnh, hai phụ nữ trước đó có lẽ không hề quen biết, đã xuất hiện bên nhau như bóng với hình mỗi khi bị áp giải ra tòa trong suốt hai năm qua.  

Nay một người trở về trong vòng tay gia đình và họ hàng làng xóm, sau khi được đích thân Tổng thống Indonesia ra chào đón, trong khi cô Đoàn Thị Hương bị bác đơn xin tha bổng, tiếp tục bị giam giữ và phải ra hầu tòa, là một cú sốc quá sức chịu đựng của người còn lại. Cô Hương bị suy sụp tinh thần tới mức tòa phải hoãn phiên xét xử lại tới ngày 1/4.

Lý do bác đơn xin tại ngoại

Các công tố viên Malaysia hôm 13/3 đã bác bỏ yêu cầu trả tự do cho nghi can Đoàn Thị Hương của Việt Nam. Theo AFP, nghi phạm người Việt đã bật khóc khi nghe tin. Quyết định này được đưa ra hai ngày sau khi đồng nghi phạm của cô Hương, công dân Indonesia Siti Aisyah, bất ngờ được phóng thích, sau khi các công tố viên Malaysia hủy cáo trạng liên quan tới vụ sát hại ông Kim Jong Nam, anh cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un. 

Công tố viên nói tai tòa rằng tổng chưởng lý của nước này đã ra lệnh tiếp tục xử nghi can người Việt, nhưng không cho biết lý do bác bỏ.Luật sư của cô Hương, ông Hisyam Teh Poh Teik, cho biết "thất vọng" với quyết định trên và nói thêm rằng các công tố viên đã "bất công" với cô Hương. 

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh hôm 12/3 đã điện đàm với người đồng nhiệm Malaysia và yêu cầu thả cô Hương.Sau đó, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cũng đã gửi thư cho Tổng Chưởng lý Malaysia Tommy Thomas đề nghị phía Malaysia xem xét trả tự do cho công dân Việt.Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp cho biết, trong thư, ông Long viết rằng cả cô Hương và Siti Aisyah đều đã “bị lợi dụng, lôi kéo vào vụ việc mà không biết hành động của mình có thể dẫn đến hậu quả chết người”. 

Hình ảnh trích xuất camera chỉ cho thấy mỗi bị cáo Việt Nam vòng tay qua người ông Kim Jong-nam từ đằng sau, còn Siti Aisyah vội vã chạy đi từ đằng sau. Nhưng thực ra, nhiều nhân chứng khác vẫn có thể chứng tỏ vai trò của Siti Aisyah trong cái chết của Kim Jong-nam. 

Trước khi chết, ông Kim vẫn có thể đi được vài bước và nói với một tiếp tân tại sân bay, "ai đó đã tạt chất gì vào mặt tôi và một người phụ nữ đã chụp vào mặt tôi với một chiếc khăn tẩm dung dịch". Đây chính là hình thức vũ khí hoá học nhị phân, theo nhiều chuyên gia phân tích. 

Trong đó sẽ có hai hoặc nhiều sát thủ, mỗi người có thể đã tẩm hai hoặc nhiều tiền chất của chất độc lên mặt nạn nhân.Phương pháp sẽ đảm bảo rằng những kẻ tấn công không bị giết chết bởi chất độc và sẽ ít bị phát hiện hơn khi đem các thành phần hoá học riêng biệt của chất độc này vào Malaysia. 

Vì vậy, đoàn luật sư bào chữa của Đoàn Thị Hương một mực khẳng định trường hợp của thân chủ của họ hoàn toàn giống với bị cáo Indonesia."Nếu có thể thả tự do cho Siti Aisyah, tại sao lại không thả Hương?" Luật sư Hisyam Teh Poh Teik nói một cách thất vọng tại cuộc họp báo sau phiên toà hôm 14/3.

Một phiên tòa bất thường

Đã có nhiều dấu hiệu bất thường vào phiên toà hôm thứ Hai, 11/3, ngày bị cáo Indonesia bất ngờ được thả.Phiên toà dự kiến diễn ra lúc 9 giờ sáng, nhưng hai bị cáo, vốn luôn phải có mặt ở toà ít nhất một tiếng trước khi phiên xử bắt đầu, đã đến toà lúc 9 giờ 30. 

Phiên toà bắt đầu lúc 10 giờ nhưng kết thúc gần như ngay lập tức sau tuyên bố "không tiếp tục theo đuổi việc truy tố Siti Aisyah" của công tố viên khiến Đoàn Thị Hương quá suy sụp, không thể tiếp tục phần làm chứng trước toà.Và đó không phải là một quyết định nhất thời của nhóm công tố. Họ đã đến toà mà không mang theo bất kỳ một cặp tài liệu nào - cho thấy việc trả tự do Siti Aisyah đã được thu xếp từ trước. 

Và khi cánh phóng viên đến cuộc họp báo tại Đại sứ quán Indonesia hôm 11/3, gần như tất cả mọi thứ cũng đã sẵn sàng với bàn ghế, giấy bút, thông cáo đầy đủ - không một sự vội vã, không một chút bất ngờ.Cho nên sáng 14/3, tôi cùng các đồng nghiệp căng mắt dõi theo màn hình camera phiên tòa chiếu trong phòng báo chí, căng tai lắng nghe thứ tiếng Anh trộn lẫn Bahasa vô cùng khó nghe, để tìm xem liệu có những dấu hiệu trên trong phiên tòa lần này hay không. 

Nhưng mọi thứ gần như ngược lại. Đoàn Thị Hương được đưa đến toà từ sớm, lúc 8 giờ sáng, nhưng đến 10:30 phiên toà mới bắt đầu, trễ nửa tiếng.Có thể, phía công tố viên và luật sư đã bất ngờ trước sự xuất hiện của Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Lê Quý Quỳnh khi đích thân ông đến toà lúc 9 giờ. 

Đây có lẽ nỗ lực giờ chót của chính quyền Việt Nam trong việc kêu gọi trả tự do cho Đoàn Thị Hương. Nhưng bên công tố đã không chấp nhận điều này. Hay đúng hơn Tổng chưởng lý Malaysia Tommy Thomas chưa chấp thuận những gì phía Việt Nam đề nghị.Và tất nhiên đây là cái tên được nhắc đến nhiều nhất sau phiên toà hôm 14/3.

                                                          Hồ Hoàng Anh tổng hợp theo VOA, BBC

Chủ đề chính: #Đoàn_Thị_Hương

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn