Danh Tùng

Xử án một câu thơ - phiên tòa độc nhất vô nhị ở Việt Nam

Đăng 7 năm trước

Câu chuyện về phiên tòa xử án một câu thơ, qua đó phản ánh thực trạng nền giáo dục nước nhà.

1. Bị đơn:

Một câu trong bài ca dao quá nổi tiếng không ai là không biết: Trong đầm gì đẹp bằng senLá xanh bông trắng lại chen nhị vàngNhị vàng bông trắng lá xanh/ Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

2. Công tố viên: (Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường)

Bài thơ này có xuất xứ từ miệng lưỡi một gã đồ nho trịch thượng. Trịch thượng với cội nguồn. Không phải là gần bùn mà là từ bùn, sen đã và đang được bùn nuôi dưỡng. Không lẽ câu ca dao nghìn năm lại dạy cho các em sự vô ơn bội nghĩa hay sao? Ca dao nói chung, không như vậy. Đây là một cá biệt thốt lên từ một kẻ nguỵ quân tử “lỡ miệng” nào đó.

3. Nguyên đơn kiêm chánh toà: (Nhà thơ Phùng Quán)

Chính chữ “gần bùn, hôi tanh” thật khiến nổi giận đùng đùng. Tất cả là trong một chữ "gần". Chỉ một chữ mà làm ta thấu gan thấu ruột. Nhân danh bùn, nhân danh sen, tôi đề nghị đuổi câu thơ phản trắc này ra khỏi kho báu của nhân dân.

4. Cảm xúc của người dự phiên toà:

Tôi theo dõi “phiên toà” qua trang sách “Nhàn đàm” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Thốt nhiên tôi thấy buồn.Tôi, lũ chúng tôi đã học chuyên văn, đã học đại học rồi cao học ngữ văn, đã hàng chục lần “ăn” điểm 9, 10 khi bình giảng bài ca dao này. Bao giờ chúng tôi cũng ca ngợi nó như một hòn ngọc trong kho tàng folklore. Chúng tôi chỉ có một giọng. Không ai có một giọng xét đoán nào khác dù chỉ là một sự xét đoán mang tính hoài nghi khoa học. Không một tinh thần phê phán. Cả các nhà phê bình văn học cũng cùng một giọng (hay ít ra là chúng tôi chưa được đọc một giọng nào khác).

5. Ý nghĩa xã hội của phiên tòa:

Là … chẳng có ý nghĩa gì cả, khi các em đã và vẫn được học theo một kiểu học không cần sáng tạo. Cấp 1 học thuộc lòng những bài văn mẫu rồi chép lại nguyên văn là OK. Cấp 2 học thuộc lòng từng dấu chấm dấu phẩy trong bộ đề thi – đến cả những thầy cô tác giả bộ đề thi còn kinh ngạc về khả năng học thuộc lòng của họ. Một báo cáo của Liên hợp Quốc cho biết, để có một thành phẩm giáo dục toàn diện, cần phải hội đủ 4 điều: Nghĩa vụ công dân, truyền thông, sáng tạo và phê phán. Mất khả năng phê phán cũng là mất luôn khả năng tìm tòi sáng tạo, mất tinh thần khoa học.

Ngại tìm tòi cái mới dù chỉ là manh nha một ý tưởng nhỏ thì làm sao theo cho kịp cuộc sống bên ngoài đầy mới mẻ luôn diễn ra từng phút từng giờ. Kể chuyện xử án câu thơ cũng là một cách nói vui thôi, cho các bạn nghe để chúng mình “tự xử”, tìm ra một phương pháp học sao cho phải, cho đúng trong nền tảng giáo dục còn nhiều yếu kém như hiện nay.

Danh Tùng st

Chủ đề chính: #tiếng_Việt_như_bùn

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn