KhanhLy Push yourself. Don't settle

Nếu tự kỷ luật bản thân là khó, vậy thì bạn đã làm sai cách

Đăng 5 năm trước

Khi tôi còn học đại học, một số người trên Internet đã khẳng định rằng họ có thể hướng dẫn tôi ngủ 2 tiếng trên 1 ngày. Nhưng mà đợi đã... điều này làm tôi nghĩ đến thời kỳ trước những năm 2000, khi mà chúng ta chỉ tin vào những thứ chết tiệt trên Internet.

Và đây là toàn bộ câu chuyện:

Các nhà khoa học quân sự đã khám phá ra một phương pháp ngủ cực kỳ hiệu quả. Họ đã kiểm tra giới hạn của việc mất ngủ ở các binh sỹ và phát hiện ra điều làm tất cả mọi người phải sửng sốt. Họ khẳng định rằng, những nhà kiệt xuất trong lịch sử như Napoleon, Davinci hay Tesla đã tiến hành phương pháp này và có được sự hiệu quả, tầm ảnh hưởng ngoài sức mong đợi. Họ cũng cho rằng (có thể bạn, và tôi) có thể tiến hành nó mỗi ngày. Và đương nhiên, tất cả chúng ta có đủ nghị lực để vượt qua được chứng mất ngủ và thích nghi với cách thức siêu nhiên này. Họ còn cho rằng, dù sao đi nữa, cách thức này là hoàn toàn đúng và đã được chứng minh.

Kế hoạch ngủ này được gọi là "The Uberman Sleep Schedule", và đây là cách làm thể nào để thực hiện nó:

  • Giấc ngủ tuân theo quy luật 80/20 - tức là 80% việc hồi phục năng lượng trong cơ thể đến từ 20% thời gian mà chúng ta không ý thức trong giấc ngủ. Ngược lại, 80% thời gian trong giấc ngủ chỉ là sự uể oải vô nghĩa.
  • Phần hiệu quả của giấc ngủ được gọi là "REM sleep" và chỉ kéo dài khoảng 15-20 phút trong cùng một thời điểm. Điều này có nghĩa là cứ mỗi 2 giờ bạn ngủ thì chỉ có 15-20 phút là giấc ngủ có hiệu quả. Vì vậy, khi bạn ngủ 8 tiếng/ ngày, chỉ có 80-100 phút mang lại sự nghỉ ngơi, thư giãn và phục hồi năng lượng. Những người trên Internet đó quyết định phải sửa chữa tình trạng không hiệu quả này.
  • Những nhà khoa học quân sự đã khám phá ra rằng, nếu bạn bị lấy đi giấc ngủ một cách trầm trọng, cơ thể của bạn sẽ ngay lập tức chuyển sang tình trạng "REM sleep" và sau đó thiếp đi. Điều này nhằm mục đích bù đắp cho tình trạng thiếu nghỉ ngơi và thư giãn. Và những người này quyết định rằng, đây thực sự là một phương pháp hiệu quả.
  • Ý tưởng "The Uberman Sleep Schedule" có nghĩa là nếu bạn có một giấc ngủ 20 phút mỗi 4 tiếng/ 1 vòng quay đồng hồ, và việc này lặp lại hàng ngày, hàng tuần, bạn sẽ "train" bộ não của bạn chìm vào tình trạng "REM sleep" ngay lập tức khi bạn ngả lưng xuống. Và rồi khi bạn có 15-20 phút "REM sleep", bạn sẽ cảm thấy thực sự thư giãn và lấy lại được năng lượng trong 3-4h tới.
  • Miễn bạn có thể có một giấc ngủ 20 phút mỗi 4 giờ, bạn có thể tỉnh táo mãi mãi. Và chúc mừng, bạn đã là một "Uberman", là một ngôi sao thực sự!!!
  • Tuy nhiên, điểm mấu chốt ở đây là: bạn sẽ mất khoảng 1-2 tuần mất ngủ để thích nghi với chế độ ngủ mới này. Bạn hầu như phải thức trắng đêm mỗi tối và buộc bản thân phải ngủ 20 phút/ 4 giờ và việc này lặp lại 6 lần/ ngày. Nếu bạn ngủ quá giấc, tất cả đều là công cốc và bạn phải bắt đầu lại từ đầu.
  • PS: Tuyệt đối không được uống cafe. Đồ uống có cồn được xem như là thuốc tự sát trong thời gian áp dụng phương pháp này.
  • Vì vậy, Uberman Sleep Schedule được xem là một cuộc chiến về nghị lực giữa những người "tự lực" trên Internet - một bài kiểm tra về kỉ luật bản thân với mục đích cuối cùng: có thêm 20-30% thời gian tỉnh trên một ngày và tận hưởng cuộc sống một cách tốt đẹp hơn. Nó giống như việc có thêm 2 ngày/ tuần và khoảng 3 tháng rưỡi/ năm. Thật điên rồ! Vậy là trong quãng đời của mình, con người sẽ có "thêm" 1 thập kỷ trong trạng thái "thức giấc". Hãy thử tưởng tượng xem mình có thể thực hiện điều gì trong một thập kỷ trong khi mọi người đang ngủ.

Bạn biết đấy. Giống như một thằng ngốc, tôi cố gắng thực hiện chế độ ngủ này. Xoay xở thời gian, làm tất cả mọi thứ. Qua một vài năm, tôi thực sự bị ám ảnh với việc mình nhất định phải thực hiện được "Uberman Sleep Schedule". Và bạn biết đấy, ròng rã năm này qua năm khác, tôi vẫn trắng tay.

Thực sự thì... bạn cũng có thể thức trắng đêm trong một ngày. Không ngủ trong một buổi tối không phải là điều gì đấy quá khó khăn. Đặc biệt là khi chúng ta có deadline hay sự hỗ trợ của thuốc. 

Điều khó khăn ở đây là phải thức trắng liền 3, 4 đêm. Việc mất ngủ trầm trọng có thể làm việc nhận thức của chúng ta trở nên yếu đi. Chỉ cần đến ngày thứ 3 thôi, bạn sẽ cảm thấy buồn ngủ và choáng váng mỗi khi đứng dậy. Bạn thậm chí sẽ gật gù khi bước đi trên đường dưới ánh nắng ban mai. Và có thể quên những việc cơ bản trong cuộc sống như tên của mẹ mình và hôm nay phải ăn gì nhỉ...? Hm....điều này thật chết tiệt đúng không?

Đến ngày thứ 4, bạn sẽ bắt đầu mê sảng, tưởng tượng rằng ai đó đang nói chuyện với mình trong khi mình không nói gì với họ. Rồi bạn đang viết một email và nhận ra rằng không biết mình viết nó cho ai... Tôi đã từng đi quanh một vòng trong trong phòng khách của mình chỉ để giữ bản thân tỉnh giấc. Khi thời gian ngủ đến, tôi dường như đổ rầm xuống và hôn mê ngay lập tức. Những giấc mơ chết tiệt kéo đến và như kéo dài đến tận 5 tiếng. Và rồi 20 phút sau đó, tôi bị đánh thức bởi tiếng chuông đồng hồ, tiếp tục dành 3 tiếng tiếp theo suy nghĩ về một lời nói dối để thuyết phục bản thân rằng "tôi đang thư giãn, tôi không thể để thời gian trôi qua như vậy được, tôi phải làm gì tiếp theo???"

Cuối cùng, tôi không thể qua nổi ngày thứ 4. Những lần thất bại đó, tôi đều cảm thấy cực kỳ thất vọng về sự thiếu nghị lực của bản thân mình. Tôi đã tin rằng đây là một cái gì đó tôi CÓ THỂ làm được. Nó làm tôi bực mình khi ai đó trên Internet nói rằng họ có thể làm được còn tôi thì không. Tôi tự thấy rằng hình như mình đã làm sai gì đó. Nếu không tự kỷ luật bản thân mình để lấy lại giấc ngủ trong những ngày tiếp theo đó, chuyện gì sẽ xảy ra...?

Rồi tôi đã tiếp tục hành hạ bản thân mình. Càng tiếp tục, những sự mong đợi phi thực tế của tôi lại càng dâng lên.

**********

Sự thay đổi chính là những ngã rẽ khác nhau trong cuộc đời bạn. Bạn đang cố gắng thay đổi hành vi của mình bằng ý chí mạnh mẽ đang thét gào. Và những sự thay đổi đó rút cuộc vẫn chỉ thất bại một cách đáng thương. Đừng lo! Vì đây vốn dĩ là lẽ thường tình.

Hầu hết mọi người nghĩ rằng "tự kỷ luật" là  một khía cạnh của nghị lực. Nếu chúng ta thấy ai đó thức dậy mỗi ngày vào 5 giờ sáng, uống sinh tố lê - thì là - mơ - đu đủ mỗi bữa, làm việc suốt 3 giờ liền trước khi vệ sinh cá nhân, chúng ta sẽ cho rằng họ đã phải ép buộc bản thân mình làm vậy, có một con quỷ tham lam đang ẩn chứa trong họ và bắt họ phải làm vậy.

Nhưng điều này hoàn toàn không đúng. Nếu bạn biết ai đó tương tự thế này, nếu để ý một chút bạn sẽ thấy một điều đáng sợ rằng: Họ hoàn toàn thích chúng!

Việc tự kỷ luật bản thân ở khía cạnh nghị lực thuần túy thường thất bại bởi vì việc bạn thường "ngược đãi" bản thân mình khi không làm việc chăm chỉ thực sự không hiệu quả. 

Vấn đề ở đây là nghị lực hoạt động như một cơ bắp. Nếu bạn hoạt động quá mức, nó sẽ nhức mỏi và kiệt quệ. Tuần đầu tiên trải nghiệm một chế độ ăn kiêng mới, một chế độ dinh dưỡng mới hay một thói quen mới vào buổi sáng, mọi thứ đều diễn ra thật tuyệt vời. Nhưng bắt đầu đến tuần thứ 3, thứ 4, bạn sẽ dần quay lại với những đêm thâu, với những gói snack yêu dấu.

Tương tự vậy, bạn không thể đi đến phòng tập gym và nhấc được 500 pound trong lần tập đầu tiên, đừng làm điều gì lố bịch như Uberman Sleep Schedule. Để có một bước thay đổi thành công, ý chí của bạn phải được huấn luyện và thích nghi từ từ trong thời gian dài.

Tuy vậy, điều này lại để lại cho chúng ta một câu hỏi hắc búa rằng: nếu chúng ta xem việc "tự kỷ luật" ở khía cạnh ý chí, nó sẽ tạo ra tình huống "trứng và gà": để xây dựng ý chí, chúng ta cần biết tự kỷ luật bản thân; nhưng để có được sự "tự kỷ luật của bản thân", chúng ta nhất định phải có một ý chí kiên cường.

Vậy, rút cuộc thì cái gì đến đầu tiên? Chúng ta nên làm gì? Nên bắt đầu như thế nào đây?

Việc nhìn nhận sự tự kỷ luật thông qua ý chí tạo ra hàng loạt những lý do cho rằng nó không đúng. Và như các bạn thấy đấy, việc xây dựng sự tự kỷ luật của bản thân trong cuộc sống là một vấn đề hoàn toàn khác.

Hành động của chúng ta không dựa trên logic, ý niệm nhưng logic, ý niệm lại chi phối hành động của chúng ta. Tuy vậy đến cùng, cảm xúc lại chính là cái chi phối mọi thứ.

Chúng ta thường làm những gì được cho là tốt, tránh những điều xấu. Khi bạn buộc phải làm những điều xấu thay cho những việc tốt, đó là khi ý chí thúc đẩy buộc bạn phải phủ nhận những cảm xúc và khao khát của chính mình để làm cái được cho là đúng đắn.

Qua lịch sử, phẩm chất được xem là một dạng khác của việc "tự phủ nhận", "tự cự tuyệt". Để trở thành người tốt, bạn không chỉ phải tự phủ nhận chính mình, phủ nhận sự thỏa mãn của bản thân mà còn phải sẵn lòng làm đau chính bạn. Chắc hẳn bạn đã từng biết về những nhà sư tự đặt ra giới hạn cho mình giam bản thân trong phòng và không nói chuyện với ai trong nhiều năm. Bạn có thể cũng đã thấy mấy chàng thanh niên đánh nhau vì những lý do cỏn con và có khi chẳng đáng. Rồi còn có những người nói không với sex cho đến đêm tân hôn hay thậm chí là suốt cả cuộc đời. Những điều này hoàn toàn là sự thật...

Hướng tiếp cận cổ điển này chính là khởi nguồn của giả định "tự kỷ luật=ý chí". Nó hoạt động dựa trên niềm tin rằng: tự kỷ luật có được thông qua sự phủ nhận và từ chối những cảm xúc của bản thân.

Bạn có muốn chiếc bánh thịt chiên giòn này không?

Cách tiếp cận này đã kết hợp quan điểm về ý chí - nghĩa là khả năng từ chối và phủ nhận khao khát, cảm xúc của bản thân - với đạo đức. Những ai có thể nói không với chiếc bánh thịt chiên giòn này quả là một người tốt. Những ai không thể, đó là một sự thất bại của con người.

HƯỚNG TIẾP CẬN CỔ ĐIỂN CỦA TỰ KỶ LUẬT

Tự kỷ luật = Ý chí = Tự phủ nhận = Người tốt

Sự kết hợp giữa ý chí và đạo đức đã tạo ra những xu hướng tích cực. Khi thoát khỏi những ham muốn bản năng, chúng ta sẽ trở thành những kẻ yêu bản thân mình đến điên cuồng. Nếu chúng ta thoát khỏi chúng, chúng ta sẽ ăn, làm tình hay giết một thứ gì đó trong phạm vi 10 dặm. Những nhà triết học, những người đứng đầu tôn giáo hay những vị vua đã từng giảng về mô típ ý chí này rằng: Phẩm chất là việc kìm nén cảm xúc để thúc đẩy những điều đúng đắn, phủ nhận ham muốn nhất thời và thúc đẩy ý chí phát triển.

Cách tiếp cận này quả thực đang phát triển theo một cách nào đấy. Ồ, và dĩ nhiên, trong khi nó làm xã hội phát triển bền vững, nó cũng hoàn toàn gây hại cho một số cá nhân. 

Hướng nhìn nhận này cũng đã tạo ra ảnh hưởng nghịch lý rằng: chúng ta cảm thấy tồi tệ đối với những thứ làm chúng ta cảm thấy tốt. Cơ bản thì nó dạy chúng ta về "tự kỷ luật" thông qua sự xấu hổ - đơn giản chỉ bằng cách làm chúng ta chán ghét việc mình là ai. Có quan điểm cho rằng: Khi ta bị dồn trách nhiệm + sự xấu hổ đối với những thứ làm ta thỏa mãn, hài lòng, chúng ta sẽ tự thấy kinh khủng và sợ hãi đối với khao khát của bản thân mình. Thậm chí bạn sẽ bị dồn vào bước đường cùng và làm những gì mà người khác sai khiến.

Có thể bạn chưa biết: xấu hổ đang làm hại bạn

Kỷ luật con người thông qua sự xấu hổ, hổ thẹn chỉ có tác dụng trong một thời gian ngắn. Nếu kéo dài, nó sẽ phản tác dụng. Để lấy ví dụ, hãy sử dụng nguồn cơn phổ biến của sự xấu hổ trên trái đất này: sex.

Bộ não của chúng ta cũng như sex vậy. Đó là bởi vì, sex mang đến những cảm xúc bất tận, đó là ham muốn, bản năng sinh học vốn có của con người. Bạn có thể có những lý giải khác cho riêng mình!

Và bây giờ, nếu bạn trưởng thành như bao con người khác và đặc biệt nếu bạn là phụ nữ, hẳn bạn đã từng được dạy rằng, sex là một điều gì đó rất xấu xa. Việc quá phóng đãng sẽ làm hư bạn và làm bạn trở thành một người phụ nữ "không trong sạch". Bạn đã từng bị phạt khi có ham muốn về nó, và rồi có nhiều cảm xúc khác nhau xung quanh việc này: sex thật tuyệt nhưng cũng thật đáng sợ, nó đúng nhưng trong một số trường hợp nó lại sai. Kết quả là, bạn vẫn muốn sex nhưng lại bị quấn quanh trong sự lo lắng, ngờ vực hay chỉ dẫn của một ai đó.

Cảm xúc xáo trộn này tạo ra sự không hài lòng trong con người bạn. Thời gian trôi qua, cảm xúc này lại càng dấy lên. Bởi lẽ rằng ham muốn về sex không thể tự dưng biến mất. Sự ham muốn đó vẫn còn và sự xấu hổ cứ vì thế mà không ngừng lại.

Trên thực tế, áp lực này phải được giải quyết theo hai cách:

Thứ nhất là hãy chiều theo cảm xúc của bạn. Sự căng thẳng dồn nén bao ngày sẽ trở thành một điều tuyệt vời đến nỗi bạn có suy nghĩ rằng, bạn phải thực hiện nó theo cách "ngoạn mục" nhất. Và đương nhiên, tình trạng thủ dâm trong những ngày qua sẽ không còn nữa.

Tuy nhiên, sự thỏa mãn nhất thời này không thực sự giải quyết được vấn đề. Nó đơn giản chỉ là bỏ chướng ngại vật ra khỏi con đường. Bởi vì sau khi bạn sex, bạn sẽ lại hổ thẹn, ngờ vực và tiếng chỉ dẫn của ai đó lại văng vẳng bên tai.

Vậy, nếu việc chiều theo cảm xúc của bản thân không hiệu quả, phương án thứ hai sẽ là gì? 

Hm... lựa chọn duy nhất còn lại chính là thoát ra khỏi mớ cảm xúc hỗn độn đó và làm tê liệt chúng. Để xóa bỏ nó, con người thường có xu hướng tìm đến những thứ tốt đẹp, hấp dẫn hơn. Nhậu say một trận bí tỉ, party với bạn bè... dĩ nhiên rồi. Hay dành cả nửa ngày để xem ti vi hay ăn đến chết đi sống lại.

Thỉnh thoảng, chúng ta cũng tìm ra những cách hiệu quả để xua đi sự hổ thẹn  trong bản thân mình như chạy marathon, hay làm việc quên trời quên đất từ ngày này qua ngày khác. Nhưng thật đáng tiếc rằng, vẫn có rất nhiều người ngưỡng mộ loại ý chí này. Bởi lẽ, sự tự phủ nhận chỉ dễ dàng khi thật sự trong thâm tâm ta chán ghét điều đó.

Bởi vì xấu hổ không thể mất đi. Nó chỉ biểu hiện ở hình thức khác. Những người tập thể dục thường xuyên để thoát khỏi sự kinh tởm bản thân mình sẽ tìm thấy một sự chán ghét khác về bản thân trong quá trình luyện tập. Một số khác lại bắt đầu như thể họ là những gymer chuyên nghiệp nhưng trên thực tế, họ lại tiêm hóc môn vào cơ bắp để trông giống như Popeye.

Tương tự vậy, những doanh nhân, những người có thể chuyển hóa sự xấu hổ, kiêng dè trong bản thân mình thành sự bứt phá trong công việc trên thực tế họ đã phát triển sự xấu hổ trong bản thân lên đến đỉnh điểm là họ không thể về nhà. Họ không muốn làm điều đó. Bất cứ sự không hiệu quả nào công việc đều có cảm giác như đó là một thất bại thảm hại. Họ rất hiếm khi có những phút giây thư giãn và cuộc sống của họ chỉ quẩn quanh với bảng tính và số liệu.Tự kỷ luật chỉ dựa trên tự phủ nhận không thể bền vững trong thời gian dài. Nó chỉ giúp những hoạt động bất thường trở nên tốt hơn. Và cuối cùng là tự phá hủy.

SỰ THẬT VỀ HƯỚNG TIẾP CẬN CỔ ĐIỂN

Tự phủ nhận = Cảm xúc bất thường = Tự phá hủy = - (Tự kỷ luật)

Đây là vấn đề, tôi không thể tin nổi nhưng vẫn phải nói... Bạn có thể thúc đẩy bản thân mình đến phòng gym cho dù bạn không thích nó lắm. Tuy nhiên, nếu chính cái phòng gym đó làm bạn thấy tệ hơn, bạn thậm chí sẽ mất luôn động lực, ý chí và không muốn đến đó nữa. Bạn có thể khiến bản thân mình không uống bia, rượu trong 1 ngày, 1 tuần, tuy nhiên, nếu việc đó làm bạn cảm thấy chả được tích sự gì, bạn sẽ lại ngựa quen đường cũ.

Đây chính là lý do tại sao giai đoạn tôi ngủ toàn thấy ác mộng luôn kết thúc như một thảm họa. Thức trắng đêm và mất ngủ chả đem đến cho tôi ích lợi gì. Nó còn tạo ra những cảm xúc tiêu cực. Tôi lúc đấy chả có gì ngoài những cơn đau và mê sảng. Nó thực sự là một việc hành hạ bản thân.  

Vậy nên, bất cứ sự "tự kỷ luật" đúng đắn nào cũng nên đồng hành với cảm xúc của bạn hơn là việc chống lại chúng.

Cuối cùng, tự kỷ luật không dựa trên tự phủ nhận hay ý chí mà dựa trên cái ngược lại: tự chấp nhận.

Tự kỷ luật thông qua tự chấp nhận

Bạn đang trong quá trình giảm cân và trở ngại lớn nhất của bạn chính là bạn luôn ăn sạch 3kg kem mỗi tuần. Bạn là một fan bự của kem. Bạn dốc hết ý chí chống lại điều này; cố gắng ăn kiêng cùng bạn bè; nói với người yêu của mình rằng đừng bao giờ mua kem nữa vì nó sẽ làm bạn tiếp tục sai lầm.

Nhưng tất cả đều vô ích. Không có ngày nào trôi qua mà bạn nạp dưới 1000 calories các sản phẩm chứa kem. 

Bạn thực sự rất chán ghét bản thân mình vì điều đó.

Và đây là vấn đề của bạn. Bước đầu tiên để tự kỷ luật là kết nối lại những khuyết điểm của bản thân từ những sai lầm đạo đức. Chúng ta phải chấp nhận rằng chúng ta đã nhượng bộ để chìm vào những mê đắm và điều đó thực sự là không đáng. Chúng ta che giấu sự hổ thẹn. Chúng ta thất bại trong việc kìm nén những ham muốn nhất thời. Và chúng ta như những cái bồn chứa kem chết tiết từ ngày này qua tháng khác. 

Sự chấp nhận này trên thực tế khó hơn những gì là chúng ta vẫn thường nghe . Chúng ta thậm chí không thể thấy hết được cách mà chúng ta đánh giá bản thân mình cho những lỗi lầm hiện hữu mà ta mắc phải. Những suy nghĩ cứ thế không ngừng tuôn ra mà ta không hề hay biết. Và kết thúc mọi vấn đề, chúng ta luôn ý niệm "Bởi vì tôi thật tệ!!!!"

  • Tao đã phá nát cái dự án đó mất rồi, tao thật là tồi!
  • Cái bếp như một đống hỗn độn mà 20 phút nữa là ba mẹ về rồi, mình thật là tệ...
  • Những người khác đều rất giỏi làm cái này, trừ tao. Tao thật tệ mà!
  • Mọi người đã nghĩ tôi là một thằng ngốc, vì thật sự tôi rất tồi...  

Hey, và có lẽ bạn đang tự đánh giá chính mình khi đọc những dòng này đúng không!?

Ồ man tôi luôn đánh giá bản thân mình thế này mọi lúc... vì tôi rất tồi!

Đây là vấn đề: Việc tự đánh giá bản thân sẽ làm cho bạn cảm thấy thoải mái. Bởi nó trút đi một phần trách nhiệm của bạn đối với chuyện mình làm. Nếu tôi quyết định rằng tôi không thể từ bỏ kem vì tôi không thể thì điều đó quả thực kinh khủng - kìm hãm khả năng của mình để thay đổi và phát triển trong tương lai - nó nằm ngoài tầm kiểm soát của tôi - tôi không thể làm gì với cái sự thèm muốn và ép buộc này được... Haizzz, vậy thì tại sao tôi phải cố !!!

Có một loại sợ hãi và lo lắng, chúng đến khi chúng ta từ bỏ niềm tin. Rồi quả thực, chúng ta đã chấp nhận bản thân mình như vậy vì sự lo sợ về trách nhiệm đó. Điều này không những làm ảnh hưởng đến những thứ ta có thể thay đổi trong tương lai mà còn là những điều đã bỏ phí trong quá khứ.

Tuy nhiên, khi chúng ta kết nối cảm xúc từ những đánh giá mang tính phẩm hạnh, đạo đức trong con người mình - khi chúng ta quyết định rằng những thứ làm ta thấy không tốt không đồng nghĩa với việc bản thân mình thật tệ hại - nó sẽ mở ra những con đường mới!

Với một ai đó, cảm xúc chỉ là một cơ chế hành động ở bên trong mà con người có thể thống trị. Nó tương tự như việc đặt kem đánh răng bên cạnh bàn chải nhắc bạn đánh răng mỗi sáng. Nhưng nếu những chuẩn mực đặt ra bị bỏ đi, bạn sẽ lại tìm đến với bánh ngọt, với kem tươi như thể là một động lực để giải quyết những vấn đề vướng mắc trong cuộc sống.

Chúng ta phải giải quyết được vấn đề cảm xúc này khi mà sự ép buộc đang cầm cân. Bạn buộc phải ăn nhiều hũ kem mỗi tuần. Tại sao ư? Ồ, đó là vì việc ăn, đặc biệt là đường và những hóa chất không tốt cho sức khỏe mang lại cảm giác thoải mái. Đôi khi, chúng được biết đến là "gia vị của cảm xúc" tương tự như đồ uống có cồn - thứ giải thoát cảm xúc con người khỏi những điều yêu ma quỷ quái.

Vậy những thứ quỷ quái đó là cái gì? Tại sao chúng ta lại phải sợ nó.

Hãy tìm kiếm chúng. Xử lý chúng. Và quan trọng nhất là: Hãy chấp nhận chúng. Hãy vạch trần những mặt đen tối, xấu xa nhất của chính bản thân bạn. Đối mặt với chúng, cho phép bản thân cảm thấy thật buồn tủi khi chúng đến. Rồi chấp nhận rằng nó chính là một phần của con người bạn, nó không biến mất đi. Và nào... bây giờ thì mọi chuyện đã ổn. Bạn đã có thể sống chung với nó, thậm chí là chiến đấu với nó !

Và đây là điều kỳ diệu xảy ra khi bạn ngừng cảm thấy bản thân mình kém cỏi, tồi tệ:

  1. Không cần phải  làm "tê liệt" bất cứ thứ gì cả. Khi đấy, những hũ kem đột nhiên cũng sẽ trở nên vô vị.
  2. Bạn không có lý do gì để trừng phạt bản thân mình. Trái lại, bạn yêu bản thân mình và luôn muốn chăm sóc cho nó tốt hơn. Quan trọng là, bạn cảm thấy vui khi làm điều đó.

Thật kỳ diệu, những cây kem giờ đây không còn làm bạn thích thú như trước nữa. Những ham muốn hỗn độn cũng cứ thế trôi đi. Thay vào đó, bạn cảm thấy bản thân mình không được khỏe và đang béo lên (phải chăm sóc bản thân thế nào bây giờ nhỉ?).

**********

Nhưng hãy nhớ rằng, bạn không cần phải tiến hành những phương pháp chuyên sâu như thế này để tìm ra sự tự kỷ luật của riêng mình. Đơn giản chỉ cần hiểu và chấp nhận cảm xúc của chính bạn.

Đây là một cách để tiến hành điều này: Gọi điện cho bạn thân của bạn và nói nó ghé qua. Bạn sẽ lấy một tấm séc, viết 2000$, ký tên và đưa cho người bạn thân đó. Sau đó nói với anh bạn ấy rằng "Nếu tao ăn kem một lần nữa, mày hãy đem tờ séc này đi lĩnh tiền mặt".

Xong.

Bây giờ việc ăn kem của bạn sẽ dẫn đến một vấn đề to lớn hơn rất nhiều. Và thật kì diệu, việc cố kiềm chế ăn kem diễn ra tốt hơn bao giờ hết.

Các trách nhiệm xã hội cũng diễn ra y chang vậy. Việc ngồi thiền trong một thời gian dài sẽ dễ hơn nếu bạn ở trong một căn phòng đầy ắp người so với việc chỉ có một mình bạn. Tại sao ư? Bởi vì khi ở trong một căn phòng như vậy, bạn không muốn mình là kẻ ngớ ngẩn đầu tiên đứng dậy chỉ sau 03 phút. Áp lực xã hội sẽ cho bạn thấy rằng việc bạn không ngồi thiền sẽ mang lại vấn đề lớn hơn là việc bạn chỉ thiền trong khoảng thời gian của bạn.

Bạn cũng có thể làm điều này thông qua việc tăng cường những điều tích cực trong cuộc sống chẳng hạn như: tự thưởng cho bản thân mình khi làm được việc tốt. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc này đích thực đã hình thành một thói quen mới: Làm những điều mà bản thân khao khát và tự thưởng cho mình khi làm được điều đó.

Kết quả: Tự kỷ luật không cần ý chí

Khi bạn giải quyết được sự ngại ngùng, hổ thẹn trong bản thân mình, khi bạn tạo ra những tình huống sẽ đem đến cảm xúc tích cực nếu làm được nó hơn là việc không làm được, bạn sẽ tạo ra được sự tự kỷ luật của riêng mình mà không cần phải có sự nỗ lực hay ép buộc nào cả.

Bạn thức dậy sớm bởi vì bạn cảm thấy làm vậy thật tốt.

Bạn ăn cải xanh thay vì hít "lá đu đủ" vì bạn cảm thấy rằng ăn cải xanh thật tốt còn việc hút hít kia chẳng hay tí nào.

Bạn ngừng nói dối vì bạn cảm thấy việc bạn nói dối sẽ làm mọi chuyện trở nên tệ hơn thay vì nói sự thật.

Bạn tập thể dục đều đặn vì bạn thấy rằng việc đó có thể làm bạn khỏe mạnh hơn, tốt hơn, bạn có thể diện mình trong bộ cánh yêu thích.

Đương nhiên, không có nghĩa là nỗi buồn và sự đau khổ sẽ qua đi. Chúng vẫn ở đó. Nhưng có giá trị riêng. Và tất cả chúng tạo nên sự khác biệt. Bạn sẽ sống cùng nó thay vì cứ phải vươn mình chống chọi. Bạn đồng hành cùng nó thay vì khắc khoải chạy trốn. Và với mọi ước mơ, mục tiêu trong cuộc đời, bạn sẽ mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn, hạnh phúc hơn.

Và thực sự thì, nhìn từ bên ngoài, có vẻ như bạn đang đặt vào đó sự nỗ lực hết mình với ý chí và khát khao vô tận. Nhưng, với bạn, nó như thể chẳng là gì cả !!! 


Theo Markmanson

Chủ đề chính: #tự_kỷ_luật

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn