Woody Übermensch Mình thích thì mình viết thôi

Vì sao người lớn không nên học ngoại ngữ theo cách của trẻ em

Đăng 8 năm trước

Có gì sai với lời khuyên "Hãy học ngoại ngữ một cách tự nhiên như trẻ em học tiếng mẹ đẻ"? Hãy cùng đọc và khám phá nhé

Nếu bạn tìm kiếm về mẹo học tiếng Anh trên Google, bạn sẽ nhận được rất nhiều kết quả với nhiều lời khuyên khác nhau. Có người khuyên rằng bạn nên đồng thời cải thiện cả 4 kỹ năng nghe nói đọc viết, có người khuyên bạn học bằng cách đọc báo, nghe nhạc và xem phim tiếng Anh, có người khuyên bạn nên giao tiếp với người bản xứ. Nhưng lời khuyên thường gặp nhất là “hãy học tiếng Anh theo cách của trẻ em”. Ý của họ là bạn nên học ngôn ngữ thứ hai của bạn (tiếng Anh) một cách tự nhiên như cách bạn đã từng học ngôn ngữ đầu tiên (tiếng Việt) khi bạn còn là một đứa trẻ.

Lời khuyên này nghe cũng rất có lý đấy chứ! Khi bạn còn là một đứa trẻ, bạn học tiếng mẹ đẻ dễ dàng biết bao. Không cần quan tâm tới ngữ pháp, không cần tra từ điển, không cần luyện phát âm, chưa tới mười tuổi bạn đã đọc thông viết thạo tiếng Việt, nói năng lưu loát bằng giọng chuẩn của người Việt bản xứ. Nếu cách học của trẻ em hiệu quả như vậy, tại sao người lớn không chỉ cần đơn giản sao chép mô hình học đó và áp dụng cho việc học ngoại ngữ?

Trẻ em học một cách tự nhiên

Câu trả lời nằm ở việc bộ não của chúng ta thay đổi khi chúng ta trưởng thành và làm cho cách thức học của trẻ em không còn phù hợp với người lớn nữa. Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu sự khác biệt giữa bộ não người lớn và trẻ em và sự khác biệt đó ảnh hưởng đến cách chúng ta học như thế nào.

1.Vấn đề phát âm và chất giọng:

Gần đây tôi có đọc một bài viết của tác giả Scott H. Young kể về những quan sát thú vị của anh về vấn đề ngôn ngữ. Sống ở Canada, Young có nhiều cơ hội quen biết với những người bạn từ khắp nơi trên thế giới. Rất nhiều người bạn của anh đã chuyển tới Canada tại một thời điểm nhất định trong cuộc đời họ. Hầu hết họ đều nói tiếng Anh lưu loát, nhưng Young có thể đoán chính xác thời điểm những người đó chuyển tới Canada mà chỉ cần dựa vào một yếu tố duy nhất: chất giọng của họ.

Những người nhập cư trước 12-14 tuổi hầu hết đều nói tiếng Anh với một chất giọng y hệt người bản xứ, rất khó để nhận ra một sự khác biệt nào.

Những người đến Canada sau năm 14 tuổi thường có một chất giọng đặc trưng, mặc dù chất giọng đó cũng không cản trở quá trình giao tiếp bình thường của họ. Nhưng bạn có thể dễ dàng nhận ra họ không phải là người bản xứ.

2.Khoa học đằng sau sự khác biệt về chất giọng theo độ tuổi nhập cư:

Trong quá trình phát triển từ trẻ sơ sinh đến người trưởng thành, bộ não chúng ta phải trải qua nhiều giai đoạn biến đổi quan trọng. Một ví dụ đặc trưng của quá trình phát triển này là tầm nhìn. Nhiều trẻ em không may mắn đã sinh ra với chứng đục thủy tinh thể khiến cho ánh sáng không thể đi vào võng mạc một cách bình thường. Nếu chứng đục thủy tinh thể được chữa trị sớm, những đứa trẻ này sẽ có được thị lực hoàn toàn bình thường như tất cả mọi người.

Tuy nhiên nếu đục thủy tinh thể được chữa trị muộn (khoảng sau 3-4 tuổi), thị lực sẽ không thể đạt được tới mức bình thường. Không có vấn đề gì với đôi mắt và thần kinh thị giác của những đứa trẻ này. Vấn đề nằm ở chỗ bộ não đã không học được cách để xử lý các kích thích thị giác một cách chính xác. Những đứa trẻ đã qua mất độ tuổi tối ưu đề học điều đó.

Việc học ngôn ngữ cũng có những giai đoạn quan trọng của nó. Tuy nhiên, không giống như tầm nhìn, bạn vẫn có thể học ngôn ngữ khi bạn đã là một người lớn.

Giai đoạn mà bạn có thể dễ dàng học ngôn ngữ theo cách tự nhiên là giai đoạn trước tuổi dậy thi. Trong giai đoạn này, bộ não còn khá linh hoạt để có thể thích ứng với những âm vị và cấu trúc ngữ pháp của ngôn ngữ mới nên bạn có thể học nó như cách bạn học ngôn ngữ mẹ đẻ.

3.Nghịch lý về việc học?

Bạn đã bao giờ nhận ra nghịch lý này chưa:
Người lớn thông minh hơn trẻ em, có nhiều động lực và kỷ luật hơn trẻ em, khả năng ghi nhớ của chúng ta cũng cao hơn rất nhiều (chỉ cần so sánh số lượng bài vở phải ghi nhớ của một sinh viên đại học so với một học sinh tiểu học là bạn sẽ thấy được sự chênh lệch về khả năng ghi nhớ lớn đến mức nào), chúng ta có ngôn ngữ đầu tiên để tham khảo và đối chiếu, chúng ta có kinh nghiệm học ngôn ngữ trong khi trẻ em phải học từ con số 0. Vậy tại sao việc học ngoại ngữ của người trưởng thành lại khó khăn hơn việc học tiếng mẹ đẻ khi chúng ta còn nhỏ nhiều đến vậy?

Đó là vì bộ não của bạn đã thay đổi. Phương pháp đã từng rất hiệu quả trong việc học tiếng mẹ đẻ của trẻ em đã không còn phù hợp với người lớn nữa.

4.Vậy người lớn nên học ngoại ngữ như thế nào:

Người lớn học

Tôi không phủ định tầm quan trọng của việc tiếp xúc tự nhiên với ngôn ngữ cần học. Tuy nhiên chỉ tiếp xúc một cách tự nhiên là không đủ. Bạn nên kết hợp nó với những cách học khác. Người lớn có những lợi thế riêng mà trẻ em không có, bạn nên tận dụng những lợi thế đó trong việc học tập một ngôn ngữ mới.

Ngữ pháp là một yếu tố rất quan trọng, nó là xương sống của bất kỳ ngôn ngữ nào. Nghiên cứu ngữ pháp của ngôn ngữ bạn mới học sẽ giúp bạn phân biệt được sự khác nhau giữa ngôn ngữ đó và tiếng mẹ đẻ của bạn, giúp bạn không nhầm lẫn. Nhiều người quan niệm rằng học tiếng Anh giao tiếp thì không cần chú trọng ngữ pháp, nói sao người ta hiểu là được. Nếu quan niệm như vậy, nhiều khả năng bạn sẽ nói tiếng Anh bằng ngữ pháp tiếng Việt và thứ tiếng Anh của bạn trở thành tiếng Anh bồi. Bạn vẫn có thể giao tiếp, nhưng đó là giao tiếp khi nói chuyện phiếm hoặc trong những tình huống đơn giản như chỉ đường cho người nước ngoài. Còn khi giao dịch thương mại hoặc trao đổi học thuật thì chẳng ai muốn nói chuyện với một người dùng tiếng Anh bồi như vậy.

Học ngoại ngữ theo bối cảnh là cách học gần với kiểu học tự nhiên của trẻ em. Nhưng có một điểm khác biệt là trẻ em học một cách vô thức còn người lớn có thể học với ý thức tự chủ. Học một cách có ý thức là cách giúp bạn học nhanh, nhớ lâu. Lúc học từ mới, bạn cần phải so sánh đối chiếu một từ vựng trong những bối cảnh khác nhau sẽ mang ý nghĩa khác nhau như thế nào.

Nghe vô thức như cách học của trẻ em thì bạn sẽ tiến bộ rất chậm. Nếu khi nghe, bạn cố gắng đoán ý nghĩa của đoạn văn bạn nghe, nhận ra các từ vựng trong đoạn văn đó thì hiệu quả học tập sẽ cao hơn rất nhiều.

Trẻ em học chủ yếu thông qua nghe, nói. Người lớn ngoài nghe, nói ra cũng cần phải chú trọng hơn đến đọc và viết. Học từ mới bằng cách đọc văn bản (đọc báo, đọc truyện) sẽ dễ dàng và hứng thú hơn việc học thuộc từ mới trong từ điển.

Phải kiên trì: Đừng mong chờ sự lưu loát trong thời gian ngắn. Nhiều người cho rằng học ngoại ngữ là khó. Thật ra nó không khó, mà nó lâu. Vì nó lâu nên một số người học một thời gian không thấy sự tiến bộ và quyết định bỏ cuộc. Học ngoại ngữ giống như leo lên một đỉnh núi rất cao, miễn là bạn còn leo thì bạn sẽ còn tiến lên.

Giữ kỹ luật: Trẻ em có thể vui chơi và học ngôn ngữ cả ngày. Nhưng người lớn còn phải đi làm và tốn thời gian cho nhiều việc khác. Hãy dành ra mỗi ngày một khoảng thời gian nhất định cho việc học ngoại ngữ. Quan trọng nhất là ổn định và liên tục. Học mỗi ngày 30 phút (tức 1 tuần chỉ có 3 tiếng rưỡi) sẽ có hiệu quả cao hơn học nguyên cả mười mấy tiếng vào ngày chủ nhật.

Tác giả: Woody Übermensch - Ohay TV

******************************

Các bài viết khác có thể bạn sẽ thích:

Chủ đề chính: #tiếng_Anh

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn