nguyentin

Cội nguồn Tết Việt (Phần 2)

Đăng 5 năm trước

Nguồn gốc của tục Lì xì đầu năm.

Người Việt có quan niệm nếu ngày đầu năm mới mọi việc diễn ra tốt đẹp và suông sẻ thì sẽ mang đến may mắn cho cả năm tới. Nên vào ngày mồng 1 Tết, mọi người trong gia đình sẽ trao nhau những lời chúc tốt đẹp, con cái mừng tuổi ông bà cha mẹ, ngược lại ông bà cha mẹ mừng lì xì cho con cháu. Điều này mang lại nhiều ý nghĩa về tinh thần cho người Việt.

Nguồn gốc của lì xì

Nghĩa của từ Lì xi trong tiếng Trung, theo tác giả Hạo-nhiên Nghiêm Toản, bản thân từ "lì xì" có nguồn gốc là từ "lợi thị". Từ "lợi thị" được ông giải thích theo 3 ý nghĩa có phần tương tự nhau. Nghĩa thứ nhất là lợi có được từ việc mua bán, nghĩa thứ hai là điều tốt lành, và nghĩa thứ ba là vận may mà trong cả ba nghĩa đều là được lợi, được may mắn tốt lành.

Ở Trung Quốc, tục này còn được gọi là "hồng bao" để chỉ bao giấy điều màu đỏ bên trong có đựng tiền. Tuy nhiên, tục "hồng bao" không chỉ xuất hiện trong dịp Tết Nguyên Đán mà còn xuất hiện trong nhiều dịp lễ quan trọng của một hay nhiều người mà người ta cũng muốn trao nhau lời chúc và điều tốt lành, và không chỉ dành riêng cho trẻ em mà cả người lớn.

Một giai thoại về lì xì

Sự tích kể rằng, phong tục lì xì ngày Tết Nguyên đán bắt nguồn từ Trung Quốc. Theo truyền thuyết, có một con yêu quái thường xuất hiện vào đêm giao thừa, thích xoa đầu trẻ con đang ngủ ngon giấc khiến chúng giật mình khóc thét lên. Hôm sau, trẻ đau đầu, sốt cao làm các bậc cha mẹ không dám ngủ để canh phòng. 

Có một cặp vợ chồng ngoài 50 tuổi mới sinh được mụn con trai. Tết năm ấy, có 8 vị tiên dạo qua nhà, biết trước cậu bé này sẽ gặp tai họa với yêu quái liền hóa thành 8 đồng tiền, ngày đêm túc trực bên bé. Sau khi chú bé ngủ say, hai vợ chồng lấy giấy đỏ gói những đồng tiền này lại, đặt lên gối con rồi đi ngủ. Nửa đêm, con yêu quái xuất hiện, vừa giơ tay định xoa đầu đứa trẻ thì từ bên chiếc gối lóe lên những tia vàng sáng rực khiến nó kinh hoàng bỏ chạy.

Hai vợ chồng vui mừng đem chuyện kể lại cho mọi người nghe. Thấy việc lấy tiền bọc trong bao đỏ xua đuổi được yêu quái, giúp cho trẻ em mạnh khỏe an lành nên cứ Tết đến người ta lại bỏ tiền vào những phong bì đỏ cho trẻ em, còn gọi là tiền lì xì và nó dần dần trở thành phong tục tiền mừng tuổi hay còn gọi là lì xì ngày Tết.

Mặc dù ngày nay, sau khi đã du nhập vào Việt Nam, không còn là 8 đồng vàng và phong bì đỏ, nhiều phong bì được trang trí rất sặc sỡ, nhiều màu sắc khác nhau và ngày nay người ta cũng không còn sử dụng tiền đồng nữa. Phong tục này không quan trọng về số tiền bên trong ít hay nhiều, hầu hết người Việt Nam tin rằng việc lì xì là một biểu hiện của lộc xuân, của sự may mắn.

Mừng tuổi đầu năm là một hành động ước lệ, tượng trưng cho lời cầu chúc may mắn, sức khỏe và sự sung túc tới cho gia chủ.

Tết ở những quốc gia khác cũng có tục lì xì

Không chỉ Việt Nam, Trung Quốc, nhiều quốc gia theo Hồi giáo cũng có tục này. Những người Mã Lai sinh sống ở Malaysia, Brunei, Indonesia và Singapore cũng sớm tiếp nhận tục lệ mừng tuổi người già và trẻ nhỏ trong Tết Eid al-Fitr của người Hồi giáo. Tuy vậy, thay vì dùng phong bao đỏ, họ dùng phong bao xanh lá cây.

Tết Eid al-Fitr là một dịp lễ quan trọng trong Hồi Giáo, vì vậy khi có bạn bè hoặc người thân đến nhà chơi, họ thường chuẩn bị sẵn những bao lì xì màu xanh lá cây để trao cho nhau, không chỉ cho người già và trẻ em, mà tất cả mọi người, với mục đích thể hiện sự hào phóng của mình vào một dịp lễ quan trọng như thế.

Đối với Hàn Quốc, tục lì xì cũng khác một chút so với Việt Nam. Các bé trai và bé gái khi nhận tiền lì xì cần phải thực hiện một nghi lễ gọi là "sebae", cúi đầu lạy ông bà cha mẹ thể hiện lòng biết ơn công sinh thành nuôi nấng. Trong nghi thức này, các con các cháu sẽ xếp thành một hàng vào đúng ngày mồng 1 Tết Jesa bắt đầu thực hiện nghi lễ cúi lạy, cách bé trai và bé gái chắp tay cũng khác nhau. Bé gái đặt úp tay phải lên trên tay trái và giữ cánh tay song song với mặt đất, bé trai sẽ xếp tay ngược lại tạo hình chữ V. Cả hai cùng nói "saehae bok manee badesaeyo", có nghĩa "mong nhiều phúc lành sẽ đến với ông bà" và từ từ cúi gập người. Đồng thời ông bà cũng cúi người và chúc câu tương tự. Kết thúc nghi lễ, các bé sẽ được bậc tiền bối trao những phong bao lì xì đủ sắc màu. Trong bao lì xì không những có tiền, còn có cả vàng ngọc,...

Còn ở Nhật Bản, bao lì xì của họ cũng độc đáo không kém với tên gọi Otoshidama-bukuro. Đây là loại bao lì xì nhỏ xinh xắn được thiết kế theo các nhân vật truyện tranh ở đây. Tên gọi này bắt nguồn từ một loại bánh gạo của Nhật dùng để dâng cho thần năm mới. Tuy theo độ tuổi mà mệnh giá càng cao, cao nhất là 10000 yên tương đương với 2 triệu đồng, các bé còn được lì xì cả bánh kẹo và đồ chơi cho đến hết năm học cấp 3. Khi nhận từ người lớn không quên kèm theo câu " Akemashite omedetou gozaimasu" có nghĩa là "chúc mừng năm mới".

Cho tới nay, chuyện lì xì ngày Tết vẫn là một phong tục không thể thiếu được trong mỗi gia đình. Nhìn cảnh ông bà, bố mẹ, con cháu lì xì cho nhau, vui vẻ, ấm cúng mới đúng mới thuần phong mỹ tục của gia đình và Tết Việt.

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn