Qua Do Trong

Ý nghĩa thực của câu 'Ở hiền gặp lành'

Đăng 4 năm trước

'Ở hiền gặp lành', câu tục ngữ này chúng ta ai cũng biết nhưng trong cuộc sống có những trường hợp thực tế diễn ra khi người mà ta cho là hiền lại lâm vào tình cảnh không mấy tốt đẹp khiến ta hoài nghi về nó. Sự nghi ngờ này nảy sinh từ những trường hợp cụ thể mà mọi người chứng kiến khiến ta băn khoăn liệu có phải ông cha đã thiếu sót hay chính bản thân mình lại nhầm lẫn trong việc nhìn nhận.

Những yếu tố ảnh hưởng tới việc nhìn nhận

Thời gian

Đối với những gì được truyền dạy, chúng ta có thể tiếp xúc, biết đến nhưng khó có thể hiểu được những gì mà ông cha gửi gắm trong đó. Nhất là những câu nói có chiều sâu là những quan niệm, tư tưởng chứa đựng kết quả của quá trình suy nghĩ, tu luyện như "Ở hiền gặp lành".

Với sự lu mờ của các tư tưởng cũ theo thời gian làm cho những câu nói xa xưa truyền lại bị mất đi ý nghĩa vốn có. Chính vì vậy, khi đưa tình cảnh của ai đó trong cuộc sống vào làm nội dung để giải thích và đánh giá theo tư tưởng hiện tại sẽ khiến cho ta nghi ngờ khi kết quả bị sai lệch. Sự đúng sai của câu tục ngữ "Ở hiền gặp lành" vì thế cũng đôi lúc bị đặt cho những dấu hỏi đầy nghi hoặc.

Mặt khác, những kinh nghiệm truyền lại có nhiều cách hiểu do sự khác biệt phát sinh trong quá trình truyền dạy.Những phiên bản này có thể là kết quả của sự sai khác trong nhận thức của mỗi người về cùng một vấn đề, một đối tượng dẫn đến kinh nghiệm truyền lại khác nhau. Và cũng có thể cùng một kiến thức được truyền dạy nhưng mỗi người với hiểu biết riêng của mình lại có hướng tiếp nhận mà hình thành nên những quan niệm khác nhau. Quan niệm về "hiền" và"lành" có thể có khác biệt giữa xưa và nay cũng như mỗi người mỗi khác.

Điều khiến cho câu tục ngữ trên trở lên khó hiểu là sự khác biệt về nội dung trong hiểu biết giữa hai thời điểm là hiện nay (khi chúng ta xem xét) và ngày xưa (khi ông cha tạo ra nó). Sự khác biệt theo thời gian chính là kết quả của quá trình truyền dạy từ thế hệ này qua thế hệ khác. Khi những thành tựu và kinh nghiệm không bị mai một qua quá trình truyền dạy thì chúng trở thành những giá trị bền vững với thời gian. Điều này đâu phải dễ, nhất là đối với những gì xưa, cũ khi điều kiện không có và đã trải qua một thời gian rất dài.

Khi nói về hiền, theo quan niệm của các cụ xưa, nổi lên trong quá trình mở mang trí tuệ, xây dựng nền văn hóa là những người tài giỏi. Những người hiền (ngày xưa)luôn có thể lý giải một cách hợp lý về những sự tình, hoàn cảnh dựa trên kiến thức sâu rộng của mình để rồi ta có được cơ sở xây dựng cuộc sống từ sự chỉ bảo và những lời khuyên thông thái. Không phải ai cũng được coi là hiền và muốn hiền cũng không dễ khi đó là kết quả của trí tuệ và quá trình tu dưỡng hơn người.

Khi xem xét một sự việc, tùy theo kiến thức mà biết được mức độ tác động và ảnh hưởng của nó tới những người có liên quan và xung quanh như thế nào từ đó xác định được vấn đề đang đối mặt hoặc tạo ra vấn đề mà mình quan tâm. Trong khi giải quyết vấn đề, với việc thấm nhuần các tư tưởng đã  ăn sâu vào cuộc sống sẽ hướng chúng ta tới việc coi trọng lợi ích và mối quan hệ với người khác để có được một cuộc sống tốt đẹp, an vui. Chính mong muốn này đã dần dần định hình lên con người ta trong cuộc sống. Hiền hay ác là thái độ đối với cuộc sống được thể hiện bằng những hành động cụ thể được lựa chọn để xử lý tình huống gặp phải.

Thời đại

Chúng ta thường hay nói mỗi thời mỗi khác khi xem xét một điều gì đó từ xa xưa nhưng lại hay nhầm lẫn sang sự khác biệt về thời gian khi đề cập tới năm tháng mà nó xuất hiện. Sự khác biệt về thời gian là do quá trình gây ra còn sự khác biệt về thời đại lại là một lát cắt về những tác động và ảnh hưởng trong việc xây dựng cuộc sống. Sự khác biệt theo thời đại thể hiện ở phạm vi, mức độ ứng dụng và tầm quan trọng trong việc xây dựng cuộc sống ở những thời điểm khác nhau. Cũng như những di tích cổ hoang vắng từng có thời kỳ rực rỡ, huy hoàng.

Tùy theo chất lượng truyền dạy mà những gì ông cha tạo ra ngày xưa khi tới chúng ta ngày nay lại có tình trạng khác nhau. Có những thứ không những được bảo tồn mà còn phát huy được hơn trước. Có những thứ được hiểu và sử dụng như xưa. Lại có những thứ không còn giữ được bản sắc như cũ. Tuy nhiên, cũng có thứ bị mai một, bị thất truyền. Và tất nhiên cũng có những thứ mà hiện giờ không còn được biết nữa. Điều này khiến cho ngay cả khi không có sự tương tác với các hoạt động khác thì trong sự phát triển của nó cũng đã làm ý nghĩa của nó bị biến đổi. Việc "ở hiền"liệu có nhận được sự chú ý như xưa và mong muốn"gặp lành" liệu có còn quan trọng như trước?

Mặt khác, theo thời gian cũng sẽ có những hoạt động bị biến mất, bị lu mờ đi và cũng có những hoạt động mới xuất hiện, trở lên nổi trội hơn làm thay đổ những hoạt động trọng tâm trong xã hội. Điều này có thể làm ngay cả những thứ vẫn giữ được nguyên ý nghĩa của nó hoặc cho dù có tốt hơn cũng có thể không còn vai trò như trước nữa. Ngược lại, cũng có thể làm cho những gì từng bị xem nhẹ trở lên quan trọng và có tác động, ảnh hưởng to lớn hơn trong cuộc sống.Cũng giống như ngày xưa ca hát và kinh doanh bị coi nhẹ,xem thường còn ngày nay đều là những lĩnh vực được coi trọng.

Điều khiến cho câu tục ngữ trên bị hiểu nhầm là do sự khác biệt về vị trí và tầm quan trọng của nó trong cuộc sống giữa ngày xưa và ngày nay. Khi lấy những tiêu chuẩn ngày nay để đánh giá có thể làm mất đi những tác động to lớn cũng như tầm ảnh hưởng sâu rộng trong cuộc sống mà ngày xưa nó có thể từng có.

Theo thời gian thì quan niệm về "hiền" và "lành"cũng như ý nghĩa của câu "Ở hiền gặp lành" mà mình nghĩ chưa chắc đã giống người xưa nói.

Theo không gian thì tác động của câu tục ngữ trên chưa chắc đã sâu rộng như xưa và cho dù có ý nghĩa như xưa nhưng chưa chắc kinh nghiệm được truyền lại này đã được coi trọng trong cuộc sống như trước nữa.

Cấu tạo của câu tục ngữ "Ở hiền gặp lành"

Quy luật nhân duyên quả

Khi nói về "Ở hiền gặp lành" người ta thường minh họa bằng câu "Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu" để làm rõ quy luật nhân quả trong đó.Sự chú ý được hướng tới là khác biệt giữa dưa và đậu. Nhưng thực chất sự khác biệt đó không phải do quy luật nhân quả mà nó là do sự lựa chọn. Khi bỏ cả dưa lẫn đậu đi thì chỉ còn trồng và được. Hình ảnh phát triển của cái cây dưa và đậu mới chính là quy luật. Cũng như vậy, quy luật trong câu "Ở hiền gặp lành" được thể hiện bằng "Ở ...gặp..."

Khi nói đến quy luật nhân quả, chúng ta thường mặc nhiên nghĩ rằng gieo nhân nào thì gặp quả đó. Cũng như việc trồng dưa và trồng đậu sẽ mặc nhiên thu được kết quả là những trái dưa và đậu. Tuy nhiên, sự phát triển của một cái cây như thế nào còn tùy vào những gì nó gặp trong quá trình phát triển. Chẳng hạn, mảnh đất mà nó được trồng trên đó là màu mỡ hay khô cằn, thời tiết và những hiện tượng tự nhiên có thuận lợi hay không, sự chăm bón của người trồng và cả sự phá hoại của sâu bệnh nữa,  ... Có thể cuối mùa vụ, chúng ta thu được những cái cây tốt tươi, trĩu quả. Cũng có thể là còi cọc, sâu bệnh. Một mùa vụ bội thu hoặc cũng có thể là thất bát.

Những gì mà cây dưa, cây đậu gặp phải trong vòng đời được coi là duyên của nó. Tùy duyên mà có những giai đoạn cụ thể khác nhau và kết quả cũng có biểu hiện khác nhau. Quy luật nhân quả mà chúng ta hay nói, trong Phật giáo gọi đầy đủ là nhân duyên quả. Cũng như cái cây, mỗi người trong cuộc đời đều gặp những người, những sự việc khác nhau. Trong những gì gặp phải thì tốt có, xấu có, thuận lợi có, khó khăn có và có tác động khác nhau tới cuộc sống của chúng ta.

Trong cuộc đời một người cụ thể, từ khi sinh ra cho tới khi mất đi thì những việc đã làm, những người đã gặp không phải là con số vô tận mà có giới hạn nhất định. Khi xét những gì đã làm, những người có mối quan hệ với những thành tựu hoặc kết cục gặp phải thì có thể xắp xếp được thành những cặp hoặc nhóm yếu tố có liên quan với nhau và có những yếu tố có thể rời rạc, ngẫu nhiên.

Có những việc đã làm nhưng không thu được kết quả. Chẳng hạn việc nghiên cứu khoa học bị thất bại. Có những việc là sự bất ngờ đầy may mắn. Chẳng hạn có nhiều người đi chơi tự nhiên nhặt được tiền, được vàng. Và có những kết quả bắt nguồn từ những hành động mà mình thực hiện. Chẳng hạn học sinh tốt nghiệp cấp 1, cấp 2, cấp 3, đại học hay cao hơn nữa sau một quá trình học tập lâu dài.

Có một lời khuyên của những bậc thông thái từ xa xưa là "Làm việc gì cũng phải nghĩ đến hậu quả của nó". Lời khuyên này hướng chúng ta tới diễn biến của sự việc theo những hướng phát triển để thấy được những kết quả có thể xảy ra mà có lựa chọn phù hợp. Những kết quả này tùy theo sự tương tác của sự việc với những yếu tố khác ngoài môi trường. Việc để ý đến quá trình theo thời gian và sự tương tác với những yếu tố khác có thể diễn giải theo ngôn ngữ ngày nay là xu thế của sự việc và tư duy hệ thống khi đề cập tới thời gian và thời điểm (thời đại) của sự việc. Ngay cả khi việc làm của chúng ta đã kết thúc thì sự việc vẫn xảy ra do những tác động của nó theo những hướng mà ta có thể không định trước. Chẳng hạn, khi đổ nước xuống đất. Sau khi đổ, tùy theo địa hình mà nước tự chảy theo những hướng khác nhau. Những biến đổi này diễn ra theo quá trình độc lập với việc mình làm và tuân theo quy luật nào đó có liên quan mà có tác động nhất định. Tác động này ảnh hưởng thế nào, tới ai có thể là điều mình không ngờ hoặc không để ý. Cũng như câu truyện "Tái ông thất mã" hay được mọi người nhắc đến.

Đối với những gì mà chúng ta biết được nguyên nhân, biết được quá trình diễn ra của nó thì việc đạt được một kết quả nào đó là hoàn toàn có thể giải thích được. Hay nói cách khác, quy luật nhân duyên quả là hoàn toàn hiểu được. Cơ sở cần thiết để hiểu là quá trình diễn ra và mối quan hệ giữa nhân và quả. Chẳng hạn, đối với những người thời xa xưa thì máy bay là một vật không thể tưởng tượng được. Đối với chúng ta thì lại biết được nó là gì. Còn đối với những kỹ sư thì họ biết chiếc máy bay đó được bắt đầu từ những nguyên vật liệu gì, trải qua những quá trình như thế nào, trong thời gian bao lâu, dựa trên nền tảng công nghệ nào và với công sức của bao nhiêu người.

Nhưng việc nhận ra các mối liên quan giữa những việc ta làm và những kết quả gặp phải là một điều không hề dễ dàng. Chẳng hạn, chúng ta vẫn thấy nước chảy về chỗ thấp, trái cây rụng từ cao rơi xuống nhưng chỉ khi nhà bác học Niu tơn khám phá ra định luật vạn vật hấp dẫn thì người ta mới hiểu vì sao và ứng dụng được nó trong cuộc sống. Những cái vẫn thấy chưa chắc là đã hiểu được và những cái không hiểu được chưa chắc đã là không đúng.

Trong cuộc sống, do không để ý đến hành vi của mình, không để ý hoặc không biết tác động của nó như thế nào khiến cho chúng ta không biết những hành động đó có thể hướng tới kết quả nào. Ngược lại, điều này cũng khiến chúng ta không hiểu được kết quả này là do đâu. Những gì gặp phải vì nguyên nhân gì có thể ta không biết nhưng đều có một quá trình diễn ra. Nó bắt nguồn từ đâu, do ai có thể chúng ta không biết nhưng suy ngược lại quá trình thì đều có khởi đầu và đây được coi là nguyên nhân của kết quả đó.

Những nguyên nhân này, khi lấy bản thân mình làm trung tâm thì đó chính là giới hạn tầm nhìn của chúng ta (theo các quá trình hay các hướng nhìn mà ta biết). Khi lấy các nguyên nhân đó để tìm hiểu lý do cho sự xuất hiện thì ngay lập tức nó sẽ chuyển thành kết quả. Chỉ có điều quá trình hình thành và nguyên nhân khởi đầu của nó nằm ngoài hiểu biết của chúng ta.

Khi nói là quy luật nhân quả sẽ gợi cho chúng ta chỉ là hai thời điểm. Đó là thời điểm nhân và thời điểm quả. Còn khi nói quy luật nhân duyên quả sẽ gợi cho chúng ta hình ảnh một quá trình. Đó là quá trình biến đổi của nhân do sự tương tác với những yếu tố gặp phải trong môi trường cho tới khi hình thành lên kết quả của nó. Nhưng quy luật mà Phật dạy chúng ta lại là nhân duyên quả ba đời. Trong đó có những việc ta biết, ta làm và cả những việc mà ta không biết, ta không làm. Việc hiểu, việc tin vào quy luật đó hay không là tùy thuộc mỗi người còn việc đúng, việc sai thì không do hiểu biết của mình quyết định. Quy luật nhân quả được truyền dạy không phải để biết, để tin hay để hiểu mà được hướng tới ứng dụng trong việc xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Sự xuyên suốt của một lựa chọn

Cũng như câu "Một bông lúa chín chẳng lên mùa vàng", gieo một hạt giống thì chẳng thể nào có được một cánh đồng. Để có một vụ mùa bội thu thì phải gieo rất nhiều hạt trên mảnh đất của mình. Cũng như gieo hạt trên mảnh đất, hiền không phải một lúc, một lát mà kéo dài cả một giai đoạn, một đời người. Ở hiền với người này, người kia. Hiền khi sự việc này xảy ra, tình huống nọ kéo đến. Trong suốt một đời người, việc ở hiền ví như phép cộng theo thời gian. Hiền, rồi lại hiền nữa, hiền mãi như gieo một hạt, hai hạt, gieo mãi cho tới khi kín mảnh đất của mình.

Tuy nhiên, duy trì một lựa chọn trong thời gian dài đâu phải là một điều dễ dàng, đâu phải ai cũng làm được. Nhất là khi kết quả do những lựa chọn của mình không nhìn thấy được trong một thời gian dài. Cũng như hạt gieo xuống phải có thời gian mới nảy mầm, có thời gian phát triển rồi mới đơm hoa, kết trái. Quãng thời gian này có thể khiến cho chúng ta nghi ngờ về sự lựa chọn cũng như kết quả của hành động. Đó là khi người ta thắc mắc mà nghi ngờ liệu ở hiền có gặp lành không hay mình đã hiền lắm rồi mà sao chẳng thấy gì cả. Cũng như muốn thu hoạch thì phải đợi tới thời vụ, muốn có kết quả từ những việc đã làm thì phải đủ duyên cho nhân đó có quả.

Muốn có một cánh đồng dưa thì những hạt gieo xuống phải toàn là hạt dưa. Không được lẫn hạt đậu nào và cả các loại hạt khác nữa. Ở hiền cũng như gieo hạt dưa, các sự việc xảy ra trong cuộc sống đều phải được giải quyết theo hướng được lựa chọn là hiền. Có rất nhiều hướng để xử lý những tình huống trong cuộc sống giống như có rất nhiều loại hạt có thể gieo. Để gieo được hạt dưa thì phải chọn được hạt dưa và loại bỏ các hạt khác. Để có thể ở hiền thì phải biết được thế nào là hiền trong các tình huống xảy ra mà làm theo.

Nhưng sự việc trong cuộc sống có phải là hạt dưa, hạt đậu đâu mà chỉ cần nhìn cái là phân biệt được. Có nhiều chuyện tưởng là tốt mà hóa ra lại là xấu, có nhiều việc tưởng là xấu nhưng sau này mới thấy sự tốt lành mà nó đem lại. Nhiều khi sai lầm trong việc nhìn nhận mà có những lựa chọn không tốt khiến cho ý muốn không đạt được. Chẳng hạn câu truyện về ông Bùi Cầm Hổ minh oan cho người vợ đáng thương khi mua nhầm con rắn độc Hoàng Xà mà nghĩ đó là con lươn. Nhưng thực ra, ông chồng mới là đáng thương nhất. Tự nhiên mất mạng mà không hiểu vì sao. Đó cũng chính là tình cảnh khi người ta cảm thán mà than rằng mình ở hiền thế cơ mà hay mình có hại ai bao giờ đâu mà cuộc đời lại luôn gặp xui xẻo và khổ đau. Cũng như khi gieo trồng, có thể vô tình do không lựa kỹ hoặc cũng có thể không đủ khả năng phát hiện ra mà trong những hạt được gieo xuống có lẫn trứng của loài sâu, bọ phá hoại mùa màng.

Tuy nhiên, nhiều khi đã lựa chọn kỹ càng, thực hiện trong thời gian dài mà kết quả đạt được vẫn không như ý. Khác với hình ảnh cánh đồng dưa có thể biết được, nhìn thấy được những nguyên nhân ảnh hưởng tới mùa màng. Trong cuộc sống, nhiều sự việc xảy ra bất ngờ khiến mình lâm vào tình cảnh không hay hoặc lại giúp mình có những thành tựu ngoài dự đoán mà nguyên nhân của nó thực sự là dấu chấm hỏi to đùng.

Phật dạy rằng nhân quả là ba đời. Ngoài những việc mình làm còn những việc đã tạo ra trong quá khứ nhiều kiếp về trước nữa. Những nguyên nhân này sẽ gây ra những sự việc bất ngờ trong cuộc sống hiện tại của mỗi người. Tốt có, xấu có.

Chẳng hạn, cánh đồng dưa đang trồng tự nhiên ở đâu chui vào một con chuột to đùng. Rồi sâu bệnh phá hoại nữa. Nhưng cũng có thể cánh đồng đó đang bị sâu bọ phá hoại thì bất ngờ có đàn chim bay đến bắt sạch sâu bọ rồi bay đi. Hay có con mèo nào đi ngang làm chuột sợ mà chạy mất.

Chuột, sâu hay chim, mèo xuất hiện đó chính là những sự việc bất ngờ xảy ra. Nó là quả ngày xưa, kiếp trước nhưng cũng là nhân của bây giờ, là hạt giống mà ta muốn gieo trồng. Nó xấu hay tốt cũng còn phải so sánh với khả năng của một người. Cũng như sử dụng nó hay loại bỏ nó cũng còn tùy theo lựa chọn nữa.

Cũng như gieo hạt dưa này xuống rồi lại lựa chọn hạt dưa tiếp theo để trồng. Khi sự việc này xảy ra, rồi lại tình huống khác nối tiếp nhau đều được định hướng theo ở hiền để giải quyết sao cho tốt đẹp. "Ở hiền" là những hành động cụ thể xuyên suốt qua các sự việc thể hiện sự lựa chọn trong việc xây dựng cuộc sống của một người.

Các từ trong câu "Ở hiền gặp lành"

Có thể coi "hiền" trong câu tục ngữ là hiểu biết của chúng ta về hạt dưa, quả dưa cũng như sự phát triển của nó và những điều kiện cần thiết để có một vụ mùa bội thu. Lúc này, "hiền" được thể hiện cụ thể bằng sự chăm sóc cẩn thận ở nhiều mặt khác nhau theo thời gian. Như bón phân, tưới nước. Như phòng ngừa sâu bệnh, nắng mưa. Và cả những kỹ thuật nông nghiệp nữa. Tất cả hành động chăm sóc này lại chính là chữ "ở" trong câu tục ngữ. Hay nói cách khác, "ở hiền" chính là những hành động hiệu quả nhất được thực hiện để xử lý tình huống theo hướng được lựa chọn từ hiểu biết của mình. Kết quả "gặp lành" của câu tục ngữ có thể coi là kết quả tốt đẹp của một vụ mùa cụ thể  bởi công sức đã bỏ ra để chăm sóc cây trồng theo hiểu biết của mình. Hay nói cách khác, "gặp lành" là biểu hiện cụ thể của một cuộc sống được tạo ra bởi những nỗ lực khi thực hiện "ở hiền". Chẳng hạn, cùng vẽ bức tranh về chủ đề mùa màng nhưng mỗi người với khả năng và điều kiện lại vẽ ra những bức tranh khác nhau.

Những yếu tố thuận lợi, tốt đẹp mà cái cây trải qua từ khi còn là hạt giống cho tới khi ra hoa, kết trái được coi là duyên lành đối với cái cây. Duyên này bao gồm cả những thứ mà do chính chúng ta tạo ra, chuẩn bị cho nó.

Câu "trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu" được bắt đầu là hình ảnh người nông dân với hành động gieo hạt, trồng cây còn câu tục ngữ "Ở hiền gặp lành" được bắt đầu bằng một người với lựa chọn "ở hiền" để xây dựng cuộc sống. Các việc làm của người nông dân chỉ nhằm chăm sóc cho cái cây được lựa chọn trồng, các sự việc xảy ra đều được giải quyết theo cách được cho là hiền để xây dựng cuộc sống. Cũng như mức độ phát triển của cái cây do sự chăm sóc của người trồng, cuộc sống của một người tùy theo năng lực mà đạt được kết quả khác nhau trong quá trình giải quyết những vấn đề phát sinh. Giống như cùng làm một bài thi mà có người được điểm thấp, có người được điểm cao tùy theo kiến thức của mình. Tài là nói về năng lực giải quyết vấn đề còn hiền là nói về lựa chọn để xây dựng cuộc sống. Một người có tài chưa chắc đã là người hiền. Nhưng người hiền thì chắc chắn có một năng lực nhất định.

Cuộc sống là một chuỗi ngày lên tục và sự việc nối tiếp xảy ra, kết quả của việc giải quyết các tình huống phát sinh theo cách "Ở hiền" được tích lũy theo thời gian. Cũng giống như những khám phá của các nhà thám hiểm khi xưa về trái đất. Trải qua hàng trăm năm, với khám phá của bao người mới liên kết được với nhau mà tạo ra được tấm bản đồ thế giới. Tác động của những kết quả theo hướng "Ở hiền" cũng phải qua thời gian mới liên kết được với nhau hoặc có hiệu quả trong việc xây dựng cuộc sống.

Việc xây dựng cuộc sống cũng ví như một quy trình sản xuất. Nguyên liệu phù hợp với quy trình này là kết quả của việc "ở hiền" khi được lựa chọn để giải quyết vấn đề. "Hiền" chính là các tiêu chuẩn để lựa chọn còn "ở" chính là hành động cụ thể của một trong nhiều hướng phát triển khác nhau.

Cuộc sống có nhiều ngành nghề khác nhau, tất cả đều có môi trường khác nhau và những vấn đề phát sinh khác nhau. Khi xét theo thời gian, có thể coi mỗi sự việc là một giai đoạn của quy trình sản xuất và mỗi lựa chọn để giải quyết vấn đề phát sinh lại là yêu cầu của nguyên liệu cho giai đoạn này. Cũng giống như từ một trái cam, tùy vào quy trình sản xuất mà cho ra những sản phẩm khác nhau. Tùy vào hoạt động của mỗi người và quan niệm về tốt xấu, đúng sai khác nhau lại dẫn đến kết quả khác nhau.

Chữ "gặp" ở đây chính là thể hiện kết quả của quá trình sử dụng những gì mình có theo cách mình cho là tốt, là "hiền" qua các sự việc theo thời gian. Về chữ "gặp" thì có sự khác biệt rất lớn giữa người hiền và chúng ta. Cũng giống như chiếc ô tô, chúng ta thì nhìn thấy, là "gặp" trong quá trình đi đường của mình còn các kỹ sư thì tạo ra nó trong nhà máy. Khi chuyển từ những người quan sát là chúng ta sang người hiền thì chữ "gặp" chuyển nghĩa từ nhìn thấy sang tạo ra. Hay nói cách khác, chúng ta thì "gặp lành" ở bên ngoài do môi trường tạo ra còn người hiền thì tạo ra (những gì là) lành trong cuộc sống của họ bằng khả năng của chính mình. Một người có thể gặp lành bởi chính những kết quả mà mình tạo ra bằng nỗ lực của bản thân và cả những kết quả tốt đẹp cho mình do người khác hoặc môi trường tạo ra. Hay nói cách khác, chữ "gặp" chính là kết quả tạo ra do sự kết hợp của những điều kiện được tạo ra bởi chữ "ở". Lựa chọn nhân là "hiền" thì kết quả tạo ra là "lành". "Hiền" không phải là nhân, "lành" không phải là quả. "Hiền" chỉ là tính chất của nhân do mình lựa chọn và "lành" là tính chất của quả do mình thu được. Giống như quả có nhiều loại và trong một loại thì cũng có nhiều vị. Ngọt, đắng, chua, cay chẳng hạn.

Ở hiền gặp lành là như thế nào

Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao hạt đậu lại nảy mầm thành cây đậu mà không thành cây dưa chưa?

Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao cây đậu lại do hạt đậu nảy mầm lên mà không phải do hạt dưa chưa?

Đây là một điều hiển nhiên nhưng chỉ khi các nhà khoa học khám phá ra bộ gen thì chúng ta mới biết được sự tinh vi của tạo hóa.

Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao với kinh nghiệm của ông cha truyền lại lại là ở hiền gặp lành mà không phải gặp ác chưa?

Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao ở ác lại không gặp lành mà muốn gặp lành phải là ở hiền mới có chưa?

Cũng như các nhà khoa học đi sâu vào nghiên cứu cấu tạo của hạt, cây và quả mới giải mã ra mối quan hệ được ẩn dấu trong bộ gen. Chúng ta phải đi vào tìm hiểu việc xây dựng cuộc sống mới có thể hiểu được mối quan hệ giữa nhân "hiền" và quả "lành".

Cuộc sống của người hiền

Người hiền là người có thực, kinh nghiệm cũng là do ông cha rút ra từ thực tiễn cuộc sống cho nên việc "Ở hiền gặp lành" không phải là một điều huyền bí, xa lạ mà nó có sẵn trong cuộc sống của một người được cho là hiền.

Các mối quan hệ

Khi lựa chọn "ở hiền" thì những người mà mình muốn tìm gặp, thân thiết mà tạo thành hệ thống các mối quan hệ trong cuộc sống cũng có những nét tương đồng. Giống như câu "Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã" vậy. Những người này, dù ít hay nhiều đều có những tác động, ảnh hưởng tới con người và cuộc sống của chúng ta. "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng", những mối quan hệ của những người này đều hướng tới sự tốt đẹp trong cuộc sống. Về cơ bản, họ đều không phải là những người có chủ ý làm hại người khác nên xác suất gây ra những điều không tốt là thấp. Hay nói cách khác, bản thân các mối quan hệ của người hiền đã là lành mạnh rồi.

Chẳng hạn, trong kinh hiền nhân nói mối quan hệ giữa bạn bè có thể chia thành các loại như sau:

"Một là kết bạn như hoa, hai là kết bạn như cân, ba là kết bạn như núi, bốn là kết bạn như đất.

Sao lại gọi là kết ban như hoa? Khi bông hoa còn tươi thì giắt trên đầu, khô héo rồi thì bỏ đi. Kết bạn cũng thế: hễ thấy giàu sang thì xu phụ theo, thấy nghèo nàn lại bỏ làm lơ.

Sao lại gọi là kết bạn như cân? Khi để vật nặng thì đầu gục xuống, vật nhẹ thì đầu vổng lên, có qua lại thì cung kính nhau, không qua lại thì khi dễ nhau.

Sao gọi là kết bạn như núi? Hòn núi vàng thì chim thú tụ về, lông cánh được chói màu vàng rực, kết bạn cũng thế, khi sang thì sang với nhau, khi vui thì đồng vui.

Sao gọi là kết bạn như đất? Tất cả mọi vật đều nương dựa vào đất mà sinh, làm bạn nuôi dưỡng để ủng hộ, ân hậu không bạc..."

Trong cuộc sống, chúng ta thường đề cao sự giúp đỡ của mọi người khi lâm vào tình cảnh khó khăn mà không để ý đến mối quan hệ giữa những người đó trong cuộc sống hàng ngày như thế nào. Với các mối quan hệ lành mạnh, khi xảy ra điều không hay nào đó, người hiền thường dễ dàng nhận được sự giúp đỡ của mọi người. Không chỉ những người quen biết mà đôi khi cả những người họ chưa gặp bao giờ. Người ta thường nhắc đến sự may mắn khi mang tính ngẫu nhiên, bất ngờ. Nhưng việc nhận được sự giúp đỡ từ mọi người của người hiền lại không phải là không có căn cứ. Mọi thứ đều bắt nguồn từ thái độ và hành vị của họ với người khác.

Đã bao giờ, chúng ta tự hỏi tại sao mình lại đối tốt với người này mà không đối tốt với người khác chưa? Đã bao giờ chúng ta tự hỏi tại sao mình lại giúp người này mà không giúp người khác chưa? Câu trả lời là hành vi đó là tốt nhất cho mối quan hệ giữa mình và người đó theo hiểu biết và khả năng của mình. Đây là cách mà chúng ta lựa chọn để giải quyết vấn đề giữa mình và người đó.

Chúng ta có biết không? Lựa chọn của người hiền tương đồng với tất cả chúng ta. Đó là lựa chọn để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp. Với sự hiểu biết của họ, cuộc sống tốt đẹp đó cũng đúng với cuộc sống mà chúng ta muốn có. Những hành động của họ trong cuộc sống và mối quan hệ với chúng ta cũng là điều ta mong muốn. Việc xây dựng cuộc sống cũng như duy trì mối quan hệ với họ tự nhiên là điều chính bản thân chúng ta mong muốn. Mong muốn này nảy sinh một cách tự nhiên trong chính bản thân mỗi người. Việc giúp đỡ họ có khi lại đem lại niềm vui lớn cho chúng ta. Nó hoàn toàn khác sự báo đáp hay may mắn bất ngờ. Điều này là do hình ảnh của họ trong cuộc sống và mối quan hệ với mọi người tạo ra. Chẳng hạn như hình ảnh "Người bộ đội Cụ Hồ" trong hai cuộc trường chinh chống Pháp và chống Mỹ trong lòng dân tộc Việt Nam.

Việc làm và khả năng

Đã bao giờ chúng ta lại tự hỏi tại sao sự việc lại xảy ra với người này mà không xảy ra với người khác chưa?

Một sự việc muốn xảy ra thì phải có các cơ sở của nó. Khi lựa chọn "ở hiền" thì những hoạt động, những kỹ năng cũng được định hướng để chọn lọc và có môi trường riêng của nó. Chỉ có những sự việc có liên quan mới xuất hiện và những sự việc mà liên qua tới lựa chọn "ở hiền" thì chắc chắn có khía cạnh tốt đẹp.

Cũng giống như hướng về mặt trời thì không còn cảm thấy tối tăm, khi lựa chọn "ở hiền" thì những hướng phát triển khác sẽ dần mờ đi. Lúc này, việc nhìn nhận sự việc phát sinh trong cuộc sống cũng được hướng tới những mặt tốt đẹp của nó. Đồng thời, những yếu tố được lựa chọn để sử dụng trong việc giải quyết tình huống phát sinh cũng được tập trung theo hướng tạo ra kết quả tốt lành đó. Hay nói cách khác, bản thân việc lựa chọn các hoạt động để tham gia hoặc thực hiện trong cuộc sống của người hiền đã bao gồm những nhân tố tốt lành.

Đạo Phật chia việc lành thành các nhóm: thân, khẩu, ý. Về thân gồm: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm. Về khẩu gồm: Không nói dối, không nói thêu dệt, không nó lưỡi hai chiều. Về ý gồm: không tham lam, không giận hờn, không si mê. Việc phân chia này được xắp xếp như một hệ thống đa chiều lấy bản thân làm trung tâm mà chia ra các hướng khác nhau cho hành động của một người trong cuộc sống. Với hiểu biết của mình, thì người hiền sẽ biết được và loại bỏ đi những gì xấu, có hại cho mình và cho người khi làm việc. Do đó, sự phản ứng của những người có liên quan có thể coi là tốt mà tạo ra sự thuận lợi cho việc làm của họ. Và ngay cả bản thân của hoạt động cũng đã là trong khuôn khổ của pháp luật rồi. Hay nói cách khác việc họ làm vừa có lý, có tình.

Có bao giờ chúng ta so sánh kết quả đạt được giữa người này và người kia chưa?

Cùng lâm vào một tình huống, cùng gặp phải một vấn đề phát sinh mà lại có những kết quả khác nhau. Có người giải quyết rất nhẹ nhàng mà có người thì chật vật, khó khăn. Hiển nhiên, điều này là do khả năng của mỗi người quyết định.

Cũng giống như sự khác biệt về kết quả trong cuộc thi giữa một thí sinh giỏi với một học sinh bình thường. Chúng ta với khả năng bình thường của mình thì chỉ đạt được kết quả tầm trung còn người hiền với tài năng của họ lại đạt được kết quả rất cao. Việc đánh đồng về khả năng có thể là sự nhầm lẫn tai hại khi chúng ta tìm hiểu về câu tục ngữ "Ở hiền gặp lành".

Người ta thường đề cao sự may mắn của những người gặp dữ hóa lành nhưng lại không nghĩ rằng tình cảnh được cho là lành đó chẳng khác gì cuộc sống hàng ngày trước khi chuyện dữ xảy ra. Hay nói cách khác, sự tốt đẹp của cuộc sống vẫn diễn ra hàng ngày đã là lành rồi. Mức độ cũng như sự chắc chắn của nó phụ thuộc vào khả năng của một người trong việc xử lý các tình huống hàng ngày trong cuộc sống. Như vậy, việc giải quyết ổn thỏa những tình huống hàng ngày đã tạo nền móng cho một cuộc sống tốt đẹp.

Cuộc sống của người hiền với những mối quan hệ và hoạt động lành mạnh cùng khả năng giải quyết vấn đề phát sinh theo hướng tốt đẹp đã tạo ra một môi trường thuận lợi cho những điều tốt lành nảy sinh. Những sự việc tạo ra hoàn cảnh được cho là lành một phần nào đó đã được định hướng xảy ra theo hướng lựa chọn là "ở hiền" rồi.

Hay nói cách khác, chính người hiền đã chủ động tìm kiếm, chuẩn bị điều kiện cho những sự việc tốt lành xảy ra, gặp phải. Chẳng hạn, chúng ta thường hay nói "may mà có" người này, người kia, hoặc là "may mà có" cái này, cái kia và "may mà giải quyết được" khi những sự việc xảy ra để rồi kết luận "Đúng là ở hiền gặp lành mà". Cái "có" và khả năng này có trước khi sự việc xảy ra và hiển nhiên là kết quả của một quá trình "ở hiền" lâu dài trong cuộc sống.

Nguyên nhân khiến cuộc sống của người hiền lại lành

Trong thực tế, có những câu truyện về những con người nhận được niềm vui, sự may mắn bất ngờ. Đó là những món quà, sự giúp đỡ từ những người mà họ không ngờ tới, đôi khi không biết là ai. Khi biết được nguyên nhân thì người ta mới thấy được sự kỳ diệu của tạo hóa. Đó đều bắt nguồn từ những việc họ đã làm trong cuộc sống. Có thể là rất lâu rồi mà cũng có thể mới ngày hôm qua hay vừa xong. Có thể là đã quên hay vẫn còn nhớ. Phật dạy rằng, mọi thứ đều có nguyên nhân của nó. Những gì ta có, ta gặp phải đều do chính mình tạo ra trong quá khứ và hiện tại chứ không phải là được ai đó ban cho.

Khả năng xuất hiện nguy cơ

Thật là lạ phải không? Điều chúng ta muốn tìm hiểu là sự may mắn, tốt lành của người hiền như thế nào chứ có phải là xem điều không mong muốn đâu. Nhưng thực ra, khi so sánh tình cảnh chẳng lành với cuộc sống bình thường vẫn diễn ra hàng ngày, chúng ta mới nhận ra giá trị thực sự của cuộc sống qua khoảng cách giữa trước và sau khi sự việc không hay xảy ra.

Trước hết, chúng ta sẽ xem xác suất xảy ra những chuyện không hay trong cuộc sống của người hiền như thế nào đã.

Xác suất từ mối quan hệ của người hiền trong cuộc sống.

Một điều hiển nhiên là các mối quan hệ của người hiền không được hình thành vì một mục đích không tốt nào đó. Cho nên, họ không phải chịu hậu quả xấu do mối quan hệ đó gây ra. Đồng thời, trong mối quan hệ với người khác, người hiền không có ý xấu, gây hại hoặc tạo ra nguy cơ cho bạn bè. Vì vậy, người hiền sẽ không phải gánh chịu những phản ứng tiêu cực từ người khác trong cuộc sống.

Mặt khác, bạn bè và những người có mối quan hệ với người hiền thì thường không xấu. Do đó, việc bị người ta gây ra điều không hay cho họ là rất ít. Đồng thời, những người đó khả năng làm chuyện xấu là không cao. Vì vậy, việc bị liên lụy hoặc bị kéo vào những tác động không tốt do mối quan hệ gây ra là hiếm khi xảy ra.

Điều này cho thấy nguy cơ từ một mối quan hệ lành mạnh là hiếm khi xảy ra. Và những mối quan hệ này thường lâu dài, bền vững.

Xác suất từ việc làm của người hiền trong cuộc sống

Trước tiên, những việc làm của người hiền thường có lý, có tình nên không gây ra hậu quả xấu cho người khác và xã hội. Vì vậy, những hậu quả xấu tiềm ẩn trong hoạt động của họ là không có. Đồng thời, với việc phân biệt rõ tốt xấu, đúng sai nên trong các tình huống người hiền thường có những cách giải quyết hiệu quả và hòa hợp với mong muốn của mọi người. Chính vì vậy, những mẫu thuẫn, xung đột thậm chí thù hằn ít khi xảy ra.

Từ mối quan hệ cho đến các việc làm trong cuộc sống của người hiền đều có rất ít cơ sở cho những sự việc không hay xảy ra. Hay nói cách khác, cuộc sống hàng ngày của người hiền được tạo ra từ những cơ sở lành hơn chúng ta.

Khả năng các nguy cơ trở thành sự việc trong cuộc sống

Các nguy cơ trong cuộc sống của người hiền rất ít mà muốn chuyển hóa thành sự việc chẳng lành cũng không phải dễ. Bởi vì còn phụ thuộc vào khả năng của người ta nữa.

Ví dụ, xét theo thang điểm 10 thì khả năng của người hiền có thể coi là 9, khả năng của chúng ta là 6 chẳng hạn. Có thể coi sự việc xảy ra có nguy cơ xấu như là một bài toán chẳng hạn.

Nếu độ khó của sự việc dưới 6 thì nó không gây hại cho cuộc sống đối với cả chúng ta và người hiền. Nếu độ khó lớn hơn 6 nhưng nhỏ hơn 9 thì chỉ gây hại được cho cuộc sống của chúng ta mà thôi. Còn với khả năng của người hiền thì việc giải quyết nó vẫn trong tầm tay. Chỉ khi nào độ khó của vấn đề lớn hơn 9 thì mới gây hại được cho cuộc sống của người hiền.

Như vậy, chúng ta có thể thấy sự việc xấu trong cuộc sống của chúng ta rất là nhiều còn trong cuộc sống của người hiền thì lại chẳng là bao. Sự chênh lệch này không phải ngẫu nhiên, nó hoàn toàn là kết quả từ những nỗ lực ở hiền của một người mà ra.

Các trợ lực bên ngoài đối với việc giải quyết vấn đề

Trong cuộc sống của người hiền, tuy nguy cơ không nhiều nhưng sự việc xấu cũng không phải là không xảy ra. Giống như chúng ta, khi sự việc vượt quá khả năng, người hiền cũng đi tìm sự trợ giúp từ những người có mối quan hệ với mình. Đối với những người thân, quen, do hình ảnh của người hiền trong các mối quan hệ này là rất tốt nên khi có điều kiện khả năng giúp đỡ của họ cũng cao. Hay nói cách khác, sự giúp đỡ vẫn luôn thường trực từ các mối quan hệ của người hiền trong cuộc sống.

Đồng thời, với thiện chí muốn giúp đỡ thì ngay cả khi bản thân không thể giúp được, họ cũng có thể giới thiệu hoặc nhờ người mà họ nghĩ rằng người ta có khả năng. Mọi người có thấy không? Đây cũng chính là cách mà người hiền đối xử với người khác trong cuộc sống của mình. Cũng giống câu "Thương người như thể thương thân" mà ông cha ta hay khuyên bảo mọi người.

Mặt khác, trong cuộc sống, thỉnh thoảng chúng ta lại bắt gặp những tình huống đầy cảm động về lòng người. Đó là chuyện một người nào đó bỗng dưng giúp đỡ một người không quen biết chỉ bởi một lý do đã từng thấy người đó có việc làm tử tế, giúp đỡ người khác. Đối với chúng ta, những người bình thường đã vậy thì việc người hiền bất ngờ nhận được sự giúp đỡ từ những người xa lạ cũng chẳng phải là chuyện hiếm gặp. Ông cha ta có câu "Tiếng lành đồn xa" hay "Hữu xạ tự nhiên hương" cũng là như vậy.

Mối quan hệ giữa hiền và lành qua cuộc đời của người hiền

Khi nói tới "Ở hiền gặp lành", chúng ta thường lý giải rằng "ở hiền" sẽ "gặp lành" vì đó là quy luật nhân quả. Nhưng nếu có người lại bảo "ở ác" mới "gặp lành" vì đó là quy luật nhân quả thì sao? Chúng ta đưa ra các bằng chứng là những trường hợp cụ thể để minh họa cho khẳng định của mình. Và người ta cũng đưa ra những ví dụ để chúng ta thấy rằng ở ác mới có kết quả tốt mà chúng ta không thể  nào phủ nhận vì đó là tình huống thực sự diễn ra. Cuộc tranh luận này sẽ kéo dài mãi do chúng ta phó mặc sự đúng sai cho "quy luật" và gắn cho nó sự huyền bí. Thực ra sự khác biệt giữa kết quả đạt được trong cuộc sống của việc ở hiền và ở ác thể hiện ngay ở tác động của nó. Không nói đến việc ở ác ra sao, chúng ta chỉ cần quan tâm tới tác động của "hiền" trong việc tạo ra "lành" mà thôi.

"Ở hiền" bảo vệ sự nguyên vẹn của cuộc sống

Khi ở hiền thì các sự việc xấu ít xảy ra. Do đó, cuộc sống không bị xáo trộn, biến chuyển theo hướng phát triển không phải là "hiền". Hay nói cách khác, hướng phát triển, xây dựng cuộc sống cũng như các thành quả thu được trong cuộc sống được giữ nguyên theo lựa chọn là "ở hiền" theo thời gian. Nói nôm na là từ đầu tới cuối đều là kết quả của "ở hiền".

Những thành tựu có được trong cuộc sống đều là kết quả thu được ở mức rất cao khi giải quyết vấn đề gặp phải. Cho nên, cuộc sống được xây dựng từ những cơ sở đó cũng có sự tốt đẹp tương ứng. Không nên coi sự bình yên, tốt đẹp là giống nhau khi nó là kết quả của những hướng phát triển khác nhau với mức độ khác khau. Cũng giống như cùng là tặng quà mà thái độ khác nhau vậy

Sự trợ giúp từ xã hội. Cũng giống như câu "Quân với dân như cá với nước", người "ở hiền" dễ dàng nhận được sự trợ giúp từ những người xung quanh nên thường dễ vượt qua khó khăn để thành công hơn. Hay nói cách khác, các hoạt động được đánh giá là tốt cho mình, cho người, cho xã hội thường dễ thu hút sự chú ý, quan tâm mà nhận được sự ủng hộ đóng góp của mọi người. Khi những biến cố bất ngờ xảy ra, người hiền rất dễ nhận được sự động viên khích lệ để vượt qua. Hay nói cách khác, việc "ở hiền" nhận được những phản ứng tích cực của mọi người nên khả năng đạt được mục đích không chỉ gói gọn trong năng lực của họ mà còn thêm sự góp sức từ người khác nữa. Mục đích hướng tới của việc ở hiền dễ trở thành hiện thực trong cuộc sống.

Như vậy, có thể thấy các sự việc mà một người gặp phải trong cuộc sống khi lựa chọn "ở hiền" là "lành" đối với cuộc sống của họ. Theo thời gian, có thể coi những gì gặp phải trong cuộc đời của người hiền đều là lành cả. Chính "ở hiền" đã hạn chế các nguy cơ mà đảm bảo sự vẹn nguyên (lành lặn) cho cuộc sống. Còn các lựa chọn khác thì tác động xấu có khả năng xuất hiện cao hơn mà không có được sự đảm bảo này. Hay nói cách khác, cuộc sống theo hướng lựa chọn khác dễ bị sứt mẻ (chẳng lành) hơn so với "ở hiền".

Cách chúng ta hiểu về câu tục ngữ

Khi nói về "Ở hiền gặp lành", chúng ta thường nghĩ về sự giúp đỡ hoặc sự may mắn từ những việc hoặc những người mình không ngờ tới. Sự giúp đỡ này như một hồi báo về hành động cứu giúp mà mình đã làm. Điều này khiến cho chúng ta hiểu câu tục ngữ thiên theo hướng của mối qua hệ cho đi và nhận lại.

Với suy nghĩ này, hành động giúp đỡ người khác của chúng ta gắn liền với suy nghĩ sẽ nhận lại trong tình cảnh tương tự. Thành ra ngay trong sự mong đợi của đợi của mình, chúng ta đã hy vọng có điều không hay xảy ra rồi. Chẳng ai lại mong điều đó xảy ra trong cuộc sống cả.

Thực ra, với mong muốn nhận được hồi báo này, chúng ta đã có suy nghĩ hoặc có ghi nhớ về những việc tốt mình đã làm, những người mình đã giúp. Chính vì vậy, khi sự việc không hay xảy ra với bản thân, chúng ta thường tìm đến với hy vọng nhận được sự trợ giúp như là đòi lại vậy. Lúc này, sự giúp đỡ đó không còn mang ý nghĩa là may mắn, bất ngờ nữa mà nó là sự giúp đỡ của một mối quan hệ đã được tạo lập.

Sự may mắn bất ngờ là đến từ những người mình không ngờ tới, những việc mình không định trước sẽ xảy ra. Những người này nằm ngoài danh sách những người mà mình nhớ là đã từng giúp. Những việc này nằm ngoài việc mình nhớ là có làm. Nhưng thực ra, những việc này, những người này đều là những việc mình đã làm, những người mình đã giúp. Chỉ có điều mình không nhớ, đã quên. Hay nói cách khác, "gặp lành" trong câu tục ngữ mà chúng ta vẫn hiểu là đến từ những việc làm "Thi ân bất cầu báo". Chúng ta làm điều đó chỉ vì thấy muốn làm, cần làm, nên làm hoặc chẳng kịp suy nghĩ gì khi sự việc xảy ra. Có lẽ chính vì vậy mà những gì chúng ta nhận được từ sự đáp lại lớn hơn rất nhiều so với việc làm của chúng ta.

Ông cha ta có câu "Làm ơn không nên nhớ, chịu ơn không nên quên". Người làm ơn thì không nhớ nhưng người được giúp đỡ luôn khắc ghi chỉ cần có dịp là đền ơn. Việc trả ơn của những người có lòng lại diễn ra trong tình cảnh người ta không thể ngờ để khi biết được mới thấy được sự xắp xếp kỳ diệu của quy luật.

"Gặp lành" là một kết quả cụ thể được tạo ra bởi "ở hiền"

Khi nhìn vào cuộc sống của người hiền, những gì chúng ta thấy chỉ là bề ngoài mà thôi. Cũng giống như khi nhìn một món quà vậy, chúng ta thấy cái vỏ bên ngoài mà cho rằng đó là món quà được tặng. Cái vỏ đó chỉ là để bảo vệ và trang trí cho  món quà bên trong mà thôi. Chúng ta hiểu "gặp lành" cũng là như vậy. Chúng ta coi những phương tiện bảo vệ sự nguyên vẹn là cuộc sống. Thực ra, quan trọng là cuộc sống được tạo lập. Và cuộc sống đó mới là "lành" mà câu tục ngữ nói tới. Cũng giống như chất liệu tạo lên chiếc bát, chiếc đĩa vậy. Có thể là sứ, là bạc, là vàng.

Khi lựa chọn là "hiền" thì "ở hiền" có nghĩa là mọi hành động trong thực tế của cuộc sống đều bám vào tiêu chuẩn được coi là hiền để lựa chọn. Căn cứ vào "hiền" mới biết được người nào có thể kết bạn, người nào không, mối quan hệ với mọi người ra sao. Từ "hiền" mới biết được việc nào có thể làm, việc nào không được phép, những việc mình làm là tốt hay xấu, là đúng hay sai. Đồng thời, với những mối quan hệ, những việc làm lại biết được giới hạn mà tránh được hậu quả không hay. Những phân biệt này giữa "hiền" và "không hiền" chỉ để tránh những hậu quả xấu của những việc không được làm, những người không được quan hệ. Tất cả chỉ nhằm để bảo vệ những mối quan hệ được thiết lập, những việc làm được thực hiện. "Ở hiền" chính là hiện thực của các mối quan hệ, những việc làm đó và tạo ra cuộc sống mà người hiền đang sống. Cuộc sống đó được tạo ra bằng công sức của người hiền.

Những kết quả được tạo ra này đều là thực. Đó là những mối quan hệ tốt đẹp, những việc làm tốt đẹp, những suy nghĩ tốt đẹp và tạo lên cuộc sống tốt đẹp của chúng ta. Cũng như chất liệu là vàng thì tạo ra chiếc đĩa vàng. Hay nói cách khác, kết quả của "ở hiền" là tạo ra được chất liệu "lành" cho cuộc sống.

Đồng thời, cũng chất liệu là vàng đó,  tùy theo tay nghề của người thợ mà độ tinh xảo, độc đáo khác nhau và có giá trị khác nhau. Người hiền có trình độ rất cao nên các giải pháp đưa ra để xử lý tình huống cũng như xây dựng cuộc sống là có hiệu quả cao, là đạt được kết quả tốt đẹp. Chính vì vậy, "ở hiền" vừa là tạo ra kết quả "lành" từ những sự việc gặp phải đồng thời cũng là sử dụng kết quả đó như chất liệu "lành" để tạo ra cuộc sống tốt đẹp nhất có thể. Và "gặp lành" chính là cuộc sống đó.

Lành như cách mà chúng ta vẫn thường hiểu giống như việc một người vác bao vàng làm rơi một thỏi vàng và được người khác nhặt hộ, trả lại cho. Chúng ta chỉ chú ý tới thỏi vàng suýt mất mà quên đi bao vàng đang vác trên vai. So với bao vàng đó thì thỏi vàng chẳng có ý nghĩa gì.

Như vậy có thể nói "gặp lành" chính là một cuộc sống cụ thể được tạo ra bởi sự kết hợp giữa những kết quả thu được khi giải quyết những sự việc xuất hiện (duyên) theo thời gian và không gian do "ở hiền". Chính vì vậy, cuộc sống của họ mới được vẹn nguyên, như ý. Cuộc sống này mới là lành như trong câu tục ngữ. Bên trong thì tốt đẹp, bên ngoài thì vẹn nguyên.

Lời khuyên của ông cha

Qua câu tục ngữ "Ở hiền gặp lành", ông cha muốn nhắn nhủ đời sau hãy cố gắng trở thành người hiền để có cuộc sống tốt đẹp, vui vẻ. Hoặc là tùy theo khả năng của mình mà học tập, noi theo người hiền xây dựng cuộc sống. Như thế mới mong có được cuộc sống như ý.

Khi thay người hiền bằng chúng ta trong việc xây dựng cuộc sống theo lời khuyên thì câu tục ngữ trở thành "Hãy bắt đầu hiền ngay từ bây giờ để mà có thể gặp lành đi". Và một lẽ dĩ nhiên, khi lấy bản thân mình để thay cho người hiền trong câu tục ngữ thì hướng mà người hiền lựa chọn và cả những cách mà người hiền làm đều sẽ phải do chính chúng ta thực hiện rồi.

Nhưng một vấn đề đặt ra là người hiền theo quan niệm của ông cha là người có đức lớn, tài cao thì liệu chúng ta có thể thay thế được không? Thực ra, việc làm được hay không lại không quá quan trọng mà quan trọng chính là chúng ta có sẵn sàng cho sự lựa chọn này hay không.

Lựa chọn như thế nào thì con người như thế ấy

Khi nói đến "Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu" để minh họa cho quy luật nhân quả người ta thường chú ý đến sự khác biệt giữa dưa và đậu. Nhưng có một điều rất quan trọng hình thành lên niềm tin và cổ vũ cho những nỗ lực của một người thì lại ít được chú ý đến. Đó là, khi chúng ta lựa chọn trồng hạt dưa thì bất kể điều kiện hay nhân duyên gì cũng không thể làm nó trở thành cây đậu được. Cho dù điều kiện có thế nào chăng nữa cũng chỉ có thể làm nó bị còi cọc, sâu bệnh hoặc bị gãy đổ mà thôi. Cho dù kết cục của nó thế nào chăng nữa thì nó vẫn là cây dưa do chúng ta lựa chọn ban đầu.

Cũng như vậy, khi ta lựa chọn làm người như thế nào thì những tác động bên ngoài dù là tốt hay xấu cũng chỉ ảnh hưởng tới thành tựu của chúng ta chứ không thay đổi được con người mình hướng tới. Cho dù trước đây có là con người thế nào chăng nữa nhưng khi lựa chọn "ở hiền" thì chính là chúng ta đang bước trên con đường an lành được tạo ra bởi lựa chọn đó rồi. Tốt thì vẫn là tốt cho dù tình cảnh hoặc kết cục không hay.

Theo đạo Phật, những gì một người gặp phải trong cuộc sống là do nghiệp tốt, xấu mà người ta đã tạo ra từ bao đời, bao kiếp. Mọi thứ đều có nguyên nhân và khi đủ duyên sẽ xuất hiện. Cũng giống như những gì gặp phải trên con đường "ở hiền" có những thứ là kết quả của những việc mình làm trước khi chọn "ở hiền", những gì mình gặp trong cuộc sống hiện nay có những thứ là kết quả từ những nhân ở đời trước.

Tùy theo môi trường sống của một người mà có nhân đủ duyên để xuất hiện và cũng có cái không xảy ra. Cũng như việc trên trời thì không có cá, dưới biển thì không có chim. Khi lựa chọn trồng dưa thì môi trường đó được lựa chọn để tạo ra duyên hướng tới kết quả là những trái dưa cuối vụ. Còn những duyên để cho nhân khác xuất hiện chỉ là sự hỗ trợ hoặc là trở ngại cho việc hình thành trái dưa mà thôi.

Trong câu tục ngữ "Ở hiền gặp lành", khi lựa chọn "ở hiền" thì sẽ tạo ra được môi trường thuận lợi cho những việc tốt lành đã làm xuất hiện. Đồng thời, với sự lựa chọn này, con người ta cũng chủ động có những hành vi tốt đẹp ở hiện tại. Lúc này, những điều không hay gặp phải do nguyên nhân nào đó chỉ là trở ngại trong cuộc sống mà thôi. Những trở ngại này có thể cắt ngang hướng phát triển theo sự lựa chọn và gây ra tình cảnh mà mọi người thấy là không hay. Nhưng thực ra, tình cảnh đó lại là tốt nhất có thể theo năng lực của họ với những điều kiện hiện có và những nguyên nhân đã gieo từ trước. Hay nói cách khác, điều tưởng "chẳng lành" đó lại là "lành nhất" có thể.

Trong câu "Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu", thời gian được gọi là trước là so với thời điểm bắt đầu lựa chọn để gieo hạt. Còn thời điểm để phân chia trước, sau trong câu "Ở hiền gặp lành" là khi người ta ở giữa ngã ba của cuộc sống lựa chọn "ở hiền" để phát triển bản thân. Lựa chọn này quyết định con người và cuộc sống của chúng ta từ đó về sau.

Mọi thành tựu đạt được đều do sự kiên trì mà ra

Đã bao giờ bạn thấy sự khó khăn của việc duy trì lựa chọn chưa?

Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao lại giữ lại cái này mà không phải cái khác chưa?

Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao lại tích lũy cái này mà không phải cái kia chưa?

Cũng như môn xác xuất vậy, kết quả đúng, sai qua từng lựa chọn là một nửa. Cứ chia đôi dần, càng qua nhiều lần lựa chọn thì xác suất để đạt được một kết quả lại càng thấp. Tỷ lệ càng thấp thì quá trình lựa chọn được thực hiện lại càng lâu và cẩn thận.

Trong cuộc sống, có rất nhiều sự việc xảy ra và lựa chọn đâu chỉ là một, hai cách. Đôi khi những kết quả mà mình muốn lựa chọn lại không có sẵn còn những kết quả khác lại dễ dàng tạo ra. Sức hấp dẫn từ những hướng phát triển này đâu có nhỏ trong khi nhìn theo hướng được lựa chọn lại chẳng thấy gì.

Có những hóa chất vẫn tương tác với nhau nhưng chỉ đến khi có sự xuất hiện của một hoặc vài nhân tố nào đó mới có phản ứng mà tạo ra những chất mới. Những điều kiện mà ta có trong cuộc sống cũng vậy, đâu phải là lúc nào cũng liên kết được với nhau. Đâu phải những gì mình có lúc nào cũng tạo ra tác dụng trong cuộc sống. Có những thứ chẳng (chưa tìm thấy) có ích gì trong việc xây dựng cuộc sống cho tới một lúc nào đó, trong hoàn cảnh nào đó, với điều kiện nào đó. Thời gian "vô ích" này có thể ngắn, có thể dài. "Ở hiền" phải có thời gian mới có thể "gặp lành". Và cũng có thể không nhìn thấy được những kết quả cụ thể trong cuộc sống.

Với những hành động xuyên suốt quá trình xây dựng cuộc sống của người hiền thì việc "gặp lành" của họ chẳng phải là may mắn, ngẫu nhiên mà nó nảy sinh trên nền tảng là những nỗ lực cụ thể.

Như quy luật nhân quả ẩn trong câu tục ngữ, mọi thành công đều có nguyên nhân từ sự kiên trì thực hiện. Cũng như Edison phải thực hiện thí nghiệm tới hơn mười nghìn lần mới tạo ra được chiếc bóng đèn như ý.

Hiện thực được tạo ra bởi những nỗ lực trong hành động

Bạn đã bao giờ đọc một đề toán chưa? Mọi thứ đều có sẵn. Từ những dữ liệu ban đầu cho đến kết quả muốn tạo ra. Tất cả đều rõ ràng, hiển nhiên nhưng lại luôn khiến người ta mơ hồ, khó hiểu. Bởi vì, ẩn trong đó là phương pháp giải mà ta không biết.

Khác với bài toán, những dữ liệu để xây dựng cuộc sống là không định trước, không có sẵn theo hướng mình mong muốn. Nó được tạo ra từ việc giải quyết những vấn đề phát sinh trong cuộc sống và được tích lũy dần theo thời gian.

Đã bao giờ bạn tự hỏi những gì hiện nay có được là do đâu chưa? Tất cả đều là kết quả của việc chuyển đổi công sức của chúng ta qua một quá trình cụ thể mà thành.

Bạn đã từng giải bài hóa học chưa? Cùng với những hóa chất ban đầu, tạo ra được rất nhiều chất khác nhau. Chất này tạo ra chất kia. Rồi dần dần, tạo qua nhiều chất trung gian mới có được chất cuối cùng muốn có. Việc giải quyết những vấn đề trong cuộc sống sẽ từng bước tạo ra những điều kiện mà mình muốn có cho cuộc sống mai này.

Cũng như vậy, từ "ở hiền" cho đến "gặp lành" trong cuộc sống cũng cần hội đủ những duyên lành của nó. Những duyên lành này được bổ sung bởi những nỗ lực thực hiện sự lựa chọn của một người. Cũng như các chất tạo ra vậy, những nỗ lực dừng lại tại đâu thì kết quả sẽ tương xứng với mức đó.

Mức độ của thành tựu đạt được tùy theo năng lực

Bạn cũng đồng ý chứ? Phải làm được bài thi thì mới có điểm. Để giải quyết vấn đề thì phải có năng lực tương xứng mới được. Cũng giống như môn vật lý vậy, phải nắm được những quy luật, tính chất,... mới làm được bài. Để giải quyết được những tình huống phát sinh phải có hiểu biết nhất định về tự nhiên và xã hội.

Trong câu tục ngữ "Ở hiền gặp lành" lại chẳng hề nói tới sự việc xảy ra trong cuộc sống cũng như không nổi lên năng lực của một người. Khi đưa mối quan hệ giữa sự việc và năng lực vào sẽ thấy những kết quả được tạo ra là có cơ sở. Năng lực mỗi người có cao, thấp khác nhau. Sự việc phân ra khó, dễ là tùy theo tương quan với năng lực đó. Khi không giải quyết được sự việc thì sẽ không có cách mà thực hiện và cũng chẳng thể nào có lựa chọn theo ý mình.

Khi lấy bản thân thay cho người hiền thì mình phải là một người có năng lực. Với năng lực này mới xử lý được các tình huống phát sinh trong cuộc sống. Từ những cách có thể giải quyết được vấn đề này mới có thể lựa chọn được cách hiệu quả nhất để thực hiện.

Do tư tưởng Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo đã thấm sâu vào cuộc sống, nên lựa chọn của người xưa đối với những tình huống xảy ra trong cuộc sống thường hay chú ý tới mối quan hệ và lợi ích của những người có liên quan. Những biểu hiện của lựa chọn này đôi khi lại gây ra sự nhầm lẫn về khả năng của họ trong mắt mọi người.

Chính vì những đánh giá dựa trên biểu hiện bên ngoài mà không biết những nguyên nhân dẫn đến sự lựa chọn đó khiến cho chúng ta có thể hiểu nhầm về khả năng của một người. Từ người hiền khi xử lý các tình huống phát sinh mà có những biểu hiện nhất định chuyển sang căn cứ vào những biểu hiện như vậy của một ai đó mà cho rằng họ là người hiền. Cùng một biểu hiện nhưng có thể lại là kết quả của hai quá trình trái ngược nhau. Sự nhầm lẫn này khiến cho hình ảnh người hiền trong suy nghĩ của chúng ta có sự sai khác. Hay nói cách khác, người mà chúng ta cho là hiền với những biểu hiện bên ngoài đó thực ra lại không phải. Tình cảnh mà người ta lâm vào lúc này lại là một trường hợp khiến cho sự đúng đắn của câu tục ngữ bị nghi ngờ.

Quy luật nhân quả là công bằng, không sai lệch

Khác với tình cảnh không hay của người chỉ có biểu hiện của tính hiền bên ngoài, bạn đã bao giờ tự hỏi mình rằng liệu người hiền có thể gặp điều chẳng lành hay chưa?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải đi ngược lại quá trình từ kết quả bây giờ trở về ngày xưa của họ. Nhưng chẳng phải là chúng ta đang thay thế người hiền trong câu tục ngữ "Ở hiền gặp lành" hay sao? Và như thế sự thắc mắc về tình cảnh của người hiền đã chuyển thành câu hỏi là liệu chúng ta có thể gặp điều chẳng lành hay không?

Theo lời khuyên của ông cha qua câu tục ngữ, cuộc đời của chúng ta có thể chia làm hai giai đoạn. Từ thời điểm lựa chọn "ở hiền" trở về trước và giai đoạn "ở hiền" từ đó về sau. Và hiển nhiên, chúng ta có một giai đoạn không hiền trong cuộc sống. Những việc làm trong giai đoạn này có thể tạo ra những nhân chẳng lành. Tùy theo việc làm của chúng ta trong giai đoạn "ở hiền" mà những nhân đó có hội đủ duyên để xuất hiện hay không. Hay nói cách khác, chúng ta vẫn có thể gặp điều chẳng lành cho dù có là hiền nhân chăng nữa.

Đức Phật dạy chúng ta về nhân quả ba đời thì những nhân chẳng lành đó lại càng nhiều gấp bội. Cho dù là hiền ngay từ bé cũng đã tạo đầy lỗi lầm rồi. Việc gặp điều chẳng lành đâu phải vì chúng ta hiền (bây giờ) mà không xảy ra. Ngay cả Đức Phật cũng đôi lúc phải chịu điều không hay nào đó.

Sự việc không hay xảy ra đối với chúng ta thì đó là quả hiện hữu của nhân ngày xưa khi đủ duyên cần thiết. Nhưng đồng thời nó cũng trở thành hành động gieo nhân hiện tại của người từng bị chúng ta tổn hại ngày xưa. Và chắc chắn rằng nhân mà người ta gieo hiện nay là nhân xấu, nhân ác khi nó gây hại cho chúng ta.

Nếu người ta là người hiền hoặc cũng giống chúng ta đang học tập, noi theo người hiền để xây dựng cuộc sống thì sao? Thì có lẽ khi biết việc mình làm là không tốt cho người khác thì có thể với lựa chọn "ở hiền" mà họ có hướng xử lý tốt hơn. Người ta thường cảm thán mà than rằng "Oan oan tương báo khi nào mới hết". Và quả thực, việc báo oán qua lại chỉ chấm dứt khi người ta hướng tới những điều tốt đẹp mà loại bỏ nhân xấu để gieo nhân tốt.

Việc tha thứ không chỉ chấm dứt sự báo oán quay vòng mà nó còn làm chuyển hẳn nghiệp của mình từ dữ sang lành mà có sự hồi báo lớn lao. Theo lý mà nói thì người ta sẽ có hành động gây tổn hại tới chúng ta do những nhân ác mà chúng ta đã tạo. Những tổn hại này sẽ kéo theo sự suy thoái trong cuộc sống của chúng ta theo một xu thế nào đó, một quy luật nào đó. Nhưng họ lại không làm vậy nên có thể coi hành động tha thứ đó đã tạo ra một giá trị bằng với mức tổn hại mà chúng ta có thể phải nhận lấy và cả một xu thế suy thoái kia nữa. Hay nói cách khác, tha thứ cũng chính là giúp người. Việc tha thứ cũng là hành động gieo nhân lành. Kết quả của nó cũng có thể ví như gửi vào ngân hàng một khoản đầu tư và có lãi theo thời gian vậy. Đồng thời, người ta cũng tránh được sự tổn hại cho mình khi gieo nhân xấu trong tương lai. Hay nói cách khác, nhân và quả là lành hay dữ đều do việc mình làm là thiện hay ác. Tất cả đều bắt nguồn từ lựa chọn của chúng ta.

Người hiền cũng có thể gặp kết cục tưởng như chẳng lành do lựa chọn của họ. Như bao thế hệ ông cha đã ngã xuống để bảo vệ đất nước. Như bao con người đã hy sinh. Muốn biết kết cục đó có lành hay không phải xem cuộc sống sau đó của mọi người. Khi phía trước là lý tưởng thì họ sẽ tiến tới. Khi sau lưng là những gì quan trọng thì họ sẽ không lui. "Không có gì quý hơn độc lập tự do", "Quyết tử để tổ quốc quyết sinh", ... Bao câu nói sục sôi của một thế hệ anh hùng. Kết cục của họ là ứng với câu "Xả thân thành nhân" mà mọi người vẫn nói. Điều an lành là một đất nước như ngày nay.

Nhân quả ba đời là quy luật mà Phật dạy hàng nghìn năm nay chỉ cho chúng ta biết mọi thứ xuất hiện trong cuộc đời mỗi người đều có nguyên nhân của nó. Cả tốt lẫn xấu đều không phải là vô duyên, vô cớ. Mọi thứ đều do việc mình làm trong bao đời, bao kiếp. Câu tục ngữ "Ở hiền gặp lành" là kinh nghiệm truyền lại về một mối quan hệ tốt đẹp để chúng ta lựa chọn khi gặp những sự việc diễn ra. Lựa chọn này sẽ quyết định con người và cuộc sống của chúng ta. Ai chả mong muốn có được một cuộc sống tốt lành. Và hiền là khởi đầu của cuộc sống đó.

Bài viết có tham khảo, trích dẫn trong Kinh Hiền Nhân, Bài giảng "Ở hiền gặp lành" của Đại Đức Thích Phước Tiến và các nguồn khác.

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn