Phạm Trung Tình

Vì sao sinh viên thất nghiệp?

Đăng 8 năm trước

Sinh viên ra trường nhưng thất nghiệp đã và đang trở thành một vấn nạn nhức nhối của xã hội cần phải được xem xét thật nghiêm túc.

Đến năm 2015, Việt Nam có gần 700 trường đại học, cao đẳng, học viện có khả năng bồi dưỡng nguồn nhân lực trình độ cao. Hàng năm có trên 400.000 sinh viên bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt để tìm chỗ đứng cho mình. Giải quyết vấn đề việc làm cho sinh viên sau khi ra trường là một bài toán khó.

Theo số liệu của Bộ TB&LĐXH, đến quý III/2015, cả nước có 1.128.700 người trong độ tuổi lao động thất nghiệp. Trong đó, có tới 117.300 người có trình độ cao đẳng và 225.500 có trình độ đại học trở lên thất nghiệp. Những con số này đang có xu hướng tiếp tục tăng nếu không có sự can thiệp của các nhà quản lí giáo dục và hoạch định chính sách. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng thất nghiệp là do:

Nền kinh tế phụ thuộc, không ổn định

Là láng giềng của một siêu cường đang nổi như Trung Quốc, việc Việt Nam bị cuốn vào và phụ thuộc sẽ không thể tránh khỏi. Nhiều công ty, doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn của Trung Quốc được đặt ở Việt Nam: Công ty TNHH Tongwei Hải Dương; Công ty China Road and Bridge Corporation; Công ty China Aluminum International Engineering Corporatiopn Ltd;… tạo ra cơ hội việc làm rất lớn. Thế nhưng, trước những bất ổn chính trị giữa hai nước, nhiều công ty, doanh nghiệp đã phải thu hẹp sản xuất hoặc phải đóng của hoàn toàn do sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Điều này đã tạo ra sự bất ổn cho nền kinh tế của nước nhà và vô hình tạo nên vấn nạn thất nghiệp.

Mô tả hình ảnh

Suy nghĩ thực tế nhưng không thực tiễn

Mục đích chung của sinh viên sau khi đi học là kiếm một công việc ổn định. Đó chính là suy nghĩ rất thực tế và không sai. Thế nhưng, việc đề cao tấm bằng, nâng cao khả năng của bản thân đã biến họ trở thành những “người giời”. Tức là phải làm thầy chứ không chịu làm thợ; phải làm trong các cơ quan nhà nước chứ không thể là hợp đồng, tư nhân; phải làm đúng chuyên ngành và phải lương cao. Chính thái độ này mà nhiều sinh viên ra trường đã bỏ lỡ cơ hội có việc làm.

Mô tả hình ảnh

Sự bất ổn từ khâu quản lý giáo dục

Các trường đại học mọc lên ngày một nhiều, đi học đại không lúc nào dễ như bây giờ. Việc đào tạo nguồn nhân lực với số lượng lớn nhưng chất lượng lại tỷ lệ nghịch đã gây nên nhiều bất cập. Đào tạo theo hệ tín chỉ, với hơn 100 tín chỉ và hàng chục môn học, sinh viên phải tích lũy một lượng kiến thức khổng lồ. Thế nhưng, áp dụng thực tế sẽ là bao nhiêu, các nhà quản lý giáo dục liệu đã tính đến? Học đến “thiên kinh vạn quyển”, thế nhưng sinh viên ra trường vẫn bị các doanh nghiệp chê là không chuyên nghiệp. Như vậy, đào tạo có phải là chưa sát với thực tiễn. Chưa hết, còn có những hiện tượng học giả, bằng giả vẫn cắp hồ sơ đi xin việc làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực.

Mô tả hình ảnh

Làm đúng ngành, đúng nghề, đúng sở thích là mục tiêu, khao khát chính đáng của hầu hết sinh viên sau khi ra trường. Bởi vậy, thất nghiệp là một thách thức lớn của sinh viên nói chung. Bên cạnh đó, nó giúp cho họ nhìn nhận lại bản thân, có những suy nghĩ và hướng đi thật đúng đắn để nắm bắt cơ hội, bước tới ước mơ. 

Chủ đề chính: #sinh_viên

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn