Lạc Thư Trầm Gã mộng mơ lạc lối tìm lại chính mình bằng những con chữ ấp bằng cả niềm đam mê

Những danh hiệu 'Đệ Nhất' dưới trời nam

Đăng 4 năm trước

Trong Hương Sơn Phong cảnh Ca, Chu Mạnh Trinh có viết,' Đệ Nhất Động hỏi rằng đây có phải?' Ý đang nói đến Động Hương Tích được chúa Trịnh Sâm sắc phong là 'Nam Thiên đệ nhất động'. Vậy dưới gầm trời nam này, còn những danh hiệu đệ nhất nào từng được sắc phong trong thời phong kiến? Chúng ta cùng tìm hiểu nhé!

Nam Thiên Đệ Nhất Động

Như đã dẫn, Nam Thiên Đệ Nhất Động đương nhiên được đề cập đầu tiên rồi.

Đó là động Hương Tích.

Hương Tích là một động đẹp, trọng tâm của khu du lịch quốc gia Hương Sơn thuộc huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây, nay thuộc thành phố Hà Nội, Việt Nam. Động Hương Tích cách Hà Nội gần 70 km về phía Tây Nam. 

Trông động như là con rồng chúa đang há miệng vờn ngọc. Tháng ba năm Canh Dần(1770), Chúa Trịnh Sâm từng tham quan động và đặt tên cho động là "Nam Thiên đệ nhất động" tức động đẹp nhất trời Nam.

Chúa Trịnh Sâm khi đến đây đã có rất nhiều bài thơ, điển hình như :

"Trời vừa hé sáng bước lên thuyền,
Khoan mái chèo lan ghé bến tiên.
Phong nguyệt thờ ơ bầu ngọc đúc,
Giang sơn bỡ ngỡ bức tranh in.
Kìa kìa quy phượng phong kinh bối,
Nọ nọ lân long lắng giáo thiền.
Cảnh lạ thú mầu khôn xiết kể,
Thanh kỳ đệ nhất chốn Nam thiên."


Ngoài ra sau này, theo đó, người đời sau còn đặt thêm cho  Bích Động(Ninh Bình) là Nam thiên đệ nhị động và Địch Lộng( nằm giữa ranh giới hai tỉnh Hà Nam và Ninh Bình) là Nam thiên đệ tam động.

Nói về chùa Hương, động Hương Tích, Hương Sơn, thì bao nhiêu mỹ từ cũng không đủ, vậy nên thi nhân mặc khách từ cổ chí kim đến đây rồi lưu lại cho thế nhân không biết bao nhiêu áng thơ văn bất hữu...

Đất hữu tình cho lòng người say đắm, là đây chứ đâu !

Nam Thiên Đệ Nhất Thác

Đà Lạt – Lâm Đồng được thiên nhiên ưu đãi với nhiều đồi núi, sống suối, thác nước, rừng thông bạt ngàn. Ngoài những thác nước đã đi vào lòng du khách khi đến với Đà lạt như; thác Cam Ly, Thác Datanla, Thác Prenn thì không thể không nhắc đến “Nam Thiên Đệ Nhất Thác” của khu vực Nam Tây Nguyên. Đó chính là Thác Pongour – một kiệt tác của tạo hóa.


Thác pongour còn gắn với truyền thuyết hào hùng của người đồng bào dân tộc K’Ho. Truyện kể rằng: Ngày xưa vùng đất này do một nữ tù trưởng người K’ho xinh đẹp cai quản, nàng tên là Kanai. Nàng có tài chinh phục thú dữ, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ lợi ích cho con người, trong đó có bốn con tê giác to lớn khác thường luôn tuân lệnh nàng dời non ngăn suối, khai phá nương rẫy sẵn sàng chiến đấu chống lại kẻ thù, bảo vệ cho dân làng.

Một hôm vào đúng ngày rằm tháng giêng, nàng chút hơi thở cuối cùng, bốn con tê giác quanh quẩn bên nàng ngày đêm không rời nửa bước, chẳng buồn ăn uống cho đến chết. Không lâu sau mọi người trong làng hết sức ngạc nhiên khi thấy nơi nàng yên nghỉ sừng sững một ngọn thác đẹp tuyệt trần.

Thì ra, mái tóc của nàng Kanai đã hóa thành dòng nước trắng xóa, trong xanh, mát rượi còn những phiến đá xanh rêu to lớn làm nền cho thác đổ chính làm những chiếc sừng của tê giác hóa thành – đó chính là biểu tượng của sự đoàn kết, gắn bó vĩnh cửu giữa con người với thiên nhiên bao la. 

Pongour hay còn gọi là thác Bảy Tầng. Thác nằm ở xã Tân Hội, huyện Đức Trọng, cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 50 km về hướng nam. Thác có dòng chảy qua 7 tầng đá. Nhờ vẻ đẹp hoang sơ và hùng vĩ, thác được vua Bảo Đại phong là Nam thiên đệ nhất thác.

Nguyễn Triều Đệ Nhất Võ Công

Trận Thị Nại (năm 1801) là trận thủy chiến dữ dội nhất, trận thư hùng quyết định trong cuộc Chiến tranh Nguyễn-Tây Sơn (1787-1802). Tại đây thủy quân Gia Định do chúa Nguyễn Phúc Ánh trực tiếp chỉ huy đã đánh tan hạm đội Tây Sơn do tư đồ Võ Văn Dũng dẫn đầu. Trận đánh được sử sách nhà Nguyễn coi là "Võ công đệ nhất" trong thời trung hưng của nhà Nguyễn.

Thị Nại là đầm lớn nhất của Bình Định. Các nhánh của sông Kôn, sông Hà Thanh đều chảy về đây. Sa bồi tụ dần theo năm tháng khiến cho đầm mỗi ngày một đầy thêm. Khi nước triều lên thì mặt đầm nước mênh mông, vào những hôm trời gió, sóng dập dờn như mặt biển. Những lúc triều xuống, nước rút cạn để trơ lòng đầm, sình lầy lai láng...Nước đầm thông với biển bằng một cửa hẹp có tên cửa Giã (trong tiếng Việt cổ, giã là biển), mà sau này người ta quen gọi là cửa Thị Nại.

Trận thủy chiến này cũng mở ra một khúc quanh mới cho chiến cuộc giằng co trước đó, nhờ vậy mà Nguyễn Phúc Ánh mới đi đến chiến thắng cuối cùng.Từ đây, phía Tây Sơn hoàn toàn thua thiệt về mặt trận trên biển. Dù sau đó họ có giành lại được Bình Định, nhưng quân Nguyễn Vương cũng đã chiếm được Phú Xuân. Và những gì xảy ra sau đó đã là lịch sử, khi năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh giành toàn thắng, thống nhất san hà, đặt niên hiệu là Gia Long .

Thiên Hạ Đệ nhất Hùng quan

Nằm trên đỉnh đèo Hải Vân, giáp ranh giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế, cụm di tích Hải Vân Quan ngày nay chỉ còn chút dư âm hào hùng của một nơi từng được mệnh danh là nam thiên đệ nhất Hùng quan. Đây là công trình được xây dựng vào thời nhà Trần và trùng tu vào thời vua Minh Mạng nhà Nguyễn (năm 1826).

Cửa ải này được xây với tường dày kiên cố, cao 490 mét so với mực nước biển, bên dưới có vòm cổng lớn, bên trên là một tầng riêng có cửa sổ để quan sát, làm nhiệm vụ phòng thủ cho kinh thành xưa. Mặt chính của cổng hướng về tỉnh Thừa Thiên - Huế với tấm bảng khắc 3 chữ "Hải Vân Quan", còn mặt sau hướng về thành phố Đà Nẵng với 6 chữ "Thiên hạ đệ nhất hùng quan".

Cũng không thật rõ, "đệ nhất hùng quan" là đang ám chỉ công trình nhân tạo ấy, hay đang nói đến ngọn đèo Hải Vân, "cánh cổng" tự nhiên phân tách Đà Nẵng và Huế?

Đèo Hải Vân với những khúc cua "cùi chỏ", độ dốc cao nên trở thành một cung đường hiểm trở. Từ ngày Hầm Hải Vân được đưa vào sử dụng, thì tuyến này ít người lưu thông và trở thành địa điểm dành cho du lịch khám phá của dân phượt...

Đến đây một lần, để thấy sự kỳ vỹ của thiên nhiên, rồi bạn sẽ hiểu 6 chữ mà vua Minh Mạng đã sắc phong ấy, không hề thậm xưng một chút nào!

Đệ Nhất Khai quốc Công thần của Chúa Nguyễn

Đào Duy Từ, chỉ phụng sự cho vương quốc đàng Trong của chúa Nguyễn có 8 năm. Chỉ 8 năm, nhưng ông đã cống hiến hết thảy những gì tinh túy nhất, để cho họ Nguyễn ở Phương Nam trở thành một đối trọng thưc sự với Họ trịnh ở đàng Ngoài. 

Vì vậy ông được coi là đệ nhất khai quốc công thần của họ Nguyễn và được thờ ở nhà Thái miếu.


Cuộc đời của đệ nhất quân sư Đào Duy từ có nhiều điều kỳ lạ.

Đào Duy Từ  vốn quê ở Thanh Hóa, nghĩa là vùng đất thuộc Đàng Ngoài. Tương truyền ông không được tham gia khoa cử vì là "con phường gánh hát". Mang chí lớn, cùng hùng tài thao lược, nhưng không có đất dụng võ nên ông sống ẩn dật tại quê nhà. Mãi đến năm 1625,khi đã 53 tuổi, ông mới bỏ trốn vào nam, tìm đến đất Thuận Hóa để phò chúa Nguyễn. Hiền tài gặp được minh chúa, như cá gặp nước,Đào Duy Từ mặc sức vẫy vùng với tài kinh ban tế thế đến tổ chức quân sự, phòng thủ lẫn phản công. Vậy nên chúa Nguyễn Phúc Nguyên hết sức tin tưởng và cảm phục tài năng của ông, và kính trọng gọi ông là "Thầy". 

Có nhiều đóng góp quan trọng, nhưng một trong những kiến tạo hữu hình quan trọng nhất của Đào Duy từ chính là Lũy Thầy.

Lũy Thầy là một tổ hợp các công trình quân sự kiên cố,giúp tạo ra thế phòng thủ vững chắc cho xứ Đàng Trong. Lũy Thầy bao gồm, Lũy Trường Dục,Lũy Động Hải (hay còn gọi là Lũy Trấn Ninh),lũy này lại gồm lũy Đầu Mâu và Lũy Nhật lệ,còn lại là Lũy Trường Sa. Tương truyền, tất cả đều do Đào Duy Từ khởi xướng, sắp đặt và thiết kế. Nhưng ông chỉ trực tiếp chỉ đạo thực hiện hai lũy TrườnG Dục và Nhật lệ, còn các công trình còn lại được thực hiện bởi Nguyễn Hữu Dật,là môn đồ của ông.Và nhờ hệ thống phòng thủ này,mà suốt thời Trịnh Nguyễn phân tranh khốc liệt, quân chúa Trịnh không một lần nam tiến thành công trong suốt hơn 50 năm...

Về nhân vật này bạn có thể tham khảo thêm ở bài viết Những sự kiện lịch sử Việt Nam đã đi vào ca dao như thế nào? (phần 1).

Vỹ Thanh

Mấy lời dong dài một chút rồi khép lại bài viết về những danh hiệu "đệ nhất" này. "Đệ Nhất" là một sự công nhận, trong thời phong kiến đó còn là một sắc phong. Nhưng sắc phong của bậc Quân Vương rồi theo thời gian nếu không tường tỏ cũng sẽ lu mờ và quên lãng, chỉ có những "đệ nhất" trong lòng người mới mãi tồn tại vĩnh hằng ...

Đơn cử như Đào Duy Từ ấy, gọi ông là "đệ nhất công thần" cũng có mấy điều không đặng, ít nhất là vì, mỗi triều đại chắc sẽ có một "đệ nhất công thần "riêng, và rằng công thần trong một triều đại thì cũng nhiều vị và khó lòng so sánh. Nhưng Thầy Đào Duy Từ sống mãi trong lòng dân với vị thế của một "đệ nhất quân sư" là bởi:

"Nhân dân nhiều thế hệ đã không có ý gì chê trách ông không trung thành với vua Lê chúa Trịnh; cũng không một ai nghĩ rằng ông đã giúp chúa Nguyễn vì ý đồ cát cứ chia cắt giang sơn, tất cả đều quý trọng ông ở một điểm: ông là một tài năng kiệt xuất và là một vị quan có nhân cách hiếm có của lịch sử nước nhà."

                ( Tôn Thất Thọ)

Vậy thì nhan nhản những danh hiệu ngày nay,mà đa phần là phù phiếm và tự xưng, rồi mươi năm nữa thôi, mấy ai còn nhắc?


Lạc Thư Trầm

Chủ đề chính: #bảng_xếp_hạng

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn