Adonis Nguyễn Thanh Thông tin cá nhân sơ lược: • Họ và tên: Nguyễn Thanh • Ngày sinh: 06 tháng 08 • Quê quán: An Giang • Trình độ học vấn: Đại học - chuyên ngành: Ngôn ngữ Anh - năm tốt nghiệp: 2010 • Nghề nghiệp: biên dịch viên tự do • Sở thích: đọc sách báo, nghiên cứu, dịch thuật, nghe nhạc nhẹ, xem bóng đá,… • Facebook: Adonis Nguyễn Thanh • Zalo: Nguyễn Thanh

15 loài động vật đẹp nhất từng tồn tại trên Trái đất (tiếp theo)

Đăng 5 năm trước

Đây là phần tiếp theo của bài viết '15 loài động vật đẹp nhất từng tồn tại trên Trái đất'. Lưu ý: nội dung có dấu (*) không có trong bài viết gốc, là chú thích của người dịch hoặc phần kiến thức tham khảo bổ sung mà người dịch cung cấp cho độc giả.

Danh sách các loài vật tuyệt chủng đã liệt kê trong phần đầu - trong ngoặc đơn là thời gian tuyệt chủng (gần đúng):

Phần 1 đã bao gồm:

1. Mèo răng kiếm Smilodon (10.000 năm TCN)

2. Nai sừng tấm Ireland (5.200 năm TCN)

3. Voi ma mút lông xoăn (2.000 năm TCN)

4. Chim Moa (năm 1400)

5. Bò biển Steller (năm 1768)

6. Chim Anca Lớn (năm 1852)

7. Gấu Atlas (1870)

8. Ngựa Quagga (1883)

9. Sói Nhật Bản (1905)

10. Hổ Tasmania, hay còn gọi là chó sói Tasmania, chó sói túi (1936)

Danh pháp khoa học: Thylacinus cynocephalus; tên gọi khác: Thylacine

Nơi sinh sống: Tasmania, Úc và New Guinea

Thời điểm sinh sống: chúng tiến hóa khoảng 4 triệu năm trước

Mô tả:

Đây là loài thú ăn thịt có túi lớn nhất trong thời hiện đại. Sinh vật khác thường này có thể dài tới gần 2 m tính từ đầu đến đuôi. (* Nó có bề ngoài giống chó sói, với những sọc vằn trên lưng giống như loài hổ - hình dạng đầu chó mình hổ. Cú ngoạm của nó mạnh gấp ba lần một con chó có cùng cân nặng!)

Hổ Tasmania đứng đầu chuỗi thức ăn (động vật ăn thịt đầu bảng) và phục kích các con mồi về đêm như Kangaroo, Wallaby (* một loài có ngoại hình giống Kangaroo nhưng kích thước nhỏ hơn), chồn Opossum, chim và động vật hữu nhũ nhỏ. Hàm của nó có thể mở 120 độ, dạ dày của nó có thể căng phồng ra để tiêu thụ một lượng lớn thức ăn, có nghĩa là nó có thể sống sót trong các khu vực dân cư thưa thớt. Điểm khác thường của loài thú có túi này là cả hai giới đều có túi. Khi con đực chạy qua bụi cây, túi của nó có vai trò bảo vệ bộ phận sinh dục khỏi tổn thương.

Nguyên nhân tuyệt chủng

Nó đã tuyệt chủng vào thập niên 30 thế kỷ trước do nạn săn bắn quá mức từ những người nông dân (họ buộc tội chúng giết cừu và gia cầm). Tình trạng thiếu hụt đất cho canh tác nông nghiệp, dịch bệnh và sự “nhập cư” của chó cũng là một phần nguyên nhân.

Hổ Tasmania nhanh chóng bị xem là một loài có hại, là mối nguy hiểm cho vật nuôi, nhưng một số người nói rằng đa phần những tuyên bố này đã được phóng đại. Trong khi chính phủ đã trả hơn 2.000 món tiền thưởng để tiệt trừ loài này, bằng chứng khoa học cho thấy sự phân tán quần thể bắt nguồn từ tình trạng cạnh tranh với chó, mất môi trường sống và nạn cháy rừng thất thường (*). Cuối cùng, dịch bệnh đã lây lan khắp cả quần thể vào thập niên 20.

(*) Chú thích: Tác giả dùng một thuật ngữ hiếm gặp và không có từ tương đương trong tiếng Việt là “fire regime” - thuật ngữ này miêu tả các biểu đồ, tần suất và cường độ của nạn cháy rừng, được xác định bởi các thuộc tính của hệ sinh thái tự nhiên (khí hậu, địa hình) cũng như các tác động của con người, trong một thời gian dài.

11. Thú có túi Toolache Wallaby (1943)

Danh pháp khoa học: Macropus greyi 

Nơi sinh sống: Úc và New Zealand 

Mô tả:

Nhiều người đánh giá chúng là loài chuột túi thanh lịch và duyên dáng nhất. Cú nhảy của chúng gồm hai bước ngắn, kế đến là một bước dài. Con cái thường cao hơn con đực. (* Chiều cao của con đực, không tính đuôi: 810 mm, của con cái: 840 mm. Tuy nhiên, đuôi của con đực (730 mm) dài hơn đuôi của con cái (710 mm).)

Nguyên nhân tuyệt chủng

Loài này rất phổ biến cho đến năm 1910 và trở nên cực kỳ hiếm vào năm 1923. Cá thể cuối cùng là một con cái sống trong điều kiện bị giam cầm suốt 12 năm trước khi chết vào năm 1939. Nạn săn bắn, loài cáo và tình trạng mất đất đã đưa chúng đến nạn diệt vong.

12. Hổ Ba Tư (1970)

Danh pháp khoa học: Panthera tigris virgate, (* còn gọi là hổTurania, hổ Mazandara hay hổ Hyrcania) 

Nơi sinh sống: phía nam Biển Caspi và ở Trung Á 

Mô tả:

Đây là một trong những thành viên thuộc dạng lớn nhất của họ mèo với đôi chân dài hơn nhiều so với các thành viên khác trong “gia đình mèo lớn”. (* Thân hình chúng chắc nịch và dài, cặp chân khỏe mạnh, móng vuốt rất lớn, đôi tai ngắn và nhỏ. Điều đặc biệt là ở phần má của chúng phủ lông dài như râu. Màu sắc của chúng tương tự như hổ Bengal. Một con hổ Ba Tư đực nặng khoảng 140–240 kg, con cái thì khoảng 85–135 kg.) 

Nguyên nhân tuyệt chủng:

Chúng không chỉ bị săn bắn, mà còn bị mất phần lớn môi trường sống do sự định cư của con người. Thêm vào đó, con mồi của chúng cũng bị săn bắt, vì vậy chúng thực sự đã bị đưa đến “bước đường cùng”.

13. Hải cẩu thầy tu Caribe (2008)

Danh pháp khoa học: Monachus tropicalis 

Nơi sinh sống: vùng biển Caribe, vịnh Mexico và Tây Đại Tây Dương. Tuy nhiên, có rất ít thông tin về mô hình di cư của chúng. 

Thời điểm phát hiện: Columbus lần đầu tiên nhìn thấy những con vật này vào năm 1494 và gọi chúng là những con “sói biển". 

Mô tả

Loài này dài khoảng 2,4 m, nặng từ 170-270 kg, thuộc loài động vật chân màng (* hay động vật chân vây – Pinnipedia) duy nhất đã bị tuyệt chủng.

Nguyên nhân tuyệt chủng

Lần cuối cùng người ta nhìn thấy loài là vào năm 1952 (* tại bãi đá ngầm khu vực đảo Serranilla, giữa Jamaica và Nicaragua). Đây là loại hải cẩu đầu tiên bị tuyệt chủng từ nguyên nhân của con người (* săn bắt chúng để lấy mỡ, khai thác đánh bắt cá - nguồn thức ăn của chúng - quá mức). Những con hải cẩu dễ dàng trở thành mục tiêu săn bắt khi chúng đang nghỉ ngơi, sinh đẻ hoặc chăm sóc con. Cuối cùng, nạn săn bắt tràn lan đã tận diệt chúng.

14. Tê giác đen Tây Phi (2011)

Danh pháp khoa học: Diceros bicornis longipes 

Nơi sinh sống: Kenya, Rwanda, Zambia 

Mô tả:

Đây là loài hiếm nhất trong các phân loài tê giác đen, có thân hình to lớn kềnh càng (* thân dài 3-3,75 m, cao 1,4-1,8 m, nặng 800-1.300 kg; sừng trước dài 0,5-1,4 m, sừng sau dài 2-55 cm), có thể chạy tới 55 km/giờ và nhanh chóng đổi hướng. Năm 2011, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) - mạng lưới bảo tồn lớn nhất thế giới - đã chính thức tuyên bố loài này tuyệt chủng, nhưng lần cuối cùng người ta nhìn thấy chúng là vào năm 2006.

Nguyên nhân tuyệt chủng:

Thú vui săn bắn (như một trò chơi thể thao) lan rộng vào đầu thế kỷ 20 đã dẫn đến sự suy giảm nhanh chóng của các loài tê giác, trong đó có loài này. Tiếp đến là tình trạng mất môi trường sống do canh tác nông nghiệp. Các nông dân và chủ trang trại đã xem tê giác là loài gây hại, là mối nguy cho mùa màng của họ. Nhưng “giọt nước cuối cùng làm tràn ly” (*) xảy ra vào đầu những năm 1950 khi chủ tịch đảng cộng sản Trung Quốc lúc đó là Mao Trạch Đông đã có những chính sách thúc đẩy đối với nền y học cổ truyền Trung Quốc, trong đó bao gồm cả việc sử dụng sừng tê giác để chữa “bá bệnh” - từ sốt cho đến ung thư. Những kẻ săn trộm đã tìm đến các nước châu Phi để săn lùng chúng và giết chết 98% số loài.

(*) Chú thích: nguyên văn là “the final nail in the coffin” có nghĩa đen là “chiếc đinh cuối cùng trong quan tài”.

15. Rùa đảo Pinta (2012)

Danh pháp khoa học: Chelonoidisnigra abingdonii 

Nơi sinh sống: quần đảo Galapagos, có nguồn gốc từ đảo Pinta của Ecuador 

Mô tả:

Đây là một phân loài của loài rùa khổng lồ sống trên quần đảo Galapagos. Chúng ngủ khoảng 16 giờ mỗi ngày và uống nhiều nước rồi trữ nước trong cơ thể suốt một thời gian dài để uống sau này. (* Loài động vật ăn cỏ này chủ yếu ăn rau xanh, cỏ, trái cây bản địa và các nhánh xương rồng. Chúng có thể sống đến 6 tháng mà không cần thức ăn nước uống!) 

Nguyên nhân tuyệt chủng:

Chúng bị săn lùng ráo riết để lấy thịt vào thế kỷ 19. Môi trường sống của chúng bị hủy hoại vào những năm 1950 khi dê được đưa lên đảo. Những nỗ lực nhằm bảo tồn quần thể loài rùa này vẫn được tiến hành, nhưng đến năm 1971 thì chỉ còn một con duy nhất: “chàng George Cô Đơn” (Lonesome George) nổi tiếng. Mặc cho những nỗ lực nhân giống (nghĩa là cho George giao phối với những con rùa cái) nhưng không có quả trứng nào có thể ấp nở. Cái chết của George vào năm 2012 là dấu chấm hết của loài rùa này. 

(* Trong vài thập niên, những nỗ lực nhằm nhân giống phân loài của George đều thất bại, lý do rất có thể là vì sự thiếu vắng một con cái thuộc phân loài này, vì vậy các nhà nghiên cứu của Trung tâm Darwin đã đưa ra giải thưởng trị giá 10.000 USD cho ai tìm được một con rùa cái phù hợp với George.)

Các loài tuyệt chủng gần đây

  • Cá heo sông Dương Tử (tuyên bố tuyệt chủng về mặt chức năng (*) vào năm 2006, một hoặc hai con vẫn có thể còn sống, nhưng không đủ để duy trì loài)
  • Gấu xám Mexico (1964)
  • Hổ Java (1994)
  • Sư tử biển Nhật Bản (1974)
  • Dê rừng Pyrénées (2000)
  • Báo Zanzibar (2008)

(*) Chú thích: Sự tuyệt chủng về mặt chức năng là sự tuyệt chủng của một loài hoặc phân loài mà trong đó:

(1) nó biến mất khỏi hồ sơ hóa thạch, hoặc các báo cáo lịch sử về sự tồn tại của nó chấm dứt; hoặc

(2) số cá thể giảm không còn đóng vai trò quan trọng trong chức năng hệ sinh thái; hoặc

(3) không còn cá thể nào có thể sinh sản.

Có thể bạn chưa biết

Bảng đánh giá tình trạng 5 năm (5-year Status Review) là một yêu cầu của Đạo luật về các loài có nguy cơ tuyệt chủng (Endangered Species Act) để đảm bảo rằng tình trạng của một loài được liệt kê (bị đe dọa hoặc có nguy cơ tuyệt chủng) vẫn chính xác và không thay đổi, tốt hơn hoặc xấu hơn.

Loài cực kỳ nguy cấp

Một loài được xem là cực kỳ nguy cấp khi nó được IUCN phân loại là có nguy cơ tuyệt chủng rất cao trong tự nhiên. Một số động vật trong danh sách dưới đây có thể đã tuyệt chủng, nhưng chúng không thể được tuyên bố chính thức cho đến khi nào hoàn tất các cuộc điều tra mở rộng và có kế hoạch. Đáng buồn thay, đây chỉ là một vài trong số những sinh vật xinh đẹp có nguy cơ biến mất, nếu chúng ta chưa kịp hành động.

  • Báo Amur (báo Mãn Châu)
  • Tê giác đen
  • Đười ươi Borneo
  • Khỉ đột song Cross (Gorilla gorilla diehli)
  • Tê giác Java
  • Cá heo không vây
  • Voi Sumatra
  • Đười ươi (Dã nhân)
  • Khỉ đột núi

Hiện tại, có hơn 5.000 loài được IUCN liệt kê là cực kỳ nguy cấp, với nhiều mức độ khác nhau.

Một thảm kịch do con người gây ra là nạn tuyệt chủng của rất nhiều loài động vật xinh đẹp. Thật đáng hổ thẹn khi tình trạng này vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay. Thậm chí khi mà cái giá phải trả cho nạn săn bắn quá mức được đưa ra, lòng tham vẫn có thể viện dẫn cho bản chất đen tối của loài người chúng ta.

Tôi hy vọng các bạn thích danh sách động vật tuyệt chủng xinh đẹp này. Mong rằng hiểu biết của chúng ta về những con thú khác thường đó sẽ hằn sâu trong ký ức và gợi dậy trong trí tưởng tượng của mỗi người chúng ta.

Nếu có thể, các nhà khoa học có nên “hồi sinh” các loài tuyệt chủng chăng?

Tác giả: Thomas Swan

Người dịch: Adonis Nguyễn Thanh

Bài viết gốc: https://owlcation.com

Chủ đề chính: #động_vật

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn