GiangIMGs Mình thường xuyên chia sẻ các bài viết về công nghệ mới, marketing, những điều thú vị...
Tự do tại TP. HCM

4 yếu tố hàng đầu quyết định chiến dịch marketing thành công

Đăng 6 năm trước

Thực hiện một chiến dịch marketing cũng giống như đúc trần nhà. Trần nhà không thể trụ được nếu không có cột vững. Để chiến dịch marketing thành công, cần có 4 điều sau đây, nó gọi là tứ trụ của tiếp thị.

4 yếu tố quyết định sự thành công của tiếp thị.

Sắp xếp theo mức độ quan trọng giảm dần:

  • Chất lượng sản phẩm.
  • Hình thức hoặc thiết kế bao bì hấp dẫn.
  • Công tác quảng cáo.
  • Giá cả: sản phẩm được định giá dựa trên những sự phân tích về tâm lý học, bối cảnh kinh tế xã hội và chi phí đầu vào.

1. Chất lượng sản phẩm

Chất lượng sản phẩm vượt trội so với các đối thủ trong cùng lĩnh vực chính là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định sự thành công của chiến dịch tiếp thị. Với một sản phẩm tồi, cho dù chúng ta có đổ hàng triệu đô-la tiếp thị cho nó đi chăng nữa, nó cũng không bao giờ có được sự chấp nhận của công chúng. Kể cả khi chúng ta thừa tiền đến mức đầu tư cho sản phẩm đó bằng mọi giá thông qua các chiến dịch quảng cáo thật công phu, sáng tạo và hấp dẫn công chúng, cùng lắm chúng ta có thể thuyết phục được vài người đến mua nó để thỏa mãn sự tò mò, để rồi doanh số sẽ càng lúc càng tụt giảm về sau, khi người tiêu dùng dần dần nhận ra chất lượng thực sự của sản phẩm. Việc chúng ta có thể duy trì được doanh số cao một cách lâu dài hay không phụ thuộc phần lớn vào chất lượng sản phẩm.

Bao bì sản phẩm

Tuy vậy, dù có quan trọng thế nào chăng nữa, chất lượng sản phẩm vẫn chỉ là một điều kiện cần; ấn tượng của công chúng đối với sản phẩm lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Một sản phẩm có chất lượng hàng đầu sẽ không thể được tiếp thị thành công nếu hình thức hoặc bao bì của nó không phản ánh được một đẳng cấp tương đương. Hình thức bao bì chính là sự trình diễn về mặt thị giác của sản phẩm trước mắt công chúng. Đối với người tiêu dùng, bao bì chính là phương tiện đầu tiên nói cho họ biết sản phẩm bên trong như thế nào và tốt xấu ra sao. “Trăm nghe không bằng mắt thấy” – ấn tượng thị giác, hay hình thức bên ngoài, chính là loại ấn tượng quan trọng nhất và tác động mạnh nhất vào thái độ của người tiêu dùng đối với sản phẩm. Trong thời đại ngày nay, “cái đẹp có thể đè bẹp cái nết”: Việc công chúng tiếp nhận hay không tiếp thận một sản phẩm hay một thương hiệu phụ thuộc nhiều vào ấn tượng thị giác mà chúng để lại trong tâm trí họ.

Xem thêm

Quảng cáo

Quảng cáo chỉ có thể phát huy đầy đủ tác dụng và hiệu quả của mình khi và chỉ khi nó được phục vụ cho một sản phẩm có chất lượng tốt được đóng gói trong một thiết kế bao bì có khả năng tạo ấn tượng thị giác tích cực đối với công chúng. Khi đó, một sự quảng cáo hiệu quả sẽ giúp gia tăng sức thuyết phục của thiết kế bao bì. Nhờ tác dụng này của quảng cáo, bao bì sản phẩm được nêm nếm một cá tính riêng và trở nên dễ nhận diện đối với người tiêu dùng. Quảng cáo giúp cho bao bì sản phẩm được gắn liền với những biểu tượng yêu thích của con người. Bên cạnh những ngôn từ thuyết phục trong quảng cáo, các thành phần này cùng nhau khơi gợi sự quan tâm và khao khát của người tiêu dùng đối với sản phẩm. Tất cả những hiệu ứng này sẽ không thể xảy ra với một thiết kế bao bì kém cỏi. Bao bì hoặc hình thức sản phẩm đảm bảo cho chiến dịch quảng cáo và tiếp thị gặt hái doanh số khả quan khi và chỉ khi chính bản thân nó cũng phải có quyền năng thuyết phục công chúng: Một bao bì thành công phải phản ánh được chất lượng sản phẩm bên trong; hình ảnh hoặc màu sắc của nó phải hấp dẫn được công chúng và thể hiện được một cá tính riêng.

Định giá sản phẩm

Định giá sản phẩm là một vấn đề liên quan đến tâm lý học, xã hội học, kinh tế học, và tất nhiên là liên quan đến cả chi phí đầu vào. Ví dụ, khi một người phụ nữ nhận xét một món hàng là rẻ, cô ấy đang ám chỉ một trong hai hoặc cả hai điều sau: 1- Sản phẩm này có giá thành rẻ so với thị trường, hoặc 2- “Tiền nào của nấy – Nó có chất lượng kém cỏi nên giá thành mới thấp như thế. Thông thường trên thực tế, lời nhận xét đó thường bao hàm cả hai nghĩa vừa nêu. Tương tự, nhiều người tiêu dùng có quan điểm rằng giá tiền càng cao nghĩa là sản phẩm có giá trị càng lớn, rằng một món hàng đắt đỏ đồng nghĩa với việc nó hoặc rất quý hiếm hoặc có chất lượng thượng hạng.

Việc định giá cũng cần dựa trên uy tín của nhãn hàng hoặc thương hiệu. Nhiều người tiêu dùng cho rằng giá tiền cao đồng nghĩa với việc chất lượng sản phẩm và uy tín được đảm bảo một cách nghiêm ngặt. Bối cảnh kinh tế xã hội của quốc gia hoặc địa phương cũng là một nhân tố cần được xem xét trong quá trình định giá và nhận diện uy tín thương hiệu. Điều này đặc biệt quan trọng trong các giao dịch mua bán liên quan đến quà tặng…

— trích sách “Thôi miên bằng khoa học màu sắc” của ThS. Louis Cheskin từ Viện Nghiên Cứu Màu Sắc Chicago:

Dịch: ThS. Phan Nguyễn Khánh Đan

Chủ đề chính: #marketing

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn