Form Your Soul Tải ebook mới nhất của mình Content Writing for Everyone tại đây nhé: https://bit.ly/37b1P4c

Xu hướng nghề nghiệp trong tương lai: nhiều việc làm sẽ biến mất bởi robot

Đăng 6 năm trước

Trong tương lai, tất cả chúng ta sẽ phải có 7 hoặc 8 việc làm và một người trung bình sẽ làm việc cho nhiều công ty đồng thời thay vì chỉ làm cho một tập đoàn lớn.

Những con robot đang đến, những con robot đang đến!

Các báo cáo đều đặn cảnh báo rằng một Apocalypse “tự động hóa” (automation) đang đến gần. Vào tháng 1, nghiên cứu của tổ chức McKinsey & Company đã phát hiện ra khoảng 30% công việc của 60% nghề nghiệp có thể được kiểm soát bằng máy tính và năm ngoái, chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng Bank of England đã nhấn mạnh: 80 triệu công việc ở Mỹ và 15 triệu công việc ở Anh có thể sẽ bị “cướp” bởi robot.

Hiển nhiên, không phải tất cả các công việc đều được tạo ra một cách công bằng. Vào năm 2013, một nghiên cứu được đánh giá cao bởi các chuyên gia học thuật đến từ Đại học Oxford có tên The Future of Employment đã kiểm tra 702 nghề phổ biến và nhận thấy, một vài công việc – như telemarketer (tiếp thị qua điện thoại), tax preparer (người giúp khai thuế hộ) và sport referee (trọng tài bóng đá) – có rủi ro cao hơn so với những công việc khác, bao gồm các bác sĩ tâm lý điều trị dựa trên phương pháp giải trí trị liệu (recreational psychologist), nha sĩ và thầy thuốc.

Trước đây, các báo cáo về tỷ lệ “tử” việc làm của con người thường bị phóng đại quá mức, và công nghệ đã tạo ra nhiều việc làm hơn là số bị xóa sổ. Nó được gọi là “Luddite Fallacy” (Lối lập luận bảo thủ), đề cập đến một nhóm những công nhân dệt ở thế kỷ 19 đã phá tan chiếc máy dệt khiến cho các kỹ năng của họ trở nên thừa thãi. Thêm nữa, cách đây 60 năm, tự động hóa cũng chỉ “cướp” duy nhất một nghề, đó là nghề vận hành thang máy.

Trong khi đó, vẫn còn nhiều dự đoán tích cực rằng công nghệ mới sẽ khiến của cải tăng lên và giảm thiểu sự cực nhọc khi làm việc. số ít người chỉ làm 15 giờ/tuần (mà vào năm 1930 nhà kinh tế học John Maynard Keynes đã dự đoán) sẽ trở thành một tiêu chuẩn cho thế hệ con cháu. Còn hiện tại, có thể, chúng ta vẫn đang làm việc 15 giờ/ngày.

Cuộc cách mạng công nghệ của hôm nay là một thứ hoàn toàn khác với cuộc cách mạng công nghiệp. Tốc độ thay đổi, xét theo phạm vi, nhanh hơn và rộng hơn theo hàm mũ. Giống như Viện sĩ Jerry Kaplan (Đại học Stanford) đã viết trong cuốn Humans Need Not Apply rằng: hôm nay, tự động hóa “không hề nhận ra màu cổ áo của bạn”. Nó không quan trọng liệu bạn là một công nhân trong nhà máy, một cố vấn tài chính hay một người thổi sáo chuyên nghiệp: tự động hóa đang tiến lại gần bạn.

Những nghề nào bị đe dọa nhất?

Trước khi đi sâu vào ngày tận thế, rất đáng để nhấn mạnh rằng tự động hóa không đồng nghĩa với mất việc. Trò chuyện qua điện thoại với tôi, Frey đã rất nhanh chỉ ra rằng công việc của ông không đưa ra bất cứ dự đoán dứt khoát nào như “47% việc làm ở Mỹ sẽ biến mất”. Đơn giản ông chỉ nói rằng những công việc này đang đối mặt với nguy cơ tự động hóa.

Hay nói cách khác, bản thân các công việc đó sẽ không hoàn toàn bị xóa bỏ; đúng hơn là, chúng sẽ được định nghĩa lại. Hiển nhiên, Frey thừa nhận, “từ quan điểm người làm công ăn lương, không có nhiều sự khác biệt” giữa việc việc làm đang biến mất và đang được định nghĩa lại hoàn toàn. Dù sao đi nữa, có khả năng họ sẽ thiếu những bộ kỹ năng mới cần thiết cho vai trò mới và sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu của công việc nữa.

H&R Block – một trong những nhà cung cấp dịch vụ khai thuế hộ lớn nhất ở Mỹ hiện nay đang dùng Watson – nền tảng AI (trí tuệ nhân tạo) của IBM.

Giáo sư Richard Susskind, tác giả của cuốn The Future of the Professions and Tomorrow’s Lawyers đã lặp lại sự khác biệt này như sau: “Điều bạn sẽ nhìn thấy ở rất nhiều việc làm đó là một loạt các công việc khác nhau”, ông giải thích: “thế nên, một luật sư hôm nay không phát triển các hệ thống đưa ra lời khuyên nhưng luật sư năm 2025 sẽ làm như vậy. Họ vẫn sẽ được gọi là những luật sư nhưng họ sẽ làm những thứ hoàn toàn khác”.

Vậy thì những nghề nào đang đối mặt với rủi ro cao nhất?

Martin Ford, nhà tương lai học và tác giả của cuốn Rise of the Robots: Technology and the Threat of a Jobless Future giải thích rằng các việc làm mà có rủi ro cao nhất đó là những việc mà “ở một vài khía cạnh nhất định có tính thường xuyên, lặp lại và có thể dự đoán trước”.

Telemarketing là một ví dụ – rất thường xuyên – có 99% khả năng sẽ được tự động hóa theo báo cáo The Future of Employment; bạn có lẽ đã nhận thấy một sự tăng lên của các cuộc gọi từ những người máy rất khó chịu. Người khai thuế hộ – liên quan đến việc xử lý một cách có hệ thống lượng lớn dữ liệu có thể đoán trước cũng đối mặt với 99% khả năng bị tự động hóa. Quả thật, công nghệ đã bắt đầu làm thuế cho chúng ta: H&R Block, một trong những nhà cung cấp dịch vụ khai thuế hộ lớn nhất ở Mỹ hiện đang sử dụng Watson – nền tảng trí tuệ nhân tạo của IBM.

Robot cũng sẽ kiểm soát các công việc mang tính lặp lại trong nhiều nghề như ngành luật với các trợ lý giúp việc cho luật sư và trợ lý pháp lý đối mặt với 9% khả năng sẽ được bị động hóa. Theo một báo cáo gần đây bởi Deloitte, hơn 100.000 việc làm trong ngành luật có khả năng cao sẽ bị tự động hóa trong 20 năm tới.

Đồ ăn nhanh cũng đối mặt với 81% khả năng sẽ bị robot kiểm soát như Flippy – trợ lý nhà bếp được phát triển dựa trên trí thông minh nhân tạo đã giúp lật bánh burger trong rất nhiều nhà hàng CaliBurger.

Vậy thì những việc làm nào nằm ngoài rủi ro bị tự động hóa?

Nhà tương lai học Ford đã phân loại các việc làm có tính co giãn ra 3 loại chính.

Đầu tiên là các công việc liên quan đến “sáng tạo chân thật như nghệ sĩ, nhà khoa học, phát triển chiến lược kinh doanh mới”. Ford cũng ghi chú: “Lúc này, con người vẫn giỏi nhất trong sáng tạo nhưng có một sự báo trước ở đây. Tôi không thể bảo đảm với bạn rằng trong 20 năm tới, một chiếc máy tính sẽ không phải là thực thể sáng tạo nhất hành tinh. Đã có những chiếc máy tính có thể vẽ ra những tác phẩm nghệ thuật nguyên gốc. Thế nên, trong 20 năm nữa, ai mà biết chúng sẽ đi xa tới đâu?”.

Lĩnh vực thứ hai là những nghề mà liên quan đến việc xây dựng những mối quan hệ phức tạp với mọi người; chẳng hạn như ý tá hay các vị trí kinh doanh đòi hỏi bạn phải xây dựng những mối quan hệ gần gũi với khách hàng.

Lĩnh vực thứ ba đó là những nghề mà có khả năng dự đoán trước cao, chẳng hạn, thợ sửa ống nước – người mà sẽ được gọi trong những trường hợp khẩn cấp ở những địa điểm cụ thể.

Bạn có thể nhìn thấy những tham số này tồn tại trong các nghề mà bản báo cáo The Future of Employment đã nhận dạng ít nhất là đang đối mặt với rủi ro tự động hóa, bao gồm các chuyên gia giải trí trị liệu, giám sát cấp cơ sở của các dây chuyển sản xuất, thợ lắp đặt, thợ sửa chữa, chuyên gia trị liệu chức năng và những người làm công tác xã hội trong bệnh viện.

Trong khi làm việc trong các ngành sáng tạo hoặc tập trung vào con người có thể giữ cho việc làm của bạn an toàn trong 10 năm nữa hoặc hơn, nhưng rất khó để dự đoán điều gì sẽ xảy ra trong 20 năm tới. Quả thật, Susskind đã nhấn mạnh rằng chúng ta nên thận trọng khi giảm nhẹ tác động của tự động hóa đến việc thay đổi thế giới làm việc (working world).

Susskind tin rằng những năm 2020 sẽ là thập kỷ không phải của thất nghiệp (unemployment) mà là bố trí lại (redeployment). Tuy nhiên, nếu nói sâu hơn về vấn đề này, bức tranh không mấy rõ ràng: “Tôi không nghĩ bất cứ ai có thể tự tin lên kế hoạch sự nghiệp dài hạn”. Bà cũng ghi chú, “chúng ta đưa ra các giả thiết về tính cần thiết không thể thiếu được của con người”, nhưng máy móc đã làm được những thứ mà chúng ta nghĩ rằng chỉ có con người mới có thể làm. Chẳng hạn, chúng sáng tác nhạc và đánh bại các vận động viên chuyên nghiệp trong bộ môn cờ vua với những nước đi rất sáng tạo.

Chúng thậm chí còn hỗ trợ cho các mối quan hệ của chúng ta với Chúa. Trong khi theo dữ liệu từ The Future of Jobs, giới giáo sĩ chỉ có 0,81% khả năng tự động hóa, Susskind tin rằng thậm chí các thuật toán có lẽ một ngày rồi cũng sẽ thay thế các linh mục. Ông cũng nhấn mạnh về việc đã có các ứng dụng như Confession đề xuất “các menu sổ xuống để theo dấu tội lỗi”.

Mặc dù chúng ta đang liên tục phán xét robot nhưng cũng nên lưu ý rằng, tự động hóa không phải là hiện tượng duy nhất có tác động tới thị trường việc làm. Saadia Zahidi – người đứng đầu bộ phận khởi xướng hệ thống giáo dục, giới tính và việc làm của Diễn đàn Kinh tế thế giới WEF cho biết chúng ta “không nên quên rằng còn có những tác nhân khác thúc đẩy sự thay đổi”.

Một bản báo cáo năm 2016 của WEF đã nhận dạng các tác nhân như thay đổi khí hậu, sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu trong nhiều thị trường mới nổi, dân số già ở một số khu vực nhất định ở châu Âu và Đông Nam Á và những khát vọng thay đổi của phụ nữ như là các nhân tố mà sẽ có những tác động đáng kể tới việc làm. “Thực sự, có nhiều tác nhân thay đổi đang xuất hiện cùng nhau mà sau đó, sẽ dẫn đến những phá vỡ trong thị trường lao động”, Zahidi chia sẻ.

Báo cáo cũng cảnh báo chúng ta sẽ sớm chứng kiến sự phân nhánh từ tự động hóa. Zahidi giải thích: “3 năm tới sẽ là giai đoạn thay đổi liên tục và là giai đoạn thua lỗ tương đối cao hơn so với những gì đạt được. Điều này không phải là để gieo nỗi hoang mang sợ hãi theo khía cạnh là nó sẽ mang đến sự mất mát nặng nề số lượng việc làm. Nhưng nếu chúng ta không làm gì cả thì khi đó, đó sẽ là nơi chúng ta kết thúc”.

Tự động hóa cũng có thể làm trầm trọng bất bình đẳng giới tính, Zahidi nói. Phụ nữ không chiếm lượng lớn những người mà sẽ gia nhập vào các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ sư, toán học (STEM) và công nghệ thông tin – những lĩnh vực có khả năng sẽ có số việc làm tăng trưởng. Trái lại, phụ nữ có khuynh hướng tham gia nhiều vào các nghề liên quan đến chăm sóc như chăm sóc sức khỏe và giáo dục – những nghề có ít rủi ro bị tự động hóa.

Trong dài hạn, phụ nữ cuối cùng thực sự sẽ thành công nhờ sự thay đổi của công nghệ. Một báo cáo gần đây bởi PricewaterhouseCoopers nhận ra rằng tỷ lệ đàn ông đối mặt với rủi ro tự động hóa cao hơn phụ nữ, đặc biệt là nam giới có trình độ văn hóa thấp hơn.

Bạn cần chuẩn bị những gì cho sự thay đổi đang đến gần?

Justin Tobin, nhà sáng lập của công ty tư vấn cải tiến DDG chia sẻ: “Ngày càng nhiều nhà tư tưởng độc lập nhận ra rằng là một người làm công ăn lương cũng tương đương với việc đặt cược toàn bộ số tiền bạn có vào một cổ phiếu – chiến lược tốt hơn đó là đa dạng hóa danh mục đầu tư. Thế nên, bạn đang nhìn thấy nhiều người đang tìm cách đa dạng hóa sự nghiệp của họ rồi đấy”.

Nhà tương lai học Faith Popcorn đã lặp lại ý này rằng tất cả chúng ta sẽ phải trở nên linh hoạt nhất có thể và nên “có nhiều tài năng và công việc mà có thể cung cấp cho nền kinh tế”.

Trong tương lai, tất cả chúng ta sẽ phải có 7 hoặc 8 việc làm và một người trung bình sẽ làm việc cho nhiều công ty đồng thời thay vì chỉ làm cho một tập đoàn lớn. 

“Chúng ta đang ở trung tâm của sự thay đổi mà có tác động cực kỳ sâu rộng tới mọi mặt của xã hội”, Popcorn cảnh báo. 

Theo The Guardian

Dịch: Formyoursoul.com

Chủ đề chính: #công_nghệ_tương_lai

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn