Hau Cao

VUI - BUỒN TRONG ÂM NHẠC VIỆT NAM

Đăng 4 năm trước

Nhạc Việt nam thường được nhận xét là buồn nhiều hơn vui. Bạn có thắc mắc vì sao buồn? Hãy cùng tôi tìm hiểu xem yếu tố nào đã tạo nên sắc thái buồn đặc trưng của nhạc Việt nhé.

"Nhạc Việt Nam buồn" - những người bạn ngoại quốc của tôi thường nhận xét như vậy, khi được hỏi về cảm nhận của họ đối với nhạc Việt Nam. 

 Tôi chọn thử 10 bài ngẫu nhiên thì có đến 8-9 bài buồn rồi. "Ừ buồn thiệt" - Tôi gật gù đồng ý, sau khi âm thầm làm bảng thống kê cá nhân. 

 Nhưng vì sao buồn? - Tôi tự hỏi và tìm câu trả lời cho mình. 

Yếu tố lịch sử

Nhớ lại lúc còn ở đại học, trong một giờ học về văn hóa, giảng viên đã kể rằng nhạc vũ Chiêm Thành là loại âm nhạc được các vua Triều Lý rất ưa thích. Nhiều đời Vua Lý đã sai nhạc công phiên dịch hoặc chế khúc nhạc theo âm điệu Chiêm Thành, để diễn tấu phục vụ trong Hoàng Cung. Tiếng nhạc Chiêm Thành buồn rầu, ai oán, khiến người nghe phải rơi lệ. Thế nên một số quan lại đưa ra lời can gián, không nên phổ biến loại nhạc này, vì e ngại sẽ ảnh hưởng không tốt đến vận khí quốc gia. 

 “Niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh năm thứ 2 (1060),  vua Thánh tông cho phiên dịch nhạc khúc của Chiêm Thành, sai nhạc công hát. Lại vào mùa thu năm Thiên Gia Bảo Hựu thứ nhất đời vua Cao tông (1202), sai nhạc công chế khúc nhạc gọi là âm điệu Chiêm Thành, tiếng nhạc trong trẻo, ai oán, buồn rầu, người nghe phải rơi lệ" _ Toàn Thư 

Tôi chưa có thông tin kho tàng âm nhạc Chiêm Thành tổng quát bao gồm những thành phần gì, nhưng tôi không nghĩ nhạc Chiêm Thành chỉ có nhạc buồn. Ít ra, họ phải có những khúc hát mừng ngày mùa, lễ hội....Thế nhưng đến hôm nay, âm nhạc Chiêm Thành chỉ để lại âm hưởng lên kho tàng âm nhạc Việt Nam qua hai thể điệu Nam Ai và Nam Bằng mang nỗi buồn ai oán. Điều này đưa tôi đến một phỏng đoán là phải chăng do tâm hồn người Việt vốn dễ đồng điệu với nỗi buồn hơn niềm vui. Phải chăng vì đất nước chiến tranh triền miên, ít vui cảnh thái bình lâu dài nên người Việt nghe quen những bài ca biệt ly, ai oán hơn những bài ca khải hoàn. 

 "Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu.  

 Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” - Nguyễn Du 

Yếu tố xã hội

Tân nhạc Việt Nam ra đời vào những năm cuối thập niên 1930, giai đoạn xã hội Việt Nam có nhiều biến động. Đây là giai đoạn có nhiều thay đổi trong nghệ thuật, văn học nói chung. Tân nhạc xuất hiện sau phong trào thơ mới và dòng văn học lãng mạn vài năm. 

 Các ca khúc tiền chiến có lời ca mang tính văn học cao, mang phong cách trữ tình lãng mạn, ít nhiều chịu ảnh hưởng của trào lưu văn học lãng mạn thịnh hành thời bấy giờ. Các sáng tác về tình yêu thường mang một sắc thái ủy mị, ca ngợi những chuyện tình buồn, dang dở. 

 "Tình mất vui lúc đã vẹn câu thề 

 Đời chỉ đẹp khi hãy còn dang dở 

 Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ 

 Cho ngàn sau lơ lửng với ngàn xưa…" _ Hồ Dzếnh  

Ngoài các ca khúc về tình yêu đôi lứa, chủ đề lịch sử, tình yêu nước cũng là những đề tài chính của nhạc tiền chiến. Tuy nhiên từ những nét phát thảo đầu tiên, ta đã có thể thấy những gam màu buồn trên bức tranh đa sắc của tân nhạc Việt Nam. 

Nửa thế kỷ sau 1945, lịch sử dân tộc Việt đã trải qua những năm tháng đầy bi thương. Tuy vậy tân nhạc Việt Nam đã đâm chồi nảy lộc xum xuê nhất trong chính những năm tháng ấy. Những ám ảnh về chiến tranh, chia ly, thân phận đã thể hiện khá rõ nét trong âm nhạc. Buồn trong tình yêu từ thời tiền chiến đã có thêm hai người bạn đồng hành là buồn cho quê hương và buồn cho thân phận. 

Thị hiếu khán, thính giả

Một phong cách, trào lưu âm nhạc sẽ không có chỗ đứng nếu điều đó không được công chúng đón nhận. Nhạc buồn có chỗ đứng là do khán, thính giả đón nhận, giữ gìn. Và một khi đã được đón nhận thì cơ hội được phát huy là rất cao. 

 Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhạc sĩ Đặng Thế Phong chỉ sáng tác ba nhạc phẩm và cả ba đều được đón nhận rất nồng nhiệt. Đêm thu, Con thuyền không bến, Giọt mưa thu đều là những sáng tác buồn. Đặc biệt với hai nhạc phẩm bất hủ Con thuyền không bến và Giọt mưa thu, Đặng Thế Phong được xem như một trong những nhạc sĩ tiền chiến tiêu biểu nhất. 

 Và có lẽ chúng ta không cần phải chứng minh các sáng tác của nhạc sĩ Trúc Phương có chỗ đứng thế nào trong lòng công chúng. Nếu tôi không nhầm thì hầu hết các sáng tác của ông đều là những ca khúc buồn.  

"Buồn vào hồn không tên  

 Thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời" _ (Nửa đêm ngoài phố)  

 Bên cạnh đó, nhiều nhạc sĩ khác sáng tác cả những bài vui và buồn nhưng khi nhắc về những người nhạc sĩ ấy, công chúng lại nhớ ngay các sáng tác buồn. Điển hình là nhạc sĩ Hoàng Quý, ông đã sáng tác rất nhiều bài hùng ca như Bên sông Bạch Đằng, Nước non Lam Sơn, Tiếng chim gọi đàn, Bóng cờ lau, Nắng tươi, Chiều quê; nhưng những bài ấy lại không được công chúng nhớ nhiều bằng ca khúc trữ tình nổi tiếng Cô láng giềng. 

 Qua đó tôi lại có thêm lý lẽ để cũng cố cho phỏng đoán ban đầu, nhạc Việt Nam buồn, một phần, do thị hiếu của khán, thính giả. 

Tính dễ cảm của giai điệu buồn

Từ gốc nhìn khách quan, chúng ta có thể công nhận với nhau rằng nhạc buồn rất dễ đi vào lòng người, vì khi buồn, con người nói chung rất cần những tiếng nói đồng cảm. Chưa thấy ai thống kê nền tân nhạc Việt Nam bao nhiều bài vui, bao nhiêu bài buồn; cho nên chưa thể khẳng định số lượng bài buồn có nhiều hơn bài vui hay không. Tuy nhiên, nếu bạn thử làm một thống kê nho nhỏ, đó là lập ra hai danh sách gồm 10 bài vui và 10 bài buồn, bạn sẽ đồng ý với tôi rằng, danh sách 10 bài buồn dễ thực hiện và hoàn thành nhanh chóng hơn danh sách 10 bài vui rất nhiều. Như vậy có thể nói nhạc buồn để lại ấn tượng trong lòng khán, thính giả sâu sắc hơn. 

 Chúng ta không ngăn cản được cảm xúc vui-buồn đến với mình, kể cả những nghệ sĩ, tuy nhiên có thể từ nỗi buồn mà kết thành thơ, nhạc, cống hiến cho đời, thì vui - buồn, đối với người nghệ sĩ đều là trạng thái của hạnh phúc vì họ được sống đến tận cùng của cung bậc cảm xúc. 

Kết

Cuộc đời cũng như âm nhạc, vui - buồn luôn song hành. Tất nhiên những niềm vui thì thích hơn là những nỗi buồn. Nhưng những người dám sống và từng trải thì không sợ nỗi buồn. Nỗi buồn có khi lại cho ta động lực để vươn lên. Buồn trong âm nhạc cũng không làm chúng ta có thái độ tiêu cực với cuộc đời mà trái lại, đồng cảm với nỗi buồn của người nhạc sỹ từng trải, càng làm chúng ta thêm hiểu biết và giác ngộ cuộc đời, để rồi chúng ta biết chấp nhận nỗi buồn như một phần của cuộc sống; để rồi ta thấy nỗi buồn cũng có vẻ đẹp riêng; để rồi ta thêm yêu cuộc đời và sống thiết tha hơn.

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn