Như Quỳnh " Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình "
Biên tập viên tại Thế giới Network Media

Giải thích nguồn gốc, ý nghĩa các địa danh Việt Nam - Phần 3

Đăng 6 năm trước

Nguồn gốc của các địa danh như: Phan Thiết, Cát Bà, Thủ Đức, Gò Vấp, Lăng Cô... từ đâu mà có? Mời các bạn xem tiếp phần 3 về nguồn gốc và ý nghĩa của các địa danh tại Việt Nam.

Cát Bà

Cát Bà là một đảo thuộc thành phố Hải Phòng, còn là thị trấn của huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng

Cát Bà có dạng gốc là Các Bà, vì trên đảo còn đền thờ Các Bà và trên các bản đồ hành chính (như bản đồ năm 1938) vẫn còn ghi Các Bà. Sau này người ta nói chệch thành Cát Bà.

Cầu Dền

Cầu Dền là phường của quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. 

Về Cầu Dền thì có hai cách lý giải như sau: 

  • Cầu bắc qua sông Kim Ngưu, hai bên sông trước đây có trồng nhiều rau dền nên cầu mang tên là Dền. Về sau tên cầu chuyển thành tên phường.
  • Cầu Dền có tên gốc ở Hoa Lư, Lý Thái Tổ mang ra đặt cho Hà Nội khi dời đô . Theo nghiên cứu thì ý kiến thứ hai thuyết phục hơn.

Bái Tử Long

Là một vịnh nằm trong vịnh Hạ Long.

Nguồn gốc của địa danh này như sau: Ban đầu người Pháp đặt tên vịnh là Toulon vì ở Pháp có vịnh Toulon (đọc là tu-lông), nằm bên bờ Địa Trung Hải.Vậy dạng gốc là Baie Toulon. Sau đó hình thức mượn âm trong tiếng Việt (những từ ngữ có âm thanh hoặc hình thức na ná tiếng Việt, người Việt dùng từ ngữ Việt để biểu thị) và gọi thành Bái Tử Long. Vậy địa danh này là địa danh gốc Pháp.

Lăng Cô

Lăng Cô là khu du lịch nổi tiếng, ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, cũng là tên làng chài ở huyện Phú Lộc và còn là thị trấn của này. 

Lăng Cô có dạng gốc là Làng Cò, nơi có nhiều cò về đậu, sau bị sai lạc về dấu thanh từ thời Pháp thuộc nên thành Lăng Cô.

Mỹ Lai

Mỹ Lai là thôn của xã Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Mỹ Lai có dạng gốc là Mỹ Lại, có nghĩa là lợi ích và đẹp đẽ. Năm 1969, bị báo Mỹ bỏ dấu, in là My Lai, nên giới báo chí Sài Gòn đoán là Mỹ Lai. Từ đó cái tên Mỹ Lai được dùng cho đến bây giờ.

Phan Thiết

Phan Thiết là tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của tỉnh Bình Thuận. 

Phan Thiết do từ tổ Hamu Lithit mà thành. Hamu ruộng, Lithit gần biển. Vậy Hamu Lithit vùng ruộng ở ven biển. Đó cũng là ý nghĩa của địa danh Phan Thiết.

Cầu Bông

Cầu Bông là một cây cầu nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng, nối Quận 1 và Quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.

Ban đầu cầu mang tên là cầu Hoa vì nằm cạnh vườn hoa của Tả quân Lê Văn Duyệt. Nhưng sau đó vì kiêng húy mẹ vua Thiệu Trị ( bà Hồ Thị Hoa ) nên đổi thành cầu Bông.

Cần Giuộc

Cần Giuộc là một huyện thuộc vùng hạ nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Long An.

Đây là địa danh gốc Khmer có nghĩa là cây chùm duột.

Củ Chi

Củ Chi là một huyện ngoại thành của thành phố Hồ Chí Minh, có sông Sài Gòn chảy qua. Củ Chi nằm về phía Tây Bắc Thành phố Hồ Chí Minh, nơi đây có địa đạo Củ Chi là một khu di tích lịch sử nổi tiếng. 

Củ Chi là tên gọi khác của cây mã tiền. Vùng này có nhiều cây củ chi nên có địa danh như trên.

Thủ Đức

Thủ Đức là một quận ở thành phố Hồ Chí Minh.

Thủ đồn canh, đồng thời là chức danh của người đứng đầu một thủ; Đức là tên người.Vậy Thủ Đức là cách gọi theo chức danh và tên của người trưởng thủ đầu tiên.

Gò Vấp

Gò Vấp là một quận nội thành của thành phố Hồ Chí Minh. 

Ban đầu có tên là Gò Vắp do ở đây có rất nhiều cây vắp ( một loại cây cứng như lim, còn mọc trên các đường Nguyễn Đình Chiểu, Trương Định ( TPHCM). Sau đó vì nguyên nhân ngôn ngữ mà cụ thể là ngữ âm địa phương nên từ Gò Vắp chuyển thành Gò Vấp.

Đa Kao

Đa Kao là một phường nằm ở quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. 

Tại sao lại là Đa Kao mà không phải là Đa Cao ? Thực ra tên gốc của  Đa Kao ngày nay là Đất Hộ (đất của hộ hoặc đất do hộ quản lí). Nhưng trong sách báo và các văn bản thời trước, người Pháp phiên âm địa danh Đất Hộ thành Đa Kao. Sự thay đổi về địa danh này được xếp vào nhóm nguyên nhân xã hội mà cụ thể là " Tây  hóa ". 

Hàng Xanh

Hàng Xanh là tên một giao lộ lớn ở quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh giữa đường Điện Biên Phủ (một phần của Xa lộ Hà Nội) và đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (nối với Quốc lộ 13).

Ban đầu có tên là Hàng Sanh. Sanh là tên cây trồng hai bên đường Bạch Đằng (quận Bình Thạnh,TPHCM), thời Pháp thuộc. Vì thế đặt là Hàng Sanh. Nhưng về sau do ngữ âm địa phương tương tự như Gò Vấp kể trên thì đọc thành Hàng Xanh. 

Địa danh ở Việt Nam vô cùng phong phú, đa dạng và trên đây, chỉ là một số địa danh tiêu biểu, khá quen thuộc. Hy vọng bài viết đã góp phần giúp mọi người có thêm những kiến thức về nguồn gốc và ý nghĩa của những địa danh Việt Nam.

Xem phần 2

Chủ đề chính: #khám_phá_việt_nam

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn