Qua Do Trong

Vua, thầy, cha cùng gặp nạn luôn phải cứu một người

Đăng 4 năm trước

Suốt chiều dài lịch sử, sự phát triển của dân tộc luôn được tô điểm bởi những người con ưu tú. Trong Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi có viết: “Tuy mạnh yếu tùy lúc khác nhau. Song hào kiệt đời nào cũng có”. Tài năng và khí phách của họ truyền lại mãi cho mai sau. Trong các giai thoại được truyền lại, có câu đố của muôn đời gắn liền với Mạc Đĩnh Chi trong một lần đi sứ. Nếu vua, thầy, cha cùng gặp nạn mà ta chỉ có thể cứu được một người, thì người đó luôn là ai?

1. Mạc Đĩnh Chi

Mạc Đĩnh Chi (1272-1346), tên tự là Tiết Phu, hiệu là Tích Am. Năm 1304, đời vua Trần Anh Tông niên hiệu Hưng Long thứ 12, ông thi đỗ Trạng nguyên. Khi mới đỗ nhà vua chê ông xấu, Mạc Đĩnh Chi bèn làm bài phú Ngọc tỉnh liên (Sen trong giếng ngọc) để tự ví mình với sen. Trong bài phú có đoạn:

 Há rằng trống rỗng bất tài

Thuyền quyên lắm kẻ lỡ thời thương thay.

Nếu ta giữ mực thẳng ngay.

Mưa sa gió táp xem nay cũng thường.

Vua Trần Anh Tông xem rồi khen hay, thăng làm Thái học sinh dũng thủ, sung chức Nội thư gia. Nhờ thông minh, hiểu biết sâu rộng, ông nhiều lần được cử đi sứ sang Trung Quốc. (vi.wikipedia.org)

2. Câu hỏi khó trong một lần đi sứ

Năm 1308 đời vua Trần Anh Tông, Mạc Đĩnh Chi đi sứ nhà Nguyên, mừng vua Nguyên Vũ Tông mới lên ngôi.

“Khi sứ bộ bái biệt vua Nguyên để về nước, thì họ ra câu đố hiểm hóc:

Có một chiếc thuyền, trong đó có vua, thầy học, và cha mình (quân, sư, phụ) bơi đến giữa sông chẳng may gặp sóng lớn đắm thuyền. Khi ấy ngươi ở trên bờ ra cứu, nhưng chỉ có thể cứu được một người thôi, thế thì ngươi cứu ai?

Vào thời kỳ đó, trả lời sai sẽ bị tội phanh thây, chém đầu hoặc lưu giữ lại, dẫn đến nước Việt mất nhân tài.

Nhưng ông đã trả lời:Thần đứng trên bờ, thấy thuyền bị đắm, tất phải vội vã nhẩy xuống sông bơi ra cứu, hễ thần gặp ai trước thì thần cứu người ấy trước, bất kể người ấy là vua, thầy học hay cha mình.

Cuối cùng ông được ra về.” (vi.wikipedia.org)

Cũng giống như phải căn cứ vào đáp án mới cho điểm được bài thi, muốn đánh giá đúng sai thì phải dựa vào những cơ sở được lấy làm chuẩn mực. Ngày nay, mọi hành vi đều căn cứ vào pháp luật, muốn biết đúng sai của câu trả lời trên phải xem xét sự nặng nhẹ của các mối quan hệ theo tư tưởng ngày xưa.

3. Nghĩa công nặng hơn tình riêng

Quân nước Tề sang đánh nước Lỗ. Khi đến chỗ giáp giới, trông thấy người đàn bà một tay bồng một đứa bé, một tay dắt đứa nữa. Người đàn bà thấy quân kéo tới, vội vàng bỏ đứa đang bồng trên tay xuống mà bồng đứa bé đang dắt rồi chạy trốn vào trong núi. Đứa bé kia chạy theo khóc, người đàn bà cứ chạy không ngoảnh lại.

Một viên tướng nước Tề cho bắt đến hỏi:

– Đứa bé nàng bế chạy là con ai? Còn đứa trẻ nàng bỏ liều là con ai?

Người đàn bà thưa:

“Đứa tôi bế là con anh cả tôi; đứa tôi bỏ lại là con tôi. Tôi thấy quân lính kéo đến, sức tôi không thể bảo toàn được cả hai đứa, cho nên tôi đành phải bỏ con tôi lại”.

Viên tướng nước Tề nói: “Con với mẹ kể tình thân yêu thì đau xót lắm. Nay bỏ con mình lại mà chạy lấy con anh là cớ làm sao?”.

Người đàn bà nói: “Con tôi là “tình riêng”, con anh tôi là “nghĩa công”. Con đẻ tuy đau xót thật nhưng đối với việc nghĩa thì tính làm sao. Cho nên tôi đành bỏ liều con tôi mà làm việc “nghĩa”. Tôi không thể nào chịu tiếng “vô nghĩa” mà vác mặt sống ở nước tôi được”.

Viên tướng nước Tề dừng quân lại, sai người tâu với vua Tề rằng:

– Nước Lỗ chưa thể đánh được. Quân ta mới đến chỗ cương giới, đã thấy con mụ đàn bà xó rừng còn biết làm điều “nghĩa” chẳng chịu đem “tình riêng” mà hại “nghĩa công”, huống chi là những bậc quan lại, sĩ phu ở trong nước. Xin kéo quân về”.

Vua Tề cho là phải.

Sau vua Lỗ biết chuyện này, thưởng người đàn bà một trăm tấm lụa và phong cho hai chữ “Nghĩa cô”.

Lưu Hướng liệt nữ truyện (sachhayonline)

Tình riêng cứ kể cũng là nặng, nhưng nghĩa công còn nặng gấp mấy mươi.  Người đàn bà đây hiểu thấu lẽ ấy nên khi so cái “tình riêng” đối với “nghĩa công” thì không còn phải do dự gì nữa. Hành động hy sinh để mà giữ nghĩa làm quân Tề phải kéo nhau về mà không dám xâm phạm. Thế mới hay, khi dân một nước mà biết trọng “nghĩa” thì nước đó chắc chắn vững mạnh khiến cho các nước khác không dám có ý dòm ngó.

Trong thâm tâm, người hỏi khi đưa ra câu đố là muốn xem trong tình huống này người ta xử sự ra sao để vẹn toàn các mối quan hệ. Trong câu trả lời, mọi người chỉ để ý tới việc cứu người gặp đầu tiên mà không để ý tới việc “vội vã nhảy xuống”. Đó là việc xả thân vì vua, thầy, cha đều quan trọng hơn mình.

Không phải vô tình mà trước khi ra về người ta lại đưa ra câu đố khó. Nguồn cơn của nó là các biểu hiện được tích lũy dần qua các sự việc trong thời gian đi sứ. Ngay buổi đầu tiên gặp mặt, Mạc Đĩnh Chi đã đặt mình vào vị trí nguy hiểm khi đối lại câu “Nhật hỏa yên vân, bạch đán thiêu tàn ngọc thố” bằng câu “Nguyệt cung tinh đạn, hoàng hôn xạ lạc kim ô”. Một người mới chỉ vì sự tôn nghiêm của vua và tinh thần dân tộc mà đã dám xả thân để giữ thì khi thân vua và đất nước gặp nguy hẳn quyết liều mình mà cứu.

4. Trung thần và hiếu tử

Khi lấy người được hỏi là người con, học trò và bề tôi làm trung tâm thì chỉ có ba mối quan hệ đơn lẻ. Nhưng khi vượt ra khỏi tình riêng là mạng lưới các mối quan hệ trong cuộc sống của một người thì sẽ thấy hệ thống mối quan hệ của cha, của thầy và của vua.

Người con thì chỉ có một cha còn người cha thì lại có nhiều con. Người trò thì chỉ có một (vài) thầy còn người thầy lại có nhiều thế hệ học trò. Bề tôi thì chỉ có một vua còn vua thì khắp thiên hạ trong thời gian trị vì đều là bầy tôi.

Xét về quy mô của các mối quan hệ thì của cha ít hơn của thầy và nhiều nhất là của vua khi mọi người đều có trong đó. Trong mối quan hệ của vua thì người được hỏi là một bề tôi. Trong mối quan hệ của thầy thì người được hỏi là một học trò. Trong mối quan hệ của cha thì người được hỏi là một người con. Người được hỏi chỉ là một mắt xích trong các hệ thống mối quan hệ đó mà thôi.

Xét về nghĩa công và tình riêng thì đạo vua tôi được đặt lên trên nghĩa thầy trò và tình cha con. Mối quan hệ của người được hỏi như là một lát cắt dọc với các mức độ nặng nhẹ khác nhau trong mối quan hệ của vua, thầy và cha vậy.

Đừng cho rằng cứu vua là coi nhẹ mối quan hệ thầy trò và cha con. Đối với một người cụ thể thì ít khi được gặp vua, có người đến việc gặp một lần trong đời cũng không được. Thầy thì gặp nhiều hơn, đó là khi đến trường, đến lớp. Cha thì thường xuyên gắn bó thân thiết trong cuộc sống hàng ngày. Sự gần gũi thân thiết cũng như tầm quan trọng trong hệ thống các mối quan hệ cá nhân giảm dần từ mối quan hệ cha con rồi đến thầy trò cuối cùng mờ nhạt và xa cách nhất là vua tôi.

Như tấm gương phản chiếu, mức độ đối đãi trong hành vi của người con với cha trong cuộc sống cũng có thể lấy làm cơ sở để suy xét cho hành vi trong các mối quan hệ thầy trò và vua tôi. Việc cứu vua trong khi đó là mối quan hệ mờ nhạt, không thân thích làm nổi lên cơ sở cho hành động và lựa chọn đều dựa trên đạo lý. Lấy đạo lý làm cơ sở cho việc xây dựng cuộc sống thì ứng xử trong các mối quan hệ đều được căn cứ vào đó. Sửa mình theo đạo lý là việc tu thân được coi là gốc để làm người và điều đó được thể hiện thường xuyên ở mối quan hệ cha con trong cuộc sống hàng ngày. Từ đó cho thấy một người phải biết coi trọng tình riêng trong cuộc sống hàng ngày thì khi xảy ra chuyện mới biết đặt nặng nghĩa công hơn.

Khi tình huống mà vua Nguyên đưa ra xảy đến, những người hiểu nghĩa công và tình riêng đều chọn cứu vua. Chuyện cứu vua không chỉ là việc riêng của người con nữa mà là việc chung của cả ba người. Thầy, cha, con đều là bề tôi của vua và chẳng còn chuyện phải lựa chọn, phải hy sinh gì nữa. Cả người thầy và người cha lúc này đều đang tìm để cứu vua chứ không phải chờ để có người đến cứu. Bơi ra gặp người đầu tiên là cha hoặc thầy đều sẽ hỏi: “Nhà vua ở đâu ạ?”. Và gặp thầy hay gặp cha đều được hỏi: “Đã cứu được vua chưa?”.

Không phải tự nhiên mà người con biết phải cứu cho được nhà vua. Người ta có câu “Thầy nào trò nấy” và cũng có câu “Cha nào con nấy”, từ hành động có thể biết một người đã được nuôi dạy bởi người thầy, người cha như thế nào. Người thầy nào chả tự hào khi sở học của mình truyền cho đúng người và được “Phát dương quang đại” bởi học trò mà mình yêu quý. “Không có gì làm người con tự hào bằng danh dự của người cha. Không có gì làm người cha tự hào hơn thành tựu của người con”. Lựa chọn cứu vua làm cho người thầy, người cha cảm thấy tự hào vì đã nuôi dạy được một con người hiểu đạo lý.

5. Vua sáng và tôi hiền

“Có người nói với vua Tử Dương nước Trịnh rằng:

 – Liệt Tử là một người cao thượng, nay ở nước nhà vua mà phải bần cùng, thì chẳng hóa ra nhà vua không biết quý chuộng người giỏi ư?

 Tử Dương nghe nói sai sứ giả đưa cho Liệt Tử vài xe thóc.

Liệt Tử ra yết kiến sứ giả, vái hai vái, xin từ không nhận.

Sứ giả đi, Liệt Tử vào nhà trong. Vợ ngóng trông, bực tức, tự đập vào ngực mà nói rằng:

 – Thiếp nghe vợ con những bực đạo đức cao thượng đều được an nhàn vui vẻ, nay vợ con tiên sinh túng đói, vua đưa cho tiên sinh thóc gạo, tiên sinh lại từ. Thế chẳng phải là số mệnh xui ra vậy hay sao!

Liệt Tử cười, bảo vợ rằng: Vua mà biết ta không phải là tự chính vua biết ta, tại nghe có người nói mới biết ta. Vua nghe người nói mới biết mà cho ta thóc, thì lúc bắt tội ta, tất vua lại nghe người nói mà thôi. Vì thế mà ta không nhận thóc. Vả chăng chịu bổng lộc của người, hoặc khi người mắc hoạn nạn, không liều chết giúp là người bất nghĩa. Mà nếu liều chết giúp kẻ vô đạo thì còn gọi là nghĩa thế nào được.” (kilopad)

Vua không phải lúc nào cũng sáng suốt, xưa nay luôn có những người hiểu đạo lý và ngay thẳng được lựa chọn để mà can gián. “Xưa bậc thiên tử có 7 người bề tôi can gián, tuy thiên tử vô đạo, cũng không bị mất thiên hạ. Bậc chư hầu có 5 người bề tôi can gián, tuy chư hầu vô đạo, cũng không bị mất nước. Bậc đại phu có 3 người bề tôi can gián, tuy đại phu vô đạo, cũng không bị mất gia tộc”. Vua nghe lời can phải, tôi nói lời ngay thẳng là biểu hiện của việc đạo nghĩa được coi trọng và đất nước hưng thịnh là một lẽ đương nhiên.

Trong hệ thống các mối quan hệ của vua, có những mối quan hệ không chỉ là vua tôi mà còn là thầy trò và cha con,… Khi những sự việc có liên quan tới những người đó thì vua cũng phải đối mặt với vấn đề giữa nghĩa công và tình riêng.

Khi tìm người kế vị ngai vàng, các quan hầu đã tiến cử Đan Chu, con trai vua. Vua Nghiêu ngay lập tức lắc đầu nghiêm túc nói rằng: “Không được, con ta kém đức hạnh, hay tranh cãi với người. Nếu ta truyền ngôi cho Thuấn, chỉ có Đan Chu con trai ta phiền lòng. Nếu ta truyền ngôi cho Đan Chu, tất cả con dân trong thiên hạ sẽ phiền lòng. Ta không thể làm tổn hại bách tính chỉ vì lợi ích của con trai ta”.

Vua nặng hơn vì là người chăm lo cho cuộc sống của mọi người. Và chỉ khi nào chăm lo cho cuộc sống của mọi người thì vua mới nặng hơn. Lúc đó việc hy sinh tình riêng mới có ý nghĩa.

Bác Hồ từng nói, chủ nghĩa yêu nước là sự kết hợp biện chứng giữa truyền thống và thời đại: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết hợp thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn lướt qua mọi nguy hiểm, khó khăn; nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước. Lịch sử ta đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta”. Vì nghĩa lớn, theo lời Bác gọi, thế hệ ông cha đều một lòng “Quyết tử để tổ quốc quyết sinh”. “Có vua ấy tất có tôi ấy”, vẻ vang thay một thế hệ anh hùng.

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn