Ho Hoanganh Đi, nghe, nhìn, đọc và viết.

Việt Nam và thương chiến Trung-Mỹ

Đăng 5 năm trước

Những năm gần đây, kinh tế Trung Quốc đang có sự trỗi dậy với những bước tiến vượt bậc.Tuy nhiên, khác với “bước nhảy vọt thần kỳ” của Nhật Bản được thế giới hoan nghênh, sư phát triển của Trung Quốc mang theo nhiều dấu hiệu tiêu cực đáng lo ngại thách thức một trật tự thế giới do phương Tây và Mỹ kiểm soát với mục tiêu là trong “Sáng Kiến Vành Đai Con Đường” đầy tham vọng nhằm chia lại vùng ảnh hưởng toàn cầu.

Và dưới thời Tổng thống Trump với quyết tâm lấy lại hình ảnh của nước Mỹ có lẽ mục tiêu  đối đầu dĩ nhiên “chú rồng nhỏ” Trung Quốc.

Chưa đậu ông Nghè đã đe hàng Tổng

Câu thành ngữ Việt Nam dí dỏm có lẽ đúng trong bối cảnh hiện nay của Trung Quốc. Bản chất phát triển mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc cốt lõi nằm ở bài toán năng suất lao động. Cuộc đối đầu giữa các mô hình phát triển cuối cùng cũng nằm ở chỗ mô hình nào tạo ra năng suất lao động cao hơn.

Trung Quốc không phát triển dựa trên nền công nghệ tự thân vì họ biết xuất phát điểm của mình còn thua xa các nước tiên tiến. Phương Tây sáng tạo công nghệ, Trung Quốc sao chép và tận dụng lợi thế quy mô (economies of scale) không thể so bì của mình để tăng năng suất, giảm giá thành rồi tranh thủ bối cảnh toàn cầu hóa để vươn lên thành thế lực sản xuất hùng mạnh bậc nhất nhờ vào lực lượng lao động đông đảo với giá thành rẻ.

Chiến lược nhằm phát triển cấp tốc của Trung Quốc có thể mô tả trong 3 phương thức chủ yếu: 

- Gián điệp công nghệ 

- Mua bán và sát nhập các tập đoàn phương Tây nhằm chiếm công nghệ 

- Dùng thị trường nội địa khổng lồ để áp lực các tập đoàn phương Tây muốn làm ăn ở Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ. 

Châu Âu và Mỹ có lẽ đã quá hiểu rõ vấn đề này. Tuy nhiên, vì lợi ích chiến lược của mỗi quốc gia nên họ đành làm ngơ cho sự nổi dậy âm thầm của Bắc Kinh. Hoặc cũng có thể đó là một bước đi chiến lược của Mỹ như chú gấu vờ ngủ đông để Trung Quốc bộc lộ rõ tính chất bá quyền chứa đầy sơ hở khi tập trung phần lớn vốn đầu tư tại Mỹ, phương Tây rồi tiến hành đánh sụp nền kinh tế. Và bắt đầu từ đó Mỹ và phương Tây đã có những cú phản đòn khiến Trung Quốc trong thế “lưỡng đầu thọ địch”: 

- Truy bắt gián điệp công nghệ. 

- Siết chặt việc mua bán,sát nhập có yếu tố Trung Quốc (qua cơ chế CFI/Ủy ban Đầu tư Nước ngoài). 

- Đẩy mạnh chiến tranh thương mại nhằm sắp xếp hệ thống kinh tế toàn cầu, đồng thời bảo vệ các công ty đang làm ăn tại Đại lục.

Thực tại, vận mệnh của nền kinh tế Trung Quốc khá mong manh dễ vỡ như ông Tập Cận Bình tuyên bố: “sẽ được đặt trong nỗ lực tự phát triển công nghệ của quốc gia”

Mong manh dễ vỡ

Những diễn biến thời gian gần đây cho thấy mặc dù rất nỗ lực, Trung Quốc vẫn chưa chế ngự được khả năng sáng tạo công nghệ. Sự khốn đốn của ZTE - tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc, dưới lệnh cấm vận công nghệ của Hoa Kỳ hay sự cố vừa qua của Huawei là một minh chứng không thể rõ nét hơn.  

Hơn thế, trong khi nhiều nghiên cứu chỉ ra tự do chính trị quan trọng thế nào đối với khả năng sáng tạo về dài hạn , yếu tố này lại không thể chấp nhận được đối với mô hình phát triển của Trung Quốc. Nghĩa là tham vọng tự lực công nghệ thông qua chiến lược Made in China 2025 của họ, ngay cả khi không bị để ý cũng đã không dễ thành công, huống hồ hiện nay lại đang là đích nhắm tấn công của toàn khối Tây phương thì lại càng khó khăn bội phần.

Hy vọng sót lại của Trung Quốc được nuôi dưỡng bằng niềm tin rằng tinh thần quốc gia phục thù một khi được thổi bùng lên sẽ là nhiên liệu cho cỗ máy sáng tạo quốc gia như những gì từng xảy ra ở Đức sau Thế Chiến I. Nên nhớ rằng trong khi Đức thuộc về nòng cốt của khối Tây phương, thừa hưởng sinh lực sáng tạo mạnh mẽ bắt rễ trong lối nghĩ, lối sống lý tính hóa cao độ hàng trăm năm của Tây phương nên đã chế ngự được khả năng sáng tạo, thì Trung Quốc, dù tăng trưởng liên tục những thập kỷ vừa qua nhưng chỉ mới chập chững những bước đầu tiên trong việc hiện đại hóa quốc gia và xã hội, sẽ thấy hi vọng của Trung Quốc dẫu chưa tới mức áo tưởng nhưng vẫn khá mong manh.

Một thước đo khác, trực quan hơn, có thể giúp dự đoán kết quả cuộc so găng. Sáng tạo vốn dĩ gắn liền với nhân tài, là sản phẩm của cá nhân và tập thể nhân tài. Thử xem nhân tài trên thế giới đã, đang và sẽ đổ về Mỹ và phương Tây hay là về Trung Quốc để thấy viễn cảnh Trung Quốc u ám ra sao nếu vẫn đẩy quốc gia dấn sâu vào cuộc cạnh tranh chiến lược này khi bản thân quốc gia này cũng đang đối mặt vơi hiện tượng “chảy máu chất xám”.

Sự nhượng bộ của Bắc Kinh

Khác hẳn với những tuyên bố cứng rắn của Trung Quốc trong giai đoạn đầu của cuộc thương chiến với những đòn ăn miếng trả miếng với Mỹ, Canada, châu Âu, nhà cầm quyền Trung Quốc đã không còn giữ được thái độ kiên quyết trước những tổn thất nặng nề buộc lòng họ đã có những nhượng bộ, có lẽ là tạm thời với các động thái như: 

- Xử phạt các công ty đánh cấp bản quyền trí tuệ thông minh. Đến nay đã có 38 công ty bị xử phạt. 

- Trung Quốc hứa hẹn với Hoa Kỳ sẽ mua ngũ cốc và năng lượng , dầu khí từ Mỹ.

- Giảm thuế quan cho xe nhập cảng từ 40% xuống 15%. 

Và một vấn đề nữa nhằm đối phó với các lện trừng phạt, Trung Quốc đã đưa hàng hóa sang Việt Nam để mức thuế quan của Mỹ trong lúc mức đánh thuế quan của Mỹ áp dụng với Trung Quốc là trên 200 tỷ USD. Tuy nhiên, họ đã bị phía Mỹ phát hiện và xử phạt nặng với hai mặt hàng là thép và nhôm.

Cơ hội và thách thức với Việt Nam

Theo các chuyên gia, về lý thuyết thì các nước trong khu vực châu Á sẽ có cơ hội bù đắp vào chuỗi cung ứng hàng hóa cho Mỹ thay Trung Quốc, thế nhưng thực tế phức tạp hơn nhiều bởi đa số hàng hóa xuất đi của các nước này được Trung Quốc nhập khẩu rồi gia công bán sang Mỹ. Toàn bộ chuỗi cung ứng tại châu Á sẽ bị tổn thương. 

Riêng Việt Nam có quan hệ thương mại sâu rộng với cả 2 nước thì vòng xoáy thương mại giữa 2 cường quốc được dự báo sẽ tác động tới xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam theo cả 2 chiều hướng tiêu cực và tích cực. Tác động tích cực sẽ có nhưng không nhiều. 

Theo đó, cả Trung Quốc hay Mỹ đều có thể lựa chọn chuyển hướng đầu tư, sau đó xuất khẩu hàng hóa từ các nước trung gian như Việt Nam sang nước kia để không phải chịu mức áp thuế cao.Xung đột thương mại Hoa Kỳ – Trung Quốc leo thang sẽ để ngỏ cho Việt Nam cơ hội gia tăng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Mỹ cấm cửa với hàng hóa máy móc, thiết bị điện tử, công nghệ cao của Trung Quốc nhưng nhu cầu tiêu thụ của người Mỹ vẫn còn. 

Vấn đề đặt ra là làm sao Việt Nam phải thay thế được một phần vào sự thiếu hụt đó. Muốn vậy, trước tiên hàng hóa Việt Nam phải bị chịu mức thuế thấp hơn hàng Trung Quốc, đồng thời hàng hóa phải thực sự có chất lượng.Về tác động tiêu cực, theo chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh – thành viên sáng lập Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, khi hàng Trung Quốc xuất khẩu vào Hoa Kỳ bị áp thuế, để giảm phụ thuộc vào Hoa Kỳ, duy trì năng suất, Trung Quốc có thể có những chính sách phá giá, đẩy hàng hóa sang các nước xung quanh, trong đó có Việt Nam. Điều này tạo ra sức ép cho doanh nghiệp nội địa. 

 Một số chuyên gia đồng tình rằng, khi cuộc chiến tranh thương mại kéo dài, hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu đi Mỹ gặp khó thì về lâu dài nhiều ngành hàng của Trung Quốc sẽ phải thu hẹp sản xuất, bán rẻ máy móc, công nghệ… Lúc đó, đối tượng để Trung Quốc trút bỏ đương nhiên có Việt Nam. 

Giới phân tích cho rằng dù không có xung đột thương mại Mỹ – Trung, thì hệ thống các thỏa thuận tự do mậu dịch (FTA) của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng như của mỗi nước thành viên cũng vẫn giúp khu vực này trở thành một địa chỉ hấp dẫn đối với những công ty muốn dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc.  

Thị trường tiêu dùng của Đông Nam Á đang phát triển nhanh chóng. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), tổng chi tiêu hộ gia đình của các nước ASEAN đạt khoảng 1,5 nghìn tỷ USD trong năm 2017. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam được dự báo tăng 5,3% trong năm 2018. Những rủi ro từ xung đột thương mại và bất ổn gia tăng càng khiến các công ty nước ngoài có thêm lý do để mở cơ sở kinh doanh ở ASEAN. 

Song song đó, để tránh những rủi ro trong cuộc chiến tranh thương mại thì nhiều công ty nước ngoài cũng đã lần lượt rút khỏi Trung Quốc. Có đến hơn 70% công ty Mỹ hiện đang hoạt động ở miền nam Trung Quốc đang xem xét việc ngừng đầu tư hoặc chuyển việc sản xuất sang nước khác vì lo ngại tác động của cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. 

Reuters trích kết quả một điều tra của Phòng Thương mại Mỹ ở Nam Trung Quốc cho biết cuộc điều tra được tiến hành với 219 công ty, 1/3 trong số này là trong lĩnh vực sản xuất.Theo kết quả của cuộc điều tra, 64% các doanh nghiệp được hỏi cho biết họ đang xem xét chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc. 

Kết quả điều tra cũng cho thấy phần lớn các doanh nghiệp này đang hướng tới các quốc gia Đông Nam Á. Đây có thể mở ra một cơ hội mới cho Việt Nam trong thời gian sắp tới.

Hồ Hoàng Anh tổng hợp

Chủ đề chính: #thương_chiến

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn