nguyentin

Chơi hụi mà ta thường thấy ở địa phương thực chất là gì?

Đăng 5 năm trước

Trong số các bạn, có ai lúc nhỏ mà thường hay thấy có một người đến nhà mình để thu tiền hụi mỗi tháng không? Lúc mình còn nhỏ, mình thường thấy bà nội mình đóng tiền hụi mỗi tháng mà không biết đó là gì nên mình quyết định nghiên cứu về hình thức đầu tư này để chia sẻ với mọi người có cùng thắc mắc như mình.

Chơi hụi là gì?

Hụi, hay còn gọi là họ, phường, là một hình thứcvay vốn tiết kiệm dân gian, gần giống như hình thức vay trả góp ngày nay, bắt nguồn từ xa xưa ở Việt Nam và thường do phụ nữ đứng ra tổ chức.

Hình thức và ví dụ

Thay vì phải tiết kiệm thời gian dài để có một số tiền nhất định,thì một dây hụi được thường được tổ chức ra với những người trong một khu vực địa phương, xóm, khu phố,…mà theo đó, những người chơi hụi sẽ có được số tiền lớn hơn nhiều lần so với số tiền mình góp mà không cần phải chờ đợi tích lũy trong thời gian dài hoặc tùy theo cách thức thỏa thuận do người đứng đầu dây hụi đề ra.

Trước khi đưa ra ví dụ để các bạn hiểu rõ hơn,mình muốn chia sẻ một số thuật ngữ thường dùng trong Hụi để dễ hiểu hơn: Khi một người đứng ra tổ chức chơi hụi kêu gọi nhiều người khác tham gia đóng góp thì người đứng ra sẽ được gọi là “Chủ hụi”. Còn những người tham gia đóng góp thì gọi là “Con hụi”, cả một hệ thống sẽ được gọi là “Dây hụi”. Chủ hụi sẽ có nhiệm vụ mỗi tháng đi thu tiền hụi của các con hụi, gọi là “đóng hụi”. Có nhiều hình thức tổ chức Hụi khác nhau tùy theo các thỏa thuận với chủ hụi, tuy nhiên sẽ có 2 hình thức phổ biến đó là Hụi không lãi và Hụi tính lãi.

Ngoài ra còn có một số thuật ngữ như: “hốt hụi” dùng để chỉ việc một con hụi nhận được số tiền sau thời gian đóng hụi. Khi một trong số các con hụi không chịu đóng tiền hoặc rút ra khỏi dây hụi thì những người chưa đến thời gian hốt hụi sẽ bị ảnh hưởng xấu, gọi là“bể hụi”. Trường hợp chủ hụi lừa đảo, các con hụi sau khi đóng hụi, đến khi hốt hụi lại không tìm được chủ hụi thì gọi là bị “giựt hụi”.

Lý giải cụ thể

Đầu tiên, chủ hụi sẽ thỏa thuận với các con hụi về số tiền mà mỗi lần hốt. Ví dụ, một dây hụi 6,000,000 đồng/tháng và 10 con hụi, mỗi con hụi sẽ phải đóng 20,000 đồng/ngày. Trong lần hốt hụi đầu tiên (sau một tháng), con hụi nào được hốt sẽ có được số tiền là 6,000,000 đồng(20,000 x 10 người x 30 ngày), thay vì chỉ tiết kiệm 20,000 đồng mỗi ngày thì người này chỉ được 600,000 đồng sau một tháng, và sau khi hốt hụi thì người nàysẽ tiếp tục đóng hụi 20,000 đồng/ngày cho đến khi tất cả các con hụi trong dây được hốt hụi. Đó là lý do vì sao hình thức này gần giống như vay trả góp, sau khi hốt được số tiền lớn gấp 10 lần tiền tiết kiệm của mình, con hụi sẽ trả góp từ từ cho đến khi đủ. Đây là hình thức hụi không có lãi, ngoài việc hốt được 6,000,000 đồng, con hụi được hốt hụi còn phải trả tiền công cho chủ hụi nếu có thỏa thuận trước.

Còn hình thức có tính lãi, khác với hình thức không lãi ở chỗ thay vì lần lượt từng người được hốt hụi, trong dây hụi sẽ có những người cần tiền gấp và muốn hốt hụi trước, người này sẽ phải chịu một phần lãi đỡ cho các con hụi chưa cần tiền và hốt hụi sau, vì phần lãi này sẽ trừ trực tiếp vào số tiền hụi của các con hụi hốt sau. Ví dụ như dây hụi 6,000,000 đồng mà mỗi con hụi phải đóng 20,000 đồng mỗi tháng. Anh X vì muốn hốt hụi trước, gọi là “hụi chết”, nên sẽ thỏa thuận với những con hụi còn lại và chủ hụi, anh muốn trả lãi 20,000 đồng để hốt trước, thì anh X được hốt 6,000,000 đồng và trả lãi 20,000 đồng, từ đó trở về sau anh X phải đóng hụi là 40,000 đồng mỗi tháng, còn những con hụi còn lại do được hưởng lãi nên chỉ cần đóng 20,000 – 20,000/9 = 17,778 đồng. Tới tháng, một chị Y muốn hốt hụi thìcũng đề xuất tương tự anh X, ví dụ lãi 10,000 đồng, thì từ tháng đó về sau chị Y cũng sẽ phải đóng 17,778 + 10,000 = 27,778 đồng mỗi tháng. Tương tự những người sau sẽ chỉ cần đóng 17,778 – 10,000/8 = 16,528 đồng mỗi tháng. Ngoài khoản lãi,con hụi vẫn phải trả tiền công tổ chức hụi cho chủ hụi theo thỏa thuận hai bên.Như vậy với hình thức hụi này, người hốt càng về sau thì sẽ càng lời nhiều, gọi là “hụi sống”, nhưng càng về sau sẽ càng nhiều rủi ro hơn, những người đã hốt hụi có thể sẽ bỏ trốn trở thành “hụi ma”, bị bể hụi.

Những rủi ro khi chơi hụi

Nhìn sơ qua có thể thấy, đây là một hình thức vay trả góp huy động tài sản chỉ dựa vào tín chấp là chính, mọi người thân quen, tin tưởng lẫn nhau, tin tưởng chủ hụi, không hề có bất kỳ vậy thế chấp hay bằng chứng cụ thể gì. Do là một hình thức dân gian, nên sẽ thiếu đi yếu tố hệ thống và chuyên nghiệp, một dây hụi là một vòng tròn mà mỗi con hụi đều là một mắt xích quan trọng, nên dây hụi càng lớn, rủi ro càng cao,chỉ cần một mắt xích bị đứt, dây hụi sẽ bị bể. Đã có nhiều trường hợp bể hụi do con hụi bỏ trốn, hay do chủ hụi giựt hụi, thiệt hại lên đến vài trăm triệu có khi lên đến vài tỷ. Thực tế cho thấy đã có không ít các vụ giựt hụi, bể hụi.

Vì cũng là một hình thức đầu tư, việc chơi hụi đã được hợp pháp hóa trong qui định của pháp luật, hình thức đầu tư nào thì cũng có rủi ro, không ít thì nhiều. Vì vậy chúng ta cần hiểu rõ các qui định pháp luật về hình thức này cũng như tìm hiểu kỹ về cách thức,chọn chủ hụi mà mình có thể tin tưởng, phải biết rõ được dây hụi mà mình tham gia có bao nhiêu người và đó là những người nào để tránh bị rơi vào trường hợp bị lừa, mất cả “chì lẫn chài”. Nếu đã tham gia vào dây hụi, lời khuyên cho bạn là nên chủ động, mạnh dạn tham khảo các sổ sách, chứng từ liên quan từ phía chủ hụi, tìm hiểu kỹ hơn về các con hụi, để có hướng giải quyết phù hợp nếu có vấn đề xảy ra. Khi xảy ra tranh chấp về hụi, các bên nên chủ động chấm dứt dây hụi, thương lượng, hòa giải với nhau, có thể lập thành bản thỏa thuận mới theo hướng chốt nợ, đưa ra thời điểm trả nợ. Nếu không hòa giải, thương lượng với nhau được thì người bị thiệt hại nên khởi kiện ra Tòa án, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.Sổ hụi là một giấy tờ quan trọng trong hình thức này,nếu đã hoặc đang muốn tham gia vào một dây hụi thì bạn cần phải biết rõ các thông tin trong sổ hụi và tính xác thực của nó.

Nghị định 144 quy định về sổ hụi

Chủ hụi phải lập và giữ sổ hụi.

Trong trường hợp hụi không có chủ hụi thì những người tham gia hụi ủy quyền cho một thành viên lậpvà giữ sổ hụi.

Tùy theo từng loại hụi, sổ hụi có thể bao gồm các nội dung sau:

Tên, địa chỉ của chủ hụi và các thành viên trong hụi;

Phần hụi, kỳ mở hụi, thể thức góp hụi và lĩnh hụi;

Số tiền, tài sản khác đã góp hụi hoặc đã lĩnh hụi;

Việc chuyển giao phần hụi;

Việc ra khỏi hụi và chấm dứt hụi;

Chữ ký hoặc điểm chỉ của các thành viên khi góp hụi và lĩnh hụi;

Các nội dung khác liên quan đến hoạt động của hụi.

Chơi hụi thời công nghệ

Thời buổi công nghệ phát triển, các dịch vụ tài chính liên tục phát triển nâng tầm, chơi hụi cũng không ngoại lệ. Ngày nay, các hình thức chơi hụi online khá phổ biến nhất là ở dân văn phòng. Vì lãi suất cao hơn so với tiết kiệm ngân hàng, cao hơn gấp 4 đến 5 lần lên đến 10-12%/năm và việc lập ra một dây hụi online cũng dễ dàng hơn so với việc lập một dây hụi như truyền thống. Một con hụi online cho biết, mặc dù chỉ biết nhau qua các nickname trên mạng, các diễn đàn, nhưng chủ hụi cũng làm việc khá chuyên nghiệp, luôn có những buổi gặp mặt định kỳ mỗi kỳ hốt hụi và các thành viên cũng nắm rõ lý lịch của nhau vì mỗi lần gặp mặt chủ hụi đều yêu cầu các thành viên phải mang theo chứng minh căn cước và các giấy tờ liên quan khác đến.

Theo anh Bùi Huy Kiên, giám đốc công ty quản lý một diễn đàn hụi online, anh thừa nhận những rủi ro mà hình thức này mang lại nhưng bên cạnh đó anh cũng ủng hộ và cho rằng đây là một nhu cầu thực, bên cạnh việc mang lại lợi nhuận cho mỗi các nhân và diễn đàn, anh Kiên cũng lập ra một khu vực riêng để tập hợp thành viên các dây hụi ngoài việc chính ra còn có thể tham gia giao lưu cộng đồng, gắn kết với nhau chứ không chỉ là “biết nhau qua mạng”.

Còn Luật sư Vũ Tiến Vinh, giám đốc một công ty luật ở Hà Nội, chơi hụi là hình thức góp vốn. Do vậy, nhiều vụ kiện cáo, tố cáo cũng bắt nguồn từ hình thức này. Chơi hụi bình thường đã rủi ro, chơi online càng rủi ro hơn vì người chơi không biết rõ về nhau, nhiều khả năng là những người mạo danh hoặc chatbot. Nếu người nào lừa đảo khi chơi hụi, ôm cả trăm triệu bỏ trốn, chỉ cần số tiền lừa đảo trên 2 triệu đồng là đã đủ căn cứ để bị truy tố hình sự.

Chủ đề chính: #chơi_hụi

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn