John Tran ''Sự khoan dung là món quà lớn nhất của tâm hồn; nó đòi hỏi nỗi lực của bộ não cũng nhiều như khi bạn phải giữ thăng bằng khi đi xe đạp''. - Hellen Keller

Truyền máu và những điều bạn chưa biết

Đăng 7 năm trước

Máu là sinh phẩm vô cùng quý giá trong điều trị bệnh mà cho đến nay vẫn chưa có một vật phẩm nào có thể thay thế được. Ở nước ta (năm 2001), với dân số 76 triệu người mỗi năm ước tính cần khoảng 1 triệu lít máu, 5000 lít huyết tương.

Mục đích của việc truyền máu

Truyền máu là đưa vào cơ thể người bệnh qua đường tĩnh mạch một khối lượng máu nhằm mục đích như sau:

  • Bù đắp lại số lượng máu đã mất, nâng cao huyết áp.
  • Cầm máu vì máu truyền vào nó mang sẵn các yếu tố như fibrinogen, protrombine, tiểu cầu.
  • Chống nhiễm khuẩn nhiễm độc vì nó cung cấp kháng thể và hemoglobin.
  • Cung cấp oxy cho tế bào và kháng thể cho người bệnh, khi máu đưa vào hệ thống tuần hoàn sẽ vận chuyển các chất dinh dưỡng đến mô và đưa những sản phẩm thoái hóa ở tế bào, mô, thận, phổi ra ngoài.

Nguyên tắc truyền máu

- Phải truyền cùng nhóm máu và chắc chắn có chỉ định của bác sỹ.

- Nhóm A ------------> A

            B ------------->B

            O ------------> O

            AB -----------> AB

Một số lưu ý

  • Trước khi truyền máu phải chuẩn bị đầy đủ xét nghiệm cần thiết: định nhóm máu ( ABO, Rh), sàng lọc kháng thể bất thường cho một số bệnh nhân có nguy cơ, xét nghiệm hòa hợp miễn dịch truyền máu.
  • Kiểm tra chất lượng đơn vị máu và đảm bảo tuyệt đối vô khuẩn.
  • Kiểm tra dấu hiệu sinh tồn ở các thời điểm: trước khi bắt đầu truyền máu, 15 phút sau khi bắt đầu truyền, ít nhất mỗi giờ trong quá trình truyền máu, khi truyền máu xong, 4 giờ sau khi truyền máu xong.
  • Dụng cụ phải đảm bảo vô khuẩn (dây truyền máu phải có bầu lọc, kim phải đúng cỡ).
  • Đảm bảo tốc độ chảy của máu đúng thời gian theo y lệnh.
  • Khi túi máu đem về buồng bệnh không để quá 30 phút trước khi truyền cho bệnh nhân.
  • Phải theo dõi chặt chẽ quá trình truyền đề phòng các tai biến có thể xảy ra. Trong trường hợp cấp cứu không có máu cùng nhóm có thể truyền khác nhóm nhưng phải thận trọng (Không quá 500ml) theo nguyên tắc tối thiểu như hình trên.

Kỹ thuật truyền máu

Định lại nhóm máu tại giường:

  • Khi truyền máu toàn phần, khối hồng cầu, khối bạch cầu: sử dụng huyết thanh mẫu định nhóm máu ABO của mẫu máu người bệnh được lấy ngay trước khi truyền máu và của mẫu lấy từ đơn vị máu sắp truyền.
  • Khi truyền tiểu cầu, huyết tương: Sử dụng huyết thanh mẫu định nhóm máu ABO mẫu máu của người bệnh. Trộn 02 giọt chế phẩm máu với 01 giọt máu người bệnh và kiểm tra ngưng kết. Không thực hiện truyền máu khi có ngưng kết.
  • Phối hợp với đơn vị phát máu, điều tra làm rõ mọi sự khác biệt (nếu có) giữa hồ sơ bệnh án, phiếu truyền máu, nhãn đơn vị máu và kết quả định nhóm.

Thực hiện kỹ thuật truyền

  • Bước 1: Cho bệnh nhân nằm trên giường, giá treo bọc máu để cạnh giường và cùng bên với tay sẽ truyền máu.
  • Bước 2: Lấy sẵn băng keo dán, mang găng tay.
  • Bước 3: Mở bao đựng dây truyền, khóa dây truyền lại.
  • Bước 4: Cắm dây truyền vào bọc máu. Treo bọc máu lên giá treo cách tay bệnh nhân độ 0,7 đến 1m.
  • Bước 5: Bóp nhẹ bầu đếm giọt cho máu chảy vào nửa bầu. Mở khóa cho máu chảy vào dây truyền, đuổi hết không khí ra cho đến khi máu đến đầu xa của dây truyền thì khóa lại, đậy đầu xa lại. Tuyệt đối không dùng tay búng đuổi bọt khí vì như vậy sẽ làm vở hồng cầu.
  • Bước 6: Làm garrot tĩnh mạch ở cánh tay bệnh nhân, sát khuẩn vùng tiêm truyền.
  • Bước 7: Đâm kim truyền vào tĩnh mạch đúng cách ( thường dùng kim luồng), máu sẽ chảy ra ở đôc kim.
  • Bước 8: Tháo garrot. Nhanh chóng lắp dây truyền máu vào kim truyền một cách chắc chắn, tay vẫn giữ yên kim.
  • Bước 9: Mở khóa cho máu chảy, đếm khoảng 8 đến 10 giọt/phút, đồng thời quan sát bệnh nhân và nơi tiêm truyền (không bỏ tay ra).
  • Bước 10: Băng dán cố định kim truyền và dây truyền chắc chắn, thuận tiện.
  • Bước 11: Đảm bảo tốc độ truyền đúng y lệnh. Nếu trong quá trình truyền máu có triệu chứng gì khác lạ phải ngưng ngay truyền máu (khóa lại), khám đánh giá và xử lý.
  • Bước 12: Kết thúc truyền máu - Khi kết thúc y lệnh truyền máu hay khi hết bọc máu, rút kim truyền, sát khuẩn nơi tiêm, băng vô khuẩn nơi tiêm (thường dùng băng cá nhân). Đếm lại mạch, nhịp thở, đo lại huyết áp, nhiệt độ. Ghi hồ sơ kết thúc.

Tai biến truyền máu và xử trí

1. Sốc tiêu huyết

Nguyên nhân: thường do 3 nguyên nhân như sau

  • Kỹ thuật bảo quản máu không đúng quy tắc chuyên môn.
  • Hồng cầu người nhận bị tiêu hủy bởi huyết thanh người cho.
  • Truyền nhầm nhóm.

Triệu chứng: Nhức đầu, khó thở, rét run, mạch nhanh yếu, huyết áp hạ, đau quặn vùng thắt lưng, đái ít, nước tiểu có huyết sắc tố, rồi vô niệu, urê huyết tăng.
Xử trí: Ngưng truyền máu, điều trị chuyên khoa.

2. Sốc phản vệ

Nguyên nhân: là do dụng cụ, nhất là bộ dây truyền không loại hết chất gây sốt (chí nhiệt tố).
Triệu chứng: thường xuất hiện sau khi truyền khoảng 20 đến 30 phút với các triệu chứng chính như nhức đầu, buồn nôn, khó thở, rét run, thân nhiệt tăng, mạch nhanh yếu (nhưng không tổn thương thận).

Xử trí: Ngưng truyền, điều trị chuyên khoa.

3. Suy tim cấp, phù phổi cấp.

Nguyên nhân: do truyền tĩnh mạch với tốc độ quá nhanh.

Triệu chứng: Biểu hiện bằng trụy tim hoặc tức ngực khó thở, tím tái, bệnh nhân hoảng sợ...

Xử trí: Ngưng truyền máu, điều trị đặc hiệu.

4. Truyền nhầm nhóm máu

Bệnh nhân có triệu chứng nhức đầu, khó thở, rét run, mạch nhanh yếu, huyết áp hạ, tiểu ít, nước tiểu có sắc tố rồi vô niệu. Đau quặn vùng thắt lưng, ngưng ngay truyền.

5. Không đảm bảo kỹ thuật gây nhiễm khuẩn huyết.

Martin Triệu - Ohay.tv

Chủ đề chính: #truyền_máu

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn