Kokoro Vì gió vẫn thổi và ta phải tiếp tục sống và mơ ước dù biết ngọn gió cuộc đời không lặng bao giờ

Harry Potter và những lỗ hổng logic

Đăng 5 năm trước

Khó có thể ngờ một tác phẩm vốn nổi tiếng với cốt truyện logic như Harry Potter lại lẫn nhiều 'sạn' đến thế.

Câu chuyện về thế giới phù thủy của Harry Potter có lẽ sẽ còn được nhắc đến rất lâu về sau nữa. Các thế hệ con cháu của chúng ta sẽ nhớ về nó như một tác phẩm kinh điển thành công nhất trong lịch sử. Các giáo trình văn học và điện ảnh sẽ lấy đó làm hình mẫu để phân tích các yếu tố làm nên sức hút cho một cuốn sách hay một bộ phim. Còn các nhà văn sẽ học được từ đó con đường để trở thành tỉ phú.

Khó có thể khẳng định chính xác nhân tố nào đã tạo ra thành công ngoài sức tưởng tượng của Harry Potter. Cốt truyện li kì, đánh trúng thị hiếu? Các tuyến nhân vật đa dạng đủ mọi thành phần? Cảm giác ma mị xen lẫn trinh thám trong một không gian thần tiên đầy mê hoặc? Hay một sự kết hợp của tất cả những điều đó?

Dù câu trả lời là như thế nào đi nữa, chúng ta cũng không thể phủ nhận sự thật rằng J.K.Rowling thực sự là một thiên tài kể chuyện. Từ cách xây dựng các tình tiết quanh co lắt léo, đánh lạc hướng độc giả, đến việc thêm kịch tính chỗ này, giấu bớt chi tiết chỗ kia, và cuối cùng vén màn bí mật với cái kết không ai lường trước được. Để làm được một kì công như vậy, nữ văn sĩ người Anh đã đan xen các sự kiện và nhân vật với nhau thành một mạng lưới khổng lồ xuyên suốt bảy tập truyện, gắn kết với nhau bằng chất keo logic tài tình đến khó tin khiến độc giả không thể không ngả mũ nể phục.

Tuy nhiên nếu soi xét kĩ chúng ta vẫn có thể nhận ra vài lỗ hổng trong tấm lưới gần như hoàn mĩ đó. Dường như vì quá tập trung trau chuốt cho cuộc chiến thần thánh của các phù thủy đầy quyền năng mà J.K.Rowling đã bỏ sót vài "hạt sạn" nhỏ. Và thế là các fan của Harry Potter lại có dịp thưởng thức phần tiếp theo vô cùng thú vị của câu chuyện: Harry Potter và những lỗ hổng logic!

1. NGƯỜI GIỮ BÍ MẬT

Nguyên nhân khiến cha mẹ của Harry bị sát hại - và từ đó khơi nguồn cho cuộc chiến dai dẳng trong truyện - là vì Voldemort đã tìm được nơi ở của nhà Potter sau khi Người Giữ Bí Mật của họ là Peter Pettigrew phản bội lòng tin của người bạn thân James (cha của Harry) và phá vỡ Bùa Trung Tín (phép thuật buộc một người phải tuyệt đối giữ kín bí mật về người khác).

Điều vô lí là tại sao James không tự làm Người Giữ Bí Mật cho mình? Bởi trong tập cuối Harry Potter và bảo bối tử thần, chúng ta đều thấy Bill Weasley và Arthur Weasley làm điều đó để tự bảo vệ mình và những người thân yêu. Chẳng phải đó là cách đảm bảo an toàn tuyệt đối hay sao?

2. GIÁ TIỀN CỦA ĐŨA PHÉP

Cách vận hành của nền kinh tế trong thế giới phù thủy có nhiều điểm khá kì quặc, mà ví dụ dễ thấy nhất là việc bán đũa phép. Một sợi lông kì lân có giá 10 galleon (đơn vị tiền tệ trong truyện), trong khi những cây đũa phép của Ollivander được làm từ chúng lại chỉ tốn 7 galleon. Đó là chưa kể đến những thành phần cũng thuộc dạng hiếm có khó tìm chẳng kém như lông phượng hoàng hay gân tim rồng.

Phải chăng mỗi cây đũa phép chỉ chứa một đoạn của sợi lông kì lân? Nhưng như vậy xem ra lại hơi "trần tục" và mất hết giá trị đi rồi.

3. CHẾ ĐỘ GIÁO DỤC CỦA PHÙ THỦY

Harry, Hermione, và những đứa trẻ phù thủy khác lớn lên trong những gia đình Muggle (người thường) đều được đi học văn hóa chút ít và có kiến thức cơ bản về toán hay đọc viết. Song một khi đã được "triệu" về trường Hogwarts ở tuổi 11, tất cả đều "đứt gánh" và các cô cậu bé sẽ chỉ chuyên tâm học phép thuật trong suốt bảy năm trời sau đó.

Thế đã là thảm họa lắm rồi, nhưng bọn trẻ thuần phù thủy lại còn chẳng được học văn hóa chút nào mới sợ chứ! Phải chăng đó là lí do khiến Hagrid và ông Weasley luôn gặp khó khăn khi dùng tiền của người thường, và Ron luôn phải nhờ Hermione giúp làm bài tập về nhà, bởi cậu chưa từng được học cách viết lách cho chuẩn? Và nếu ai đó cho rằng giới phù thủy có thể dùng phép thuật để giải quyết hết các vấn đề đó, thì họ vẫn có lúc phải tự làm để che mắt dân Muggle cơ mà?

4. TẤM BẢN ĐỒ ĐẠO TẶC

Trong tập 3 viết về tên tù nhân vượt ngục Azkaban, Harry đã được hai anh em sinh đôi Fred và George Weasley tặng tấm Bản đồ Đạo tặc có khả năng chỉ ra chính xác vị trí và danh tính thật của bất kì ai có mặt trong khuôn viên trường Hogwarts, kể cả khi người đó đang ngụy trang hay ẩn nấp tài tình đến đâu đi nữa. Cặp sinh đôi nhà Weasley đã lợi dụng năng lực thần kì đó của tấm bản đồ để bày ra vô số những trò nghịch ngợm hoành tráng làm cả trường bát nháo.

Song điều vô lí đến không thể hiểu được là suốt thời gian đó, và cả sau này nữa, không ai trong số những người sử dụng tấm bản đồ này nhìn thấy cái tên Peter Pettigrew hiện ra. Đó là kẻ khi xưa đã tiếp tay cho Voldemort sát hại cha mẹ Harry và sau đó lẩn trốn trong hình dạng một con chuột được các anh em nhà Weasley nuôi dưỡng và "truyền thừa" suốt 12 năm. Lẽ ra phải có ai đó - Fred, George, hay Harry - nhìn thấy cái tên kì lạ này ngủ cùng mình hằng đêm trong khu kí túc của trường Hogwarts chứ nhỉ?

5. CUỘC THI TAM PHÁP THUẬT

Trong tập Harry Potter và chiếc cốc lửa, Harry đã tham gia vào cuộc thi Tam Pháp Thuật được tổ chức nhằm giao lưu học hỏi giữa các trường đào tạo phù thủy là Hogwarts, Beauxbatons, và Durmstrang. Có ba thử thách để các thí sinh vượt qua, và mặc dù cả ba đều là những màn kiểm tra trình độ đến mức tuyệt đỉnh, nhưng thật sự đối với khán giả thì chỉ có một thử thách là đáng xem mà thôi. Đó là phần thi đầu tiên: chiến đấu với rồng.

Còn hai thách thức sau đó, một diễn ra dưới lòng hồ sâu thẳm, một lại tổ chức trong mê cung bí mật chỉ có người tham gia mới tự trải nghiệm được. Nếu là khán giả của cuộc thi Tam Pháp Thuật, liệu bạn có sẵn lòng bỏ ra hàng tiếng đồng hồ nhìn chằm chằm vào mặt nước hồ im lìm và mê cung tĩnh lặng đó để chờ đến kết quả cuối cùng hay không?

6. ĐỘC DƯỢC VERITASERUM

Veritaserum là loại độc dược cực mạnh bắt người uống phải nói ra sự thật. Nếu người thường như chúng ta có một loại thần dược như vậy, hẳn là các nhà làm luật và giới tư pháp sẽ lao vào nghiên cứu và ứng dụng nó cho các phiên tòa. Thế mà trong truyện Harry Potter lại chẳng có ai đếm xỉa tới công dụng thần kì đó, khiến vô số mạng phù thủy bị oan sai suốt đời.

7. KHÓA CẢNG

Trong Harry Potter, Khóa Cảng là một đồ vật vốn bình thường nhưng được phù phép để có khả năng đưa bất kì ai chạm vào nó đến một địa điểm định trước. Điều đặc biệt là khả năng này chỉ xuất hiện vào đúng một thời điểm nhất định, và ngay sau đó Khóa Cảng sẽ trở lại bình thường như cũ. Ví dụ cho loại phép thuật này là khi Harry cùng gia đình Weasley du hành tới xem trận đấu Quidditch Vô địch Thế giới trong tập 4, và khi Dumbledore tự tạo ra một Khóa Cảng để đưa các học trò của mình tới ngôi nhà Số 12 Grimauld.

Tuy nhiên ở đoạn cuối của tập 4 (Chiếc cốc lửa), Khóa Cảng lại không được "hẹn giờ" sẵn như thường lệ mà ngay lập tức cảm ứng với cú chạm tay của Harry, đưa cậu đến khu nghĩa địa mà Voldemort đang chờ sẵn. Kì lạ hơn nữa là sau đó Harry lại có thể trở về bằng cách chạm vào Khóa Cảng một lần nữa, mà lại "tái xuất" trước đám đông đang theo dõi cuộc thi Tam Pháp Thuật chứ không phải tại trung tâm của mê cung bí mật như lúc bị đưa đi. Đây là điểm khó hiểu mà J.K.Rowling không bao giờ giải thích cả.

8. TÙ NHÂN TẠI AZKABAN

Khi các phù thủy phạm tội bị tống giam trong ngục Azkaban, họ sẽ bị tước đũa phép để không thể tự vệ trước đội ngũ cai ngục tàn bạo đến vô hồn. Song điều kì lạ là tất cả những người trốn thoát khỏi địa ngục trần gian đó - từ Sirius Black đến Bellatrix Lestrange - rốt cuộc đều lấy lại được đũa phép. Xin nhắc lại là họ trốn thoát chứ không phải được thả ra.

Với Bellatrix, có lẽ mụ ta được các cai ngục trả lại đũa phép khi chính bọn chúng cũng về phe với Voldemort. Nhưng còn Sirius Black? J.K.Rowling không bao giờ giải thích cả.

9. DÙNG NHIỀU ĐŨA PHÉP CÙNG MỘT LÚC

Trong tập Bảo Bối Tử Thần, Harry đã dùng ba chiếc đũa phép cùng một lúc để tấn công tên người sói Fenrir Greyback, khiến hắn bay lên đến trần nhà rồi rơi ầm xuống sàn. Song sự thật là Harry chưa từng tập qua kiểu chiến đấu "một tay ba súng" này, và cũng chẳng hề tỏ ra khó khăn hay mệt mỏi khi thực hiện nó.

Nếu việc dùng nhiều đũa phép cùng một lúc có thể dễ dàng tạo uy lực lớn đến thế, thì tại sao suốt những tập trước không một ai từng thực hiện trò này?

10. LỜI THỀ BẤT KHẢ BỘI

Lời Thề Bất Khả Bội (Unbreakable Vow) là một nghi thức, mà đúng như tên gọi của nó, buộc người ta không được phép nuốt lời, hoặc sẽ phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Phép thuật này xuất hiện đầu tiên trong tập Hoàng Tử Lai, khi Severus Snape thề với Narcissa Malfoy là sẽ giúp cậu con trai Draco của bà ta giết được Albus Dumbledore.

Câu hỏi đặt ra là: tại sao Chúa tể Voldemort không áp đặt lời thề này lên tất cả những Tử thần Thực tử chấp nhận đi theo hắn? Vốn là kẻ đa nghi và tàn độc không ai sánh bằng, lẽ ra Voldemort phải bắt toàn bộ bè lũ tay sai phải trung thành với mình bằng cả mạng sống, thay vì "thả" cho một người có thể quay về với con đường chính nghĩa là Severus Snape.

11. CẶP KÍNH CỦA HARRY

Cuối cùng, điều khó hiểu nhất khi nói về những cuộc chiến đấu một mất một còn giữa Harry Potter với Voldemort là: Tại sao Chúa tể Hắc ám không bao giờ dùng phép triệu hồi (Accio) để tước bỏ cặp kính của Harry? Đó là câu thần chú dễ như ăn kẹo nhưng lại khiến đối thủ trở nên "mù dở", và cuộc chiến lẽ ra đã kết thúc từ lâu với phần thắng dành cho phe hắc ám rồi.

Kể cả khi Voldemort tự cao đến mức không thèm "chơi bẩn" như vậy, thì vẫn còn vô số tên Tử thần Thực tử - thậm chí cả Draco Malfoy - lúc nào cũng muốn đánh bại hoặc bắt sống Harry để lập công lớn cơ mà. 

Còn về phần Harry, hầu như tất cả chúng ta đều quá quen thuộc với cặp "đít chai" trứ danh của nhân vật huyền thoại này mà quên mất một điều khá hiển nhiên: Đã là phù thủy, thì cần gì kính cận nhỉ?

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn