Kokoro Vì gió vẫn thổi và ta phải tiếp tục sống và mơ ước dù biết ngọn gió cuộc đời không lặng bao giờ

Cướp biển vùng Caribbean - Từ huyền thoại đến sự thật

Đăng 4 năm trước

Những thước phim về cướp biển vùng Caribbean đã đưa người xem vào một thế giới vừa hiện thực đến mức tàn khốc, lại vừa huyền bí đầy màu sắc kỳ ảo. Nhưng phải chăng đó hoàn toàn chỉ là hư cấu? Liệu có thực sự tồn tại những nhân vật như Jack Sparrow ngoài đời thật hay không?

Hình tượng cướp biển đã trở thành một phần của nền văn hóa đại chúng kể từ khi mới xuất hiện trên các đại dương mênh mông hàng trăm năm trước, với tham vọng vươn tới những kho báu khổng lồ, tiếng tăm đáng sợ và vinh quang lừng lẫy. Những câu chuyện về các "chiến công" của hải tặc đã từng là chủ đề hút khách và được mọi người bàn tán sôi nổi ở thế kỷ 17 và 18.

Đến tận 300 năm sau, những chuyện kể về Long John Silver, thuyền trưởng Hook và Jack Sparrow vẫn chưa bao giờ mất đi sức hút trong lòng công chúng. Nhưng liệu những thước phim và tiểu thuyết tô vẽ hình ảnh cướp biển đó có một chút cơ sở thực tế nào không? Liệu có thực sự tồn tại một dấu X bí ẩn trên bản đồ, những kho báu được cất giấu cẩn mật, hay những lá cờ đen đầu lâu xương chéo ám ảnh khắp các đại dương trên thế giới? Và có hay không những cuộc giao đấu nảy lửa một mất một còn giữa lực lượng hải quân chính nghĩa và những tên hải tặc sống lênh đênh nay đây mai đó ngoài vòng pháp luật?

Câu trả lời là: Có!

Mà không chỉ vậy. Thực tế những câu chuyện ngoài đời thật cũng ly kỳ hấp dẫn chẳng kém bất cứ tập phim nào mà chúng ta từng thưởng thức trên màn ảnh lớn.

Cái tên có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong giới hải tặc

Nếu phải chọn ra một nhân vật khơi nguồn cảm hứng cho cái được gọi là "Thời Kỳ Hoàng Kim Của Hải Tặc" thì đó nhất định là thuyền trưởng Henry Avery. 

Tác giả Colin Woodard trong cuốn sách của mình mang tên "The Republic of Pirates" (Nước Cộng Hòa Hải Tặc) đã viết rằng, những chuyến phiêu lưu của Avery "đã truyền cảm hứng cho kịch nghệ và tiểu thuyết, giới sử học và các tác giả viết báo, và cuối cùng là chính những tên cướp biển của Thời Kỳ Hoàng Kim". 

"Hắn thực sự là một biểu tượng và là nguồn cảm hứng quan trọng đối với những kẻ hậu sinh đã trở thành cướp biển của Thời Kỳ Hoàng Kim," Woodard trả lời hãng tin CNN. "Một phần nguyên do là vì Henry Avery đã trở thành một hiện tượng trong nền văn hóa đại chúng vào lúc mà những tên hải tặc khác mới chỉ là trẻ con và thiếu niên". Khi họ còn là những gã trai trẻ thì Avery đã là một huyền thoại rồi.

Vốn là một thủy thủ làm việc trên tàu buôn, Avery - cũng giống như nhiều thủy thủ khác - đã ngày càng tỉnh ngộ rõ hơn về thực tế cuộc sống lúc bấy giờ. Theo lời Woodard, các thủy thủ thời đó bị đối xử rất tệ bạc bởi các thuyền trưởng và chủ tàu buôn. Họ phải sử dụng những nhu yếu phẩm tệ hại, bị ăn gian tiền công vào cuối cuộc hải trình, thường xuyên phải ăn thực phẩm ôi thiu và bị đưa lên những con tàu được cố ý không trang bị đủ đồ dùng.

Thế là quá lắm rồi. Năm 1694, Avery đã tập hợp những thủy thủ cùng chung chí hướng vươn đến sự tự do, giàu có và vinh quang để cướp lấy một chiếc tàu dưới sự che chở của màn đêm tăm tối. Thuyền trưởng của tàu khi đó là Charles Gibson vốn đang say ngủ đã bị Avery bỏ lại trên một chiếc xuồng nhỏ. 

Người ta kể rằng trước khi lái tàu đi, Avery đã thốt lên lời chào tạm biệt: "Ta là người của tự do, và phải đi tìm kho báu của mình".

Avery cùng đoàn người của hắn giương buồm đến Ấn Độ Dương và chọn đảo Madagascar làm căn cứ điều hành. Chẳng bao lâu sau họ đã bắt gặp và đánh chiếm một tàu thuộc sở hữu của một vị vua Ấn Độ. Những bản tường trình sau đó tuy khác nhau về chi tiết các sự việc xảy ra trong vụ cướp, nhưng đều thống nhất ở một điểm: Avery đã hốt được một mẻ lớn gồm tiền, trang sức, vàng, bạc và ngà voi, với tổng trị giá hơn 200 triệu USD ngày nay. 

Avery đã tìm được kho báu của mình, và mỗi thành viên trên tàu của hắn đều nhận được số tài sản tương đương 20 năm tiền công làm việc trên tàu buôn.

Với số của cải khổng lồ và bị săn lùng khắp thế giới bởi lực lượng hải quân các nước, Avery đã cho tàu cập bến Bahamas. Tại đó hắn dùng ngà voi và vũ khí để mua chuộc chính quyền nhằm khiến họ cho phép hắn bỏ con tàu cũ lại và lấy một chiếc nhỏ hơn để tiến đến châu Âu. Khi đã đặt chân đến Ireland, Avery nói lời chia tay với thủy thủ đoàn của mình và sau đó biến mất mãi mãi cùng với kho báu cướp được. Kể từ đó không còn ai nghe nói tới cái tên Henry Avery thêm một lần nào nữa.

Một bản báo cáo khẳng định rằng cướp biển huyền thoại này đã chết trong cảnh ăn mày nghèo đói, bị tước hết tài sản. Một ý kiến khác cho rằng hắn đã quay lại Madagascar với tư cách là "vua hải tặc", thống trị một đế chế hải tặc với nhiều đội tàu được chỉ huy từ một cung điện kiên cố. 

Theo lời của Matt Albers thuộc Chương trình Lịch sử Hải tặc thì "Avery là một trong số rất ít những kẻ đã làm cướp biển đến trọn đời và đã thoát tội". Hắn biến mất hoàn toàn trong dòng chảy của lịch sử. Có thể hắn đã chết như một tên ăn xin không đáng một xu trên đường phố London, hoặc cũng có khi hắn đã ra đi cùng với một "vương quốc" huy hoàng của riêng mình ở đâu đó. Không ai có thể chắc chắn trăm phần trăm về số phận cuối cùng của Avery, nhưng chúng ta biết chắc rằng hắn chưa bao giờ bị bắt cả. 

Tuy nhiên việc thoát tội đến mức kỳ diệu như vậy chỉ là chuyện của thế kỷ 17 mà thôi. Trong số những kẻ được Avery truyền cảm hứng để tiếp bước con đường hải tặc sau này, chỉ có rất ít người - nếu không muốn nói là hầu như không một ai - gặp được cái kết có hậu. "Điều đáng nói về những tên cướp biển khét tiếng đó là tất cả họ đều đã bị bắt," Albers cho biết.

Những kẻ tiếp bước

Học giả chuyên nghiên cứu về lịch sử hải tặc David Wilson cho biết các nhà chức trách luôn cố lan truyền rộng rãi những câu chuyện về số phận thảm hại của những tên cướp biển như một biện pháp giáo dục phòng ngừa. "Thực sự thì họ đang cố gắng tuyên truyền rằng cướp biển sẽ nhận lấy kết cục là cái chết," ông nói. Giới chức muốn truyền đi thông điệp rằng làm nghề cướp biển tức là chọn con đường chết, nhằm làm nản chí bất kỳ tên hải tặc "tiềm năng" nào trong tương lai.

Thế nhưng vẫn có hàng tá nhân vật mới xuất hiện. Ví dụ như "Black Sam" Bellamy, kẻ từng được coi là "ngôi sao đang lên" trong giới hải tặc và thích tự gọi mình bằng danh xưng "Robin Hood của biển cả". Năm 1715, ở tuổi 26, hắn đã trở thành cái tên đáng sợ nhất khắp dọc ngang châu Mỹ cùng với con tàu Whydah của riêng mình. Vốn đã gây dựng được một gia tài nhỏ bên cạnh tiếng tăm "bất khả chiến bại", nhưng Bellamy lại bất ngờ gặp vận hạn khi đang trên đường thẳng tiến đến Cape Cod vào năm 1717.

"Cape Cod có một kiểu thời tiết sẽ khiến tàu thuyền đâm vào những vách đá hiểm trở," Woodard giải thích. Con tàu Whydah bị cuốn vào một cơn bão và bị rung lắc bởi lực xô đẩy dữ dội. Cuối cùng nó đã bị nhấn chìm cùng với số châu báu vẫn còn nằm trong khoang. Khoảng 160 người đã thiệt mạng, nhưng thi thể của Bellamy thì không bao giờ được tìm thấy. Cánh báo chí đương thời khẳng định rằng đó là hình phạt mà Chúa dành cho hắn vì đã chọn con đường làm cướp biển.

Một câu chuyện nổi tiếng khác là về Calico Jack Rackham, kẻ được đặt tên theo bộ trang phục may bằng vải Calico cực kỳ nổi bật mà hắn thích mặc. Phải nói rằng Rackham thực sự không thành công cho lắm trong sự nghiệp làm cướp biển. Hắn đã bị bắt một cách khá dễ dàng vào năm 1720 và bị treo cổ. 

Nhưng lá cờ trên tàu của hắn lại kết thúc "có hậu" hơn nhiều. Đó chính là lá cờ mà tất cả mọi người ngày nay đều dùng làm biểu tượng để gán cho giới hải tặc: hình đầu lâu xương chéo - hay còn được gọi là biểu tượng Jolly Roger, nổi tiếng nhờ tiểu thuyết "Đảo giấu vàng" của nhà văn Robert Louis Stevenson. 

"Tất cả họ đều có những lá cờ khác nhau và những lá cờ đen với đủ loại biểu tượng khác nhau trên đó," Wilson nói. "Tất cả chúng đều có những biểu tượng chết chóc theo cách này hay cách khác chỉ để gieo rắc nỗi sợ cho các tàu thuyền". Rõ ràng nếu có thể tung lá cờ đó lên và khiến tàu đối phương chịu thua mà không cần giao chiến thì sẽ tốt hơn nhiều so với việc phải dây dưa lằng nhằng với họ. 

Những nữ cướp biển

Một yếu tố nữa làm nên tên tuổi của Rackham chính là những đồng bọn đi cùng hắn vào thời điểm bị bắt giữ: Mary Read và Anne Bonny, những nữ cướp biển duy nhất được biết đến trong thời kỳ đó. 

"Ở Trung Quốc có Ching Shih, nhưng bà ta không hẳn là cướp biển mà giống như một nữ chúa hải tặc điều hành một đế chế hải tặc hơn," Albers nói. "Tương tự đối với Grace O'Malley ở Ireland, không hẳn là một cướp biển thực thụ mà đúng hơn là một người điều hành căn cứ của hải tặc"Wilson cũng cho biết rằng những nữ nhân trong thủy thủ đoàn của Rackham đã giúp xây đắp thêm những huyền thoại và truyền thuyết của chính hắn. 

"Có rất nhiều chuyện được dựng nên xoay quanh những nữ cướp biển, họ chỉ có vài người thôi nhưng là những người cá biệt, cũng giống như bất kỳ người phụ nữ nào trên các tàu thuyền vào thời ấy," theo lời Charles Ewen, giáo sư nhân chủng học tại Đại học East Carolina. "Thường thì họ chỉ là những khách đi tàu, nhưng vẫn có các nữ thủy thủ lúc này lúc khác. Nhưng trong hầu hết các trường hợp thì họ là nhân vật có sức ảnh hưởng đặc biệt".

Read và Bonny đã bị kết tội làm cướp biển và bị tuyên án treo cổ. Nhưng vì biết rằng những phụ nữ mang thai sẽ được miễn tội chết nên cả hai đã tìm cách quyến rũ các cai ngục trong thời gian bị giam giữ. Rốt cuộc họ cũng đã đạt được mục đích của mình. "Câu chuyện của họ khá ngắn ngủi, và tôi nghĩ lý do khiến họ được biết đến rộng rãi như vậy là nhờ bản án đó của họ," Albers giải thích. 

Vụ bắt giữ hai nữ cướp biển này cũng như màn thoát tội "ngoạn mục" của họ sau đó đã gây tiếng vang trên các mặt báo tại London lúc bấy giờ. Tuy nhiên nếu so về độ khét tiếng thì không ai có thể bì được với Edward Teach - cái tên đáng sợ nhất trong số tất cả hải tặc của Thời Kỳ Hoàng Kim, thường được biết đến bằng một tên gọi khác: thuyền trưởng Râu Đen (Blackbeard).

Hải tặc Râu Đen

"Điều thú vị về Râu Đen là, nếu bạn lập một danh sách thống kê xem ai là người chiếm được nhiều kho báu nhất và là người thành công nhất nếu tính theo số tiền bạc của cải, thì Râu Đen sẽ không hề nằm trong top 10 của bạn đâu," Woodard nói. "Nhưng hiện tại hắn là tên cướp biển có thật nổi tiếng nhất từ xưa đến nay, và lý do cho điều đó là vì hắn đã tạo dựng nên hình ảnh đáng khiếp sợ này".

Râu Đen thống trị biển cả bằng cách lợi dụng nỗi sợ. Hắn để cho bộ râu của mình mọc dài tua tủa, mặc quần áo lấy cắp được từ các nhà quý tộc và dựng nên hình ảnh một kẻ hoang dại đội lốt một chàng lịch lãm. "Bạn sẽ thấy cả đám cướp biển đeo dây đai, lựu đạn và rìu, đội mớ tóc giả của các quý ông hoặc mặc đầm lụa của phụ nữ hay quấn khăn và đủ loại phụ kiện trang sức," Woodard nói. "Đồng bọn hải tặc của hắn sẽ ăn mặc giống như trong phim "Mad Max" vậy". 

Trong các trận chiến, Râu Đen cũng "trang trí" cho bộ râu của mình bằng những sợi ngòi nổ được đốt cháy sáng, giúp tạo cho hắn một "vầng hào quang" đầy khói lửa lấp lánh. "Như vậy sẽ làm cho những người trên tàu đối phương cực kỳ khiếp sợ. Và đó chính là điểm mấu chốt," Woodard nói. 

Bên cạnh vẻ ngoài "làm nên thương hiệu" ấy, Râu Đen cũng sở hữu sức mạnh hỏa lực thật sự đáng nể. "Râu Đen đặt 40 khẩu đại bác trên chiếc tàu Queen's Anne Revenge của hắn, và nhờ vậy hắn có thể giương căng buồm lên, kéo cờ kiêu hãnh để rồi khiến mọi người sợ hãi đến mức phải nói "Được rồi, tôi đầu hàng, đừng giết chúng tôi,"" Ewen nói. 

Những cuộc giao đấu một mất một còn

Chiến thuật hù dọa của Râu Đen đã thành công đến mức không hề có bản tường trình nào ghi lại việc hắn làm bị thương hoặc giết chết ai cả. Tất cả mọi người chỉ đơn giản là đầu hàng mỗi khi trông thấy hắn. Nhưng điều đó chỉ đúng cho đến trước khi xảy ra cuộc chiến sinh tử của Râu Đen với Hải quân Hoàng gia Anh vào năm 1718.

"Chính chàng đại úy trẻ lịch thiệp Robert Maynard là người dẫn đầu một biệt đội thủy thủ với nhiệm vụ săn tìm Râu Đen," Woodard giải thích. Cũng chính câu chuyện này đã khơi nguồn cảm hứng cho nhà văn Robert Louis Stevenson và sau đó là hãng phim Disney cũng như toàn bộ nền văn hóa đại chúng để dựng nên những tác phẩm ăn khách về cướp biển vùng Caribbean. 

"Trận chiến của Râu Đen là hình mẫu cho một cuộc đấu trên thuyền kinh điển giữa chàng sĩ quan trẻ tuổi táo bạo và tên hải tặc hung hãn," Woodard cho biết. Râu Đen cùng bè lũ của mình đã đổ bộ lên tàu của Maynard. Một tay dùng gươm, tay kia cầm súng, hắn đã kéo viên đại úy vào một cuộc đấu sống còn. Maynard đã bắn Râu Đen, nhưng tên cướp biển vẫn tiếp tục tấn công điên cuồng và khiến thanh gươm của Maynard gãy đôi trong lúc anh cố gắng cản bước hắn.

Đúng lúc Râu Đen sắp tung đòn kết liễu, một người lính của Maynard đã tặng cho hắn "một vết thương kinh hoàng vào cổ và họng". Sau đó Maynard đã bắn vào bụng hắn, và dù đã lên đạn cho khẩu súng của mình để sẵn sàng đáp trả nhưng tên hải tặc khét tiếng đã gục xuống trước khi có thể ra tay. 

Maynard đã xử trảm Râu Đen và treo thủ cấp của hắn ở phía trước tàu mình. Anh giương buồm tới bờ Đông của châu Mỹ và gây chấn động với tin tức về trận chiến với Râu Đen - Edward Teach. "Lúc đó chỉ có duy nhất một tờ báo tại khu vực mà ngày nay là nước Mỹ - tờ Boston Newsletter - và người ta đưa tin về chuyện này hết công suất, giống như các báo tại London lúc bấy giờ. Đó là một hiện tượng trong giới truyền thông ở đầu thế kỷ 18," Woodard nói. 

Những bí mật bị chôn vùi cùng lịch sử

Song vẫn còn đó một bí ẩn về thuyền trưởng Râu Đen - cuốn nhật ký hải trình của hắn. 

Cuốn sổ này được Maynard thu hồi và dùng làm bằng chứng để kết tội những thủy thủ của Râu Đen đã bị bắt giữ. Nhưng sau khi phiên tòa kết thúc, cuốn nhật ký đã "bốc hơi" cùng với các tài liệu của tòa án. 

"Người ta đã tìm kiếm nó suốt nhiều năm," nhà khảo cổ học hàng hải David Moore nói. Theo quy trình làm việc thời bấy giờ, lẽ ra phải có một bản sao của các tài liệu được lưu lại tại tòa và một bản nữa được gửi về Bộ Hải quân ở London. 

"Vì một lý do nào đó, bản sao đó đã không bao giờ được gửi về, hoặc đã biến mất, hoặc đã bị thất lạc trong quá trình lưu trữ," Moore nói. "Tất nhiên nếu nó bị xếp nhầm đâu đó thì giờ này đã có người tình cờ tìm thấy rồi. Với tôi thì điều đó thật lạ lùng". 

Việc tìm lại được các tài liệu trên có lẽ sẽ là một trong những phát hiện quan trọng nhất trong lịch sử ngành khảo cổ học về cướp biển. Ai biết được chứ, có khi trong đó lại giấu một tấm bản đồ với địa điểm bí mật được đánh dấu X thì sao.  

Nhưng những người lấy được nó thì đã ra đi từ lâu rồi, và người chết thì cũng hết chuyện.

Chủ đề chính: #cướp_biển_vùng_caribe

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn