Lê Anh Tuấn Là kỹ sư xây dựng thế hệ 8x đời đầu, có niềm đam mê đặc biệt với các vấn đề về xe cộ.

Đường cao tốc: Đi thế nào cho đúng?

Đăng 5 năm trước

Thời gian gần đây, cộng đồng mạng dấy lên tranh cãi về việc tài xế bị dằn mặt vì cố tình ôm làn trái không chịu nhường đường cho xe sau vượt. Bên cạnh đa số ý kiến chỉ trích tài xế đi chậm cố tình ôm làn trái, vẫn có những ý kiến trái chiều cho rằng đường nhiều làn tôi thích đi làn nào thì đi, anh muốn vượt làn nào thì vượt, miễn sao không vi phạm luật giao thông là được. Để biết thế nào là đúng, thế nào là sai, bài viết này sẽ phân tích cụ thể đối với từng trường hợp như sau:

Đi chậm ôm làn trái có sai?

Quy tắc giao thông đường bộ (Chương II, Luật giao thông đường bộ năm 2008) đã quy định rõ như sau:

  1. Phương tiện tham gia giao thông đường bộ di chuyển với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải.
  2. Khi có xe xin vượt, nếu đủ điều kiện an toàn, người điều khiển phương tiện phía trước phải giảm tốc độ, đi sát về bên phải của phần đường xe chạy cho đến khi xe sau đã vượt qua, không được gây trở ngại đối với xe xin vượt.

Như vậy, nếu bạn đang đi chậm trên làn đường ngoài cùng bên trái và có xe sau xin vượt, mặc dù đủ điều kiện an toàn nhưng bạn vẫn cố tình ôm làn này không cho xe sau vượt thì bạn đã vi phạm Luật giao thông đường bộ. Với lỗi vi phạm này, bạn sẽ bị phạt từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với  ô tô và từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với xe gắn máy.

Về lý bạn đã sai. Nói về cái tình và văn hóa tham gia giao thông bạn lại càng sai. Chúng ta đang cùng nhau tham gia giao thông, có thể bạn không vội nên bạn không cần phải đi nhanh. Nhưng bạn đủng đỉnh không đồng nghĩa với việc tất cả những người tham gia giao thông khác đều phải đủng đỉnh cùng bạn. Có người cần đi nhanh để giải quyết công việc, có khi là để kịp chuyến bay và thậm chí trên xe có thể có người bệnh đang cần đi đến bệnh viện.

Vì vậy, dù bạn đang đi với tốc độ nào, khi có xe sau xin vượt,bạn hãy vui vẻ nhường đường cho họ.  Mà tốt nhất, nếu bạn không có nhu cầu đi nhanh, hãy đi vào các làn phía bên phải. Khi bạn xử sự như vậy, người xin vượt sẽ không bị cảm giác ấm ức và khó chịu, bản thân bạn cũng thấy thoải mái vì không gây ức chế cho người khác.

Có nên vượt bên phải?

Theo quy định mới của Quy chuẩn số 41:2016 của Bộ Giao thông vận tải, khi xe bạn đi trên làn đường bên phải và nhanh hơn xe đang đi làn bên trái (nôm na là bạn đang vượt bên phải), tuân thủ đúng quy định về tốc độ và loại phương tiện sử dụng làn đường thì bạn không hề vi phạm luật giao thông. Nghĩa là trên đường có nhiều hơn hai làn đường cho một chiều xe chạy, bạn hoàn toàn có thể vượt phải.

Nhưng khi tham gia giao thông trên cao tốc chúng ta có nên đi như thế không? Câu trả lời là không, vì 2 lý do như sau:

  1. Nếu các xe đi chậm đều ôm làn của mình, các xe muốn đi nhanh phải “lạng lách”, “đánh võng” giữa các làn đường liên tục để vượt qua các xe đi chậm. Điều này làm cho đường cao tốc trở nên hỗn loạn và là nguy cơ tạo ra ùn tắc, tai nạn giao thông.
  2. Khi bạn vượt bên trái, nghĩa là xe phía trước đã chủ động nhường đường cho bạn vượt. Bạn có thể yên tâm điều khiển cho xe mình vượt qua xe phía trước một cách an toàn. Nhưng khi bạn vượt bên phải, xe phía trước hoàn toàn ở trong thế bị động vì họ không biết có xe đang vượt. Tai nạn rất dễ xảy ra khi xe phía trước đánh lái trong khi xe bạn đang đi song song với họ. Luật Giao thông đường bộ có quy định khi chuyển làn hay chuyển hướng, lái xe phải quan sát đủ an toàn mới cho xe chuyển làn, chuyển hướng. Nhưng bạn phải hiểu rằng trường hợp này lái xe phía trước hoàn toàn bị động, và nếu xe bạn vào đúng vùng điểm mù ngay tại thời điểm lái xe phía trước quan sát gương chiếu hậu thì xin chia buồn cùng bạn, tai nạn xảy ra là không tránh khỏi.

Cuối cùng, mong rằng các bạn hãy nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ khi tham gia giao thông và lái xe bằng cả cái tâm. Học cách nhường nhịn nhau trên đường chính là người tham gia giao thông có văn hóa.

Chủ đề chính: #an_toàn_giao_thông

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn