Kokoro Vì gió vẫn thổi và ta phải tiếp tục sống và mơ ước dù biết ngọn gió cuộc đời không lặng bao giờ

Giải mã hiện tượng 'lắm tài nhiều tật': Tại sao nhiều người có đầy thói xấu lại thành công trong cuộc sống?

Đăng 4 năm trước

Người ta có câu 'lắm tài nhiều tật' để chỉ những người vừa làm giỏi vừa 'chơi' hay, mà mặt nào cũng siêu đến mức khiến người khác đôi khi cảm thấy ghen tị hoặc bất công. Liệu có thể tìm được một lời giải thích hợp lý cho hiện tượng này hay không?

Steve Jobs có lẽ là ví dụ được nhớ tới nhiều nhất về một người thành công với một quá khứ bị mang danh là "gã tồi". Song ông không phải là trường hợp duy nhất. Jeff Bezos, "kiến trúc sư" gây dựng nên Amazon và hiện đang là một trong những người giàu nhất thế giới, cũng đã từng bị mọi người gắn mác là gã tồi. Nhìn rộng ra ngoài lĩnh vực công nghệ, chúng ta cũng có thể thấy các ví dụ khác. Tucker Max, một tác giả sách có tiếng tăm, đã mở đầu mục "Giới thiệu" trên trang web của mình bằng những dòng theo đúng nghĩa đen như sau:[1]

“Tên tôi là Tucker Max, và tôi là một thằng khốn. Tôi nốc rượu đến say khướt vào những lúc đáng ra không nên, mặc kệ những chuẩn mực xã hội, hứng lên là buông thả, lờ đi hậu quả của những việc mình làm, cười nhạo lũ ngốc và bọn màu mè, ngủ với đàn bà nhiều hơn mức an toàn hay hợp lí, và hành xử nói chung là hệt một thằng đần lên cơn. Nhưng mà, tôi đã có đóng góp cho nhân loại theo một cách rất quan trọng. Tôi sẻ chia những chuyến phiêu lưu của mình với thế giới.”

Đến đây chúng ta cần dừng lại và tự hỏi: phải chăng bạn cần phải là một gã tồi thì mới có thể trở nên thành công?

Sự tử tế phải chăng là một nhược điểm?

Jobs, Max, Bezos, và những gã như Jordan Belfort (nhân vật chính trong Con Sói Của Phố Wall - The Wolf of Wall Street) là một vài ví dụ tiêu biểu cho ý kiến hiện đang thịnh hành rằng, nếu bạn muốn trở nên giàu có và thành công, bạn cần phải là một gã tồi.

Ý tưởng này được củng cố bởi một ý tưởng khác: lòng tử tế là một nhược điểm. Khi bạn gặp một người tốt bụng và hết lòng vì người khác, đó thường sẽ là một cảm giác tuyệt vời. Những người như vậy hiếm lắm. Song cùng với thời gian, bạn sẽ nhận ra rằng người đó đang bị lợi dụng. Họ bị những người khác làm tổn thương hết lần này đến lần khác. Bạn phát điên lên. Bạn của mình lẽ nào lại bị đối xử như vậy được. 

Dần dần bạn mới bắt đầu tự hỏi: tại sao họ không vùng lên vì bản thân mình? Họ quá thụ động chăng? Họ có lo nghĩ về ý kiến của những người khác không?

Lòng tử tế vẫn nên là một yếu tố nền tảng làm nên bản tính con người, bởi nó kết nối chúng ta lại với nhau theo những cách tích cực. Nhưng rất nhiều khi nó bị coi là một điểm yếu, hoặc là một nét tính cách dễ bị lợi dụng. 

Đặc biệt là trong môi trường kinh doanh - thường đầy tính cạnh tranh, nơi mà việc để mất lợi thế có thể đồng nghĩa với phá sản — bởi mọi người đều theo đuổi những lợi ích trái ngược nhau. Thay vì làm người tốt, họ lại là những gã tồi. Đó là một con đường dẫn tới quyền lực và quyền kiểm soát.

Đằng sau những gã tồi là gì?

Đây là điều thường bị bỏ qua trong những cuộc thảo luận kiểu "Bạn buộc phải là một gã tồi thì mới có thể thành công được": thành công đến từ rất nhiều yếu tố đầu vào.

Nếu một người luôn là tồi tệ xấu xa suốt 100 phần trăm thời gian, họ chắc sẽ chẳng thể nào thành công lâu dài được. Thay vào đó, họ sẽ trở nên ích kỉ, chỉ nghĩ cho mình và có tầm nhìn vô cùng hạn hẹp. Họ sẽ luôn lợi dụng người khác và chẳng bao giờ hi sinh thứ gì, khiến cho mọi người đều ghét họ. Khi chẳng còn ai sẵn sàng tin tưởng và ủng hộ, họ sẽ phải làm mọi việc một thân một mình, kể cả trong những thời điểm khó khăn, và do đó cản trở mọi cơ hội thành công. 

Vậy bạn giải thích thế nào về những người như Steve Jobs? Ông là một gã tồi và cực kì thành công. 

Trong trường hợp này bạn phải nhìn vào những điều mà Job đã cố gắng đạt đến. Ông muốn thay đổi thế giới một cách chính đáng. Sự tập trung của ông được dành cho việc biến điều đó thành hiện thực, và ông đã gần làm được rồi - các sản phẩm của ông đã thay đổi hoàn toàn sáu lĩnh vực bao gồm phim hoạt hình, xuất bản kĩ thuật số, âm nhạc, máy tính cá nhân, điện thoại và máy tính bảng.[2] Bởi vì mối quan tâm của ông là các thiết kế sản phẩm ở trình độ có thể làm thay đổi thế giới, nên ông để cho những việc cần ưu tiên ít hơn (như là các mối quan hệ) bị gạt sang một bên, và thường trở thành một gã tồi trong mắt mọi người, bởi vì họ đang cản trở tầm nhìn chiến lược của ông. Thành công của ông đến từ niềm đam mê cùng tập hợp các kĩ năng. Nó không đến từ việc ông là một gã tồi. 

Tucker Max có một niềm đam mê đối với việc kể những câu chuyện thú vị hay ho theo những cách mới mẻ. Đó là xuất phát điểm cho thành công của anh. Điều đó tương đồng với Jobs ở vài chỗ: lòng đam mê chính là động lực, và đam mê cũng khiến anh lúc nào cũng bị nhìn nhận như là một gã tồi.

Bạn muốn thành công đến cỡ nào?

Chúng ta sẽ không bao giờ nói đến chuyện quyết định trở thành một gã tồi thành công hay là một anh chàng dễ thương không thành đạt. Tất cả vấn đề ở đây là kiểu thành công mà bạn muốn hướng đến. Khi bạn đã biết kiểu thành công mà mình muốn đạt được, bạn sẽ đặt niềm đam mê của mình vào đó. 

Điều này sẽ đòi hỏi một sự tập trung cao độ vào cách bạn sử dụng thời gian, các suy nghĩ và thậm chí là các cảm xúc của mình như thế nào. Những thứ khác không đóng góp nhiều cho mục tiêu tối hậu của bạn sẽ phải bị hi sinh. 

Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là bạn phải trở thành một gã tồi. Nó chỉ có nghĩa là, bạn có thể sẽ không được tốt đẹp trong mắt mọi người như là nhân cách cao đẹp thực sự mà bạn dành cho "tư tưởng lớn" của mình. 

Chẳng ai là hoàn hảo cả, và đôi khi chúng ta hi sinh các mối quan hệ vì mục tiêu cuối cùng. Nó không có nghĩa là bạn phải là một gã tồi, nhưng đó là một hệ quả tiềm tàng có thể xảy ra. 

Tốt nhất là hãy khôn ngoan và nhận thức rõ loại thành công nào mà mình đang theo đuổi, rồi xem xét cẩn thận những thứ mình sẽ phải hi sinh. Nếu việc không để mình bị coi là một gã tồi là quan trọng đối với bạn, thì bạn sẽ phải điều chỉnh đôi chút cách mình ứng xử với mọi người thôi. 

Hãy tập trung vào cả mục tiêu cuối cùng lẫn những thứ cần phải bỏ ra để đạt được đến đó. 

Tài liệu tham khảo 

[1]^Tucker Max: Tiểu sử 

[2]^HITC: 6 Lĩnh Vực Mà Steve Jobs Đã Cách Mạng Hóa

Chủ đề chính: #người_thành_công

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn