Kokoro Vì gió vẫn thổi và ta phải tiếp tục sống và mơ ước dù biết ngọn gió cuộc đời không lặng bao giờ

Thử tài IQ với 9 câu đố logic khó nhất mọi thời đại

Đăng 4 năm trước

Nếu bạn đã chán ngấy với những câu đố mẹo kiểu 'trẻ con' mà chẳng cần động não quá nhiều vẫn có thể giải quyết ngon lành, thì hãy thử sức với những liều thuốc 'hạng nặng' sau đây, được coi là những câu đố logic khó nhất từng được con người sáng tạo ra.

Bạn nghĩ mình là người thông minh tài trí? Bạn có thể giải quyết nhanh gọn hàng loạt bài toán cao cấp mà chẳng tốn quá nhiều mồ hôi? Hay bạn chỉ đơn giản là muốn khám phá những đỉnh cao trí tuệ của nhân loại? Nếu vậy thì đây là món quà thực sự dành cho bạn.

Trong danh sách 9 câu đố logic khó nhất thế giới này, bạn sẽ được thỏa sức phiêu lưu vào kho tàng tri thức bao la với đủ các thể loại trò chơi. Từ quen thuộc như Sudoku cùng các phiên bản cải tiến của nó là Killer Sudoku và Calcudoku, cho tới những trò có lẽ bạn còn chưa từng nghe tên như Bongard hay Fill-a-Pix. 

Nào, hãy cùng thử tài IQ của mình ngay thôi. Biết đâu bạn lại là một trong số rất ít người có thể giải được một vài trong số những câu đố hóc búa này thì sao!

1. Ô số Sudoku khó nhất

Sudoku là một trong những trò chơi trí tuệ phổ biến và được nghiên cứu nhiều nhất trên toàn thế giới. Vào năm 2012, nhà toán học người Phần Lan Arto Inkala tuyên bố đã tạo ra ô số Sudoku khó nhất thế giới, như hình trên.

Theo báo The Telegraph của Anh, với thang điểm đánh giá độ khó của các ô số Sudoku - trong đó một sao là dễ nhất và năm sao là khó nhất - thì ô số này được chấm điểm là mười một! 

2. Câu đố thuần túy logic khó nhất mọi thời đại

Nhà nghiên cứu triết học và logic học người Mỹ George Boolos đã trình bày và đăng tải câu đố này - vốn được sáng tạo ra bởi Raymond Smullyan - trong Bản tổng quan Triết học của Đại học Harvard vào năm 1996.

Boolos đã gọi đây là "Câu đố logic khó nhất mọi thời đại". Bạn có thể download tài liệu gốc đã công bố nó tại đây. Câu đố này có thể phát biểu như sau:

Có ba vị thần là Thật, Giả, và Ngẫu Nhiên, được ký hiệu là A, B, C (không theo thứ tự). Thần "Thật" luôn nói thật, thần "Giả" luôn nói dối, và thần "Ngẫu Nhiên" lúc nói thật lúc nói dối. Nhiệm vụ của bạn là xác định danh tính của A, B, và C bằng cách đặt cho mỗi vị một câu hỏi dạng "Yes-No". Vấn đề là cả ba thần đều hiểu câu hỏi, nhưng sẽ trả lời theo ngôn ngữ riêng của họ, bằng các từ "da" và "ja", nghĩa là "yes" và "no", nhưng cũng không theo thứ tự (tức là bạn không biết "ja" là yes hay no, ví dụ vậy).

3. Ô số Killer Sudoku khó nhất

Killer Sudoku là biến thể của Sudoku, trong đó bên cạnh các luật thông thường còn có thêm luật về tổng của các số trong một nhóm ô được định sẵn. Câu đố trong hình trên được đăng trên trang Calcudoku.org vào ngày 9 tháng Mười một năm 2012, và được đánh giá là khó nhất dựa theo số người giải được câu đố trong một ngày.

4. Câu đố Bongard khó nhất

Trò chơi trí tuệ này được phát minh vào năm 1967 bởi nhà khoa học nghiên cứu máy tính người Nga là Mikhail Moiseevich Bongard. Cách chơi là: bạn phải tìm ra một quy tắc mà cả 6 hình bên trái đều tuân theo, trong khi 6 hình bên phải thì không. 

Nghe thì dễ, và quả thật những câu đố sơ khai của trò chơi này cũng khá đơn giản, nhưng càng ngày độ khó càng được tăng lên, và câu đố trên hình là một thử thách thực sự khủng khiếp đấy.

5. Ô số Calcudoku khó nhất

Cũng là một biến thể của Sudoku, nhưng Calcudoku có một vài điểm khác biệt như sau: (1) người ta có thể dùng nhiều phép tính khác ngoài phép cộng các số, (2) có các nhóm ô bất kỳ giống như Killer Sudoku, và (3) không tồn tại các nhóm ô vuông lớn gồm 3x3 ô vuông nhỏ như Sudoku cổ điển. 

Calcudoku được phát minh bởi một giáo viên dạy toán người Nhật là Tetsuya Miyamoto. Ô số trên hình được đưa ra vào ngày 2 tháng Tư năm 2013, và chỉ có 9,6% số người dùng thường xuyên của trang Calcudoku.org có thể giải được nó.

6. Ô số Kakuro khó nhất

Có thể nói Kakuro là sự kết hợp của Sudoku, logic, chơi ô chữ và toán cơ bản. Nhiệm vụ của bạn là dùng các số từ 1 tới 9 để điền vào các nhóm ô ngang hoặc dọc, sao cho tổng của một nhóm ô ngang bằng con số ở bên trái nó, và tổng của nhóm ô dọc bằng con số phía trên nó. Và tất nhiên các số không được lặp lại trong cùng một nhóm ô. 

Ô số trên hình được tạo ra bởi các thành viên của trang Conceptis Puzzles và được đánh giá là khó nhất cho đến hiện nay.

7. Câu đố khó nhất của Martin Gardner

Martin Gardner (1914-2010) là một nhà văn chuyên viết về toán học và khoa học. Trong cuốn sách nổi tiếng The Colossal Book of Short Puzzles and Problems của mình, ông đã trình bày rất nhiều câu đố thuộc nhiều thể loại khác nhau theo các cấp độ từ dễ đến khó. Câu đố sau đây là bài toán khó nhất của thể loại "Số học":

Giả sử bạn có một con số bất kỳ. Hãy lấy các chữ số của nó nhân với nhau để ra một số thứ hai, rồi lấy các chữ số của số thứ hai đó nhân với nhau để ra số thứ ba, cứ làm như vậy cho đến khi bạn được một số thứ n chỉ có một chữ số. Khi đó số lần thực hiện phép nhân được gọi là "độ bền" (persistence) của số ban đầu. Ví dụ: số 77 có độ bền bằng 4 vì 7x7=49, 4x9=36, 3x6=18, 1x8=8. Như vậy số nhỏ nhất để độ bền bằng 1 là số 10, số nhỏ nhất để độ bền bằng 2 là số 25... Câu hỏi là: hãy tìm số nhỏ nhất có độ bền bằng 5.

8. Thế cờ vây khó nhất trong lịch sử

Cờ vây là trò chơi trí tuệ có lịch sử hơn 2.500 năm, bắt nguồn từ Trung Quốc. Môn cờ này nổi tiếng với đặc điểm luật chơi và hình thức cực kỳ đơn giản nhưng chiến thuật và nước đi thì biến ảo vô biên. Thế cờ trên hình được cho là khó nhất trong lịch sử và được cho là phải mất đến 1000 giờ đồng hồ để một nhóm sinh viên trình độ cao giải được nó. 

9. Câu đố Fill-a-Pix khó nhất

Fill-a-Pix là một trò chơi khá giống với Minesweeper, với một hình ảnh được ẩn giấu đằng sau những điểm ảnh nằm trong những ô vuông. Chỉ dựa vào suy luận logic, người chơi phải tìm ra những ô nào có chứa hình ảnh và phải chừa lại những ô không có hình ảnh cho đến khi toàn bộ bức tranh được lật ra hết. 

Trò chơi này được phát minh bởi Trevor Truran, một cựu giáo viên dạy toán trường cấp ba. Còn câu đố cực khó trên hình được tạo ra bởi trang Conceptis Puzzles.

Chủ đề chính: #câu_đố_khó

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn