Nguyễn Minh Trí

Lý giải đầy thú vị biệt danh các quốc gia trên thế giới

Đăng 7 năm trước

Bạn đã bao giờ thắc mắc vì sao nước Mỹ lại được gọi bằng cái tên thân mật là 'Bác Sam'? Cùng khám phá lý giải đầy thú vị biệt danh các quốc gia trên thế giới sau đây.

1.Hoa Kỳ - "Uncle Sam"

Xứ cờ hoa được biết đến với biệt hiệu lạ lùng là Uncle Sam (Bác Sam). Đây là nhân vật có thật, xuất hiện trong cuộc giao tranh tàn khốc giữa Mỹ và Anh năm 1812. Uncle Sam tên thật là Samuel Wilson, sinh ngày 13/9/1766 tại tiểu  bang Massachusetts. Ông vốn là người giết mổ và cung cấp thịt bò cho doanh trại quân đội Mỹ. Những thùng thịt bò của ông đều được đóng dấu "U.S" bên ngoài, được ngầm hiểu là Uncle Sam. Sau này ký tự "U.S" chính thức được dùng để gọi tắt tên nước Mỹ - The United States of America. 

Hình ảnh Uncle Sam thường được miêu tả gắn liền với chiếc mũ đầy sao và chòm râu dê bạc phếch, nhưng kì thực ông lại là cụ già "mày râu nhẵn nhụi". Ông qua đời tại Mỹ vào năm 1854, để lại biệt danh thú vị cho nước Mỹ từ năm 1813 đến tận bây giờ. 

2.Hàn Quốc - "Xứ sở của bình minh tươi mát"

Thật bất ngờ vì biệt danh này lại không xuất phát từ người dân xứ sở kim chi, mà lại được Chu Nguyên Chương - hoàng đế triều Minh, Trung Quốc đặt cho. "Chaohsien" có nghĩa là " vẻ tươi mát vào buổi sáng sớm". Nếu có dịp ngắm nhìn rạng đông Hàn Quốc, bạn sẽ rung động trước nét đẹp yên bình mà lộng lẫy, được khắc họa từ núi cao vời vợi như tranh vẽ và mặt nước trong xanh, dịu nhẹ. Chính vẻ đẹp tinh khôi đó đã khai sinh thêm cái tên "Xứ sở của những buổi sáng thanh bình" cho đất nước hưng thịnh này. 

3.Ireland - "Hòn đảo ngọc lục bảo"

Không phải ngẫu nhiên mà quốc gia Âu châu này lại sở hữu danh xưng mỹ miều đến vậy. Ngoài việc được nhà thơ William Drennan (1754-1820) đặt cho biệt danh này lần đầu tiên trong bài thơ "When Erin first rose", Ireland được biết đến với vẻ đẹp xanh tươi, trù phú, mơn mởn của vùng nông thôn. Nằm tiếp giáp với Đại Tây Dương, Ireland thụ hưởng lượng mưa dồi dào, tạo điều kiện cho thảm thực vật nơi đây phát triển xanh tốt,rậm rạp và tràn trề sức sống. Cái tên "Hòn đảo ngọc lục bảo" ra đời như một lời ca thán nét đẹp xanh non, thuần khiết như ngọc này. 

4.Iceland - "Vùng đất lửa và băng"

Cái tên nói lên tất cả. Tiếp giáp với vòng cực Bắc, Iceland lạnh lẽo và hẻo lánh, mật độ dân số chỉ 3.1 người/km vuông. Biệt hiệu "Vùng đất lửa và băng" xuất phát từ hai thái cực trái ngược nhau cùng tồn tại sát sao trong một phạm vi eo hẹp của "Băng đảo": hàn và nhiệt, nóng và lạnh, lửa và băng, nham thạch và gió tuyết. Chính sự kết hợp liền kề giữa những dòng sông băng lạnh giá, xen kẽ là suối nước nóng cùng vô số miệng núi lửa chực chờ phun trào đã tạo nên đặc trưng địa lí cho Iceland cũng như biệt danh rất đỗi kiêu hãnh này. 

5.Chile - "Vùng đất thi nhân"

Điều gì đã khiến quốc gia Nam Mỹ sở hữu mỹ danh đầy vinh hạnh này? Chile chính là cái nôi khai sinh ra vô số những thiên tài thi ca, giúp nước nhà giành 2 giải Nobel văn học cao quý cùng kho tàng văn chương đặc sắc. Gabriel Garcia Marquez và Paolo Neruda đã vinh dự nhận giải thưởng Nobel và được công nhận là "Nhà thơ xuất sắc nhất kỷ thế 20". Nhà thơ Nicanor Parra tiên phong đi ngược lại mọi nguyên tắc trong sáng tác thơ; và chính sự phá cách đó đã giúp ông giành giải thưởng Cervantes năm 2011 - giải thưởng danh giá nhất cho hạng mục văn học tiếng Tây Ban Nha. Hai tác giả Enrique Lihn và Jorge Teillier dùng thơ ca như công cụ cổ vũ tự do ngôn luận và tư duy suốt nửa sau thế kỷ XX. Hàng loạt thành tựu nêu trên chỉ là thiểu số trong vô vàn cống hiến thơ văn mà "Vùng đất thi nhân" đã tạo lập cho kho tàng văn học thế giới. 

6.Phần Lan - "Xứ sở nghìn hồ"

187.888 là số lượng hồ cực kì ấn tượng của Phần Lan. Với số dân vỏn vẹn tầm 5 triệu người, 1 hồ có thể "chia đều" cho 26 cư dân. Có ít nhất 55.000 hồ quốc gia này rộng hơn 200m. Hồ rộng nhất có tên Saimaa với diện tích bề mặt đáng kinh ngạc là 4.400km vuông, đứng thứ 5 danh sách các hồ lớn nhất châu Âu. Điểm độc đáo của các hồ tại Phần Lan là dù rộng lớn nhưng lại rất cạn, có hồ chỉ sâu chừng 7m. Trữ lượng nước trong các hồ cũng chỉ tương đương lượng nước mưa hằng năm. 

7.Nam Phi - "Xứ sở cầu vồng"

Nam Phi từng là một trong những đất nước hứng chịu nặng nề nhất hậu quả từ nạn phân biệt sắc tộc. Thế nhưng ngày nay, Nam Phi tự hào đã "lột xác" trở thành quốc gia đa sắc tộc, đa văn hóa và đa tôn giáo. Chính sự cởi mở đầy màu sắc này đã giúp Nam Phi có được mỹ danh "Xứ sở cầu vồng", bắt nguồn từ tổng giám mục Desmond Tutu. Trong văn hóa Xhosa, hình ảnh cầu vồng tượng trưng cho niềm hi vọng và tương lai tươi sáng đang vẫy gọi phía trước. 

8. Lào - "Xứ sở vạn tượng"

Năm 1354, vua Phà Ngừm đặt tên cho Vương quốc Lào là Lan Xang, dịch ra có nghĩa là "triệu voi". Bao quanh kinh đô Luang Frabang thời bấy giờ là "đại bản doanh" của hàng ngàn hàng vạn con voi. Voi đóng vai trò như công vụ vận chuyển, phục vụ chiến đấu và là phương tiện di chuyển chính của các thành viên hoàng tộc Vương quốc Lào. Chính đặc điểm rừng rậm dày đặc và mật độ dân số thưa thớt đã tạo môi trường sống thuận lợi cho loài voi châu Á tại Lào, cũng như khơi nguồn cho cái tên rất kêu - "Xứ sở vạn tượng". 

Chủ đề chính: #tên_gọi

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn