Kokoro Vì gió vẫn thổi và ta phải tiếp tục sống và mơ ước dù biết ngọn gió cuộc đời không lặng bao giờ

Vì sao Lầu Năm Góc lại có hình năm góc?

Đăng 4 năm trước

Lầu Năm Góc tại Mỹ - biểu tượng hùng hồn cho sức mạnh quân sự của cường quốc số một thế giới - đã khoác lên mình hình dạng ngũ giác độc đáo như thế nào? Đó là cả một câu chuyện dài không phải ai cũng tường tận.

Tại sao chúng ta gọi tòa nhà này bằng cái tên "Lầu Năm Góc"? Hiển nhiên là vì hình dạng đặc trưng không lẫn vào đâu được của nó. Nhưng nếu đổi lại câu hỏi thành "Tại sao trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ lại được thiết kế theo hình ngũ giác hoàn hảo như vậy?" thì không phải ai cũng trả lời được. Cũng đúng thôi, bởi đó là cả một câu chuyện dài vốn bắt đầu từ giữa thế kỷ trước.

Steve Vogel - phóng viên của tờ báo Washington Post, đồng thời là tác giả cuốn sách “The Pentagon – A History" - là một trong những người hiểu rõ nhất về toàn bộ câu chuyện dẫn đến hình dạng ngũ giác của tòa nhà này. "Về cơ bản đó là một biến cố được tạo ra do nhu cầu cấp thiết của chiến tranh," ông nói. 

Mùa hè năm 1941, chính phủ Mỹ ở thủ đô Washington, D.C. đã cảm nhận được thực tế rằng đất nước mình sắp bị kéo vào cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai đang lan rộng khắp châu Âu. Vào thời điểm đó, Bộ Chiến tranh - tiền thân của Bộ Quốc phòng Mỹ ngày nay - không có một trụ sở nhất quán, mà lại bị phân tán trong nhiều tòa nhà mang tính tạm thời ở Washington.  

Đoán trước tình hình chiến tranh đang sắp đến gần, Bộ Chiến tranh đã giao cho Chuẩn tướng Brehon Burke Somervell nhiệm vụ phải mở rộng trụ sở của Bộ. Theo lời Vogel giải thích, mặc dù ý tưởng ban đầu là xây dựng các tòa nhà tạm bợ sử dụng trong ngắn hạn, nhưng sau khi xem xét và nghiên cứu kỹ càng, Somervell đã quyết định rằng giải pháp tốt nhất là nên xây một tòa nhà duy nhất để làm nơi đóng quân cho toàn thể hàng nghìn nhân viên. Vogel đã gọi Somervell là "cha đẻ của Lầu Năm Góc - thực sự là nhân vật duy nhất kết hợp các ý tưởng lại với nhau và sau đó tiến hành thực hiện nó trong một khoảng thời gian ngắn đến mức đáng kinh ngạc". 

Theo như những gì mà Vogel đã viết, vào một ngày thứ Năm của tháng Bảy năm 1941, Somervell đã chỉ đạo đội ngũ thiết kế của mình phải trình lên bản kế hoạch xây dựng một tòa nhà đủ sức chứa 40.000 người, có chỗ đậu xe cho 10.000 xe hơi, và không được cao quá bốn tầng nhằm tiết kiệm sắt thép và tránh cản tầm nhìn quan sát Washington. Không chỉ có thế, Somervell còn yêu cầu bản kế hoạch phải được hoàn thành ngay vào thứ Hai của tuần kế tiếp.  

Với diện tích mặt bằng được thiết kế rộng gấp đôi tòa nhà Empire State Building, trụ sở tương lai của Bộ Chiến tranh Mỹ không thể đứng vừa trong khuôn viên Washington được. Thay vào đó, đội ngũ thiết kế đã quyết định đặt nó tại một vị trí dọc bờ sông Potomac thuộc địa phận Trang trại Arlington, một khu vực nông nghiệp thử nghiệm thuộc sở hữu nhà nước, nằm ở phía Đông của Nghĩa trang Quốc gia Arlington.

Khu đất thuộc Trang trại Arlington mà các nhà thiết kế dự định cho xây tòa nhà mới ngẫu nhiên lại có các đường ranh giới xếp thành hình ngũ giác. Đội ngũ của Somervell đã thử "biến tấu" với nhiều kiểu dáng khác nhau, nhưng cuối cùng vẫn quyết định rằng "Tại sao chúng ta không cố gắng tạo hình tòa nhà theo hình dạng của khu đất?". Cuối cùng kiến trúc sư George Edwin Bergstrom là người đã chiến thắng trong cuộc đua thiết kế tòa nhà theo hình năm cạnh. 

Tuy nhiên kế hoạch này lại vấp phải sự phản đối của Gilmore D. Clarke - chủ tịch của Ủy ban Mỹ thuật Hoa Kỳ tại thời điểm đó. Ông cho rằng Lầu Năm Góc sẽ chặn tầm nhìn thành phố Washington từ hướng Nghĩa trang Quốc gia Arlington, vốn là nơi yên nghỉ của Pierre L’Enfant - người thiết kế nên thủ đô của nước Mỹ. Vị kiến trúc sư quá cố liệu còn có thể ngắm nhìn công trình mà chính tay mình đã tạo dựng nên hay không? Dù đó là một câu hỏi mang tính hình tượng, nhưng nếu Lầu Năm Góc được xây tại Trang trại Arlington thì câu trả lời chắc chắn sẽ khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng.  

Thêm vào đó, còn có một sự phản đối đến từ một nhân vật có tầm ảnh hưởng là Frederic A. Delano - chủ tịch của Ủy ban Quy hoạch và Công viên Thủ đô Quốc gia tại thời điểm đó, đồng thời cũng là chú của Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Franklin Delano Roosevelt. Ông lo ngại về việc tòa nhà mới sẽ tạo ra tình trạng giao thông đông đúc không nên có dọc bờ sông Potomac. Theo lời Vogel thì "Mọi người không muốn có tòa nhà khổng lồ này ở trên khu đất đó, bất kể hình dạng của nó là gì đi nữa".

Trước những áp lực như vậy, Tổng thống Roosevelt đã viết một bức thư gửi tới Ủy ban Thượng viện để bày tỏ sự quan ngại của mình và yêu cầu thiết kế tòa nhà nhỏ lại. Nhưng Quốc hội đã không chấp thuận và vẫn thông qua kế hoạch ban đầu - cho phép trụ sở mới của Bộ Chiến tranh được xây dựng trên Trang trại Arlington với kích thước vốn có của nó.  

Thất vọng vì không được Quốc hội lắng nghe, Tổng thống Roosevelt đã ra lệnh cho đội ngũ thi công phải dời tòa nhà về phía Nam của Trang trại Arlington, tại một vùng phụ cận được gọi là “Hell’s Bottom”. Tại đó, một phần bãi đỗ xe của Lầu Năm Góc vẫn sẽ chồng lấn lên Trang trại Arlington, nhưng không thuộc khu đất hình ngũ giác ban đầu. Điều quan trọng là sự chồng lấn đó cũng có nghĩa rằng kế hoạch vẫn không đi ngược lại quyết định đã được Quốc hội thông qua.

Tại địa điểm mới đó, tòa nhà không nhất thiết phải mang hình dáng năm cạnh như lúc đầu nữa, nhưng các nhà lãnh đạo của dự án vẫn quyết định giữ nguyên thiết kế đã định. Tuy nhiên vì không bị giới hạn bởi hình dạng khu đất nên Lầu Năm Góc có thể được điều chỉnh để có dạng đối xứng, và đó rõ ràng là một điểm cộng về mặt thẩm mỹ.  

Nhưng không chỉ có thế, hình dạng ngũ giác đều của Lầu Năm Góc hóa ra còn đem lại nhiều lợi ích khác nữa. Nhờ hình dạng này mà khoảng cách di chuyển trong nội bộ tòa nhà được rút ngắn bớt - chính xác là khoảng 30 đến 50 phần trăm so với hình dạng chữ nhật, theo tính toán của các kiến trúc sư. Về cơ bản, nó kết hợp được những lợi ích của tính đối xứng trong hình tròn - giúp giảm khoảng cách di chuyển - với các cạnh thẳng của hình đa giác - giúp việc thi công xây dựng được tiến hành dễ dàng hơn. Điều đó là cần thiết, bởi yêu cầu cấp bách của chiến tranh đòi hỏi tòa nhà phải được hoàn thành càng sớm càng tốt. Trên thực tế Somervell đã hứa sẽ xây xong nó trong vòng một năm, mà theo trang Pentagon Tours thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ thì một dự án như vậy thông thường sẽ mất một khoảng thời gian gấp bốn lần con số đó. 

Việc khởi công xây dựng được bắt đầu vào ngày 11 tháng Chín năm 1941 - và chẳng ai ngờ được rằng đúng 60 năm sau công trình này lại trở thành một trong những mục tiêu của vụ tấn công khủng bố kinh hoàng nhất trong lịch sử nước Mỹ.  

Chỉ sau bảy tháng kể từ lúc động thổ, các nhân viên đầu tiên đã vào làm việc tại Lầu Năm Góc ngay trong lúc nó vẫn đang tiếp tục được xây dựng. Tòa nhà được xây theo chiều kim đồng hồ, và mọi người vào làm việc tại những phần đã hoàn thiện trong khi những phần còn lại vẫn được đổ bê tông và đắp gạch như thường.  

Và như vậy, Lầu Năm Góc - trong suốt lịch sử của mình, từ lúc còn phôi thai đến khi thành hình - đã không hề bị cản bước bởi hình dạng độc đáo đến lạ thường của nó.

Chủ đề chính: #1001_câu_hỏi_vì_sao

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn