Thiên Vũ Mê dịch chuyển. Yêu màu xanh. Thích chơi chữ. Mê vẽ vời. Nghiện viết lách. Tính đồng bóng. Khó kiểm soát. Sống NgẪu h ứ.n g !

Gửi ba má, từ đứa con đại diện hàng triệu đứa con khác “KỂ KHỔ”!

Đăng 6 năm trước

Giá như ông bố bà mẹ cũng hiểu được 9 nỗi khổ thầm kín của con cái, vốn đã có mặt từ lúc con người xuất hiện trênTrái Đất; thì phận làm con đỡ “đắng lòng” và tủi thân biết mấy. Nhưng chưa bao giờ là muộn, hãy nhắn nhẹ với ba mẹ bạn hay tự nhủ với chính bạn khi đã có gia đình!

Ba má à, không yêu đừng nói lời cay đắng!

Thứ nhất và thứ nhất, đó sẽ là đặc ân với con khi ba má không “xát muối lên vết thương” mỗi khi con làm sai, nhất là câu nói: “Tao bảo mày rồi”, “mẹ biết ngay mà!” hay “Đấy, cãi thầy thì té đau” và hàng trăm tỉ dụ khác như “Tao nói có sai đâu”, “Cá không ăn muối…” Vì sao á? Vì những lời nói đó chả có tác dụng gì ngoài khiến mọi việc và tâm trạng con tệ thêm. Và trên hết, điều đó còn tạo khoảng cách khiến con không thể thoải mái chia sẻ với ba má mọi chuyện sau này.

Hãy tôn trọng sở thích của con, ngay cả khi ba mẹ không thích

Ba thích chơi cây kiểng, chăm lo vườn tược, mẹ thích ngắm cá bơi, nghe chim hót trong vườn. Nếu hỏi suy nghĩ của con, xin thưa những thú vui tao nhã ấy thật “chán bỏ xừ”, nhưng con không can thiệp vì đó là niềm vui nhỏ bé, là thú tiêu khiển hiệu quả và vô hại của ba mẹ. Vì vậy, cớ sao mỗi khi con sưu tầm vỏ lon, coi phim Hàn, chơi play station hay vẽ vời linh tinh đều bị ba mẹ“lên lớp”. Nào là “vô bổ, “phí thời gian”, “để thời gian trống đấy làm việc có ích đi cái thằng!”Đấy! Con sẽ biết ơn lắm nếu ba má tôn trọng không gian và thú vui của con, hay ít nhất ba má cũng phớt lờ nó, được chứ?

Đừng ép con “đi giao lưu”, ‘làm quen với bạn này bạn kia” ạ!

Vì đấy đòi hỏi cả một quá trình và thời gian. Ba mẹ cứ nghĩ xem nếu cứ ai, con cũng làm quen, kết thân thì không khéo con kết nạp được cả bè…phái đấy. Lúc đấy, tần suất con không có mặt ở nhà tỉ lệ thuận với số lần ba má bắt con đi giao lưu thì đừng la con nha!

Khoan vội trách vấn hay trụy tội con hỗn hào mỗi khi con hỏi TẠI SAO?

Chỉ là một câu hỏi với mong muốn hết sức đơn giản là tìm hiểu căn nguyên vấn đề. Chẳng hạn, “tại sao con phải rửa chén lúc này mà không đợi lát con về?”, thì đơn giản con chỉ muốn biết sự khác biệt giữa rửa bây giờ và rửa sau 30 phút. Nhưng KHÔNG, ba mẹ luôn nghĩ, và chắc chắn nghĩ rằng: “Á à cái thằng,hôm nay lại dám cãi mẹ à!”. Vậy đấy, đôi khi phận làm con thiệt khó!

Một câu giải thích khác với một câu cãi lại, ba mẹ ạ!

Với một thái độ tôn trọng, một cử chỉ nhẹ nhàng, một tâm thế lắng nghe và giọng điệu chừng mực, con nghĩ con có quyền được bày tỏ quan điểm mỗi khi ba má nói về vấn đề của đôi bên chứ. Vì mục đích của cuộc tranh luận là để tìm ra giải thỏa ổn nhất, con hi vọng ba má hãy tập bình tĩnh và “chịu khó”lắng nghe ý kiến của con mình. Và một lần nữa,con muốn thỏa thuận chứ không hề đối chấp, đôi co, và đổi lại, ba má đừng vội kết luận con cãi lại, “nói một cãi mười”, oan lắm ba má!

Đừng quá thất vọng đến suy sụp, lo lắng khi con không kể gì.

Vì điều đó quả là bình thường luôn. Con người ai cũng có bí mật riêng, huống gì giữa cha mẹ và con cái luôn tồn tại một cái hố sâu thẳm có tên “khoảng cách thế hệ”. Nhưng nếu ba má sẵn sàng “nhảy” qua, con cũng không ngại ngần mà chia sẻ những tâm tư, nỗi niềm của mình. Tuy nhiên, ba má không nên trông chờ mọi chuyện đều được chia sẻ cởi mở 100% nhé. Vì ba má cũng biết mình không thể nói hết vấn đề của mình với con mà!

Làm ơn lắng nghe và tin tưởng dù điều con nói có chút khó tin

Đây là một vấn đề thiên về tâm lý đấy ạ. Theo nghiên cứu khoa học, ngay cả khi phụ huynh nghĩ con cái họ đang nói sai sự thật vì một lí do nào đấy thì họ vẫn nên hành xử như kiểu tin con họ. Vì nếu bạn chỉ ra cái sai một cách thẳng thừng, con bạn sẽ ngay lập tức tỏ ra chống đối và cư xử tiêu cực đi!”. Và điều đó chẳng tốt tí nào, đương nhiên tùy theo trường hợp mà mình linh động ba má nhỉ.

Hãy chấp nhận con vì chính con!

… chứ không phải vì lí do muôn thuở “mày là con tao sinh ra”, “nhờ ba mẹ mới có mày” để nâng tầm kiểm soát quá độ, hòng thay đổi bản ngã và con đường đời của con. Công ơn sinh thành dưỡng dục của ba má thì cả đời, cả kiếp con không biết mình trả hết không,con thực sự biết ơn và cám ơn ba má đã cho con được có mặt trên đời này. Nhưng cũng vì là máu mủ ruột rà, hãy chấp nhận con dù con thế nào. Ba má không thể thay đổi con cũng như khuyên bảo con nên yêu ai, lấy ai, làm gì. Chỉ cần chấp nhận và đồng ý với quyết định của con thì ba má à, con tin rằng cả triệu, triệu đứa con trên đời đều ao ước được như con đấy!

Và điều tối quan trọng nhất, xin đừng đem “con người ta” so sánh với con ba má đây!

Ba má có biết một trong những tác động tiêu cực và ám ảnh lên những đứa trẻ từ nhỏ là bị so sánh với hàng tá anh chị em, họ hàng, hàng xóm,vân vân và mây mây? Điều đó thật sự khiến con cái tổn thương đấy ba má. Bởi khi còn nhỏ, mọi thế giới quan và nhận thức về bản thân chưa được hình thành và phát triển toàn diện, nhưng “nhờ” những lời nói, lời so sánh vô ý và có tính“sát thương cao” mà chúng in hằn vào tâm trí con trẻ. Để rồi sau này con cứ luôn tự đánh giá thấp bản thân, cảm thấy tự ti, xem nhẹ mình. Và con biết, ai trong chúng ta đều không muốn chuyện đáng tiếc này xảy ra nhỉ.

Chủ đề chính: #làm_cha_mẹ

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn