TRẦN THANH ĐẠT

“Vị thánh trên bục giảng” tại trường THPT Tiểu La

Đăng 6 năm trước

Người đưa đò vĩ đại của nhiều thế hệ học sinh.

Tri thức ngày xưa trở lại đây,

Ân tình sâu nặng của cô thầy!

Người mang ánh sáng soi đời trẻ;

Lái chuyến đò chiều sang bến đây?

Đò đến vinh quang nơi đất lạ;

Cám ơn người đã lái đò hay!

Ơn này trò mãi ghi trong dạ…

Người đã giúp con vượt đắng cay!


    Từ khi mở mắt chào đời, tôi đã cảm nhận được tình cảm thiêng liêng và cao cả của mẹ, cha. Tình yêu thương vô bờ bến đó, đã gắn bó suốt quảng đường đưa tôi nên người. Lúc ấy, tôi tưởng chừng như chỉ có cha, mẹ là người cùng tôi trên suốt đường đời. Nhưng không, khi hoà nhập vào xã hội và nhất là lúc tôi bỡ ngỡ bước vào môi trường học cấp 3, tôi chợt nhận ra rằng bên cạnh cha mẹ còn có những người giáo viên cùng tôi đi hết bước đường đời.

Có ai về trường THPT Tiểu La, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, cho tôi gởi trọn tình yêu thương đến cô Nguyễn Thị Kiều Liên, giáo viên dạy Ngữ Văn và là người đã uốn nắn tôi nên người.  Nhớ lại những ngày tháng học lớp 11, đây cũng là thời điểm tôi may mắn khi được gặp cô. Ngày đầu tiên bước vào lớp, với dáng đi thanh dịu của một người giáo viên và có chút năng động của người nghệ sỹ làm tôi ấn tượng cô ngay từ buổi hôm đó. Trước khi dạy, cô dành ra vài phút để giao lưu, với giọng nói cương nghị, dứt khoát như kiểu rất nghiêm khắc, vốn dĩ là một học sinh rất lười học môn Văn sau khi nghe những lời “chua chát” khó ưa ấy, tôi lại vứt hết những ấn tượng ban đầu về cô. Thế rồi ngày tháng dần qua, khi bước vào bài giảng, với giọng mềm mại của xứ Huế, cô đã cho tôi những cảm giác say mê khi nghe giảng bài. Nếu như lúc trước, môn Văn vốn là môn tôi ghét và “khó nuốt” nhất  thì bây giờ, cô chính là người cho tôi cái nhìn mới về văn học, dạy cho tôi biết cách học văn và thế là nguồn đam mê học văn có trong tôi từ lúc nào chẳng biết. Rồi từ đó tôi quyết định thi đại học bằng khối C, với mong muốn và hy vọng môn Văn sẽ giúp tôi thành công. Thế nhưng, niềm hy vọng ấy lại dập tắt khi lên lớp 12, nhà trường không phân công cô dạy lớp tôi nữa. Lúc ấy, tôi như bị mất phương hướng. Nhưng với lòng đam mê học văn, tôi đã tìm đến cô nhưng không phải là những tiết học chính trên lớp mà là những buổi học thêm. Trong suốt quá trình cùng nhau đi đến tương lai, cô không chỉ cho tôi về mặt kiến thức vững chắc, mà còn cho tôi nhiều lẽ sống tốt đẹp. Nào là cách ứng xử, cách nhìn cuộc đời rồi nhiều phẩm chất tốt của con người. Thân thiện, gần gũi, chăm lo cho học trò như một người mẹ ruột thịt. Chính như vậy mà tụi học trò chúng tôi đứa nào cũng tranh dành gọi “má”. Cái cách gọi “má Liên” thân thuộc một phần nào đó cho chúng tôi được tỏ lòng yêu thương đến cô một cách chân thành nhất.  

Thời gian trôi qua, và thế là ngày thi đại học cũng đã đến, đây cũng chính là thời điểm tôi xa cô. Những vui buồn cảm xúc lẫn lộn, lúc vui khi tôi thi được điểm cao trên chính nền kiến thức của cô cho, khi lại buồn vì không được ngồi chăm chú nghe cô giảng nữa. Lúc tôi bước vào giảng đường đại học, dường như tôi không ngờ có một giáo viên nào tốt đến mức lo mua sắm quần áo để cho đứa học trò mình lên đường đi học. Đúng chất với “má Liên” mà tôi hay thường gọi. Ngày “con giai” lên đường “má” dặn rất nhiều điều. Có lúc “má” đồng cảm đến mức dặn “ra đó học, khi mô cuối tuần mà nhà gởi tiền ra không kịp thì alo má để má chuyển thẻ ra vài trăm cứu đói chứ không là đói đó, không phải dỡn chơi đâu!”. Đến khi ra học đại học, cứ thấy gió trở trời là điện hỏi thăm dặn dò tôi. Những lời dặn dò gần gũi đến lạ thường khiến tôi ngày càng xúc động và đong đầy nghĩa tình với cô. 

Trở về với lớp tôi, cái tên “Cô Liên ngất ngưỡng” khá quen thuộc. Với sự cương trực chất phác lại liêm chính nên cái tên ấy lại càng làm đậm thêm tính cách trên bục giảng của cô. Dám nghĩ dám làm, đấu tranh cho chân lý là cái “máu chảy” trong người cô.  Nay mới độ hơn 40 tuổi với gần 20 năm gắn bó với nghề nhà giáo nhưng những việc tốt của cô thì không thể có một trang giấy nào chứa đựng hết. Soi về các thế hệ học trò trước tôi, nhiều câu chuyện về cô mà tưởng chừng như thánh mới có thể làm được. Từng nuôi học trò như con đẻ, từng dẫn dắt nhiều thế hệ học sinh đi đến thành ctông. Cô như “một bông hoa toả ngát hương cho muôn đời”, đây là cách nói có thể bao trùm hết được phẩm chất tốt đẹp của cô. Về chuyên môn, cô là một giáo viên có đầy khối kiến thức hay, là người có tâm và giàu lòng nhiệt huyết, rất xứng cho cái biệt danh “vị thánh trên bục giảng” của nhiều thế hệ học trò. Nói chung quy lại cô là “người nghệ sỹ lái đò” lành tay nghề. Nói về tình cảm, cô là người “má” giàu lòng thương người và trắc ẩn yêu thương. Một người phụ nữ “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”. 

Trần Thanh Đạt. Báo chí K41D

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn