Thủy Vu "Hãy học khi người khác ngủ, lao động khi người khác lười nhác, chuẩn bị khi người khác chơi bời, và có giấc mơ khi người khác chỉ ao ước"-William Arthur Ward.

Thói quen hình thành và phát triển ra sao?

Đăng 6 năm trước

Cuộc đời của mỗi con người có vô vàn những thói quen khác nhau. Từ việc thức dậy sớm mỗi ngày, uống trà vào lúc 6 giờ chiều, hay đọc sách trước lúc đi ngủ. Từ việc luôn ghi chép trong cuộc họp, hoặc đơn giản là luôn đến quầy thực phẩm đầu tiên khi dạo siêu thị... Đó là những thói quen, có những thói quen tốt và xấu. Vậy bạn có biết thói quen hình thành và phát triển như thế nào không?

Bạn có biết câu ngạn ngữ: "Gieo suy nghĩ gặt hành động, gieo hành động gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận"?

Việc hình thành những thói quen trong cuộc sống là một trong những nhân tố quyết định sự thành công của cuộc đờiKhi bạn làm một việc gì đó quá thường xuyên, nó sẽ tự động trở thành thói quen. 

Hình thành thói quen

Hãy tưởng tượng về buổi sáng của bạn. 

Bạn thức dậy lúc 5 giờ 30 phút, vặn vẹo cơ thể vài cái, rồi vào nhà vệ sinh đánh răng, sau đó làm bữa sáng. Vậy tại sao mỗi buổi sáng bạn lại thực hiện cùng một chuỗi hành động đó, theo một chu trình có thứ tự? Đó là vì bạn đã làm nó nhiều lần đến mức bạn thực hiện nó trong vô thức mà không cần suy nghĩ.

Việc thực hiện đi thực hiện lại một hành động gọi là vòng lặp thói quen, theo chu trình sau:

Đầu tiên với việc thức dậy sớm.

Bạn đặt đồng hồ báo thức vào lúc 5 giờ 30 phút sáng hôm sau rồi đi ngủ. Đúng giờ, đồng hồ reng. Bạn thức dậy, vươn vai. Sau đó bạn cảm thấy trong người khoan khoái khi hít một ngụm khí trời. Gợi ý ở đây là tiếng chuông đồng hồ, hành động là thức dậy và phần thưởng là cảm giác khoan khoái. Đó là vòng lặp tạo nên thói quen.

Trong cuốn sách "Sức mạnh của thói quen" của Charles Duhigg đã giải thích vòng lặp này như sau: Quá trình đó trong não chúng ta là một vòng lặp 3 bước:

  • Đầu tiên, gợi ý như một nút bấm sẽ đưa não bộ vào trạng thái tự động và lựa chọn thói quen để sử dụng. 
  • Sau đó một hoạt động có thể thuộc về thể chất, tinh thần hay cảm xúc diễn ra.
  • Cuối cùng, phần thưởng xuất hiện sẽ giúp não bộ xác định vòng lặp đó có cần ghi nhớ để sử dụng sau này không.

Và theo thời gian, vòng lặp biến hành động của bạn thành thói quen. Não bạn sẽ "tự động hóa" hành động đó.

Điều đó cũng có thể giải thích tại sao khi đánh răng, bạn tự động cầm bàn chải, thoa kem và đưa vào miệng, sau đó súc miệng lại bằng nước. Bạn không hề suy nghĩ một cách nặng nề khi làm việc đó. Bởi nó đã được "tự động hóa" thành thói quen.

Cũng tương tự vậy, nếu bạn muốn hình thành một thói quen, bạn cứ việc lặp đi lặp lại hành động đó, và kết thúc hành động sẽ là một "phần thưởng". Bạn cũng có thể tự thưởng cho bản thân mình để vòng lặp tự động hình thành trong não. Ví dụ như sau khi đọc sách, bạn sẽ uống một tách cà phê. Hay bạn sẽ mua cho mình một bộ váy mới khi giảm được 2kg. Nói rõ ra thì phần thưởng chính là động lực giúp bạn hình thành thói quen.

Tuy nhiên, không phải bất cứ thói quen và hành động nhận được phần thưởng lúc nào cũng là tốt. Nếu như bạn hút thuốc và phần thưởng là tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm, thì cả hành động và phần thưởng đều không tốt chút nào. Vì thế, bạn hãy nên lựa chọn những thói quen tốt để tận hưởng phần thưởng do chính lợi ích của thói quen đó tạo ra. 

Sự thèm muốn

Bạn có biết tại sao những sản phẩm mà bạn dùng hằng ngày đa số đều có mùi thơm? Kem đánh răng vốn dĩ không cần bọt, nhưng nhà sản xuất thêm thành phần Natri tạo bọt. Xà phòng rửa tay không cần mùi, nhưng nếu bạn đi một vòng siêu thị, bạn sẽ thấy vô vàn nhãn hiệu với những mùi hương như bạc hà, chanh dây, lavender,... Tại sao vậy?

Đó là xuất phát từ tâm lí của người dùng. Họ muốn có cảm giác mình đang dùng loại sản phẩm đó. Bọt kem đánh răng cho họ biết họ đã đánh răng, cảm giác mát lạnh khiến họ có cảm giác răng miệng sạch sẽ. Từ đó, sự thèm muốn cảm giác dễ chịu đó duy trì thói quen đánh răng, vì họ muốn có lại cảm giác đã trải qua. Xà phòng cũng như vậy, bạn muốn cơ thể mình có hương thơm sau khi tắm không?

Điều này tương tự như nghiện, nhưng lại không hoàn toàn là phải.

Với việc học cũng giống vậy: Khi bạn học tiếng Anh, bạn mong muốn điều gì? Là tự tin giao tiếp với người bản xứ? Là những chứng chỉ? Động lực đó quả là lớn. Nhưng rất nhiều người chỉ cố gắng duy trì thói quen học mỗi ngày được một thời gian, họ lại bỏ cuộc. Vì đơn giản là mục tiêu đó xa quá so với mong muốn được thỏa mãn.

Thay vì vậy, nhiều phương pháp tràn lan trên mạng khuyên chúng ta nên học mỗi ngày một ít và tự thưởng cho mình sau mỗi lần học một ít đó để có thể duy trì lâu hơn. Điều đó là dựa vào sự thèm muốn của não bộ. Nếu bạn làm xong một trang bài tập, bạn thưởng cho mình một ly nước ép ưa thích. Lần sau, cảm giác thèm muốn sẽ khiến bạn tự động ngồi vào bàn và làm xong một trang bài tập nữa, rồi nhâm nhi một ly nước ép. Như vậy, theo thời gian thì thói quen sẽ được duy trì lâu dài. 

Thói quen tốt đồng nghĩa với việc cuộc sống của bạn sẽ muôn màu muôn vẻ và tươi trẻ hơn. Đừng ngần ngại tạo ra thói quen tốt mới, vì biết đâu số phận của bạn sẽ khác đi, theo chiều hướng tích cực hơn. Hy vọng bài viết này sẽ đem lại nhiều động lực cho bạn.   

Chủ đề chính: #hoàn_thiện_bản_thân

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn