Thiên Đồng Hướng tới những bài viết ưu trội về những điều trường tồn trong nhu cầu của lương tâm, trần tục và tâm linh của người Việt.

Làm từ thiện để làm gì? Để làm gì?

Đăng 7 năm trước

Làm từ thiện để làm gì? Câu hỏi đặt ra có vẻ lạ lùng phải không bạn? Ấy thế mà đó là một câu hỏi rất hợp thời đấy. Hãy xem và suy nghĩ các lý do làm từ thiện dưới đây bạn nhé!

1. Làm từ thiện vì bị ép buộc

Lương chưa đủ sống, mà vẫn phải đóng từ thiện từ khắp nơi nên mới sinh ra những câu chuyện kiểu như thế này:

- Chồng à, tháng này vợ có 10 cái TỪ THIỆN, em biết lấy đâu ra tiền để đóng góp bây giờ?

- Đừng đóng nữa!

- Không đóng không được!

- Từ thiện là tình nguyện sao lại không được?

- Không đóng thì trường em không đạt chỉ tiêu 100%, sẽ thua các trường khác, em sẽ bị lên án là ky-bo!

- Vậy thì đi vay!

- Vay ai được?

- Vay đồng nghiệp.

- Đồng nghiệp em ai chẳng như em!

- Lại vay bà ngoại!

- Ngoại tháng này đau ốm có bao tiền mua hết thuốc rồi.

- Vậy vay ngân hàng?

Theo các bác, em có nên nghe lời chồng vay ngân hàng để làm từ thiện không?

2. Làm từ thiện để đánh bóng tên tuổi

Cô người mẫu nói với đại gia:

- Bạn em cô ca sĩ hôm nay được 100 tờ báo khen ngợi "vừa đẹp người vừa đẹp nết". Anh biết vì sao không?

- Không!

- Cô ấy để lộ hàng để tạo scandal

- Em có muốn được như cô ấy không?

- Tất nhiên là em rất muốn được nổi tiếng nhưng không phải theo cách ấy vì em là một người mẫu trí thức!

Vậy em muốn làm như thế nào?

Em muốn làm từ thiện để được nổi tiếng, nhưng anh biết đấy bây giờ em vẫn còn nghèo lắm!

- Anh sẽ chi 1 tỷ để làm từ thiện, và mời tất cả các nhà báo đưa tin. Em thấy sao?

- Ôi! Anh đúng là đại gia của đời em!

Ý kiến của bạn đối với việc làm từ thiện để được nổi tiếng như cô người mẫu trên như thế nào?

3. Làm từ thiện xuất phát từ tấm lòng "thương người hơn thể thương thân", "lá lành đùm lá rách"

Hai người bạn thác xuống âm phủ, diêm phán tội:

- Anh Giả Văn Từ bị đầu thai làm chó; Anh Thật Văn Bi được đầu thai làm người. Mệnh lệnh này có hiệu lực lập tức sau 1 giờ.

Thấy mình bị phán tội như vậy, Giả Văn Từ:

-Thưa Diêm Vương, khi còn sống, con quanh năm đi làm từ thiện tại sao con lại bị chuyển kiếp làm chó, con Bi chỉ đi làm từ thiện 1,2 lần mà được làm người.

Diêm vương cười nói:

- Ngươi làm từ thiện để làm gì? Để chụp ảnh khoe mẽ, để tranh thủ đi du lịch, để trục lợi, để đánh bóng tên tuổi mà không xuất phát từ lòng thương yêu đồng loại. Ngươi biến việc hành thiện trở thành công cụ cho những động cơ không hề thiện. Con anh Bi hành thiện ít mà lòng thiện nhiều. Đó là trái tim của con người, Còn trái tim ngươi là trái tim của xúc vật. Nên ta phán ngươi thành chó. Ngươi còn gì để nói nữa.

4. Làm từ thiện để "thả con săn sắt bắt con cá rô"

Một nhà Tỷ phú làm kinh doanh thời gian gần đây rất chăm đi làm từ thiện và kêu gọi mọi người làm từ thiện. Một hôm ông thông báo với báo chí, truyền thông rằng, ông cam kết lấy 98 % số tài sản của mình làm từ thiện. Tin này lan truyền nhanh chóng khắp thế giới. Giờ đây ai ai cũng biết đến tên tuổi của ông, thương hiệu công ty ông, thầm thán phục ông một người tài năng và nhân hậu.

Chỉ duy có vợ ông thì bất bình. Bà nói với chồng:

Thật không ngờ có lúc ông lại ngu dốt đến vậy! Vợ không cho,con không cho, đi cho những kẻ dưng nước lã!

Nhà tỷ phú bĩnh tĩnh đáp:

- Tôi tưởng cả thể giới này không hiểu tôi thì vẫn còn bà hiểu. Vậy mà không phải vậy!

Rồi nhà tỷ phú thì thầm với vợ:

- Đó là chiến thuật quảng bá thương hiệu của tôi,chiến thuật thả con “săn sắt bắt con cá rô” của tôi. Rồi đây cả thể giới sẽ biết đến tôi, tin tưởng tôi, yêu mến tôi và công ty tôi. Họ sẽ đến với sản phẩm của công ty bằng cả tấm lòng. Nhờ đó, chỉ cần 1,2 năm, số tài sản sẽ gấp nhiều lần hiện tại.

Quả là nhà tỷ phú tính toán như thần. Sự thật đã diễn ra như điều ông nghĩ. Và quả thật, từ thiện là một chiêu hiệu quả trong kinh doanh để lấy lòng khách hàng.

Đó là cách kinh doanh dựa vào hoạt động từ thiện. Theo bạn bản chất việc làm đó là làm từ thiện hay là kinh doanh kiếm lợi nhuận?

5. Làm từ thiện để kiếm lời, trục lợi

Nhiều người khi đóng góp cho những tổ chức, những quỹ từ thiện có một nỗi lo nơm nớp là tấm lòng của mình không biết đến được những “lá rách” hay không? Đây là một nỗi lo hiện thực. Bởi trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã từng xảy ra những việc như ăn chặn tiền của người chết, cắt xén tiền của người nghèo, chiếm đoạt miếng cơm của học sinh; hay như có những quỹ từ thiện dùng đến 97% tiền để ăn tiêu, chỉ còn 3% số tiền ủng hộ đến những người gặp hoàn cảnh khó khăn. Chính vì thế, một vị giáo sư, viện trưởng một viện nói với chúng tôi rằng:

Những ngày bão lụt miền Trung, viện của chúng tôi ai có áo góp áo quần góp áo quần, mì góp mĩ, tiền góp tiền,...rồi chúng tôi thuê một chiếc xe ô tô trở thẳng biếu tặng những người gặp nạn mà không thông qua một ủy ban, một tổ chức từ thiện nào. Vì sao? Chúng tôi không đảm bảo chắc chắn rằng số quyên góp đó không bị ăn chặn. 

Khi đóng góp để làm từ thiện, bạn có nỗi lo như trên không?

6. Làm từ thiện để chụp ảnh khoe facebook, tranh thủ thăm quan!!

Được biết một nhóm sinh viên mới đi làm từ thiện về. Nói chuyện với một bạn sinh viên trong nhóm ấy,tôi hỏi rằng:

- Em cảm thấy thế nào trong chuyến đi làm từ thiện vừa rồi?

- Dạ, em cảm thấy rất hạnh phúc ạ!

Tôi nghĩ chắc do việc giúp người thường đem lại cảm giác ấy. Tuy nhiên, tôi vẫn hỏi:

- Vì sao em cảm thấy hạnh phúc?

Em đã cho một câu trả lời khá làm tôi bất ngờ và phải suy nghĩ về câu hỏi làm từ thiện để làm gì. Câu trả lời của em như sau:

-Vì chúng em được chụp rất nhiều ảnh đẹp rồi chia sẻ lên facebook nhiều người biết đến, thu hút được rất nhiều lượt like. Chúng em còn được đi du lịch, thăm quan nữa ạ. Phong cảnh ở đó rất nên thơ!

Chẳng lẽ làm từ thiện vì lý do đó, tôi tìm kiếm một  động cơ khác, nhưng vẫn tiếp tục thất vọng:

- Còn lý do nào làm em cảm thấy hạnh phúc nữa không?

Em cũng chưa nghĩ ra ạ!

Có lẽ em chưa nghĩ ra vì còn bận chụp ảnh chăng!

Còn bạn, bạn làm từ thiện vì ai?

1. Vì mình

2. Vì người

3. Vì bị ép buộc

Quan điểm của mình là làm từ thiện là việc tốt, rất tốt; nhưng không phải việc hành thiện nào cũng tốt. Nó phụ thuộc vào động cơ của việc làm: vì ai, để làm gì? Sự giúp đỡ ở mức cao nhất, Maimonides, triết gia Do Thái ở thế kỷ 12 đã viết, là sự giúp đỡ mà qua đó người nhận vẫn giữ được lòng tự trọng và nhân phẩm của mình. Vậy việc giúp đỡ người khác không phải vì họ, họ biết họ sẽ cảm thấy thế nào đây?

T.Giảng - Ohay TV

Có thể bạn sẽ thích:

Chủ đề chính: #làm_từ_thiện

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn