vanthienha

Ý nghĩa của những dịp Tết theo truyền thống dân tộc Việt Nam

Đăng 6 năm trước

Những ánh mắt hớn hở, những nụ cười tươi rói của từng đứa trẻ khi nhận được những món quà từ ông bà, cha mẹ mình hay được người lớn đưa đi chơi. Niềm vui đó dù có bao nhiêu tiền bạc cũng không thể đánh đổi được.

Tại sao lại gọi là Tết. Đơn giản vì đó là dịp để người người, nhà nhà vui chơi, ăn uống, thăm hỏi…nhau.Tết là cơ hội để mọi người tạm rời xa công việc, cuộc sống xô bồ, hối hả hàng ngày để tinh thần thoải mái nhất. Hay nói cách khác đó là dịp để con người được Xả hơi sau nhiều ngày làm việc vất vả.Theo phong tục của người Việt thì một năm có 3 dịp được gọi là tết. Đó là Tết Nguyên đán, Tết thiếu nhi và tết trung thu. Vậy từng dịp tết có ý nghĩa như thế nào?

1. Tết Nguyên đán (từ 30 tháng chạp năm cũ đến 4/1 năm sau)

       Đây là dịp Tết lớn nhất trong một năm. Cụm từ Tết nguyên đán xuất phát từ chữ Hán. Do chúng ta chịu ảnh hưởng nhiều từ Trung Quốc. Theo tiếng hán chữ Nguyên có nghĩa là bắt đầu, chữ Đán có nghĩa là buổi ban mai, là khởi điểm của một Năm mới. Đây là dịp để gia đình, họ hàng, làng xóm, người thân xa gần sum họp, đoàn tụ thăm hỏi, chúc nhau bình an, may mắn trong một năm và tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên.Tại sao chúng ta không theo tết Tây (tết dương lịch) như các nước phương Tây mà lại dùng lịch âm để ăn tết. Bởi Việt Nam xuất phát từ một nước thuần nông. Khi mà các phương tiện phục vụ cho sản xuất nông nghiệp còn hạn chế thì người dân chủ yếu căn cứ vào sự ban ơn của “trời đất” để mong có một mùa thu hoạch bội thu. Và Tết chính là cơ hội để cảm ơn trời đất, thần Mưa, thần Sấm, thần nước…. đã giúp họ có một cuộc sống no đủ. Dần dần tầng lớp trí thức ngày càng nhiều hơn, số người làm nông cũng không còn nhiều như xưa nữa. Nhưng các tục lệ trong ngày Tết nguyên đán vẫn được duy trì và phát triển hơn.  

      - Tết Nguyên đán cũng là dịp để các thành viên trong gia đình từ khắp mọi miền tổ quốc được đoàn tụ dưới một mái nhà. Dù có đi làm ở nơi xa nhưng Tết Nguyên đán vẫn là cơ hội để mọi người được đoàn tụ với gia đình. Bởi đó là tết của tình thân. Dù có bận rộn đến đâu, cuộc sống có khó khăn đến đâu thì những ngày đầu năm mới người người, nhà nhà đều tìm cách để được đoàn tụ, quây quần bên mâm cơm gia đình. 

   - Đây còn là cơ hội để tưởng nhớ về ông bà tổ tiên, những người đã sinh ra mình. Không phải ngẫu nhiên mà từ đêm giao thừa đến ngày mùng 3 tết nhà nhà đều sắm mâm cơm cúng để tưởng nhớ, báo ơn ông bà, tổ tiên mình. Nhà giàu thì mâm cao, cỗ đầy với sơn hào, hải vị các loại. Nhà nghèo thì chỉ vài món ăn đơn giản, dân giã hàng ngày thôi. Ngoài ra trên bàn thờ cũng không thể thiếu mâm ngũ quả, bánh kẹo, hương hoa, tiền vàng, rượu, thuốc. Nhưng truyền thống cúng gia tiên thì không nhà nào bỏ trong dịp tết Nguyên đán này. Bởi bàn thờ gia tiên trong ngày tết thể hiện lòng tưởng nhớ, kính trọng của người Việt đối với tổ tiên, ông bà, người thân đã khuất. Vì vậy bàn thờ tổ tiên trong dịp tết này rất được mọi người coi trọng.

  - Tết Nguyên đán còn là dịp để mọi người thăm viếng, chúc phúc nhau những điều tốt lành nhất sẽ đến trong năm. Trong ba ngày tết không khí ngoài đường phố sẽ rất náo nhiệt bởi người người, nhà nhà đi chơi,thăm viếng nhau. Đây là dịp để mọi người kể cho nhau nghe thành quả của một năm đã qua. Mong ước những điều sẽ đạt được trong năm tới. Những nụ cười vui vẻ sảng khoái vang lên khắp mọi nơi như điềm báo một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Mặc dù những năm gần đây nhiều người đã cố tình làm mất đi vẻ đẹp vốn có của dịp Tết Nguyên đán (đánh bài, đánh bạc, cá cược, đua xe…. trong những ngày nghỉ tết) nhưng Tết Nguyên đán vẫn là một sinh hoạt văn hoá vừa lưu giữ những giá trị truyền thống vừa thích nghi với nhịp sống hiện đại. Trong ngày Tết vẫn còn nhiều phong tục tốt đẹp và đậm tính nhân văn mà chúng ta cần giữ gìn và phát huy để Tết Nguyên Đán mãi là nét văn hoá đặc sắc của dân tộc Việt Nam.

Tết thiếu nhi (ngày 1/6 hàng năm)

Trẻ em là mầm non của đất nước. Không phải ngẫu nhiên mà ví “trẻ em như búp trên cành, biết ăn, ngủ biết học hành là ngoan”. Những mầm non của đất nước nếu chúng ta không biết yêu thương, nuôi dưỡng, vun đắp thì sẽ không thể trở thành những nhân tài phục vụ cho đất nước sau này được. Ở nước ta trẻ em luôn giành được rất nhiều sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em. Đó là cơ sở, là nền tảng để bảo vệ trẻ em khỏi những mối nguy hiểm trong xã hội có quá nhiều cám dỗ này. Hàng ngày cha mẹ, ông bà luôn giành sự yêu thương, chăm sóc tốt nhất có thể cho những đứa con. Tuy nhiên có những dịp như ngày tết thiếu nhi để ông bà, cha mẹ lại có thêm cơ hội thể hiện sự yêu thương đó nhiều hơn. Để con cháu mình cảm nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ ông bà, cha mẹ mình. Những ánh mắt hớn hở, những nụ cười tươi rói của từng đứa trẻ khi nhận được những món quà từ ông bà, cha mẹ mình hay được người lớn đưa đi chơi. Niềm vui đó dù có bao nhiêu tiền bạc cũng không thể đánh đổi được.

Tết trung thu (15/8 âm lịch hàng năm)

Trung thu cũng là một dịp để trẻ em được tận hưởng sự yêu thương, nâng niu của người thân nhiều hơn. Các em được bố mẹ mua cho đèn lồng với đủ loại kiểu dáng, màu sắc để tối hôm rằm đi rước đèn ông sao dưới ánh Trăng. Có những khu phố các gia đình tập trung ăn uống, đưa trẻ con đi rước đèn rất đông vui, tấp nập. Vì vậy trẻ em nào cũng rất mong ngóng đến ngày này. Ngoài ra tết trung thu còn là dịp để tưởng nhớ đến những người đã khuất. Những mâm cỗ hôm rằm với bánh trung thu, hoa quả, bánh kẹo được sắm sửa đầy đủ, cẩn thận để mời ông bà, tổ tiên về thụ hưởng trước khi con cháu phá cỗ trông trăng.

Mỗi dịp tết có một ý nghĩa riêng nhưng tựu chung lại đều là cơ hội để mọi người bày tỏ sự yêu thương, quan tâm đến nhau. Đây là một trong những nét đẹp tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam.

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn