Duy Hữu

Phải làm gì khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn?

Đăng 9 năm trước

Rắn lục đuôi đỏ cắn nguy hiểm như thế nào và phải làm gì khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết này

Thời gian vừa qua, rắn lục đuôi đỏ xuất hiện và cắn người ở một số địa phương như Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi... khiến dư luận lo sợ.

Vậy loài rắn lục đuôi đỏ này nguy hiểm như thế nào và làm sao để phòng tránh chúng?

Phải làm gì khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn?

Theo tìm hiểu và được biết: Trong y khoa, rắn độc được chia thành 2 nhóm chính: Nhóm gây rối loạn đông máu và xuất huyết như họ rắn lục (rắn lục xanh, rắn lục đuôi đỏ, rắn chàm quạp); Nhóm ảnh hưởng đến thần kinh trung ương, gây liệt, suy hô hấp, ngưng thở như họ rắn hổ (rắn hổ mang chúa, hổ đất, cạp nong, cạp nia, hổ mèo,...).

 Rắn lục đuôi đỏ thuộc họ Rắn lục, bộ có vảy, là loài cực độc trong số các loại rắn lục, mình xanh và đuôi có màu nâu đỏ. Chúng có chiều dài tối đa khoảng 60 cm và trọng lượng khoảng 300 gram. Tổng chiều dài con đực 600 mm, con cái dài 810 mm; chiều dài đuôi con đực 120 mm, con cái 130 mm.

Rắn lục đuôi đỏ có nhiều nọc độc hơn rắn lục thường. Khi bị rắn cắn, vết thương chảy máu nhiều và sưng rất nhanh. Người bị rắn cắn thường bị rối loạn đông máu. Nếu không xử trí kịp sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Theo Trung tâm chống độc, bệnh viện Bạch Mai, nếu phát hiện được người bị rắn độc cắn phải sơ cứu ngay, rồi mới vận chuyển đến bệnh viện.

Không để nạn nhân tự đi lại, vì vận động làm tăng tốc độ lan tỏa của nọc độc, cần bất động chi bị cắn bằng nẹp. Riêng với rắn lục cắn tuyệt đối không băng ép bất động vì có thể làm nặng thêm tổn thương tại chỗ. Chuyển nạn nhân bằng phương tiện nhanh nhất đến cơ sở y tế. Nếu nạn nhân bị liệt thì khai thông đường hô hấp tư thế, hút đờm dãi, hô hấp nhân tạo...

Không can thiệp vào vết cắn vì có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, tăng sự hấp thu nọc độc và dễ chảy máu. Không làm ga rô; không chích, rạch, châm, chọc tại vết cắn; không hút nọc độc, đắp các loại thuốc y học dân tộc, hóa chất lên vết cắn... Không sử dụng hòn đá chữa rắn cắn, không chườm lạnh vết cắn.

Ở cơ sở y tế: cần khám nhanh và hồi sức tích cực, chú ý hồi sức tim mạch, làm các xét nghiệm cần thiết. Đặc biệt cần dùng huyết thanh kháng nọc để trung hòa nọc độc càng sớm càng tốt.

Khi bị rắn cắn cần được nâng cao, chống hiện tượng tái hấp thu dịch. Dùng kháng sinh chống nhiễm khuẩn, tiêm thuốc giải độc tố uốn ván. Nếu vết cắn bị hoại tử thì phải cắt lọc hoàn toàn, ghép da hở, dùng thuốc kháng sinh có hoạt phổ rộng để chống nhiễm khuẩn.

Đề phòng bị rắn cắn, cần phát quang bụi rậm quanh nhà, giữ môi trường, nhà cửa sạch, không nên cho trẻ ngủ dưới nền đất. Khi làm vườn nên mang ủng và bao tay. Đi qua bụi rậm cần dùng gậy khua trước.

Tổng hợp

Chủ đề chính: #rắn_lục_đuôi_đỏ

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn