Qua Do Trong

Diễn giải công đức và pháp tu khẩu nghiệp

Đăng 4 năm trước

Phật dạy về khẩu nghiệp theo nhân quả ba đời khiến cho kết quả lành, dữ trở nên quá xa xôi. Đời trước, kiếp sau như kết quả ở nghìn dặm khuất xa nhưng lợi ích của những lời dạy về tu tâm, dưỡng tính lại hiện hữu ngay trước mắt. Không chỉ đem lại phước báu, những lời Phật dạy về khẩu nghiệp còn biến cách sử dụng lời nói trở thành nghệ thuật trong cuộc sống hàng ngày.

I. Phật dạy về công đức của khẩu nghiệp

Trong kinh "Thập thiện nghiệp đạo" Phật có dạy: "Long vương nên biết Bồ Tát có một pháp hay đoạn đứt tất cả các khổ trong đường ác. Pháp đó là gì? Là ngày đêm, suy nghĩ, quán sát pháp lành, khiến cho các pháp lành mỗi niệm mỗi niệm tăng trưởng, không để mảy may pháp bất thiện xen lẫn, đó là khéo làm cho các pháp ác dứt hẳn, pháp thiện viên mãn thì thường được gần gũi chư Phật, chư Bồ Tát và hàng Thánh chúng khác." Pháp lành đó tạo ra công đức cho việc xa lìa nghiệp ác. Khẩu nghiệp xấu gồm có: vọng ngữ, hai lưỡi, ác khẩu và ỷ ngữ. Xa lìa mỗi loại khẩu nghiệp xấu lại thành tựu được những công đức khác nhau.

Phật dạy về công đức của khẩu nghiệp khi xa lìa vọng ngữ

"Tây du ký" hẳn là bộ phim gắn liền với thời thơ ấu của rất nhiều người. Có lần Tôn Ngộ Không cầu cứu Bồ Tát Quán Thế Âm thu phục Hắc Hùng tinh giúp mình. Bồ Tát hóa thành Xà tinh còn Tôn Ngộ Không thì hóa thành viên linh đan. Hắc Hùng tinh đã lầm tưởng Bồ Tát là ông bạn Xà tinh của mình mà mắc mưu. Với những gì tận mắt nhìn thấy, Hắc Hùng tinh đã nhầm. Còn chúng ta thì sao? Hay vẫn còn băn khoăn với những gì nhìn thấy như câu hỏi của Tôn Ngộ Không "Đây là Bồ Tát hóa thành yêu quái hay yêu quái hóa thành Bồ Tát?".

Xa lìa nói dối hay nói thật lại không đơn thuần là nói những gì mà chúng ta thấy. Bởi vì, những gì nhìn thấy chưa chắc đã là sự thật đang diễn ra. Đó chỉ là lát cắt của sự việc trong khoảng thời gian mà ta thấy thôi. Cũng như Hắc Hùng tinh không thấy được sự biến hóa của Bồ Tát trước đó mà chỉ thấy Xà tinh, sự việc còn có một quá trình trước và sau khi chúng ta thấy nữa. Hoặc cũng như ẩn trong hình ảnh của Xà tinh là Bồ Tát Quán Thế Âm, những gì đang diễn ra lại có nguyên nhân sâu xa mà chúng ta không biết. Khi chưa chắc chắn hiểu rõ sự việc thì cho dù trông thấy cũng đừng tùy tiện nói ra kẻo lại lâm vào tình cảnh "Nhanh nhảu đoảng, thật thà hư".

Để nói thật, chúng ta phải biết được nguyên nhân sâu xa và cả quá trình của nó nữa. Nhưng điều này lại không hề dễ. Cũng giống như hiện tượng ngày và đêm, cũng như mặt trời mọc rồi lại lặn, phải trải qua hàng ngàn năm văn minh mới nhận ra sự thực là do trái đất tự quay quanh mình và xung quanh mặt trời gây ra.

Người xa lìa vọng ngữ là người ngày đêm thường nhớ, suy nghĩ quán sát làm cho lời nói ra luôn đúng, không sai lệch. Đây là kết quả của một quá trình tu tập lâu dài, hiểu biết chân thực theo mỗi niệm, mỗi niệm mà tăng lên qua việc tìm kiếm giải pháp đúng đắn cho các sự việc, hiện tượng gặp phải, biết đến trong cuộc sống. Chính vì vậy mà kiến thức ngày càng cao do quá trình tìm hiểu để thấu đáo ngọn ngành. Lìa xa nói dối chính là truy cầu sự thật nên sẽ không chấp nhận hoặc nói ra những điều không chắc chắn. Chỉ có tự thân nhìn nhận theo quan điểm của mình thì mới không còn sự nghi ngờ, mê hoặc. Người xa lìa vọng ngữ là người nắm giữ sự thật, có hiểu biết đúng đắn.

8 công đức khi xa lìa vọng ngữ

Phật có dạy người không nói dối có trí tuệ thù thắng hơn người. Phước báu này là kết quả của quá trình truy cầu sự thật để thấu tỏ những thắc mắc, nghi ngờ của bản thân đối với những gì nhìn thấy hoặc người khác đưa ra. Nói thật là khởi đầu của quá trình mong cầu và cũng là biểu hiện kết quả của quá trình mở mang kiến thức tại một thời điểm tương xứng. Chìa khóa của kho báu trí tuệ là học tập để biết được chân lý.

Có câu "Một nửa sự thật không còn là sự thật", nên lời nói thật luôn đầy đủ để không gây ra hiểu lầm, thiếu sót. Giống như câu "Lời nói đơn giản, suy nghĩ thông minh", phải hiểu điều muốn nói được đầy đủ, rõ ràng, có hệ thống thì lời nói ra mới liền mạch và chứa đủ cơ sở cần thiết trong nội dung để mọi người có thể tiếp nhận một cách tự nhiên. Phật dạy rằng phước báu của lời nói thật là khi nói ra ai cũng tin, không nghi ngờ mà sinh lòng kính mến. Niềm tin này bắt đầu từ một lời nói đúng sự thật được diễn giải đầy đủ, đơn giản khiến ai cũng hiểu, cũng tin và thành tựu là trở thành người đảm bảo cho sự đúng đắn, chính xác. Chìa khóa của niềm tin là sự thật được diễn giải một cách thông minh.

Trong cuộc sống, chúng ta vẫn thường nghe nói người này thật ác hoặc người kia thật tốt. Cùng có hiểu biết chân thật nhưng lại phân ra thiện, ra ác là tùy theo mục đích mỗi người. Phật dạy phước báu của việc nói lời chân thật là người thường đem lời thanh tịnh an ủi chúng sinh. Lời nói này xuất phát từ việc hiểu rõ những gì đang diễn ra, nói tới. Từ đó, phân biệt được rõ đúng sai, tốt xấu. Đối với tác động xấu thì an ủi để vượt qua, đối với điều tốt đẹp thì động viên để hướng tới. Lời nói ra là lời nói của kiến thức đã được sàng lọc, lựa chọn theo hướng tốt, đem lợi lạc thực sự cho mọi người qua lời nói chân thật, không dối.

Ai cũng muốn "Nói lời hay, làm việc tốt" nhưng nhiều khi lại vô tình gây họa cho người khác. Có những điều tưởng là tốt nhưng lại là xấu, cũng có cái tưởng là xấu mà sau này lại có tác dụng không ngờ. Khi phân biệt được rõ đúng sai, tốt xấu và xa lìa nói dối thì những lời nói ra đều đem lại lợi ích thực sự cho người nghe (theo hiểu biết của mình). Chính vì vậy, những kết quả cũng như tác động của lời nói không gây ra tổn hại cho người khác mà khiến phải day dứt, hối hận. Do đó, lòng thường an vui, không buồn phiền mỗi khi nhớ lại. Phật dạy rằng khi nói không sai lầm thì lòng thường hoan hỷ. Đây là niềm vui do thành tựu của bản thân ngày càng cao hơn. Lỗi lầm ngày càng ít đi, hôm sau lại tốt hơn hôm trước. Đồng thời, niềm vui này cũng là do lời nói của mình tạo ra điều tốt đẹp cho người khác khiến cho bản thân thấy vui theo. Hay chính là vui niềm vui của người khác. Chìa khóa của niềm vui là sự tốt lên của bản thân mỗi ngày.

Chính vì lấy niềm vui làm mục đích nên bản thân lời nói thật cũng trở thành phương pháp tạo ra niềm vui thực sự trong cuộc sống. Niềm vui này chính là cuộc sống thực sự đang diễn ra của người ta. Hay nói cách khác, cuộc sống của người ta cũng thật như lời nói ra vậy. Phật dạy rằng người nói lời chân thật được quả báo tốt là tâm lúc nào cũng an vui, ba nghiệp thân, khẩu, ý thường trong sạch. Cũng giống như việc nhỏ giọt nước vào mực đen vậy, mỗi giọt nước sẽ làm màu đen nhạt dần đi. Rồi đến một lúc nào đó, tại vị trí giọt nước nhỏ xuống không còn màu đen nữa. Cũng như giọt nước, mỗi niệm, mỗi niệm lành tăng theo thời gian mà những điều không tốt dần dứt hẳn. Ở đây có sự đồng nhất giữa lời nói và cuộc sống của người luôn nói sự thật. Kiên trì xa lìa vọng ngữ thì sẽ có một thời điểm mà ở đó lời nói dối trước đây không còn gây ra tác dụng không tốt trong cuộc sống nữa. Cái câu "Một lần bất tín, vạn lần bất tin" có lẽ là một sự cực đoan do chúng ta nghĩ ra chứ không phải là lời dạy của người có lòng nhân để con người ta trở lên tốt hơn.

Sự thật hay kiến thức đều có những tác dụng khác nhau trong cuộc sống. Tùy theo quy luật tự nhiên, xã hội mà nó chứa đựng hoặc chi phối nó lại có những ứng dụng khác nhau. Những lời nói thật luôn có tác dụng trong việc xây dựng cuộc sống bởi chính nội dung được truyền tải trong đó. Tùy nội dung, tùy khả năng mà những người khác nhau lại tạo ra được lợi ích tùy theo điều kiện của mình. Tùy theo khả năng nhận ra lợi ích từ kiến thức mà mỗi người có phản ứng khác nhau. Phật dạy rằng phước báu của lời nói thật là mọi người đều tin và làm theo lời nói và người lúc nào cũng nói lời chân thật thì có uy tín nên được mọi người tín cẩn, kính phục. Chìa khóa của uy tín là đóng góp để xây dựng cuộc sống.

Công đức khi xa lìa vọng ngữ có thể sắp xếp thành quá trình tu tập liên tục của một người theo thời gian như sau:

1. Bắt đầu lìa xa nói dối

2. Trước khi nói luôn có một khoảng suy nghĩ về đúng sai, tốt xấu mà xác định lợi, hại

3. Nói thật không đơn thuần là nói những gì nhìn thấy mà là nói những lời có ích thực sự

4. Có lợi thì động viên, có hại thì an ủi bằng những lời thanh tịnh. (4)

5. Lời nói này khiến người khác tin phục, kính mến và làm theo. (2, 3, 7)

6. Người ta làm theo và tạo ra lợi ích trong cuộc sống của họ khiến khi biết được thấy không có sai lầm gây hại từ lời nói làm bản thân không buồn và vui vì đem lại sự tốt đẹp cho người khác và sự phát triển của bản thân. (6)

7. Trong quá trình phát triển theo thời gian, hiểu biết về những điều tốt đẹp tăng lên có được trí tuệ sâu rộng. (8)

8. Từ đó biết rõ được đúng sai, tốt xấu mà làm lành lánh dữ mà ba nghiệp dần trong sạch. (5)

9. Miệng thường thơm mùi hoa sen xanh. (1)

Phật dạy về công đức của khẩu nghiệp khi xa lìa hai lưỡi

Cùng một việc nhưng với mỗi quan điểm lại có nhìn nhận khác nhau dẫn đến ý kiến đưa ra được thể hiện bằng lời nói cũng khác nhau. Với một người, khi quan điểm không rõ ràng, chắc chắn thì lời nói ra sẽ khác nhau theo thời gian và hoàn cảnh. Hai lưỡi là việc không có quan điểm vững vàng về thế giới bên ngoài.

Xa lìa hai lưỡi thì không lúc thế này, lúc thế khác mà có quan điểm rõ ràng. Xét theo chuỗi các sự việc diễn ra trong cuộc sống thì là có định hướng chuyên nhất trong việc phát triển bản thân cũng như xây dựng cuộc sống. Xa lìa hai lưỡi là việc kiên định với lựa chọn của mình.

Nói về khẩu nghiệp, chúng ta thường chỉ nghĩ đến lời nói phát ra. Nhưng thực ra, mỗi một từ trong câu nói đều là nội dung của cuộc sống được chuyển hóa thành. Sự phong phú và chân thật của lời nói tùy theo mức độ sâu rộng của kiến thức thu được trong quá trình phát triển bản thân. Xa lìa hai lưỡi thì thời gian và công sức không bị xé lẻ mà tập trung vào điều mình muốn nên thường đạt được những thành tựu nhất định. Người không hai lưỡi thì nhiều đời, nhiều kiếp về thân, khẩu, ý thường suy nghĩ và làm những nội dung được nói ra.

5 công đức khi xa lìa hai lưỡi

Phật dạy con người vừa là chủ nhân, vừa là kẻ thừa tự của nghiệp. Chúng ta đem đến, mang đi chỉ là phước báu từ nghiệp mình tạo ra. Khác với câu "Nói một đằng, làm một nẻo", người không hai lưỡi thì nhiều đời, nhiều kiếp nói thật như làm và có hướng phát triển chuyên nhất. Hướng phát triển chuyên nhất này cũng giống như sự vươn lên trời cao của một cái cây. Có nắng, có mưa nhưng vẫn kiên định hướng vươn cao chứ không "Gió chiều nào, theo chiều ấy" nên bản thân dần cứng cáp, lớn mạnh. Người không hai lưỡi đối mặt với những vấn đề trong cuộc sống bằng chính khả năng của mình có được do hướng phát triển đã lựa chọn chứ không thuận theo môi trường mà đi những hướng khác nhau. Trong bản thân quá trình phát triển của họ đã loại bỏ được những hướng khác có thể có và cũng đã có khả năng để đứng vững trước những tác động có thể làm thay đổi sự lựa chọn của mình. Phật dạy người xa lìa hai lưỡi được phước báu là thân bất hoại, không ai hại được. Đó là do thân hiện nay mang theo phước báu từ những gì đã làm thật như lời nói để hướng tới mục tiêu bất biến (bất hoại) trong nhiều đời, nhiều kiếp. Nghiệp do những hành động hướng về mục tiêu khác là hầu như không có. Đồng thời, phước báo do nghiệp nào đó không thể gây ra tổn hại cũng như làm thay đổi sự phát triển bản thân của người xa lìa hai lưỡi. Bất hoại là kết quả do việc chịu đựng để vượt qua được tác động bên ngoài để phát triển theo hướng được lựa chọn chứ không né tránh hay thuận theo sự đưa đẩy của nghiệp trong cuộc sống.

Phật dạy rằng bà con quyến thuộc đời này không phải là ngẫu nhiên, đều là người quen nhiều đời nhiều kiếp. Mối quan hệ do bao đời bao kiếp xa lìa hai lưỡi mà làm cho tình cảm hiện nay càng thêm gắn bó, chân thành. Phật dạy người xa lìa nghiệp hai lưỡi được bà con bất hoại, không ai phá hoại. Tình cảm sâu đậm từ bao đời, bao kiếp thì sao có thể bị phai nhạt, bị phá hoại được. Chúng ta không thấy, không hiểu về nhân quả ba đời nhưng đều có thể hiểu được một điều rằng ai cũng muốn xây dựng mối quan hệ với người coi trọng mình và luôn muốn mối quan hệ đó được tốt đẹp. Nói lời hòa hợp là để xây dựng và phát triển mối quan hệ. Không phá hoại, ly gián người thì không ai phá hoại chia lìa các mối quan hệ của mình. Mặt khác, mình cũng chính là bà con quyến thuộc của bà con mình. Cứ lấy việc mình được phước báo là thân bất hoại thì bà con mình cũng như thế. Bà con bất hoại là nói về cả mối quan hệ và sự phát triển của mỗi người.

Phật dạy người xa lìa hai lưỡi có phúc báo là được thiện tri thức bất hoại, không dối lừa nhau. Cũng như bà con, thiện tri thức này cũng là người của nhiều đời, nhiều kiếp. Mỗi người gặp phải khi phát triển theo hướng của lời nói như là người gặp trên đường đi. Càng nhiều "lưỡi" thì càng nhiều ngã rẽ phát triển và đoạn đường phát triển cùng người khác lại càng ngắn, mối quan hệ cũng càng lỏng lẻo. Không hai lưỡi trong cuộc sống cũng giống như đi đường chỉ có một đích đến duy nhất. Cũng giống như đường độc đạo vậy, đích đến đã được xác định rõ ràng. Thiện tri thức là thầy lành, bạn tốt chia sẻ, giúp đỡ và truyền cho nhau những kiến thức và kinh nghiệm chân thực để cùng tiến bước trên con đường truy cầu đạo lý đó. Người xưa có câu "Không thầy đố mầy làm lên" rồi lại có câu "Học thầy không tầy học bạn" để nói về tầm quan trọng của thầy và bạn đối với sự phát triển cũng như thành tựu của một người.

Ông cha ta có câu "Đứng núi này trông núi nọ" để nói về tính cả thèm chóng chán dẫn đến không có thành tựu gì trong cuộc sống. Khác với đó, người xa lìa hai lưỡi chỉ có một hướng đi. Xa lìa hai lưỡi cũng giống như nhiều đời, nhiều kiếp chỉ đi một con đường, cũng giống như lặp đi, lặp lại làm một công việc theo thời gian. Mọi thứ trở lên thân thuộc, rõ ràng. Hiểu biết ngày càng chuyên sâu mà tay nghề ngày càng cao, hoạt động ngày càng hiệu quả. Xa lìa hai lưỡi cũng giống như việc chuyên chú vào một mục tiêu, một hướng phát triển. Với định hướng này thì kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng sẽ được chú trọng tích lũy theo thời gian. Giống như trong cuộc sống có nhiều ngành nghề và mỗi nghề lại có những người có trình độ cao được gọi là chuyên gia hàng đầu. Chẳng hạn, lựa chọn làm người thợ và chú tâm với nghề sau một thời gian dài mà trở thành nghệ nhân. Lựa chọn nghiên cứu và sau này trở thành nhà khoa học lỗi lạc. Phật dạy rằng người xa lìa hai lưỡi có phước báu là pháp tu bất hoại chỗ tu kiên cố. Đây là nói về sự lựa chọn chuyên nhất không gì lay chuyển được và những thành tựu đạt được theo thời gian tạo ra cơ sở vững chắc cho sự phát triển theo lựa chọn đó.

Chính những kết quả tốt đẹp do sự lựa chọn đó từ những buổi sơ khai mang lại niềm tin về sự đúng đắn cũng như sự hữu ích của kiến thức và kinh nghiệm cho người xa lìa hai lưỡi. Niềm tin này ngày càng được củng cố bằng những kết quả thực tế mà trở lên vững chắc theo thời gian. Với định hướng rõ ràng và niềm tin tuyệt đối vào điều tốt đẹp hướng tới nên sự phát triển bản thân của người xa lìa hai lưỡi là rất vững chắc, không bị lay động. Phật có dạy người xa lìa hai lưỡi được phước báu là lòng tin bất hoại, thuận theo bổn nghiệp. Chẳng phải động lực và niềm tin cho những hành động tiếp theo là những thành tựu dù là nhỏ bé của giai đoạn trước đó hay sao?Chìa khóa của sự bất hoại là chuyên nhất không để mảy may phát bất thiện nào xen lẫn. Nó là kết quả của việc ngày đêm thường nhớ. Đông lực cũng như niềm tin do mỗi niệm, mỗi niệm tăng trưởng mà ngày càng trở lên vững chắc.

Công đức khi xa lìa hai lưỡi có thể sắp xếp theo sự phát triển chuyên nhất của một người được minh họa như sau:

Công đức xa lìa hai lưỡi là cuộc đời bất hoại thật như mong muốn.

(1, 3, 4) là loại người và quá trình phát triển bản thân. 

(2, 5) là môi trường sinh sống và phát triển.

Phật dạy về công đức của khẩu nghiệp khi xa lìa ác khẩu

Người Ý có câu "Mọi con đường đều dẫn đến thành Rome". Tuy nhiên, trong đó có những con đường thì dễ dàng, thuận lợi nhưng cũng có những con đường lại khúc khuỷu, quanh co. Giống như vậy, lời nói cũng có thể coi như một con đường. Cùng một mục đích, ý nghĩ nhưng lại có nhiều cách diễn đạt khác nhau và cũng có hiệu quả tương xứng. Từ ngữ được sử dụng để nói ra cũng giống như viên gạch được lựa chọn để lát đường. Gạch có gồ ghề, thô giáp khiến cho chân ta đau, bước ta mỏi mà con đường trở lên hiểm trở, chông gai. Cũng có từ lại êm tai, dễ chịu khiến cho người ta vui vẻ mà dễ dàng lắng nghe, tiếp nhận.

8 công đức khi xa lìa ác khẩu

Người ta có câu "Lời thật thì không hay, lời hay thì không thật". Nhưng thực ra, câu nói này chỉ đề cập tới nội dung được nói tới chứ chưa để ý đến hiệu quả  trong việc diễn giải và lợi ích của người nghe. Khác với lời nói thật lấy cơ sở là nội dung, lời thiện cảm lại lấy cơ sở là tùy theo tâm tư mà diễn giải để đem lại lợi ích cho người khác. Lời nói này không chỉ là lời nói thật mà còn là một lời nói xuất phát từ quan điểm của người khác mà tạo ra lợi ích cho người ta. Lời nói thật lúc này có thể coi là nguyên chất, chẳng hạn là vàng. Lời thiện cảm lúc này lại giống như là kết quả của lời nói thật qua sàng lọc, chế biến, chẳng hạn thành các món đồ trang sức khác nhau. Chính vì vậy, khi sự việc xảy ra, người xa lìa ác khẩu có thể tìm thấy những mặt tốt đẹp trong đó mà hướng con người ta tạo ra lợi ích từ đó. Chính vì đem lại lợi ích cho người khác nên lời nói dễ dàng nhận được sự tin tưởng và làm theo.

Phật dạy rằng xa lìa nghiệp ác khẩu thì được hưởng phúc báu là lời nói mỹ diệu. Đây không những là lời nói dịu dàng, dễ nghe mà còn tạo ra lợi ích cho mọi người cho dù là những người khác nhau, trong hoàn cảnh và điều kiện khác nhau. Những lời nói đẹp đẽ này không phải tự nhiên có được, cũng không phải là do ai đó ban cho mà là kết quả của một quá trình cụ thể. Đó là kết quả của việc thường xuyên hướng tới những điều tốt đẹp trong thời gian dài sẽ giúp người ta có nhiều kiến thức cũng như kinh nghiệm sử lý những tình huống khác nhau gặp phải để hướng tới điều tốt đẹp. Chính vì vậy, trong những tình huống, những hoàn cảnh và đối với những người khác nhau, người lìa xa ác khẩu đều có thể tìm ra cách xử lý ổn thỏa mà nói ra những lời lẽ tốt đẹp. Hay nói cách khác, người xa lìa ác khẩu lúc nào cũng nói được điều tốt đẹp với người khác (bằng khả năng giải quyết tình huống một cách hiệu quả của mình). Lời nói mỹ diệu vừa là lời nói dễ nghe, vừa là lời nói hiệu quả trong tình huống cụ thể đồng thời cũng mang lại lợi ích cho người khác. Đây là kết quả của việc dụng tâm tìm kiếm những mặt tốt đẹp của sự việc cũng như tình huống đang diễn ra. Ví như trong sự việc xấu thì cũng có mặt xấu ít, có mặt xấu nhiều. Mặt xấu ít thì cũng có nghĩa là gần với những điều tốt đẹp hơn so với các mặt khác. Mỹ diệu ở đây chính là trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng tìm ra những mặt tốt đẹp (hoặc ít xấu nhất) và tìm ra được cách kết nối nó với những hướng phát triển tốt đẹp để mang lại lợi ích cho người ta bằng những lời lẽ diễn đạt dễ nghe, dễ hiểu và dễ làm với điều kiện của người nghe. Người xa lìa ác khẩu có lời lẽ mỹ diệu là do việc dụng tâm tìm kiếm và thực hiện những cách hiệu quả để đem lại lợi ích cho người khác trong sự vui tươi. Chính vì vậy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào lời nói của người xa lìa ác khẩu cũng được mọi người ưa thích. Chìa khóa của sự ưa thích là dụng tâm tìm kiếm để đem lại lợi ích cho người.

Không nói lời độc ác thì khi nói ra đã có sự lựa chọn từ ngữ sao cho thích hợp rồi. Những từ này đều được lựa chọn sao cho truyền tải được đúng ý đồng thời cũng không gây ra sự khó chịu hoặc tổn thương. Chính vì vậy, sau một thời gian dài lìa xa ác khẩu thì từ ngữ thường xuyên được sử dụng đều là những từ tạo ra thiện cảm, lợi ích. Đồng thời, lời nói đối với một người cụ thể trong một hoàn cảnh cụ thể đều được tạo ra bởi sự chính xác và hiệu quả trong việc sử dụng từ ngữ để truyền tải nội dung. Phật dạy rằng người xa lìa ác khẩu được phúc báo là lời nói có chừng mực, hợp thời, hợp đạo. Đây là kết quả của việc dụng tâm tìm kiếm điểm kết nối sao cho người nghe dễ dàng hiểu và chấp nhận với khả năng và điều kiện của họ. Chính vì tìm thấy những điểm kết nối này khiến cho việc diễn giải ý tưởng thông qua lời nói như là một sự biến đổi liên tục được bắt đầu bằng kiến thức và những cơ sở đã được người nghe chấp nhận. Điều này khiến cho mục đích mà người xa lìa ác khẩu muốn truyền đạt chỉ như là sự phát triển tiếp nối từ hoàn cảnh hiện tại của người nghe mà khiến họ thấy rằng những gì được nói ra như là một điều hiển nhiên mà hiểu và chấp nhận một cách dễ dàng. Vì vậy không có sự khác biệt về mục đích mà sinh ra mâu thuẫn, chống đối.

Cùng với sự tương đồng giữa nội dung và khả năng của người nghe mà của lời nói trở nên dễ hiểu là việc sử dụng từ ngữ cũng như thái độ trong lời nói phù hợp với tâm trạng của người nghe khiến cho lời nói được tiếp thu một cách dễ dàng hơn. Tất cả đều nhờ vào việc nhận biết về hoàn cảnh và sử lý tình huống bắt đầu (chứ không phải là bắt nguồn) từ cái nhìn của người khác và khả năng sử dụng từ ngữ. Chìa khóa của sự hòa hợp là bắt đầu từ người khác.

Khi lời nói ra được diễn giải theo cách người khác có thể hiểu được thì sẽ không gây ra sự nhầm lẫn về nội dung cũng như mục đích. Do đó, tính đúng sai, tốt xấu cũng như lợi ích mà nó đem lại trở lên rõ ràng, ai cũng thấy được. Điều này khiến cho mọi người có thể nhận ra và đánh giá chính xác về tác động mà lời nói gây ra. Lời nói của người xa lìa ác khẩu là lời nói tạo ra lợi ích cho người khác do đó không bị phản đối, chê bai do mâu thuẫn. Đồng thời, lời nói này cũng xuất phát từ hiểu biết chân thực nên những người có kiến thức sẽ dễ dàng nhận ra sự đúng đắn trên cơ sở là đạo lý ở đời. Khi xa lìa ác khẩu để đem lại lợi ích cho người khác thì nội dung của lời nói là hiểu biết chân thực có chứa đựng đạo lý nên không bị chê bai vì đúng sai, hay dở. Cũng như câu "Người sáng suốt nghe đạo thì cố gắng mà thi hành, người tầm thường nghe đạo thì nửa tin nửa ngờ, người tối tăm nghe đạo thì cười rộ.", sự đánh giá còn tùy thuộc vào hiểu biết của mỗi người nữa. Phật dạy người xa lìa ác khẩu được phước báu là lời nói quyết lý và không thể chê. Chìa khóa của khen chê là sự thấu hiểu dựa trên đạo lý.

Công đức khi xa lìa ác khẩu có thể chia thành các cặp tương ứng giữa lời nói và người nghe như sau:

(1, 5): Thái độ trong lời nói hợp lý, có chừng mực, đúng nơi, đúng lúc không gây ra tổn thương, khó xử, phù hợp với mối quan hệ dẫn đến khi nói ra dễ dàng được người khác lắng nghe, chấp nhận.

(2, 6): Lời nói đem lại lợi ích dẫn đến người nghe tin tưởng và làm theo

(3, 7): Lời nói chứa đựng kiến thức chân thực nên không bị bắt bẻ, chê bai

(4, 8): Lời nói được diễn giải đơn giản, dễ hiểu hướng người nghe tới điều tốt đẹp từ hoàn cảnh của họ nên được người nghe ưa thích.

1. Bắt đầu lìa xa ác khẩu

2. Trước khi nói luôn suy nghĩ về đúng sai, tốt xấu để xem lợi, hại ra sao

3. Lựa điều lợi lạc để nói ra cho mọi người (2)

4. Nên được mọi người tin dùng (6)

5. Diễn giải dễ hiểu, dễ làm luôn tạo ra được lợi lạc là lời nói mỹ diệu (4)

6. Do đó được mọi người ưa thích (8)

7. Luôn biết được lợi lạc bắt đầu từ đâu để thuận lời nói cho người (1)

8. Do đó lời nói ra người ta chấp nhận được (5)

9. Lời nói ra là cách chân thực tạo ra lợi lạc trong cuộc sống (3)

10. Nên không thể chê (7)

Phật dạy về công đức của khẩu nghiệp khi xa lìa ỷ ngữ

Người ta có câu "Tam sao thất bản" để nói về việc nói ra những lời với hiểu biết không chân thực. Điều này khiến cho người nghe hiểu không đúng về những gì diễn ra, được nói tới mà có thể gây ra những hậu quả không hay do phán đoán sai lầm. Đồng thời cũng có thể khiến cho kiến thức và kinh nghiệm hoặc sự kiện được nó tới không phát huy được hết tác dụng của nó do việc truyền đạt của chúng ta. Mặt khác, việc nói ra những lời không chắc chắn, thiếu sót cho thấy bản thân không để ý hoặc không coi trọng việc tìm hiểu sự thật để nâng cao kiến thức của mình. Và cũng có thể lại là biểu hiện của việc không đủ khả năng để tiếp nhận và sử dụng thông tin hoặc sự kiện mà mình biết. Xa lìa ỷ ngữ là nói lời dựa trên kiến thức của bản thân chứ không phải là của người khác.

3 công đức khi xa lìa ỷ ngữ

Phật dạy người xa lìa nghiệp ỷ ngữ được phúc báo là dùng trí như thật để đáp những người hỏi. Đó là có trí tuệ để trả lời quyết định các câu hỏi của người khác. Khi được hỏi điều gì là đủ trí để trả lời điều đó một cách đúng đắn.

Đối với điều được hỏi thì có người đưa ra được những lý lẽ cụ thể, rõ ràng và cũng có người không làm được như vậy. Cũng giống như giáo viên giảng dạy vậy, có hay, có dở khác nhau khi giải thích cho học sinh tùy theo khả năng mỗi người. Điều được hỏi là một vấn đề được quan tâm, tùy theo kiến thức mà có câu trả lời khác nhau. Người xa lìa ỷ ngữ có đủ trí tuệ để trả lời đúng đắn nên là người có hiểu biết chân thực, sâu rộng. Kiến thức chân thực này đâu phải tự nhiên mà có, cũng giống như việc học tập vậy, đều có một quá trình tích lũy dài lâu. Hay nói cách khác, lời người xa lìa ỷ ngữ nói ra là dựa trên hiểu biết chân thực của họ. Đây là lời nói của người ham học, truy cầu đạo lý.

Người xa lìa ỷ ngữ là người luôn nói điều mình hiểu rõ chứ không nói lời mình không hiểu khiến cho người khác tin, làm theo mà có hiểu biết sai lầm hoặc gây ra hậu quả không hay.

Đồng thời, việc lý giải những thắc mắc, nghi ngờ cũng là cung cấp, trao cho người được hỏi những kiến thức chân thực giúp họ tiến bộ theo thời gian. Các cụ có câu "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư", bất luận tuổi tác, vai vế, ở đâu cũng thế, những người dẫn đường, chỉ lối đều được được người ta kính trọng, mang ơn. Người xa lìa ỷ ngữ sau một thời gian dài kiến thức tích lũy được đủ sâu rộng mà những lời nói ra đủ để giúp người khác trong việc xây dựng cuộc sống. Lời của người xa lìa ỷ ngữ lúc này là lời của người đi trước truyền dạy lại cho người đi sau. Do đó, kiến thức và kinh nghiệm mới được lưu truyền và tạo ra những ứng dụng trong cuộc sống để viết tiếp sự phát triển qua thời gian. Chính vì vậy, oai đức của họ là sâu, dày, là tối thắng. Tiêu biểu là hình ảnh các bậc hiền nhân tóc bạc thông thái được mọi người kính trọng.

"Học, học nữa, học mãi", câu nói này chắc đã quá quen thuộc với mỗi người. Người xa lìa ỷ ngữ đâu phải ngày một, ngày hai đã có hiểu biết chân thực, đầy đủ. Kiến thức được tích lũy từng chút, từng chút một, ngày này qua ngày khác do việc tự học hoặc dưới sự chỉ bảo của người khác.

Hình ảnh người nào đó hỏi người xa lìa ỷ ngữ cũng chính là hình ảnh năm xưa của người xa lìa ỷ ngữ trong quá trình học tập, tích lũy kiến thức của mình. Đó là quá trình tiếp xúc với thầy cô, bạn bè trong quá trình mở mang kiến thức. Họ cũng được người ta giảng giải rõ ràng, đầy đủ và chi tiết. Đều là những kiến thức chân thực. Phật dạy rằng người xa lìa ỷ ngữ được người trí yêu mến. Đó là vì sự coi trọng kiến thức của người xa lìa ỷ ngữ khiến cho người trí thấy rằng họ xứng đáng để nghe những lời mình nói, xứng đáng với kiến thức mình thu được mà sinh ra thiện cảm, yêu mến.

Cũng giống như nọc rắn có thể chữa bệnh mà cũng có thể hại người, kiến thức có thể tạo phúc mà cũng có thể gây họa tùy theo tâm người sử dụng. Đồng thời, việc hiểu và phát huy kiến thức cũng tùy theo ngộ tính của mỗi người. Do coi trọng nên khi kiến thức không được dùng đúng đắn hoặc không phát huy được khả năng vốn có sẽ làm cho người trí cảm thấy có lỗi với cả kiến thức. Và họ cũng thấy lỗi của mình trong hành vi gây hại của người khác do kiến thức mà mình đưa ra. Có những thứ thất truyền vì không tìm được người để tiếp nối. Không chỉ học trò tầm sư học đạo mà người trí cũng mong tìm những người xứng đáng để yêu mến và truyền cho những gì tâm đắc. Người xa lìa ỷ ngữ được người trí yêu mến là vì có lòng truy cầu và có khả năng phát huy kiến thức.

Công đức khi xa lìa ỷ ngữ có thể sắp xếp theo quá trình tu tập và phát triển trí tuệ của một người:

1. Quá trình tu tập, mở mang kiến thức. Trong quá trình này được thiện tri thức yêu mến mà chỉ bảo.

2. Thành tựu của quá trình. Lúc này người tu tập đạt được chân truyền, thực học là kiến thức như thật.

3. Quá trình truyền lại kiến thức, kinh nghiệm cho người đi sau. Quá trình này tạo ra công đức rất lớn nên có oai đức tối thắng.

II. Phật dạy về pháp tu khẩu nghiệp

Đối với một người cụ thể thì 24 công đức của khẩu nghiệp được tạo ra từ việc xa lìa 4 nghiệp ác là vọng ngữ, hai lưỡi, ác khẩu và ỷ ngữ có thể sắp xếp theo các khía cạnh khác nhau trong cuộc sống. Và đó cũng chính là tiêu chuẩn, là căn cứ để đánh giá, điều chỉnh bản thân.

Pháp tu

Trước khi đạt được thành tựu ở một mức độ nhất định thì mỗi công đức lại chính là một hướng quán sát lời nói của chúng ta. Với mong muốn lời nói ra là thiện lành, theo các công đức thì pháp tu đối với khẩu nghiệp sẽ là ngày đêm thường nhớ, suy nghĩ, quán sát những điều sau khiến mỗi niệm mỗi niệm tăng trưởng, không để mảy may pháp bất thiện xen lẫn.

Đó là khi học tập phát triển bản thân chúng ta đã làm được:

1. Thân bất hoại chưa?

2. Niềm tin bất hoại chưa?

3. Pháp tu bất hoại chưa?

Người ta nghiên cứu và thống kê lại và đã tìm ra con số 10000 giờ. 10000 giờ đồng hồ luyện tập là đòi hỏi bắt buộc để đạt được cấp độ tinh thông và khả năng để trở thành một chuyên gia - trong bất kỳ lĩnh vực nào. (xem thêm : www.ohay.tv/view/ban-co-biet-khong-bill-gates-mark-zuckerberg-y-ho-la-loai-nguoi-dac-biet-nay-day/5d12f3c926)

10000 giờ này hiển nhiên là chuyên chú vào một lĩnh vực nhất định rồi. Đó là hướng phát triển, các kỹ năng cần thiết và niệm tin vào mục tiêu hướng tới. "Những người có thành tựu không chỉ làm việc chăm chỉ hơn, hay chăm chỉ hơn nhiều so với kẻ khác - họ làm việc chăm chỉ hơn rất, rất, rất nhiều!".(newslettervietnam.com)

"Có bột mới gột nên hồ", kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm có được từ quá trình phát triển này là cơ sở tạo ra nội dung cho lời nói. Nhiều khi, trong những hoàn cảnh, đối diện với các vấn đề cụ thể, con người ta lại không biết nói gì vì không có gì tạo thành nội dung về nó để mà nói ra.

Câu nói được tạo lên bởi từ ngữ. Những từ mình biết thì mới sử dụng và nói ra được. Mỗi từ ngữ được nói ra đều có nội dung của nó. Nội dung đó là hiểu biết của chúng ta, là kết quả của quá trình phát triển bản thân. Khi hiểu biết về từ ngữ của chúng ta giống với nội dung của nó trong thực tế thì lời nói ra sẽ là chân thực. Sự phong phú và chân thật của lời nói là mức độ sâu rộng của kiến thức tương xứng với kết quả phát triển bản thân.

Đó là khi nói ra lời của chúng ta đã chứa đựng:

1. Trí tuệ chân thực chưa?

2. Hiểu biết ở trình độ cao nhất của chúng ta chưa?

3. Thân, khẩu, ý của chúng ta có thanh tịnh không?

4. Lòng chúng ta có vui không?

Kiến thức thì có tính khách quan nhưng lại phân ra thiện, ra ác tùy theo tâm người sự dụng. Sự việc xảy ra bên ngoài nhưng cách nhìn nhận lại khác nhau theo mỗi người. Sự chân thực trong lời nói còn phụ thuộc vào dụng tâm của người ta và lợi ích đem lại cũng tùy theo công sức nữa.

Người ta hay nói "Bất biến ứng vạn biến" để nói về lựa chọn phản ứng đối với những sự việc còn chưa xảy ra. Khi lựa chọn có trước thì sự việc nào xảy ra cũng đều được xem xét trên cơ sở lựa chọn đó mà tạo ra cách giải quyết vấn đề. Lời nói là biểu hiện cụ thể của lựa chọn đối với một sự việc thực tế diễn ra.

Lời nói là kết quả của quá trình góp nhặt từng chút, từng chút một những ý nghĩ được cho là tốt đẹp nhất về đối tượng được quan tâm. Và cũng là quá trình gọt dũa tâm thái của chúng ta theo lựa chọn của mình. "Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm", việc trao tặng chỉ là hương của bông hoa trong lòng. Lời nói có tác động thế nào đều do những gì ta đem vào trong đó. Lựa chọn phát triển bản thân như thế nào thì lời nói ra sẽ như thế ấy.

Đó là lời mà chúng ta nói ra có phải là:

1. Nói lời thanh tịnh hay chưa?

2. Nói lời hợp pháp độ hay chưa?

3. Nói lời lợi ích hay chưa?

4. Nói lời quyết lý hay chưa?

5. Nói lời mỹ diệu hay chưa?

Cùng một sự việc nhưng mỗi người lại có sự quan tâm khác nhau mà hướng tới những lợi ích khác nhau. Hiển nhiên, cũng với sự việc đó nhưng lại về khía cạnh mà người nghe không quan tâm ưa thích thì sẽ không tạo ra lợi ích cho người ta. Lúc này, vì không tạo ra lợi ích thực sự mà lời nói trở thành không thật (trong hoàn cảnh của người nghe). Chỉ khi nào lời nói có đóng góp cho việc xây dựng cuộc sống của người nghe thì mới là thật.

Từ nguyên thủy đơn sơ cho tới nay, mọi thành tựu đều là hiện thực của những ý tưởng hay nhất được đưa ra. Lợi ích tạo ra trong cuộc sống ngày càng nhiều thì lời nói càng mở ra nhiều hướng phát triển và có lợi ích đối với người nghe. Chính vì lan tỏa lợi ích trong cuộc sống mà lời nói trở lên ngày càng hay.

Có lời nói thì bay đi theo gió nhưng có lời nói lại đi cùng với mọi người và hiện hữu cụ thể trong cuộc sống. Lời ở lại là lời thực, lời đi cùng là lời hữu ích. Mọi công đức đều ở ngay trong cuộc sống hiện tại. Là thành tựu của những nỗ lực ngày đêm suy nghĩ để sử dụng kiến thức vào việc xây dựng cuộc sống. (www.ohay.tv/view/phat-day-ve-loi-vua-that-lai-vua-hay/5db920e430)

Thành tựu

Người ta có câu "Lời thật thì không hay, lời hay thì không thật". Nhưng lời hay mà không thật là lời chỉ được tin dùng một lần. Lời thật mà không hay là lời chỉ khi không còn lựa chọn nào khác thì người ta mới muốn nghe, phải nói. Khi làm theo pháp tu Phật dạy thì lời nói sẽ là "Lời vừa thật lại vừa hay". Đây là lời tạo ra giá trị cho cuộc sống nên kết quả của nó nhìn thấy được, cảm nhận được thực sự. Để kiểm chứng cho thành tựu của mình chúng ta có thể xem những điều sau trong cuộc sống hàng ngày.

Lời mình nói ra đã:

1. Được mọi người chấp nhận hay không?

2. Được mọi người tin dùng hay không?

3. Được mọi người làm theo hay không?

4. Được mọi người tán dương hay không?

5. Được mọi người ưa thích hay không?

Hình ảnh của mình:

1. Được mọi người tin phục hay không?

2. Được mọi người yêu mến hay không?

3. Được mọi người kính trọng hay không?

Gia đình của mình:

1. Tốt đẹp, ngập tràn yêu thương hay không?

Mối quan hệ:

1. Thuận lợi, bền vững hay không?

Phật dạy về khẩu nghiệp không phải để chúng ta sợ hãi mà im lặng không dám đưa ra ý kiến của riêng mình. Phật dạy công đức của khẩu nghiệp để khuyến  khích chúng ta có những lời hay, ý đẹp. Ngọc không mài không sáng, lời nói được rèn dũa theo pháp tu Phật dạy sẽ là viên ngọc quý.

Bài viết có tham khảo, trích dẫn trong kinh "Thập thiện nghiệp đạo", các bài giảng của các Đại Đức về "Thập thiện nghiệp đạo" và "Khẩu nghiệp".

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn