John Tran ''Sự khoan dung là món quà lớn nhất của tâm hồn; nó đòi hỏi nỗi lực của bộ não cũng nhiều như khi bạn phải giữ thăng bằng khi đi xe đạp''. - Hellen Keller

Bộ ảnh hiếm về Đoàn sứ giả Đại Nam tại Pháp năm 1863

Đăng 5 năm trước

Năm 1863, vua Tự Đức cử Phan Thanh Giản làm Chánh sứ sang Pháp thương nghị về việc xin chuộc ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường đã cắt nhượng cho Pháp trong Hoà ước Nhâm Tuất 1862. Trong dịp này, đoàn sứ giả Đại Nam (Quốc hiệu Việt Nam lúc bấy giờ) đã được chụp một bộ ảnh tại Paris. Bộ ảnh giờ đây đã trở thành những tài liệu lịch sử vô cùng quý giá, được nhiều nhà nghiên cứu sử học và người yêu lịch sử quan tâm tìm hiểu. Bài viết dưới đây xin phép giới thiệu những bức ảnh vô cùng quý giá ấy.

Album giới thiệu môt số hình ảnh trong bộ ảnh đã số hóa của Thư viện Quốc gia Pháp. Đây là một phần ảnh chụp của tác giả Jacques-Philippe Potteau trong Bộ ảnh Nhân chủng học do Thư viện ảnh của Viện Bảo tàng Nhân loại (Paris) phát hành trong khoảng 1860-1869. 

Phan Thanh Giản (chữ Hán: 潘清簡; 1796 - 1867), tự Tĩnh Bá, Đạm Như (淡如), hiệu Ước Phu, Lương Khê; ông là một danh sĩ, một đại thần triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam. Năm 1825, ông đậu Cử nhân khoa Ất Dậu. Sau đó một năm, ông đậu đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ khoa Bính Tuất niên hiệu Minh Mạng thứ 7 (1826), vào năm 30 tuổi. Ông là người đậu Tiến sĩ khai khoa ở Nam bộ.Từ đấy, ông làm quan trải ba triều, là Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Trên đây là hình chụp tại Paris năm 1863 nhân dịp ông dẫn đầu sứ bộ sang Pháp để xin chuộc đất.

Phạm Phú Thứ (chữ Hán: 范富恕; 1821–1882), trước tên là Phạm Hào (khi đỗ Tiến sĩ, được vua Thiệu Trị đổi tên là Phú Thứ), tự: Giáo Chi, hiệu Trúc Đường, biệt hiệu: Giá Viên; là một đại thần triều nhà Nguyễn, và là một trong số người có quan điểm canh tân nước Việt Nam trong những năm nửa cuối thế kỷ 19.

Sinh thời ông đã hướng dẫn người làng Đông Bàn quê ông chế tác xe đạp nước, xe trâu là công cụ thủy lợi khá hữu ích bà con nông dân đỡ vất vã mà năng suất lúa tăng lên. 

Phạm Phú Thứ được khen ngợi là một viên quan tốt và là một nhà thơ có tài.

Ngụy Khắc Đản (魏克憻, 1817–1873) tự Thản Chi, là danh sĩ và là quan nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam.

Để chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường) vừa bị mất sau hòa ước trên, năm 1863, Ngụy Khắc Đản được cử làm bồi sứ trong phái đoàn của Phan Thanh Giản đi sang Pháp thương thuyết để chuộc lại ba tỉnh vừa kể, nhưng không thành công.Đi sứ về, năm 1864, Ngụy Khắc Đản được thăng làm Bố chính sứ Nghệ An, rồi lần lượt trải các chức: Khâm sai Kinh lý Trấn Ninh, sung Tuyên phủ sứ, thự Hữu tham tri bộ Hộ, Thượng thư bộ Binh, Thượng thư bộ Công, sung tham biện viện Cơ mật.Sau vì bệnh, Ngụy Khắc Đản xin cáo về rồi mất tại quê nhà năm 1873, lúc 56 tuổi. Nghĩ đến công lao, vua Tự Đức chuẩn cho ông thực thụ hàm Tham tri và sai quan đến tế.

Bộ ảnh chụp các nhân vật trong đoàn sứ giả Đại Nam, tuổi từ 17 đến 70, thuộc nhiều thành phần, từ học sinh, lính hầu, người giúp việc, đến các quan văn võ từ hàng thất phẩm đến nhất phẩm triều đình.

Trần Tử Luông ( 17 tuổi, con của Đốc phủ sứ Trần Tử Ca) Là một trong 9 người được chính quyền Pháp tại Sài Gòn cử đi cùng chuyến tàu sang Pháp với sứ đoàn Phan Thanh Giản. Trần Tử Luông và Simon Của (18 tuổi) là hai học sinh trường Adrans (Trường đào tạo thông ngôn và viên chức người Việt làm việc cho chính quyền thực dân Pháp), được cử đi Pháp du học chứ không có công việc gì liên quan đến sứ đoàn Việt Nam.

Danh sách thành viên sứ đoàn An Nam và những người đi cùng (tất cả gồm 63 người), được hộ tống bởi Thiếu úy Henri Rieunier trên tàu hơi nước Europeen từ Sài Gòn đến điện Tuileries.

Hai người chết, được biết 1 người là thông ngôn Nguyễn Văn Trường và 1 người là thầy thuốc Nguyễn Văn Huy. Vì chết trước khi tới nơi nên trong album không có hình 2 người đó.

Bộ ảnh góp phần giúp người xem hình dung được một cách chân thực hơn về nhân dạng, ngoại hình và cách phục sức của quan, lính, văn nhân, võ tướng Đại Nam ở cuối thế kỷ thứ 19. Bộ ảnh chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa cần được giữ gìn và trân trọng.

Martin Trieu - Ohay.tv

(Theo Dainamball)

Chủ đề chính: #lịch_sử_Việt_Nam

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn