Hồ Huy Thích viết lách và trải nghiệm du lịch.

Xăm mình từ ẩn ức thời gian đến nghệ thuật đương đại

Đăng 5 năm trước

Tục xăm mình có từ khi nào? Ẩn ức quá khứ, trầm tích thời gian được cô đọng và tái hiện trên cơ thể con người. Ngày nay thế giới đã nhìn nhận xăm mình một cách khách quan hơn và nó đã trở thành nghệ thuật đương đại.

Sự lan tỏa của nghệ thuật xăm hình đang len lỏi và phát triển ở khắp các quốc gia trên thế giới. Đối với hình tượng xăm trên cơ thể có người sẽ liên tưởng đến sự thể hiện của quyền lực, sự hung bạo nhưng có những hình xăm lại thể hiện một cách độc đáo, tinh tế, mang đậm tính nghệ thuật. 

Nguồn gốc và những ẩn ức thời gian 

Văn hóa hình xăm tồn tại trong lịch sử nhiều nước, từ Tây sang Đông. Từ “tattoo” (hình xăm) trong tiếng Anh có nguồn gốc từ chữ “tatu” hay “tatau” trong ngôn ngữ Polynesia, có nghĩa “những nét vẽ của người Polynesia”, được thuyền trưởng James Cook miêu tả sau chuyến hải hành năm 1769 đến Nam Thái Bình Dương.

Hình xăm là dấu hiệu của tội phạm có nguồn gốc từ Kinh Cựu ước. Ngoài ra, hình xăm cũng liên quan đến việc “đóng dấu” nô lệ và tù binh. Ở Ấn Độ cổ, trán đạo sĩ Bà La Môn bị xăm hình bộ phận sinh dục nữ nếu phạm tội thông dâm. Thế kỷ 19-20, tù nhân Pháp bị khắc vào trán tội danh của họ…

Tục xăm hình có từ rất lâu. Tháng 10-1991, người ta phát hiện một người thượng cổ 5.000 năm nằm trong rặng núi giữa Ý và Áo. Dường như ông đang đi săn thì bị kẹt trong trận bão tuyết. Nhân vật thượng cổ này có nhiều vết xăm: một dấu chữ thập ở gối chân trái, 6 đường thẳng dài 15 cm dọc theo bụng và nhiều đường song song chạy xuống mắt cá chân. 

Người ta đặt tên cho ông là Oetzi. Không ai biết chính xác hình xăm trên mình Oetzi có ý nghĩa gì. Tuy nhiên, người ta biết chắc rằng tục xăm mình xuất hiện cách đây vài chục ngàn năm, tồn tại song song cùng nhiều làn sóng văn minh nhân loại. Xăm mình không chỉ thể hiện sự nhận dạng sắc tộc mà trong nhiều trường hợp còn là phương cách chữa bệnh. Tại eo biển Bering, nhà dân tộc học George B. Gordon từng gặp nhiều người ở đảo Diomede với vết xăm ở gò má và thái dương. Đó là những sẹo nhỏ sau khi người ta châm da hút máu độc. 

Ở Alaska, hiện vẫn còn tục chích da để “rút máu độc” cho vài căn bệnh. Dân Chugach Eskimo cũng có cách chữa tương tự. Khi bị đau mắt, họ chích da lấy máu ở chóp mũi và thái dương…Một trong những nền văn hóa hình xăm nổi tiếng nhất là văn hóa Maori tại New Zealand. Ở châu Á, người Hoa cũng có tục xăm mình. Tại Nhật, nguồn gốc hình xăm có từ thời Jomon (10.000 trước CN – 300 trước CN). Jomon có nghĩa là mẫu dây thừng. 

Nhiều vật gốm có viền mẫu dây thừng được tìm thấy trong giai đoạn này, cũng như các mẫu hình xăm. Tuy nhiên, mãi đến thế kỷ 8, các quyển sách đầu tiên về tục xăm mình ở Nhật mới xuất hiện. Thời Kojiki (712 sau CN), người ta kể rằng, có hai loại hình xăm: một tượn trưng cho tầng lớp quý tộc và một tượng trưng cho bọn tội phạm hay kẻ tà ác. Quyển Nihonshoki (720 sau CN) có kể về một gã tên Azumi no Murajihamako bị xăm mình do tội phản bội. Trong lịch sử hình xăm xứ Phù Tang, không nơi nào gây chú ý bằng đảo Ainu. Người Ainu xăm mặt theo cách giống như dân Maori – New Zealand.

Không chỉ nam giới, phụ nữ Ainu cũng xăm. Có khi bé gái mới 5 – 6 tuổi đã bị xăm. Hình xăm chỉ hoàn chỉnh khi họ đến tuổi trưởng thành. Đảo Ryukyu cũng nổi tiếng có tục xăm mình nữ giới. Vài tài liệu viết rằng, phụ nữ Ryukyu xăm mình để khỏi bị bắt cóc đưa vào nhà chứa. Hình xăm hoa lá cành xuất hiện lần đầu tiên ở Nhật sau thời Horeki (1751-1764), mô phỏng từ nghệ thuật ofukiyo-e (miêu tả phong cảnh). Ý tưởng xăm toàn thân – như bây giờ thường thấy ở bọn du đãng Yakuza – được lấy cảm hứng từ trang phục samurai gọi là jimbaori (áo choàng sát nách). 

Đầu tiên, hình xăm jimbaori chỉ được vẽ trên lưng nhưng sau đó lấn qua vai, cánh tay, xuống đùi rồi cuối cùng lan toàn thân. Đến thời Minh Trị, chủ trương canh tân được đề xướng. Văn hóa phương Tây du nhập xứ hoa anh đào. Tháng 4-1868, một bộ luật ra đời nghiêm cấm nhiều hủ tục quá khứ, trong đó có xăm mình. Đến năm 1948, luật cấm xăm mình ở Nhật mới được bỏ…

Phát triển và trở thành một nghệ thuật

Vào đầu thế kỉ 20, xăm hình xuất hiện rất hiếm hoi. Vào thời kì đầu 1900, việc xăm hình không được coi trọng, đó là biểu tượng của tầng lớp thấp cấp và rất khó khăn khi tìm thấy một người nào đó xăm hình. Không có hiệp hội dành cho người xăm hình và môn xăm hình không được công khai hay quảng cáo trên các phương tiện công cộng.Năm 1908,tại thành phố New York, trung tâm giải trí thu hút mọi tầng lớp lao động, Samuel O’Riely mở một cửa hàng xăm và nhận người học việc là Charlie Wagner. Năm 1908 O’Riely chết, Wagner đã cho ra đời thương hiệu Alberts Lew. Alberts đã được đào tạo như một nhà thiết kế hội tụ những kĩ năng cần thiết để trở thành một nghệ nhân xăm hình. 

Giữa năm 1900, tình hình phát triển của việc xăm hình cũng không mấy khả quan và có chiều hướng đi xuống. Hầu hết, xăm hình được coi là biểu tượng không lành mạnh, là hình tượng của nhưng băng đảng trộm cướp hay giết người. Điều này là điểm mốc đánh dấu cho sự tuột dốc của việc xăm hình. Năm 1936, tạp chí đời sống Life Magazine thống kê có chỉ khoảng 6% người dân xăm mình, nhưng đa phần tập trung là các nghệ sĩ biểu diễn ở rạp xiếc, hay trong các lễ hội kì dị được tổ chức. Trong mỗi buổi trình diễn như thế này, họ kiếm được khoảng $200 (tương đương với $ 2,000 hiện nay). 

Sau chiến tranh thế giới thứ 2, xăm hình thực sự rơi vào tình trạng khủng hoảng do dịch bùng phát của căn bệnh viêm gan truyền nhiễm. Mặc dù các cửa hàng đều trang bị những công cụ và thiết bị khử trùng, nhưng do tốc độ ảnh hưởng của sự lan truyền và báo chí. Việc xăm mình bị coi là nguyên nhân truyền nhiễm và lây lan của dịch bệnh. Các cửa hàng ở quảng trường Time Square và Coney Island hầu hết bị đóng cửa. Xăm hình trở thành loại hình kinh doanh bất hợp pháp.Mãi cho đến năm 1960, mọi người đã có cái nhìn tích cực hơn về xăm hình. Thời kì này, Lyle Tuttle một người đàn ông đẹp trai, quyến rũ với kĩ năng xăm hình điêu luyện đã đưa nghệ thuật xăm hình sang trang mới cho sự thành công phát triển sau này.

Phương pháp xăm hình phổ biến

Mỗi quốc gia, mỗi nền văn hóa khác nhau tạo nên sự đa dạng hóa trong các cách thức xăm hình. Ở miền Bắc và Nam nước Mỹ, nhiều bộ lạc của Ấn Độ thường tạo nên hình xăm trên cơ thể hoặc khuôn mặt bằng cách chích đơn giản, còn một một số bộ lạc ở California kết hợp màu sắc vào các vết trầy xước tạo nên hình thù đặc biệt. Nhiều bộ lạc Bắc cực và cận Bắc cực, chủ yếu là người Inuit, và một số người dân ở miền đông Siberia, sử dụng sợi đước được phủ màu sắc, xuyên vào da để xăm mình. Còn người Polynesia và Micronesia dùng một công cụ giống cái cào nhỏ , phủ bột màu nâu rồi vẽ lên da để tạo hình vẽ. 

Những người Maori của New Zealand nổi tiếng thế giới trong việc áp dụng kỹ thuật khắc gỗ để xăm mình. Trong phong cách Moko Maori màu sắc được thiết kế đặc biệt,kĩ thuật khắc phức tạp dựa một công cụ cắt cỡ nhỏ (sử dụng trong nghề mộc) để tạo đường nét trên da. Sau khi người châu Âu đến vào những năm 1700, người Maori đã bắt đầu sử dụng kim loại do người định cư mang lại mở đầu cho xu hướng kĩ thuật xăm hình mới. 

Ngày nay, hình xăm được tạo ra bằng cách tiêm mực vào lớp chân bì của da. Phương pháp này được thực hiện bằng việc sử dụng một cây kim nhỏ gắn liền với công cụ cầm tay. Các công cụ sẽ di chuyển mũi kim lên và xuống với tốc độ hàng trăm lần mỗi phút và chích vào da với khoảng cách một milimet. Lớp mực khi được tiêm vào da, dưới sự thay đổi của các biểu bì theo thời gian, lớp mức sẽ nhạt dần tạo thành màu cố định theo bạn suốt cuộc đời.

Tuy nhiên, hiệu quả của việc xăm hình thủ công mất khá nhiều thời gian và kĩ năng khó, cần sự thành thục chính xác tuyệt đối. Do đó, người ta đã chế tạo ra máy xăm hình chạy bằng điện. Máy được cấu tạo gồm dụng cụ nhỏ bằng kim loại được bố trí theo chiều thẳng đứng, dao động như giống như một mũi khoan của nha sĩ . Nó được trang bị các mũi kim nhỏ, cứng cáp có khả năng đâm thủng da ở tốc độ từ 50 đến 3.000 lần mỗi phút. Các kim tiêm tiệt trùng được cài đặt trong máy và nhúng vào mực (mực được hút thông qua hệ thống ống của máy ). Sau đó, dưới sự hỗ trợ của công tắc chân hoạt động với cấu hình như một thang máy thu nhỏ, máy xăm chuyển động lên và xuống để đâm thủng các lớp biểu bì trên cùng của da khoảng 0.8 mm.

Phong cách tattoo

Lựa chon phong cách xăm hình phụ thuộc vào tính cách và sở thích của mỗi người. Bởi vì hình xăm có tuổi thọ kéo dài hàng chục năm, đi theo bạn trong khoảng thời gian dài vì vậy lựa chọn hình xăm phù hợp là điều nên cân nhắc.Sau đây là một số loại hình xăm phổ biến 

  • Đen và xám: phong cách này sử dụng mực đen tạo nên hình tượng mạnh mẽ và sang trọng. 
  • Màu sắc: trong việc sử dụng hình xăm màu sắc có hai trường phái: thứ nhất là những màu sắc đa dạng với tỷ lệ tương phản mạnh tạo nên cá tính, phong cách thời trang, thứ hai là những màu sắc cơ bản truyền thống là đen, đỏ, xanh lá cây, vàng và xanh dương tao nên sự đơn giản, mang phong cách cổ xưa. 
  • Irezumi : lối xăm hình theo phong cách Nhật Bản như : cá chép, rồng phương đông, chữ phật, samurai, geisha, mặt nạ hoặc các biểu tượng truyền thống. Đa phần điểm nhấn là màu sắc đen nổi bật. 
  • Fine line: phong cách xăm hình hiện đại dựa trên các đường nét mỏng, chi tiết tạo họa tiết tự nhiên và mềm mại hơn

Ý nghĩa của hình xăm và định kiến thời cuộc

Con người sử dụng hình xăm với nhiều mục đích: Với nhiều người hình xăm thể hiện sự tôn thờ hoặc thần tượng cái đẹp nhất định nào đó. Số khác cho rằng, nó là sự sùng bái hay hâm mộ nhân vật nổi tiếng. Trong khi, nhiều người coi mục đích xăm mình để đánh dấu những mốc quan trọng trong cuộc đời, xu hướng thời trang,…hay đơn giản chỉ để che giấu khiếm khuyết trên cơ thể, thể hiện bản thân,…Mỗi một cá nhân hay cộng đồng còn sử dụng hình xăm với nhiều ý nghĩa đa dạng. 

Chúng ta không thể phủ định việc xăm hình đang là một trào lưu phát triển ở giới trẻ. Như ở Mỹ, hầu hết các thanh niên đều chọn cho mình những hình xăm phù hợp với tính cách của bản thân. Hay lựa chọn những hình ảnh bắt mắt tạo điểm nhấn gây chú ý, thể hiện mình. Không những vậy, đó còn được coi là môn nghệ thuật, văn hóa phổ biến không thể thiếu trong đời sống.

Tuy nhiên, không phải bất kì xã hội nào cũng chấp nhận việc xăm hình. Ở một khía cạnh nào đó, vẫn còn số đông phản bác cho rằng xăm hình là điều không tốt, làm hạ phẩm giá của con người, thể hiện những tác động tiêu cực. Ví dụ, rất gần gũi trong cuộc sống người dân Việt Nam, người lớn không mấy thiện cảm khi nhìn những chàng thanh niên hay cô gái xăm hình trên cơ thể. Họ cho rằng đó là những người ít học, đua đòi theo thời thượng. Hoặc đối với những người xăm hình, khi họ gặp đối tác trong việc kinh doanh hay trong việc học hành nghiên cứu sẽ gây thiện cảm không tốt.

Lời kết

Xăm hình là một môn nghệ thuật điêu khắc đòi hỏi kĩ năng khéo léo mới tạo nên được các tác phẩm có hồn và ý nghĩa. Sự phát triển của môn nghệ thuật này thăng trầm theo nhiều giai đoạn phát triển của cuộc sống qua các thời kì xã hội. Con người luôn muốn khám phá những điều mới mẻ của cuộc sống nên họ luôn theo đuổi mọi cái đẹp và tạo xu thế nhất định. 

Tuy nhiên, bản thân tồn tại giữa vào nhiều yếu tố của xã hội, chúng ta sống ở trong hoàn cảnh nào phải phù hợp với đặc điểm của hoàn cảnh đó. Thay đổi thế nào có thể tạo nên tác động tích cực là tốt nhất. Vì vậy, chúng ta nên có cái nhìn thấu đáo và phù hợp nhất. 

Dù với mục đích nào, ý nghĩa của hình xăm vẫn không mấy thay đổi. Ở một số nơi, xăm mình có ý nghĩa thể hiện quyền lực, sự hung bạo, song ở một số nơi khác, xăm mình thể hiện cái đẹp, nét cá tính bản thân. Tại Nhật Bản, có thời điểm, xăm mình thể hiện 2 ý nghĩa. Một là bạn thuộc tầng lớp quý tộc, cao sang. Hai là bạn thuộc vào nhóm những kẻ phạm tội hoặc gian ác.

Nguồn: Trải Nghiệm Khác Biệt

Chủ đề chính: #xăm_mình

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn