Nguyễn Giang "SỐNG"

Vì sao Mỹ lại ném bom tại thành phố Hiroshima?

Đăng 4 năm trước

Cách đây 74 năm, vào ngày 06/8/1945, quân đội Mỹ đã thả quả bom nguyên tử đầu tiên xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản và lấy đi mạng sống của hơn 70,000 người ngay lập tức. 3 ngày sau, quả bom nguyên tử thứ hai được quân đội Mỹ thả xuống thành phố Nagasaki và làm chết hơn 40,000 người.

Cho đến thời điểm hiện tại, Mỹ là nước duy nhất từng sử dụng bom nguyên tử trong chiến tranh. Chiến tranh hạt nhân báo hiệu cho sự kết thúc của Thế chiến thứ II và một chương đầy thảm khốc trong lịch sử nhân loại. Bài viết dưới đây cung cấp những thông tin mà có thể bạn chưa biết về cuộc chiến và cách mà người dân Hiroshima tưởng niệm người đã mất như thế nào. 

Thành phố Hiroshima ở đâu?

Thành phố này là thủ phủ của tỉnh Hiroshima nằm ở phía tây nam Nhật Bản trên đảo Honshu.

Khu tưởng niệm hòa bình Hiroshima

Khu tưởng niệm hòa bình Hiroshima được xây dựng tại vị trí trung tâm thương mại sầm uất bị phá hủy bởi vụ nổ bom nguyên tử với đài tưởng niệm hàng ngàn người thiệt mạng trong vụ nổ. Nơi đây có Bảo tàng tưởng niệm hòa bình vừa mới được nâng cấp và biểu tượng “Mái vòm bom nguyên tử” bên bờ sông Motoyasu. Mái vòm này là tàn tích của bộ khung Tòa nhà Xúc tiến thương mại tỉnh Hiroshima trước đây. 

Năm 1996, UNESCO đã công nhận mái vòm này là Di sản Thế giới. UNESCO đã mô tả mái vòm này là “một biểu tượng mạnh mẽ và quyền lực cho sức hủy diệt mạnh nhất do chính con người tạo ra, đồng thời nó cũng bày tỏ hy vọng về một thế giới hòa bình và loại bỏ triệt để vũ khí hạt nhân”.

Tháng 5/2016, Barack Obama đã trở thành vị tổng thống đương nhiệm đầu tiên viếng thăm Hiroshima. Tại đây, ông đã kêu gọi xây dựng một thế giới không vũ khí hạt nhân. “Một luồng sáng và một bức tường lửa đã phá hủy thành phố này và minh chứng rằng con người đã sở hữu những phương tiện hủy diệt chính mình” -  ông nói trong bài phát biểu tại nơi ném quả bom nguyên tử đầu tiên.

Dân số

1,17 triệu người, theo thống kê dân số Nhật Bản năm 2010

Dân số năm 1945

Dao động trong khoảng 300,000 đến 420,000 người, theo trang web của Bộ Năng lượng và Thành phố Hiroshima.

Quả bom

Do tổng thống Harry S.Truman cho phép trong cuộc tấn công thành phố Hiroshima. Máy bay ném bom B-29 của Mỹ, với tên gọi Enola Gay, đã thả quả bom nguyên tử với tên đã được mã hóa là “Little Boy” vào ngày 06/8/1945.

Tại sao người Mỹ làm điều này?

Các nhà nghiên cứu làm việc tại dự án Manhattan đã thử thành công một quả bom nguyên tử đang hoạt động vào tháng 7 năm 1945, sau khi Đức Quốc xã đầu hành vào tháng 5. Tổng thống Truman đã giao cho một hội đồng cố vấn do Bộ trưởng chiến tranh Henry Stimson đứng đầu cân nhắc việc có sử dụng bom nguyên tử tại Nhật Bản hay không.

Sam Rushay – nhà giám sát lưu trữ tại Thư viện Tổng thống Harry S. Truman ở thành phố Independence, thuộc bang Missouri, nói với CNN rằng: “Tại thời điểm đó, có một sự đồng thuận rộng rãi ủng hộ quyết định tấn công trong các thành viên của hội đồng. Stimson rất chắc chắn rằng quả bom sẽ được sử dụng”.

Charles Maier là một giáo sư lịch sử tại trường Đại học Havard cho rằng có thể tổng thống Truman có một quyết định khác, nhưng vào lúc đó, “rất khó để giải thích với người dân Mỹ vì sao lại tiếp tục kéo dài cuộc chiến trong khi loại vũ khí này đã sẵn sàng. Dường như loại vũ khí này đã cung cấp một giải pháp có khả năng kỳ diệu sẽ giúp giảm bớt rất nhiều đau đớn", ông nói với CNN.

Maier chịu trách nhiệm giảng dạy một khóa học về Chiến tranh Thế giới thứ II cho rằng Nhật Bản chưa sẵn sàng đầu hàng vô điều kiện và có một mối lo ngại rằng một cuộc phô diễn vũ khí không thể làm được chuyện này. Còn theo Rushay, một cuộc phô diễn như vậy có thể kích hoạt vũ khí hạt nhân ở một nơi không có dân cư sinh sống nhưng là khu vực có thể quan sát được sẽ buộc Nhật Bản phải đầu hàng. Đây là cách tiếp cận mà nhóm nghiên cứu và Thư ký Bộ trưởng Chiến tranh John McCloy ưa thích.

Rushay cũng nói thêm rằng Truman và cố vấn quân sự của mình cũng lo sợ “một sự tổn thất kinh khủng” về phía Nhật Bản. “Những kinh nghiệm đau thương vẫn còn đó trong hai trận đánh tại Iwo Jima và Okinawa. Những trận chiến này đã làm cho cả phía Mỹ và Nhật Bản bị tổn thất to lớn, mặc dù bên gây chiến là lực lượng không quân và hải quân Nhật. Có một niềm tin rộng rãi trong những nhà hoạch định quân đội Mỹ rằng người Nhật sẽ chiến đấu cho tới người lính cuối cùng”.

Maier nói rằng: “Các cuộc tấn công cảm tử khá phổ biến ngày nay, [nhưng] vào thời điểm đó, việc Nhật Bản sử dụng các cuộc tấn công cảm tử Kamikaze đã gây ra tác động tâm lý mạnh mẽ đối với những người ra quyết định của quân đội Hoa Kỳ. Họ cho rằng cả nước sẽ được huy động để bảo vệ các hòn đảo của họ".

Maier cũng cho biết “quân đội Mỹ không sẵn sàng nói rằng họ có thể kết thúc cuộc chiến mà không có bom đạn”. Một số sử gia cũng suy xét đến khả năng Liên Xô tham gia cuộc chiến và điều này đã thúc đẩy quyết định kết thúc nhanh cuộc chiến bằng việc sử dụng bom nguyên tử. Rushay nói rằng Hiroshima là một trong bốn mục tiêu tiềm năng và Truman đã để cho lực lượng quân đội quyết định nơi họ sẽ tiến hành. Hiroshima được chọn vì tầm quan trọng quân sự. Vài ngày sau đó, đến lượt Nagasaki bị đánh bom.

Cho đến thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn là nước duy nhất sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến tranh.

Hậu quả

Ít nhất 70,000 người tử vong ngay trong vụ nổ đầu tiên, trong khi gần 70,000 người khác chết do nhiễm phóng xạ. Theo ghi chép của Bộ Năng lượng về dự án Manhattan, tổng số những cái chết trong năm năm có thể lên đến mức 200,000 người hoặc hơn, vì bệnh ung thư và những ảnh hưởng kéo dài khác.

Quân đội Mỹ đã ném quả bom thứ hai xuống thành phố Nagasaki vào ngày 09/8/1945 và giết chết 80,000 người. Nhật Bản chấp nhận đầu hàng vô điều kiện vào ngày 14/8/1945.

Các nhà phê bình nói gì?

Sự tàn phá hoàn toàn do quả bom gây ra đã dẫn đến hàng loạt chỉ trích quyết định này. Trong hồi ký “Madate for Change” năm 1963, cựu tổng thống Dwight D. Eisenhower đã chỉ trích việc sử dụng bom nguyên tử và cho rằng không cần thiết phải buộc Nhật Bản đầu hàng. Maier nói rằng các vụ đánh bom ở Hiroshima và Nagasaki "đã khiến Nhật hoàng phải can thiệp với một quân đội bị chia rẽ và ủng hộ đầu hàng." Nhưng ông nói cũng thêm rằng Nhật Bản có thể đã sẵn sàng chấm dứt chiến tranh với các điều kiện như giữ Nhật hoàng tại vị.

Năm 1958, Hội đồng Thành phố Hiroshima đã thông qua một nghị quyết nhằm lên án tổng thống Truman vì đã từ chối bày tỏ sự hối hận về việc sử dụng bom nguyên tử và vẫn cứ tiếp tục biện hộ rằng việc sử dụng của phía Mỹ là do tình trạng khẩn cấp. Nghị quyết nói rằng những cư dân thành phố “nhận thấy sự hy sinh cao cả của họ đã trở thành viên đá nền tảng cho hòa bình thế giới và không một quốc gia nào trên thế giới được phép lặp lại lỗi lầm sử dụng vũ khí hạt nhân”.

Nghị quyết này gọi lập trường của cựu tổng thống là “một sự nhơ bẩn ghê gớm đối với những người dân Hiroshima và những nạn nhân đã ngã xuống của họ”.

Những luận điệu bảo vệ việc ném bom

Tổng thống Truman đã đáp trả nghị quyết của Hiroshima bằng cách viết một lá thư gởi đến người đứng đầu Hội đồng Thành phố, nói rằng “cảm giác của người dân tại thành phố này là dễ hiểu, và tôi không bị xúc phạm bởi nghị quyết này”. Tuy nhiên, Truman nhấn mạnh sự cần thiết của quyết định ném bom và quyết định này có liên quan đến việc phía Mỹ bị quân đội Nhật Bản bắn sau lưng tại Trân Châu cảng như thế nào.

Truman cũng cho rằng việc sử dụng hai quả bom nguyên tử đã giúp ngăn cản một cuộc xâm lược mới và cứu mạng sống của 250,000 quân Đồng minh và 250,000 mạng sống của người Nhật. “Là người chỉ huy đã cho phép ném bom, tôi nghĩ sự hy sinh của Hiroshima và Nagasaki là cấp bách và cần thiết cho lợi ích trong tương lai của cả Nhật Bản và phía Đồng minh”, Truman kết luận. 

Người Mỹ và người Nhật nghĩ sao về việc này?

Theo một cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện vào năm 2015, chỉ 14% người Nhật nghĩ rằng vụ ném bom là hợp lý, và có 79% không đồng ý với vấn đề này. Một cuộc khảo sát của công ty Gallup kết luận rằng ngay sau vụ ném bom vào năm 1945, có đến 85% người dân Mỹ đồng tình với quyết định của tổng thống Truman. Nhưng cuộc khảo sát vào năm ngoái do Pew thực hiện, con số này giảm xuống chỉ còn 56%.  

Chủ đề chính: #bom_nguyên_tử

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn