Conan Đừng xem trường học là cả thế giới, mà hãy xem cả thế giới là trường học của đời mình.

Mật mã Beale - Kho báu bị lãng quên hay trò lừa vĩ đại của thế kỷ?

Đăng 4 năm trước

Trên đời này không thứ gì có khả năng kích thích trí tò mò của con người hơn là những bức mật mã, và cũng chẳng có nỗi khao khát nào lớn hơn tham vọng tìm thấy kho báu. Hãy tưởng tượng nếu kết hợp cả hai điều đó lại, kết quả sẽ là… Một câu chuyện ly kỳ gây chấn động toàn thế giới!

Hơn một thế kỷ trước, một mẩu tin bí ẩn được đặt tiêu đề là “Tài liệu Beale” đột nhiên lan tràn khắp một vùng của nước Mỹ, với nội dung bao gồm ba bản mật mã có liên quan với nhau. Chúng được cho là bản hướng dẫn chỉ đường đến một kho báu khổng lồ được chôn giấu tại một địa điểm bí mật thuộc Hạt Bedford, bang Virginia. Bản mật mã chẳng mấy chốc đã thu hút sự quan tâm của vô số nhà giải mã cũng như những tay săn tìm kho báu. 

Dù vậy, bất chấp bao nhiêu công sức và thời gian đã được bỏ ra, hai trong số ba bản mật mã vẫn “cứng đầu” không chịu hé lộ sự thật, và kho báu bí ẩn kia đến nay vẫn chưa được tìm thấy.

1. NƠI MỌI CHUYỆN BẮT ĐẦU...

Những tờ rơi đăng câu chuyện về “Tài liệu Beale” xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1885. Theo như mô tả, một người Mỹ tên là Thomas J. Beale trong những năm 1820 đã tình cờ tìm thấy một kho báu gồm cơ man là vàng, bạc và trang sức quý giá trong một khu mỏ nằm ở phía Bắc Santa Fe. Cùng với 30 người bạn cũng là những người thích phiêu lưu thám hiểm, Beale đã vận chuyển món quà trời cho này về Hạt Bedford và chôn giấu ở một nơi bí mật. Sau đó anh viết ra ba bản mật mã: một bản cho biết chính xác vị trí chôn kho báu, bản thứ hai mô tả chi tiết những tài sản có trong đó, và bản cuối cùng là tên tuổi cùng với địa chỉ liên hệ của 30 người bạn đồng hành kia. 

Beale giữ các bức mật mã trong một chiếc hộp sắt cùng với vài dòng thuật lại câu chuyện tìm thấy kho báu và giao cho một người bạn mà anh tin tưởng – một chủ nhà nghỉ tại địa phương tên là Robert Morriss – trước khi biến mất không tăm tích mãi mãi.

2. KHO BÁU NHUỐM MÀU HUYỀN BÍ

Theo câu chuyện trên tờ rơi, Beale đã dặn Morriss không được mở chiếc hộp trừ khi anh và những người bạn thám hiểm của mình không trở về trong vòng 10 năm sau một chuyến đi phiêu lưu. Và thực tế đã diễn ra đúng như vậy. Khi thấy Beale biến mất suốt 23 năm sau đó, Morriss đã mở hộp và kinh ngạc trước những gì mình đọc được. Anh lập tức lao vào giải mã, nhưng sau hàng chục năm nỗ lực miệt mài tất cả vẫn chỉ là con số không. Trước khi qua đời, Morriss trao lại ba bức mật thư cho một người bạn giấu tên để rồi chính người này cũng bỏ ra hàng thập kỷ của đời mình để đi tìm sự thật.

Sử dụng bản Tuyên ngôn Độc lập Mỹ làm chìa khóa, người bạn này đã phá giải thành công bản mật mã thứ hai, chứa những lời mô tả về kho báu được chôn giấu. Nội dung như sau:

“Mẻ thứ nhất bao gồm một nghìn không trăm mười bốn pound vàng và ba nghìn tám trăm mười hai pound bạc, được chôn vào tháng Mười một năm 1819. Mẻ thứ hai vào tháng Mười hai năm 1821, gồm một nghìn chín trăm linh bảy pound vàng và một nghìn hai trăm tám mươi tám pound bạc, ngoài ra còn có số trang sức thu được từ St. Louis trị giá mười ba nghìn đôla.”

Tuy vậy hai bản mật mã quan trọng nhất vẫn còn là bí ẩn, và cuối cùng người nắm giữ chúng đã quyết định công bố toàn bộ câu chuyện ly kỳ cho dư luận vào năm 1855, dưới tên của một người bạn khác là James B. Ward. 

Ngay khi mới được công bố, “Tài liệu Beale” đã khơi mào cho cơn sốt nhằm giải mã thông điệp đầy mê hoặc. Thậm chí nhiều kẻ săn kho báu đã không đủ kiên nhẫn chờ đợi mà lập tức vác cuốc xẻng lên đường, bắt tay ngay vào đào bới những ngọn đồi của Hạt Bedford. 

3. KHO BÁU HAY TRÒ LỪA?

Trong khi nhiều người sẽ chẳng bao giờ từ bỏ hy vọng tìm ra khối tài sản khổng lồ của Beale, thì các chuyên gia lại nghi ngờ rằng toàn bộ câu chuyện này chỉ là một cú lừa được sắp đặt hoàn hảo. Một bài báo của chuyên gia giải mã Jim Gillogly vào năm 1989, cùng với một bài viết khác của nhà ngôn ngữ học hình sự Joe Nickell vào năm 1982 đã đưa ra ý kiến rằng: người công bố câu chuyện vào năm 1885 - tức James B. Ward - và người viết ra những dòng mô tả đầu tiên - tức Thomas J. Beale - thực ra chỉ là một. Phân tích ngôn ngữ học đã cho thấy sự tương đồng về văn phong giữa câu chuyện ban đầu của Beale và “Tài liệu Beale” do Ward công bố sau đó (chẳng hạn như cách dùng dấu chấm câu, ngữ pháp và vốn từ vựng). Joe Nickell cũng chỉ ra rằng những câu do Beale viết ban đầu – vốn được cho là vào những năm 1820 - có dùng những từ mà mãi đến những năm 1840 mới bắt đầu xuất hiện, càng củng cố thêm cho nhận định rằng đây là trò giả mạo.

Một điểm đáng chú ý nữa là mọi nỗ lực nhằm truy tìm tung tích của nhân vật tên Thomas J. Beale tại bang Virginia đều dẫn đến ngõ cụt. Phải chăng “Tài liệu Beale” thực sự chỉ là trò lừa của James B. Ward nhằm kiếm thêm vài đồng bạc lẻ? Bởi những tờ rơi đăng câu chuyện này khi mới xuất hiện đã được bán với giá 50 cent tại thời điểm đó - tương đương khoảng 13 USD ngày nay-  và dĩ nhiên kịch càng hay thì lợi càng lớn. 

Bất chấp những bằng chứng cho thấy toàn bộ câu chuyện có thể chỉ là một trò bịp không hơn không kém, những người đam mê giải mã vẫn tiếp tục miệt mài không ngừng nghỉ nhằm tìm ra lời giải đáp cuối cùng, và những tay săn tìm kho báu đến nay vẫn chưa hết sục sạo mọi ngóc ngách của Hạt Bedford với hy vọng vớ được món hời từ trên trời rơi xuống. 

Chủ đề chính: #trò_lừa_vĩ_đại

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn