Nguyễn Minh Trí

6 nguyên tắc vàng 'tranh thủ nhân tâm' từ Dale Carnegie

Đăng 7 năm trước

'Đắc Nhân Tâm' của bậc thầy giao tiếp Dale Carnegie được xem là cuốn sách hay nhất mọi thời đại đưa bạn đến thành công. Hãy cùng chiêm nghiệm một số nguyên tắc trích dẫn từ tác phẩm nổi tiếng này để cải thiện khả năng ứng xử nhé.

1.Ghi nhớ tên người khác

Hãy tự nhắc nhở bản thân rằng tên của một người luôn là âm thanh êm đềm, thân thương và quan trọng nhất đối với họ. Tuy nhiên, trong các mối quan hệ xã hội, giao tiếp hiện nay, không ít bạn trẻ chỉ gọi tên người khác bằng đại từ rất chung chung và bâng quơ là "bạn", xưng "mình". Có lẽ đối với nhiều người, tên gọi chỉ đơn thuần là một cái tên, nhưng việc bạn ghi nhớ và gọi tên chính xác một ai đó sẽ tạo được thiện cảm và thân mật nơi họ, giúp bạn có thể dễ dàng duy trì và tiến xa hơn trong mối quan hệ. Hiển nhiên rằng khi ai đó không nhớ nổi tên bạn và gọi nhầm tên bạn với người khác chứng tỏ trong mắt họ, bạn không hề có vị trí xứng đáng nào và sẽ khiến bạn mau chóng phật ý, mích lòng.

Về khía cạnh kinh doanh, việc nhớ tên là mấu chốt quan trọng để mở lối thành công. Andrew Carnegie, người được mệnh danh là vua thép nước Mỹ, đã phát hiện ra tầm quan trọng của việc gọi tên người khác bằng tên riêng của họ và thành công trong việc khơi gợi được sự hợp tác của mọi người trong suốt cuộc đời mình. Trải qua nhiều năm nắm quyền các chuỗi nhà máy thép, ông có thể gọi tên rất nhiều công nhân một cách thân tình mà cũng nhờ đó mà chưa hề có cuộc đình công nào diễn ra. 

2.Lắng nghe vấn đề và nhu cầu người khác.

"Sự im lặng du dương hơn bất cứ bản nhạc nào" - Christina Rossetti, nữ thi sĩ người Anh. Quả thật vậy, để trở thành người giao tiếp khéo léo, ngoài khả năng ứng biến uyển chuyển, thuyết phục sắc sảo, trình bày sinh động, bạn cần tỉ mỉ trui rèn nghệ thuật lắng nghe vì đây là một trong những yếu tố cốt tủy nhất giúp bày tỏ thái độ trân trọng với người đối diện. Nếu để tâm quan sát, bạn sẽ nhận thấy từ "lắng nghe" trong tiếng Trung Quốc được cấu thành bởi năm từ bên trong - tai, mắt, tim, một và vua, ngụ ý rằng trong trò chuyện, chúng ta cần mở rộng tai, mắt, tấm lòng và hòa cùng tâm tư người đối diện để đạt được mục đích giao tiếp mong muốn. 

Chắc hẳn trong chúng ta đều có đôi lần được bạn bè chọn làm nơi giãi bày tâm sự, trút bỏ muộn phiền. Tuy nhiên, đôi lúc một người trình bày vấn đề riêng tư với bạn, họ vốn dĩ đã có sẵn suy tính và giải pháp trong đầu. Cái họ cần chỉ là một người kiên nhẫn lắng nghe và tán đồng, ủng hộ ý kiến, chứ không phải một người để cùng tranh luận gắt gao hoặc nhận lại lời khuyên và cảnh báo trái ngược với dự tính của họ. Có người từng viết trên tờ Reader's Digest rằng: "Nhiều người mời bác sĩ đến chỉ để nghe mình nói". Từ đó có thể thấy khao khát được lắng nghe tâm tư, nguyện vọng là nhu cầu rất đỗi thiết tha của mỗi cá nhân và bạn cần sáng suốt nắm bắt điều này. 

3.Nói về điều người khác quan tâm

Quả thật, một người sẽ không quan tâm sâu sắc đến vấn đề cá nhân của bạn, trừ khi bạn cũng thật sự quan tâm đến các vấn đề của họ. Con đường nhanh nhất để tạo nên sự đồng điệu, hài hòa trong ứng xử và chinh phục trái tim ai đó là cùng bàn luận về những gì người đó quan tâm. Một trong những lời khuyên quý báu nhằm tạo hảo cảm nơi người khác và duy trì lâu dài cuộc trò chuyện là hãy chủ động khơi gợi những chủ đề mà người đối diện bạn có hứng thú.

Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt được biết đến với bề dày kiến thức và mức độ uyên thâm về nhiều vấn đề. Dù là đối diện chú bé chăn bò ở Texas hay chính khách đến từ New York, ông đều có thể tạo nên sự cởi mở và thú vị cho cuộc trò chuyện. Bí quyết vàng của ông đó là trước khi gặp gỡ ai đó, ông đều dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu về những chủ đề mà ông biết bằng người khách đó sẽ đặc biệt quan tâm. Chính thái độ tinh ý và đầu tư đã giúp ông trở thành một trong những nhà lãnh đạo kiệt xuất nhất trên thế giới. 

4.Thật lòng khiến người khác cảm thấy họ quan trọng

Tiềm tàng trong mỗi con người đều là khát khao cháy bỏng được thừa nhận vị trí, nỗ lực và ca ngợi thành quả bản thân. Nhà cải cách giáo dục Hoa Kỳ John Dewey từng nói "Lòng ham muốn được tỏ ra mình quan trọng là một sự thôi thúc mạnh mẽ nhất trong bản chất con người". 

Claude Marais, chủ khách sạn nổi danh ở thành phố Rouen, Pháp đã áp dụng nguyên tắc này để giữ lại Paulette - nhân viên chủ chốt giúp kết nối ông và toàn bộ các nhân viên khác trong khách sạn suốt 5 năm bằng cuộc hẹn gặp riêng Paulette để bày tỏ sự trân trọng đối với năng lực nghiệp vụ và trách nhiệm của cô ấy, đồng thời khen ngợi và khẳng định lòng tin tưởng của ông đối với Paulette trước mặt toàn thể đồng nghiệp và gia đình ông. Nhờ thái độ biết ơn và tín nhiệm đó mà Paulette rút đơn thôi việc và tiếp tục ở lại khách sạn. Hãy ghi nhớ rằng dù ở bất kì vị thế nào, việc làm cho người khác nhận ra giá trị quan trọng của bản thân sẽ giúp họ hoàn thành tốt công việc và nỗ lực nhiều hơn nữa. 

5.Đừng bao giờ nói "Anh/chị sai rồi!"

Tôn trọng ý kiến, không bác bỏ, bài xích tư duy người khác là tôn chỉ giúp bạn tạo sự lịch thiệp, hòa nhã trong giao tiếp. Ai cũng đều mắc phải sai lầm, việc bạn công khai chỉ trích người khác bằng những câu đại khái như "Không. Cô sai rồi!", "Tôi sẽ chứng minh cho anh thấy là tôi đúng" đồng nghĩa với việc bạn đang thách thức tâm lý đối phương và là búa tạ nặng nề, nảy ngược đập thẳng vào nền tảng trí tuệ, khả năng xét đoán và lòng tự tôn của một người.

 

Đừng nên cho rằng mình là người thông minh và sáng suốt nhất trong mọi tình huống. Bởi, đối phương có thể đúng. Ngay cả tổng thống Roosevelt cũng thú nhận khả năng quyết định đúng của ông cao nhất cũng chỉ 75% và nếu bạn cam đoan khả năng phán xét của mình vượt ngưỡng 55% trong mọi vấn đề thì bạn có thể đến ngay trung tâm tài chính Wall Street và kiếm hàng triệu đô la mỗi ngày. Do đó, khi cảm thấy bất đồng quan điểm với ai đó, bạn không nên mồm năm miệng mười lập tức bác bỏ ý kiến của họ bằng việc khẳng định cực đoan rằng họ hoàn toàn sai, mà hãy dùng câu thần chú "Anh/chị nói đúng. Tôi có ý kiến như thế này, chúng ta cùng xem xét và bàn luận". Còn nếu bạn sai, đừng ngần ngại thừa nhận sai lầm một cách chân thành. Bạn sẽ nhận thấy sự nhiệm màu từ câu nói "Có lẽ tôi đã sai rồi".

6.Cho đối phương thấy họ sẽ nhận được gì nếu giúp đỡ bạn

Lời khuyên này nghe qua có vẻ thực dụng và mưu cầu lợi ích cá nhân nhưng lại là một nguyên tắc hữu hiệu để nhận được hợp tác và chấp thuận. Trong các buổi phỏng vấn xin việc, điều mà nhà tuyển dụng thực sự muốn biết từ các ứng viên chính là khả năng cống hiến và lợi ích mà bạn có thể mang lại cho công ty, chứ họ không muốn dành thời gian để lắng nghe bạn thao thao bất tuyệt về thành tích học tập, nguyện vọng, mong mỏi và ước mơ cá nhân. Nếu bạn cho họ thấy rõ và tin tưởng bạn sẽ làm được những gì cho công ty, bạn chắn chắc sẽ nhận tấm vé vào vòng trong. 

Điều gì khiến Edgar Thomson - chủ tịch Công ty Đường sắt Pennsylvania đồng ý hợp tác với vua thép Andrew Carnegie? Chính Andrew đã đồng ý xây dựng nên nhà máy thép khổng lồ ở thành phố Pittsburgh và chủ động đặt tên cho nhà máy thép là Edgar Thomson. Chính sự lưu danh tự nguyện này đã tạo nên cái bắt tay hợp tác trị giá hàng triệu đô la cho Andrew bởi ông không chỉ trân trọng tên tuổi đối tác kinh doanh mà còn giúp Edgar nhận ra lợi ích thu được mà không cần nhọc công thương thuyết. 

Chủ đề chính: #giao_tiếp

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn