Duy Hữu

Trận đánh lớn của ngành giáo dục

Đăng 8 năm trước

Như vậy, trận đánh lớn đầu tiên của ngành giáo dục đã kết thúc. Đợt tuyển sinh đại học đợt 1 đi qua như một bãi chiến trường, để lại đống hỗn mang cho rất nhiều

Như vậy, trận đánh lớn đầu tiên của ngành giáo dục đã kết thúc. Đợt tuyển sinh đại học đợt 1 đi qua như một bãi chiến trường, để lại đống hỗn mang cho rất nhiều người vì không hiểu chuyện gì vừa xẩy ra, trong đó có tôi.

Mô tả hình ảnh

Đã từng trải qua những thời điểm như các em thí sinh thi vào đại học, tôi hiểu áp lực dành cho các em là lớn như thế nào. Tôi hiểu được mong muốn lớn nhất của các em là có được một kì thi thực sự khách quan và công bằng, bớt đi các thủ tục không cần thiết để tập trung vào chuyên môn sách vở. Với những gì vừa trải qua, tôi không chắc nguyện vọng đó của các em đã được thực hiện.

Bất kì quyết định chính sách nào cũng sẽ đều gây tranh cãi. Chúng ta phải chấp nhận rằng không cái gì có thể làm hài lòng tất cả, sẽ phải có những nhóm chịu thiệt thòi khi một chính sách mới được đề ra. Bởi logic của việc lập chính sách là bài toán tổng thể: tổng giá trị mà xã hội đạt được phải cao hơn mức trước đó.

Nhìn vào sự hỗn loạn của cuộc đua đại học năm nay, những vất vả của những thí sinh chạy hết từ trường này qua trường khác, bao nhiêu sự mất công mất việc của phụ huynh đôn đáo theo con, tôi nghi ngờ vào việc kì thi kiểu mới mang lại lợi ích cao hơn cho xã hội. Tất nhiên rất khó để lượng hoá được cụ thể con số được – mất mà so sánh, nhưng nếu Bộ Giáo dục làm một cuộc khảo sát quan điểm của phụ huynh ngay sau khi màn rượt đuổi vừa rồi kết thúc, tôi tin rằng sẽ không có nhiều ý kiến hài lòng.

Có thể từ những vấn đề hiện tại, năm sau chúng ta lại có thêm những cải cách, chỉnh đốn việc thi đại học. Có thể các điểm thi chung năm sau sẽ được siết chặt kỉ luật hơn, thi cử sẽ diễn ra công bằng hơn. Có thể hệ thống chuyển nguyện vọng sẽ được tin học hoá như đã được áp dụng trên sàn giao dịch chứng khoán, giúp các thí sinh bớt vất vả hơn.

Thế nhưng, những sửa đổi như thế chỉ làm câu chuyện đại học bớt nhức nhối chứ không giải quyết được tận gốc vấn đề. Câu hỏi cần đặt ra với Bộ Giáo dục không phải là tổ chức kì thi như thế nào, mà là tổ chức kì thi cho ai, và quyền lợi thuộc về ai?

Nếu tiếp cận dưới góc độ đó, câu trả lời sẽ phải học sinh và xã hội, mỗi bên đứng ở một phía nguồn cung và cầu nhân lực. Xã hội không có khả năng đánh giá toàn bộ học sinh, do vậy sẽ uỷ quyền cho các trường đại học, cao đẳng để làm công việc đó. Các trường, tuỳ theo nhu cầu riêng của mình, sẽ biết cách hiệu quả nhất để tuyển các thí sinh phù hợp. Bộ Giáo dục, với tư cách là cơ quan quản lý nền giáo dục – đào tạo nước nhà, có trách nhiệm thanh tra, giám sát để quá trình tuyển chọn diễn ra công bằng. Nói cách khác, Bộ sẽ giữ vai trò tạo lập sân chơi cho các bên, thay vì trực tiếp tham gia vào “trận đánh”.

Đó là cách làm ở các hệ thống giáo dục mà Việt Nam luôn đề cao như Anh và Mỹ. Thế nhưng, kì thi đại học với nhiều lần cải cách trong cả chục năm vừa qua cho thấy chúng ta lại đang làm lộn ngược. Người chơi chuyển sang vị trí giám sát (trông thi), còn người đáng lẽ làm trọng tài thì lại xỏ giày thi đấu. Tôi cho rằng, kì thi quốc gia, tương tự như kì thi SAT của Mỹ hay A – level của Anh, vẫn sẽ giữ một vai trò rất quan trọng cho tuyển sinh đại học, và cần được duy trì. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục nên để các trường tự do hơn trong việc lựa chọn phương pháp tuyển sinh phù hợp với mình, và đóng vai trò lớn hơn trong các kì thi chung.

Khi bắt đầu quá trình cải cách thi cử, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận từng phát biểu rằng :”Tôi coi đổi mới giáo dục lần này là trận đánh lớn”. Tôi không đồng tình với quan điểm đó của ngài Bộ trưởng. Theo tôi, giáo dục không phải và không bao giờ nên là một “trận đánh”. Số phận của hàng triệu thí sinh, và cao hơn đó, tương lai của cả một dân tộc, không phải là một chiến trường hay sân chơi để liều lĩnh thử nghiệm cái mới một cách thiếu cẩn trọng.

Khi chưa trả lời được câu hỏi “để cho ai và để làm gì”, tất cả những cải cách sẽ mang nhiều nguy cơ hơn là cơ hội cho các thí sinh và cả xã hội.

Theo khacgiang.com

Chủ đề chính: #giáo_dục

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn