Hoa Vien Yêu màu mây, màu violet. Thích mùa thu dịu ngọt. Ghét mùa hè nóng bỏng.

Xây dựng thương hiệu như thế nào để thành công?

Đăng 5 năm trước

Xây dựng thương hiệu là con đường mang tính dài lâu và cần nhiều tính toán kỹ lưỡng cho mỗi bước đầu tư để mang lại hiệu quả. Tuy vậy, làm thế nào để đầu tư vào thương hiệu vẫn làm nhiều người lúng túng. Vậy nên hãy cùng Ohay tv tham khảo 7 cách xây dựng thương hiệu dưới đây nhé.

1. Xây dựng thương hiệu – Khiến khách hàng mục tiêu nói nhiều về mình

Để thu hút và làm nên một trào lưu mới trong giới trẻ cũng như khiến họ nói nhiều hơn về mình trên cả 2 kênh online và offline, rồi tiêu thụ nhiều hơn – “more talk, more consume”. Coca – Cola đã cho ra đời chiến dịch “In tên lên lon Coca”. 

Đặc biệt với Australia, tới 50% người dân chưa uống thử Coca bao giờ thì đây thực sự là chiến dịch rất đầu tư của thương hiệu lâu đời này. 

Bắt đầu chiến dịch này Coca – Cola in 150 cái tên phổ biến nhất ở Australia lên những chai coca để nhắc nhở mọi người nhớ về một người bạn của mình. Đó có thể là một người bạn đã lâu không liên lạc, hoặc là một người bạn mới quen với thông điệp: “Nếu bạn nhớ/ muốn gặp gỡ/ thích/ lâu rồi chưa gặp/…hãy chia sẻ 1 chai Coke ( cùng với cái tên của người bạn đó được in trên vỏ chai ) với anh/cô ấy. Trong suốt chiến dịch, ý tưởng, nội dung luôn được thay đổi để phù hợp với nguyện vọng của người tiêu dùng, đem lại cho họ những giây phút bất ngờ nhất. 

Và kết quả, lượng tiêu thụ coca sau chiến dịch tăng 7% so với trước khi chiến dịch diễn ra. Hiệu quả thu hút truyền thông đạt được là 18 triệu lượt view trên các trang mạng xã hội. 

378.000 chai coca đã được sản xuất với những tên riêng in trên vỏ chai, 76.000 mô hình các vỏ chai được tạo ra và chia sẻ lên Facebook, khiến lượng truy cập trên Fanpage của Coca-Cola tăng đến 87%. 

Và tại Việt Nam, các bạn cũng có thể thấy chiến dịch này đã mang tới những hình ảnh thú vị như:

Để sản phẩm đến gần hơn với khách hàng mục tiêu, các bạn cần xây dựng các chiến lược tiếp thị hay “đầu tư” vào việc kết nối nhu cầu, mong muốn của người dùng với sản phẩm khiến sản phẩm gần gũi và vượt lên ý niệm về công dụng mà trở thành người bạn ý nghĩa, giúp họ gắn kết với gia đình, bạn bè hay nhiều điều khác trong cuộc sống.

2. Xây dựng thương hiệu bằng việc đánh trúng tâm lý khách hàng

Muốn đầu tư vào thương hiệu thành công thì không gì khác là phải đáng trúng tâm lý khách hàng. Phải cho khách hàng thấy sự hết mình, thấu hiểu, nắm bắt nhu cầu cũng như cho thấy sự hỗ trợ của bạn dành cho họ. Hãy cùng xem IKEA đã làm gì: 

Trong tất cả các cửa hàng của IKEA – doanh nghiệp chuyên thiết kế đồ nội thất, thiết bị và phụ kiện nhà cửa nổi tiếng của Thụy Điển, bạn sẽ mua cây dù có giá gốc khi trời nắng, nhưng nó sẽ giảm giá 50% ngay khi trời mưa.

Nếu quên viết các mẫu thông tin đón khách hay chào đón người thân thì tại sân bay Amsterdam (Hà Lan), mọi người có sẵn máy in banner.

Và hãy luôn cho các “thượng đế” thấy bạn trân trọng họ thế nào: 

Trong một nhà hàng ở Johannesburg (Nam Phi), 400 thực khách thân thiết và thường xuyên lui tới có một con dao riêng, đặt ở một khu vực trang trọng.

3. Nhượng quyền thương hiệu

Nhượng quyền đã được chứng minh là mô hình kinh doanh phát triển thành công nhất trong vòng 100 năm qua, góp phần đưa những công ty do tư nhân sở hữu có quy mô ban đầu rất nhỏ tại Mỹ như Starbucks, McDonald’s, Domino’s Pizza, KFC… trở thành những thương hiệu toàn cầu khổng lồ. 

Một thương hiệu lớn của Mỹ trong lĩnh vực F&B (kinh doanh chuỗi nhà hàng, mặt hàng thực phẩm và đồ uống) là Starbucks, hiện đã mở 22 quán cà phê tại TP.HCM và Hà Nội, thông qua một hợp đồng nhượng quyền với đối tác Maxim Concepts là Công ty Viet Idea Food & Beverage của Hồng Kông. 

Ngay khi vào Việt Nam, Starbucks đã chọn TP.HCM làm địa bàn đầu tiên để chinh phục với quán flagship (quán lớn và quan trọng nhất) tọa lạc tại mặt tiền khách sạn 5 sao New World Sài Gòn. Năm đầu tiên tại Việt Nam, Starbucks mở liên tục 4 quán và đều thuê mặt bằng tại các khách sạn 5 sao hoặc cao ốc văn phòng tại trung tâm TP.HCM. 

 

Nhưng để nhượng quyền thương hiệu, bạn cần xem xét 3 yếu tố dưới đây nhé: 

  • Sản phẩm có khác biệt, có phù hợp với văn hóa, tập quán tiêu dùng của người bản địa? 
  • Sản phẩm hay dịch vụ ấy có mang tính đại chúng, có thể phục vụ cho nhiều nhóm khách hàng nhằm thỏa mãn một nhu cầu hoặc tạo ra một nhu cầu mới? 
  • Mô hình dễ dàng nhân rộng, mang tính mở?

4. Xây dựng thương hiệu – Bộ nhận diện thương hiệu

Top 10 được công bố gồm: Vinamilk, Coca-Cola, Honda, Nokia, Big-C, MobiFone, Vietcombank, Saigon Co.opMart, Viettel, Sony. Trong đó, xét riêng về ngành giải khát thì nhận diện  thương hiệu Vinamilk đứng vị trí số 1 do đã chiếm ưu thế về chất lượng, chiến lược về giá, sự yêu thích về thương hiệu… Một trong những đóng góp không nhỏ cho sự thành công của Vinamilk chính là hệ thống bộ nhận diện thương hiệu đồng bộ, nhất quán, mang phong cách riêng nổi bật của thương hiệu. 

Logo của Vinamilk được thiết kế với font chữ màu trắng, không chân thể hiện sự chắc chắn, hiện đại và đáng tin cậy. Kết hợp với phông nền xanh càng khẳng định tổng thể nhận diện độ tin cậy của thương hiệu sữa số 1 tại Việt Nam. Bộ nhận diện thương hiệu Vinamilk được biết đến với tên thương hiệu Vinamilk, hiện là công ty sản xuất sữa lớn nhất Việt Nam với đa dạng chủng loại sản phẩm, như: Sữa đặc, sữa nước, sữa chua, nước ép trái cây các loại, trà xanh, nước uống đóng chai và dòng sữa bột Dielac của thương hiệu Vinamilk.

Bộ nhận diện thương hiệu sữa Vinamilk đã sử dụng hình ảnh những chú bò làm biểu tượng, xuyên suốt tổng thể của hệ thống. Chiến lược nhân cách hóa những chú bò sữa mạnh mẽ, vui nhộn, năng động trên những đồng cỏ là một hình ảnh đầy cảm xúc có tác dụng gắn kết tình cảm của người tiêu dùng với thương hiệu Vinamilk. Và sản phẩm từ sữa của thương hiệu vinamilk phủ kín thị trường trong nước

5. Xây dựng thương hiệu – Đầu tư vào văn hóa doanh nghiệp

Để xây dựng thương hiệu một cách lâu bền, các bạn cần đầu tư vào văn hóa doanh nghiệp của mình. Văn hóa doanh nghiệp khác biệt, tích cực chắc chắn sẽ khiến doanh nghiệp in sâu vào lòng khách hàng. 

Mục tiêu của Starbucks là xây dựng một môi trường “thứ ba” – đan xen giữa nhà và nơi làm việc, vì thế nên khi bước vào một cửa hàng Starbucks bất kỳ đâu, khách hàng luôn cảm nhận được một bầu không khí thoải mái và thân thiện đến lạ thường.

 Starbucks trở thành một thương hiệu toàn cầu và là chuỗi cửa hàng cà phê lớn nhất thế giới bằng cách cho nhân viên của mình ghi nhớ 5 nguyên tắc: 

  • Coi trải nghiệm của khách thành của bạn – Tùy chỉnh trải nghiệm của khách hàng thông qua kinh nghiệm của nhân viên và linh hoạt theo từng tình huống. 
  • Mọi thứ đều quan trọng – Luôn tập trung theo dõi trải nghiệm của khách hàng và góc nhìn của họ. 
  • Niềm vui của sự bất ngờ – Những bất ngờ nhỏ sẽ tạo nên một kỷ niệm mua hàng khó phai của khách. 
  • Luôn luôn kiên trì – Làm việc trong ngành bán lẻ sẽ không tránh khỏi sai lầm, nhưng điều quan trọng nhất là nhân viên phải học được từ sai lầm đó. 
  • Để lại dấu ấn – Tạo một trải nghiệm hoàn hảo đến mức khách hàng có thể nhớ tới bạn. 

Qua nhiều năm mở rộng và phát triển, Starbucks đã tạo nên một văn hóa làm việc chú trọng đến tinh thần và môi trường làm việc của nhân viên, khuyến khích họ tạo dựng các mối quan hệ thân thiện ngay trong nhóm và luôn xem nhân viên là các “thượng đế” cần chăm sóc hết mình. 

Tại Starbucks, các nhân viên thường được gọi với cái tên trang trọng hơn là “đồng nghiệp”, ngay cả các nhân viên bán thời gian (tại Mỹ) luôn có cơ hội nhận cổ phiếu và bảo hiểm của công ty.

6. Xây dựng thương hiệu – Đưa nhân hiệu vào thương hiệu

Đây là cách xây dựng thương hiệu dựa vào cá nhân có tên tuổi trong lĩnh vực nào đó. Là những người mà tên tuổi của họ đã đồng nghĩa với những thương hiệu riêng, những câu chuyện cuộc sống, suy nghĩ, lý tưởng của họ đã tạo nên giá trị cốt lõi cho thông điệp của thương hiệu. 

Những thương hiệu cá nhân mạnh mẽ không được tạo nên chỉ qua một đêm, mà đòi hỏi phải có sự góp phần của uy tín cá nhân, những câu chuyện hấp dẫn, thuyết phục và các nội dung hoặc sản phẩm mà công chúng mong muốn. 

Oprah Winfrey không có phép màu để viết nên những cuốn sách tuyệt vời, và Kim Kardashian cũng không có khả năng biến trang phục lót giá rẻ trở nên hấp dẫn hơn. Nhưng có thể nói rằng, họ bán được nhiều sách và trang phục vì sách và trang phục không phải là sản phẩm, mà phong cách của Oprah và Kim mới là sản phẩm. Sách và trang phục chỉ là “hương vị”.

Hãy cân nhắc cách xây dựng thương hiệu này nếu bạn muốn hình ảnh của cá nhân gắn liền với thương hiệu nhé.

7. Xây dựng thương hiệu – Câu chuyện thương hiệu độc đáo

Trong thời đại ngày nay, chúng ta cần đến những câu chuyện để xây dựng những thông điệp tiếp thịvừa chính xác vừa nhân văn. Với nền tảng công nghệ, một câu chuyện có thể chạm đến trái tim khách hàng nhất định sẽ mang đến thành công rực rỡ cho thương hiệu. 

Chiến dịch “Real beauty” của DoveMột chiến dịch cảm động đã chạm đến điểm sâu nhất trong cõi lòng của phụ nữ. 

Một trong những đoạn clip ấn tượng được tung ra trong chiến dịch này là Real beauty sketches.  

Trong đoạn video, mỗi phụ nữ sẽ tự mô tả về vẻ ngoài của mình và chân dung của chính họ sẽ được vẽ lên theo lời mô tả ấy. Sau đó, một người khác sẽ mô tả người phụ nữ này theo cảm nhận của họ, dựa trên mô tả này mà người họa sỹ vẽ bức chân dung thứ hai. 

Cuối cùng, những người phụ nữ được xem cả 2 bức chân dung của mình. Đoán xem? Tất cả những người phụ nữ ấy đều cảm thấy sốc, họ cảm thấy như đang nhìn hai người hoàn toàn khác nhau. Video này nhấn mạnh thực tế rằng phụ nữ không biết bản thân mình đẹp như thế nào. Dove đã truyền tải một thông điệp vô cùng mạnh mẽ, đó là: phụ nữ hãy biết trân quý bản thân mình hơn và đừng tự ti về vẻ ngoài của mình nữa. 

Hãy bình tĩnh, ngẫm nghĩ về câu chuyện của doanh nghiệp bạn. Suy nghĩ xem bạn muốn truyền thông điệp gì tới khách hàng của mình. Và lựa chọn cách kể chuyện phù hợp để thông điệp ấy chạm tới khách hàng mục tiêu.

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn